Trọng Nghĩa
Vào lúc rất nhiều nước phương Tây lo ngại trước việc Taliban trở lại cầm quyền tại Afghanistan, Trung Quốc là một trong những nước công khai ủng hộ lực lượng Hồi Giáo cực đoan, ngay cả trước khi phe này chiếm được thủ đô Kabul hôm 15/08/2021. Đối với giới phân tích, Bắc Kinh đã biết lợi dụng thời cơ để tăng cường ảnh hưởng đối với một nước có thể mang lại cho Trung Quốc rất nhiều lợi ích an ninh và kinh tế.
Một trong những hành động cụ thể đầu tiên mà Bắc Kinh thể hiện nhằm chiêu dụ Taliban là cho thấy thái độ sẵn sàng làm chỗ dựa cho phe này tại Liên Hiệp Quốc.
Theo nhật báo Pháp Sud-Ouest (ngày 16/08), tại phiên họp bất thường của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 16/08 để thảo luận về Afghanistan, một hôm sau ngày thủ đô Kabul thất thủ, Trung Quốc và Nga đã ngăn chặn mọi đề nghị lên án lực lượng Taliban.
Hậu thuẫn về mặt ngoại giao cho những chủ nhân mới tại Kabul, vốn đang rất cần đến sự công nhận của quốc tế, là một con chủ bài mà Trung Quốc có trong tay để lấy lòng phe Taliban. Theo các nhà ngoại giao, Bắc Kinh sẵn sàng chính thức công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể vận động tại Liên Hiệp Quốc để tìm cách chấm dứt việc xem Taliban là một tổ chức “khủng bố”, mặc dù để đạt được điều này, Bắc Kinh phải có sự hợp tác của Hoa Kỳ và do đó được coi là một mục tiêu dài hạn hơn.
Bên cạnh ngoại giao là lá bài kinh tế. Nhật báo Anh Financial Times (18/08), trích dẫn một số nhà ngoại giao cấp cao châu Á xin giấu tên, cho biết là Bắc Kinh sẵn sàng chi hàng trăm triệu đô la để tài trợ cho việc tái thiết các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Afghanistan. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án khai thác tài nguyên có thể được bơm vào nước này ngay sau khi trật tự trong nền kinh tế Afghanistan được khôi phục.
Đối với một nước thuộc diện nghèo nhất thế giới, đầu tư Trung Quốc chắc chắn là điều mà giới lãnh đạo Taliban không thể bỏ qua, nhất là khi Trung Quốc có vẻ như không quan tâm đến những vấn đề như tự do, dân chủ, nhân quyền mà phương Tây thường hay nêu bật.
Dĩ nhiên là khi sẵn sàng giúp đỡ Taliban, Trung Quốc cũng nhắm vào những lợi ích riêng của mình.
Trước hết là trong lãnh vực kinh tế. Trả lời nhật báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 18/08, Marc Julienne, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, cho biết Bắc Kinh đang nhòm ngó trữ lượng đất hiếm đáng kể tại Afghanistan, rất cần cho ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc. Trong lòng đất của nước này còn có rất nhiều quặng lithium, một kim loại cần thiết cho pin.
Ngoài ra, Afghanistan còn chiếm một vị trí địa lý quan trọng trên những con đường tơ lụa mới mà Bắc Kinh đang xây dựng, đặc biệt Hành Lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Đó là chưa kể đến thị trường tái thiết Afghanistan mà một “đại gia” trong lãnh vực xây dựng như Trung Quốc rất quan tâm.
Vấn đề an ninh cũng rất quan trọng, nhất là khủng bố Hồi Giáo xuất phát từ thực tế đàn áp Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ngay từ tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã trải thảm đỏ đón một phái đoàn cấp cao của Taliban do chính ông Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu Bộ Chính trị Taliban, dẫn đầu.
Tại cuộc họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, nhân vật lãnh đạo cao cấp của Taliban đã hứa là sẽ không để cho Afghanistan trở thành hang ổ cho các lực lượng khủng bố đe dọa Trung Quốc.