Pakistan: Nạn nhân của trò chơi hai mặt với Taliban ?

Trọng Thành

Người Pakistan, với cờ của Taliban, đứng đón một người vừa được thả ra khỏi nhà tù và được đưa về cửa khẩu Hữu Nghị ở tỉnh Chaman (Pakstan) giáp giới với Afghanistan ngày 17/08/2021. REUTERS – STRINGER

Hoa Kỳ rút lui, chính quyền thân Mỹ sụp đổ, Taliban chiếm Kabul. Các quốc gia nào sẵn sàng kết giao với những ông chủ mới của Kabul ? Nếu như Trung Quốc sẵn sàng thiếp lập quan hệ ngoại giao với chế độ Hồi Giáo, thì Pakistan tỏ ra rất dè dặt. Vì sao Pakistan, quốc gia từng mang lại các hậu thuẫn quan trọng và lâu dài cho Taliban lại thận trọng trước các ông chủ mới ở Kabul ?

Theo nhiều nhà quan sát, trong chiến thắng vừa qua của lực lượng Taliban tại Afghanistan, không thể bỏ qua vai trò đáng kể của Pakistan. Trong số các quốc gia láng giềng, Pakistan đã can dự vào Afghanistan nhiều nhất. Islamabad bắt đầu hậu thuẫn lực lượng Taliban ít lâu sau khi phong trào Hồi Giáo thành lập năm 1994. Vũ khí, nhiên liệu và kể cả chiến binh đã được cung cấp cho Taliban trong cuộc nội chiến chống lại Liên Minh Phương Bắc. Ngay sau khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001, Islamabad đã dành cho tàn quân Taliban hậu phương vững chắc trên lãnh thổ nước này. Cũng như trong giai đoạn trước, chính quyền Pakistan tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của Taliban, đặc biệt thông qua cơ quan tình báo quốc gia (ISI), kể cả đưa người chiến đấu trong hàng ngũ Taliban. Chính quyền Islamabad cũng đóng vai trò quyết định trong môi giới đàm phán giữa Taliban và chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump tại Qatar.  

Hai lý do khiến Pakistan giúp Taliban
Có hai lý chính khiến Islamabad hậu thuẫn Taliban. Lý do thứ nhất là nhằm đối trọng lại với ảnh hưởng của Ấn Độ. Một chính quyền Afghanistan thân Ấn Độ ở phía Bắc sẽ đặt Pakistan trong thế gọng kìm.

Lý do thứ hai là phong trào đòi độc lập của người Pachtoun,sắc tộc chiếm 15% dân số Pakistan, với khoảng 40 triệu người, sống sát vùng biên giới Afghanistan. Pachtoun cũng là sắc tộc đa số ở Afghanistan với gần 14 triệu dân, chiếm khoảng 40% dân số. Chính quyền Islamabad coi sự đoàn kết của những người Pachtoun ở hai bên biên giới là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Tính toán của Islamabad là một mũi tên nhắm hai mục đích: việc hậu thuẫn phong trào Taliban thuộc sắc tộc Pachtoun cho phép Pakistan giành được lợi thế chiến lược với Ấn Độ.  

Thúc đẩy ý thức hệ Hồi Giáo, ý thức hệ Taliban, trong cộng đồng người Pachtoun, nhằm xóa mờ tình cảm sắc tộc ở người Pachtoun là chủ trương của Islamabad. Tuy nhiên, bởi lực lượng Taliban không thuần nhất, mà thái độ của Pakistan với Taliban cũng mang tính hai mặt. Islamabad phân biệt hai loại Taliban, « Taliban tốt » với « Taliban xấu », theo diễn đạt của nhà báo Kunwar Khuldune Shahid, thông tín viên của The Diplomat tại Pakistan.  « Taliban tốt » là lực lượng Taliban chiến đấu vì các mục tiêu có lợi cho các lợi ích chiến lược của Pakistan. « Taliban xấu » cũng là những người theo cùng ý thức hệ Hồi Giáo này, nhưng bị coi là « xấu », vì là những thành phần khủng bố tấn công Pakistan. Thái độ mang tính hai mặt với phong trào Taliban của Islamabad được duy trì chừng nào phe Taliban chưa chiếm được chính quyền.  

Hành động bất ngờ của ông chủ mới
Ngay khi Taliban chiếm được Kabul, tình thế đã thay đổi. Taliban mở cửa nhà tù, trả tự do 2.300 thành phần cốt cán của phong trào Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), tức lực lượng « Taliban Pakistan », phe Taliban mà chính quyền Islamabad vốn coi như kẻ thù. Chỉ ít ngày sau khi vào thủ đô Kabul, theo nhiều nguồn tin khu vực, phe Taliban Hồi Giáo đã sớm tiếp xúc với chính quyền New Delhi, khẳng định vấn đề vùng lãnh thổ tranh chấp lâu đời Cachemire, giữa Ấn Độ và Pakistan theo đạo Hồi là chuyện « nội bộ và song phương » giữa hai nước.  

Nỗ lực biến Taliban thành một thế lực chư hầu của Pakistan bất thành. Không những thế, nỗi lo khủng bố do các lực lượng Taliban Pakistan tiến hành đang ngày càng trở thành nguy cơ nhãn tiền. Theo một số thông tin báo chí tại chỗ, trong những tuần gần đây, đã xảy ra một số cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng quân đội Pakistan, với tác giả không ai khác hơn là phong trào TTP, đang được thêm vây, thêm cánh với đà chiến thắng của Taliban tại Afghanistan.  

Islamabad phản ứng dè dặt
Thắng lợi của Taliban tại Afghanistan đặt Pakistan trước hàng loạt áp lực, từ đe dọa khủng bố đến làn sóng tị nạn tràn qua đường biên giới dài khoảng 2.400 km giữa hai nước, thêm vào khoảng 3 triệu người Afghanistan tị nạn trong nước sẵn có. Chưa kể việc Islamabad có nguy cơ bị kẹp giữa một bên là lực lượng Taliban đã « vượt tầm kiểm soát » và bên kia là các đòi hỏi từ phía quốc tế buộc Pakistan phải có trách nhiệm chi phối thế lực vốn vẫn được coi là đồng minh, như nhận xét của cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani trên trang mạng Thụy Sĩ Le Temps.  

Phản ứng của chính quyền Islamabad trước thắng lợi của Taliban đầy tương phản. Hôm thứ Hai, 16/08, một ngày sau khi Taliban tiến vào Kabul, tổng thống Pakistan Imran Khan ca ngợi « người dân Afghanistan đã phá bỏ được xiềng xích nô lệ ». Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, 17/08, bộ trưởng Nội Vụ Pakistan, Rashid Ahmed, cảnh báo với đầy lo ngại : « Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền Afghanistan sẽ không cho phép lãnh thổ nước mình được sử dụng để chống lại Pakistan ».  

Thế cờ đảo ngược  
Thắng lợi của Taliban tại Afghanistan có thể khiến Pakistan phải trả giá rất đắt. Trò chơi hai mặt của Pakistan với Taliban, cũng như với Hoa Kỳ trong hơn 20 năm gần đây, đang để lại những hậu quả khó lường với cường quốc Hồi Giáo Nam Á này. Nhà báo Kunwar Khuldune Shahid của The Diplomat, trong bài phân tích mang tựa đề « Taliban sử dụng Pakistan như thế nào », dự đoán phe Taliban có thể sử dụng đúng sách lược hai mặt để xử sự với chính quyền Pakistan. Cũng có nghĩa là sẽ có « Pakistan tốt »« Pakistan xấu ». « Pakistan tốt » gồm những ai giúp Taliban đối phó với phương Tây, như Islamabad đã làm, còn từ giờ trở đi sẽ có thêm « Pakistan xấu », gồm những ai bắt buộc Taliban phải có nghĩa vụ với Pakistan về mặt địa chính trị hay ý thức hệ.  

Theo nhà báo của The Diplomat, Pakistan không chỉ bị nạn khủng bố thánh chiến từ Afghanistan đe dọa, mà bản thân hệ thống chính trị của Pakistan – vốn đã bị cuốn sâu vào cuộc xung đột Afghanistan – sẽ tiếp tục chịu thêm những ảnh hưởng của tư tưởng Hồi Giáo cực đoan Taliban. Tình hình sẽ càng tồi tệ hơn với xã hội Pakistan trong bối cảnh sự chi phối của Trung Quốc ngày càng thêm mạnh tại quốc gia này. Trong tương lai, không loại trừ Taliban và Trung Quốc thỏa thuận về nhiều vấn đề liên quan đến Pakistan.  

Related posts