Epochtimes đưa tin, một cuộc khảo sát năm 2021 của Viện Lowy đối với trên 2.200 người Úc trưởng thành cho thấy, trong khi 2/3 người Úc có quan điểm tích cực về con người, văn hóa và lịch sử Trung Quốc, thì 90% người Úc phản đối mạnh mẽ hệ thống chính quyền Trung Quốc, các hoạt động quân sự của ĐCSTQ ở Úc và vụ đầu tư của nhà nước Trung Quốc vào một công ty lớn của Úc.
Khảo sát cũng chỉ ra, tín nhiệm của người Úc đối với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình thấp hơn so với Tổng thống Nga Vladimir Putin và chỉ cao hơn một chút so với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngoài ra, lần đầu tiên, đa số người Úc (63%) cũng coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hơn là đối tác kinh tế.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy, mối lo ngại về việc ĐCSTQ can thiệp vào chính trị Australia đã tăng lên hơn 80%, các cuộc tấn công mạng nước ngoài được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với các lợi ích quan trọng của đất nước này.
Phó giáo sư tại Đại học Sydney và chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung Salvator Babone nói với Epochtimes rằng, sự thay đổi thái độ của người Úc đối với ĐCSTQ “không có gì đáng ngạc nhiên” vì “hầu hết mọi người sẽ bảo vệ đất nước của họ khi đối mặt với các cuộc tấn công nước ngoài”
Còn Giám đốc Chương trình Chính sách Đối ngoại của Viện Lowy, Natasha Kassam, nhận định: “Danh sách vô tận về những tác nhân gây khó chịu song phương [giữa Úc và Trung Quốc] và những câu chuyện liên quan – từ đàn áp ở Hồng Kông đến việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, các lệnh trừng phạt đối với các ngành công nghiệp của Úc và hoàn cảnh của công dân Úc ở Trung Quốc – đã thúc đẩy mối quan hệ và khiến nhận thức của công chúng [Úc về ĐCSTQ] xuống đến đáy”.
ĐCSTQ muốn gây ảnh hưởng dư luận
Chuyên gia Salvator cảnh báo, trong khi người Úc phản đối ĐCSTQ, Bắc Kinh đang tìm cách lật ngược tình thế bằng cách sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các phương tiện truyền thông tiếng Trung cũng như các mạng xã hội ở Úc.
Ông nói với Epochtimes: “Ảnh hưởng của [ĐCS] Trung Quốc tác động thông qua các phương tiện truyền thông tiếng Trung nguy hiểm hơn nhiều so với bất cứ điều gì xảy ra trên mạng xã hội”.
Ông Salvator cũng lưu ý rằng, trong khi ở một mức độ nào đó, tất cả các quốc gia đều tìm cách tác động đến dư luận nhưng sự khác biệt là ĐCSTQ thực hiện điều này một cách bí mật, “thông qua dối trá và lừa dối”.
Ông nói “Hoa Kỳ tìm cách gây ảnh hưởng đến dư luận toàn cầu bằng Đài tiếng nói Hoa Kỳ [VOA]. Nhưng VOA không được phép nói dối. [Các cơ quan truyền thông nhà nước] của Trung Quốc được phép nói dối. Và tôi nghĩ đó là vấn đề.”
Vào năm 2020, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) lưu ý rằng, ĐCSTQ đã nỗ lực để thâm nhập vào môi trường truyền thông Úc trong hơn 20 năm qua.
Viện Chính sách Chiến lược Úc cũng phát hiện rằng, 17 trên tổng số 24 cơ quan truyền thông tiếng Trung của Úc đã tham gia diễn đàn của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất cho giới truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài. Mà Ban Công tác Mặt trận Thống nhất này lại là cơ quan xâm nhập ra nước ngoài hàng đầu của ĐCSTQ.
Viện Chính sách Chiến lược Úc cho biết “Nó [ĐCSTQ] tìm cách kiểm soát sự đại diện [của mình] trong các cộng đồng người Trung Quốc, khuyến khích vận động chính trị ủng hộ ĐCSTQ và xây dựng các nền tảng cho các nỗ lực can thiệp chính trị rộng lớn hơn”.