Tin Việt Nam sáng thứ Bảy

Vừa bị kỷ luật, Chánh Thanh tra Hà Nội được giao đánh giá công tác phòng chống tham nhũng

Hiểu Minh

Ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội (ảnh: Người lao Động).

Vừa nhận kỷ luật ban hành kết luận thanh tra, trong đó bỏ qua các sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung, Ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP. Hà Nội được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Hà Nội.

Theo Người lao Động, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, vừa ký Quyết định số 3972/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của UBND TP. Hà Nội.

Theo đó, Tổ công tác đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của UBND TP. Hà Nội gồm 11 người, trong đó ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP. Hà Nội, làm Tổ trưởng.

Đáng chú ý, trước đó ngày 4/8, ông Nguyễn An Huy đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo có liên quan đến vụ án ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch TP. Hà Nội.

Nguyên nhân ông Nguyễn An Huy bị kỷ luật vì liên quan đến vụ án ông Nguyễn Đức Chung

Cụ thể theo Thanh Niên, khi báo chí phản ánh việc gia đình bị can Nguyễn Đức Chung có liên quan đến việc mua, bán chế phẩm Redoxy 3C, bị can Chung đã chỉ đạo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch TP. Hà Nội, ký quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trong quá trình đang tiến hành thanh tra và xác định có một số sai phạm, ông Chung đã nhiều lần tổ chức họp, chỉ đạo, định hướng Thanh tra TP. Hà Nội kết luận theo hướng không có sai phạm gì.
Trên thực tế, ngày 12/2/2020, Chánh thanh tra TP. Hà Nội Nguyễn An Huy đã ký ban hành Kết luận Thanh tra số 555 về việc mua sắm, quản lý và sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm các hồ ở Hà Nội. Kết luận này chỉ rõ ra nhiều sai phạm của các đơn vị chức năng TP. Hà Nội trong việc mua sắm chế phẩm hóa chất Redoxy 3C với giá trị lớn nhưng không qua đấu thầu.

Tuy nhiên, chỉ 14 ngày sau khi ký ban hành Kết luận thanh tra số 555, ngày 26/2/2020, ông Nguyễn An Huy ký ban hành Kết luận thanh tra số 794, trong đó nêu rõ “kết luận này thay thế Kết luận số 555/KL-TTTP-PCTN ngày 12/2/2020”, mà không nêu rõ bất cứ lý do nào.

So sánh giữa 2 kết luận cho thấy có sự khác biệt rõ rệt về đánh giá sai phạm cũng như xử lý trách nhiệm của các cơ quan liên quan ở chỗ, Kết luận số 794 đã “đục bỏ” nhiều sai phạm mà Kết luận số 555 đã nhắc.

Chính vì thế, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị xử lý trách nhiệm của nhiều cán bộ thanh tra thuộc Thanh tra TP. Hà Nội do đã “đục bỏ” các sai phạm tại kết luận thanh tra.

TP.HCM: Cứ 10 người thì 9 người muốn về quê, vì sao?

Hiểu Minh

Nhiều người dân về quê vạ vật ở cửa ngõ TP.HCM ngày 15/8 (ảnh: Thanh Niên/VnExpress).

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam vật vã với cuộc chiến khốc liệt COVID-19, hầu hết người dân ở các tỉnh, thành đang sinh sống tại tâm dịch này mong mỏi được hồi hương. Và việc các địa phương đón bà con về quê sẽ phần nào giúp TP.HCM và các tỉnh vơi bớt gánh nặng.

Ngoài một số tỉnh đang tích cực thực hiện kế hoạch đưa bà con hồi hương bài bản, an toàn, hoặc trợ giúp tại chỗ, nhiều tỉnh có đông người đang làm ăn tại TP.HCM, Bình Dương… vẫn im hơi lặng tiếng, không có động thái chia lửa.

Cứ 10 người thì 9 người muốn về quê, vì sao?

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội cho VTC biết, theo kết quả khảo sát của Viện ở thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào tháng 4/2021, có khá nhiều người chần chừ, muốn nán lại TP.HCM, Bình Dương vì họ tin rằng có thể cầm cự được đến khi hết dịch. Mặt khác, họ sợ về quê sẽ bị kỳ thị, mất công việc hiện tại, ảnh hưởng gia đình và địa phương.

Thế nhưng, tình thế hiện giờ đã khác. Cứ 10 người được hỏi thì có đến 9 người mong muốn được về quê.

Ông Lộc cho rằng đã đến lúc các tỉnh thành trong cả nước cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, và sớm có biện pháp đưa công dân hồi hương. Đó cũng là một trong những điều tiên quyết để giúp TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam có thể chặn đứng dịch bệnh.

Đầu tiên, việc đưa công dân về quê sẽ giảm bớt áp lực cho lực lượng chống dịch đang ngày đêm ngăn cản lượng người đổ về. Thứ hai là giảm tải áp lực cho TP.HCM và các tỉnh vì phải chăm sóc quá nhiều đối tượng.

Thứ ba, sau hơn 2 tháng bị đại dịch COVID-19 “điểm huyệt”, hàng loạt công ty, xí nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương… buộc đóng cửa. Điều này đồng nghĩa với hàng trăm nghìn công nhân mất việc. Thêm vào đó, nhiều tỉnh thành đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16 cũng khiến một bộ phận không nhỏ người lao động tự do lao đao, không thể xoay xở, buộc phải ra đường kiếm ăn.

Thứ tư, người lao động không may nhiễm bệnh thì ở tại các tỉnh thành vẫn còn có khả năng sớm được cứu chữa so với TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh thành đang trong tình trạng quá tải.

Trên thực tế, Sài Gòn và nhiều tỉnh phía Nam cũng đã có hàng chục biện pháp để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, thế nhưng theo ông Lộc thì hiện tại các địa phương này cũng đang kiệt sức.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: “Một tín hiệu đáng mừng là một số tỉnh thành đã giải quyết cho người dân hồi hương an toàn. Điều này cho thấy chính sách nhân đạo, chăm lo cho người dân của những địa phương này rất tốt. Dù vậy, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận là con số này rất nhỏ, còn rất nhiều người muốn trở về nhưng không thể.

Vì không thể cầm cự thêm, những người còn lại buộc gọi nhau, tập trung về bằng xe máy. Điều này đang rất không ổn, có thể phá vỡ nỗ lực chống dịch của TP.HCM và các tỉnh thành khác. Bởi khi di chuyển tự phát, đi qua nhiều tỉnh thành thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, khó truy vết”.

Ông Lộc cho rằng, một kịch bản không tốt đang được lặp lại. Trước đây, thời điểm Việt Nam đang kiểm soát dịch COVID-19 rất tốt, chính phủ đã không ngần ngại tổ chức các chuyến bay nhân đạo đón bà con ở nước ngoài về quê. Song, cũng có những người chưa tiếp cận được.

Bởi vậy, họ phát sinh tâm lý “xé rào” để về quê bằng mọi cách. Họ băng theo các đường mòn, lối tắt, thậm chí sẵn sàng vượt biên để trở về. Và bây giờ, điều tương tự đang diễn ra, nhưng phạm vi thu nhỏ lại.

Việc thiếu đói ở dưới ngưỡng sinh tồn sẽ khiến nhiều người không còn đủ lý trí tuân thủ giãn cách. Họ buộc phải đi kiếm cơm gạo, quay trở về, khiến chính sách truy vết chống dịch phải “chạy đuổi theo”, hoặc có thể “bần cùng sinh đạo tặc” như dân gian đúc kết.

Đặc biệt, lượng lao động phi chính thức, lao động di cư chiếm tỉ lệ rất lớn trong các đô thị sẽ cần có hình thức hỗ trợ riêng, vì đây là nhóm dễ tổn thương nhất, hầu như không có “lưới an sinh” bao phủ từ trước đại dịch.

Ông Lộc đề nghị: “Ngay lúc này, các tỉnh cần hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các công dân của mình. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của chính quyền, của người dân tỉnh nhà đối với con em mình”.

Hiện tâm dịch COVID-19 đang ở TP.HCM, thêo Bộ y tế, chỉ trong ngày 19/8 TP này đã ghi nhận TP.HCM 4.425 ca, số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 164.342 ca.

Trong ngày 19/8, TP.HCM cũng ghi nhận thêm 307 bệnh nhân COVID-19 tử vong. đến chiều 20/8, nguồn tin trên báo VnExpress cho hay, TP.HCM có hơn 2.300 F0 nặng, nguy kịch.

Nguồn tin trên cho hay, từ 0h ngày 23/8, Sài Gòn tăng cường biện pháp chống COVID-19 với yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố…

Như vậy, để ứng phó diễn biến dịch bệnh phức tạp, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 5 đến nay, TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp giãn cách xã hội với các cấp độ thắt chặt tăng dần.

Cụ thể, từ 31/5 đến 14/6 thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15, từ 15/6 đến 8/7 giãn cách theo Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, từ 9/7 đến 15/9 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Trong đó có 26 ngày TP.HCM áp dụng thêm các biện pháp tăng cường như cấm ra đường, ngưng các hoạt động không thiết yếu sau 18h…

Thêm 10.657 ca COVID-19

VnExpress – Trong 10.657 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 20/8 có 10.650 ca ở 43 tỉnh thành, tăng 11 ca so với hôm qua; 12.756 người khỏi bệnh; 390 ca tử vong.

Hôm nay số ca nhiễm ở Bình Dương là 4.223, tăng 968 ca, cao hơn số ca nhiễm trong ngày tại TP.HCM. TP.HCM giảm 1.050 ca, Đồng Nai tăng 29 ca, Long An giảm 50 ca, Tiền Giang giảm 111 ca.

Cụ thể, 10.650 ca ghi nhận tại: Bình Dương 4.223 ca, TP.HCM 3.375, Đồng Nai 686, Long An 495, Tiền Giang 367, Đà Nẵng 167, Đồng Tháp 156, Cần Thơ 147 và Khánh Hòa đều 147, Tây Ninh 122, An Giang 111, Hà Nội 72, Nghệ An và Thừa Thiên Huế đều 61 ca, Bến Tre 59, Bà Rịa – Vũng Tàu 57, Đăk Lăk 56, Trà Vinh 47, Bình Thuận 29, Phú Yên 27, Vĩnh Long 23, Bắc Giang 18, Quảng Nam 17, Hà Tĩnh 15, Kiên Giang và Bình Định đều 14, Bình Phước 11, Bắc Ninh và Gia Lai đều 10, Quảng Ngãi, các tỉnh Cà Mau, Lạng Sơn và Quảng Bình 7, các tỉnh Lâm Đồng, Bạc Liêu và Ninh Thuận 4, Thanh Hóa 3, Ninh Bình và Sơn La đều 2, các tỉnh Lào Cai, Quảng Trị, Hà Nam và Hưng Yên mỗi nơi một. Trong đó có 6.132 ca trong cộng đồng.

Ngày 20/8, ghi nhận 390 ca tử vong tại: Sài Gòn 312 ca, Bình Dương 41, Long An 8, Đồng Nai và Tiền Giang mỗi nơi 7, Khánh Hòa và Sóc Trăng đều 3, Cần Thơ 2, các tỉnh thành Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận, Hải Dương, Nam Định và Trà Vinh mỗi nơi một.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 20/8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 319.209 ca, trong đó có 130.041 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Về điều trị, 12.756 người được công bố khỏi bệnh trong ngày 20/8. Tổng số ca được điều trị khỏi: 132.815 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 666 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.

Hơn 2.300 F0 Sài Gòn nặng, nguy kịch

VnExpress – 2.323 F0 nặng đang thở máy, 18 trường hợp can thiệp ECMO, trong tổng số 33.646 bệnh nhân đang điều trị ngày 20/8, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC).

Số F0 nặng và nguy kịch hôm nay tăng thêm 23 ca so với hôm qua, số liệu của CDC. Ngày trước đó, số này tăng thêm gần 50. Bộ Y tế đang cùng TP.HCM thiết lập nhiều khu hồi sức, liên tục nâng công suất giường điều trị bệnh nhân nặng. Chính quyền thành phố đang nỗ lực huy động nhiều biện pháp để giảm F0 nặng, tử vong.

Chống dịch ở Sài Gòn: Quân đội, công an vào cuộc

Tuoitre – Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang ngày 20/8 cho biết quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM, các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân.

Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân TP và các tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.

Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bộ đã đẩy mạnh đào tạo về hồi sức cấp cứu, thậm chí bổ túc khẩn cấp về hồi sức cấp cứu cho cả bác sĩ trong các chuyên ngành khác; trong những ngày tới có thể chi viện thêm 3.000 nhân lực cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Buộc quay đầu nhiều xe chở quan tài từ Sài Gòn về miền Tây

Vtc – Ngày 20/8, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 Thân Cửu Nghĩa thuộc cao tốc TP.HCM- Trung Lương (huyện Châu Thành, Tiền Giang), phát hiện xe cứu thương chở quan tài không có giấy tờ liên quan nên đã buộc quay đầu xe.

Những ngày qua, lực lượng kiểm soát dịch bệnh tại các chốt trên địa bàn Tiền Giang liên tục phát hiện nhiều xe cứu thương, xe dịch vụ tang lễ chở quan tài người mất từ hướng TP.HCM về miền Tây.

Chỉ riêng ngày 19/8, tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương (xã Thân Cửu Nghĩa) và chốt Tân Hương trên QL1 (xã Tân Hương), lực lượng đã phát hiện 10 xe cứu thương, xe dịch vụ mai táng chở quan tài người mất lưu thông từ hướng Sài Gòn về miền Tây.

Khi bị kiểm tra, các lái xe chỉ xuất trình giấy báo tử (nguyên nhân chết vì COVID-19), không có hợp đồng với các cơ sở hỏa táng, vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên bị buộc phải quay đầu xe.

Hà Nội thống nhất tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ sáng 6/9

Thanh Niên – Thông tin trên được Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết tại cuộc họp báo chiều 20/8.

TP cũng liên tiếp ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng tại các khu vực có mật độ dân cư đông, địa bàn phức tạp, ngõ ngách đan xen với các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ thiết yếu đang hoạt động tại khu vực.

Qua công tác xét nghiệm diện rộng, TP bước đầu đã xác định được một số địa bàn và đối tượng nguy cơ rất cao (vùng đỏ và nhóm đỏ), tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ lớn có thể hình thành những ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát.

Related posts