Ngọc Mai
Theo một bộ dữ liệu do Cục Nội vụ Trung Quốc công bố gần đây, những người thuộc thế hệ 9x ở Trung Quốc hiện có khoảng 170 triệu, với tỷ lệ nam nữ là 54 nam/46 nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ đăng ký kết hôn của những người thuộc thế hệ này không quá 10 triệu cặp, tỷ lệ kết hôn chỉ hơn 10% một chút. Không chỉ vậy, trong số những người đã kết hôn thuộc thế hệ này, tỷ lệ ly hôn cao tới 35%.
Chia sẻ với Đài Á Châu Tự do, Tất Hâm (Bi Xin), một nhà xã hội học nghiên cứu các vấn đề về giới trẻ ở Trung Quốc đại lục cho biết, trong tình hình hiện nay, quan niệm về hôn nhân của giới trẻ đã có những thay đổi cơ bản. Trước hết, giới trẻ coi hôn nhân như một loại trói buộc.
Vị chuyên gia cho biết thêm: “Đồng thời, do chi phí kết hôn và sinh con quá cao, [nếu] thu nhập không ổn định thì chi phí sinh hoạt cũng tăng lên khiến việc lập gia đình càng khó khăn hơn. Một số thanh niên còn không muốn lập gia đình chứ chưa nói đến chuyện sinh con”.
Thanh niên không muốn kết hôn, vấn đề xã hội già hóa càng tồi tệ hơn
Một tháng trước, Tân Hoa Xã đưa tin, năm ngoái tại Trung Quốc đại lục chỉ có khoảng 8,3 triệu lượt đăng ký kết hôn trên toàn quốc, con số này giảm trong 7 năm liên tiếp. So với cha mẹ của họ, ngày càng có nhiều người thế hệ 80 và 90 coi việc sống độc thân là một lựa chọn bình thường. “Tuổi 30 chưa lấy chồng” và những hiện tượng khác không mấy ngạc nhiên trong giới trẻ Trung Quốc.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, từ năm 1990 đến 2017, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Trung Quốc đã bị chậm hơn 4 năm, từ 21,4 xuống 25,7 tuổi, và con số này tiếp tục tăng cao. Việc chính thức thừa nhận rằng “ngày càng nhiều thanh niên đến tuổi không muốn kết hôn” đã dẫn đến vấn đề già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng.
Tỷ lệ kết hôn thấp đã trở thành một nhân tố gây mất ổn định xã hội
Ông Hồ, người liên hệ với các tình nguyện viên trẻ tuổi, cho biết, tỷ lệ kết hôn thấp của thanh niên Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc, mà còn ẩn chứa cuộc khủng hoảng bất ổn xã hội.
Ông cho biết: “Xã hội này có quá nhiều vấn đề, đặc biệt là tình hình kinh tế xã hội đã gây áp lực lớn cho giới trẻ. Mặt khác, [giới trẻ] khó tìm được việc làm, không đủ tiền nuôi con, không có niềm tin vào tương lai. Họ không coi trọng hôn nhân. Lợi tức dân số đã duy trì nhiều năm như vậy, hiện tại mới phát hiện khủng hoảng”.
Gia đình là nền tảng của sự ổn định xã hội, học giả Tất Hâm cho rằng: Tỷ lệ kết hôn cao đồng nghĩa ổn định xã hội cao; tỷ lệ kết hôn thấp cùng với tỷ lệ ly hôn cao thì tỷ lệ tội phạm chắc chắn sẽ gia tăng, do đó bất ổn xã hội sẽ gia tăng trong tương lai. Tình trạng già hóa dân số cũng rất nguy hiểm.
Theo số liệu khảo sát do Niên giám thống kê Trung Quốc công bố, kể từ năm 2015, tỷ lệ hộ gia đình một người ở Trung Quốc đã tăng lên qua từng năm, từ khoảng 13% năm 2015 lên 18,4% năm 2019. Điều này cho thấy khuynh hướng sống độc thân tăng lên tại Trung Quốc.