Thanh Hải
Ngày 21/8, thành phố Hohhot, thủ phủ Nội Mông, Trung Quốc thông báo những người chưa được tiêm vắc xin COVID-19 không được phép đi đến nhiều nơi, kể cả cộng đồng dân cư. Tin tức này đã thổi bùng lên sự tức giận của cư dân mạng Trung Quốc, và nhiều người đã đặt câu hỏi “Hệ thống pháp luật tồn tại ở đâu?”.
Theo “Hohhot News Network”, Giới chức Nội Mông thông báo rằng từ ngày 21/8, các cộng đồng dân cư, chợ nông sản, cơ sở y tế, không gian văn phòng, tàu điện ngầm và khu mua sắm các trung tâm thương mại ở Hohhot đều phải thực hiện toàn diện việc kiểm tra chung “hai mã”, bao gồm mã sức khoẻ và mã hồ sơ tiêm chủng vaccine COVID-19. Thông báo cũng tuyên bố rằng các nhà chức trách sẽ “chịu trách nhiệm theo luật và quy định” đối với các ca nhiễm do không tiêm chủng.
Ngay sau thông báo đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng.
Một số cư dân mạng đặt câu hỏi: “Ai đã cho họ quyền? Hệ thống pháp luật có tồn tại không?!”.
Một số cư dân mạng còn tức giận: “Đây là tội ác chống lại loài người, người Trung Quốc không đồng ý thì loạn”.
Có người còn nhấn mạnh: “Trong phạm vi tiêm chủng có ghi rõ các bệnh mãn tính nên thận trọng hoặc không thể tiêm phòng. Đối với nhóm này, các ông (bà) đã xem xét hoàn cảnh của họ chưa?”.
Một số cư dân mạng cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi xem tin này. Dù gì thì tôi cũng đã sống hơn mười năm rồi”, “Công dân có quyền lựa chọn tiêm chủng. Đúng hay không. Cá nhân tôi không phản đối việc tiêm chủng, nhưng cảm thấy khó chịu với lệnh bắt buộc đột ngột như vậy. Cái gì mà tuyên truyền lo cho nhân dân, cái gì mà nhân dân làm chủ đất nước?”.
Không chỉ riêng gì Nội Mông, Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) cho biết chính quyền địa phương khắp nơi ở Trung Quốc đang tích cực quảng bá vaccine COVID-19 và cưỡng chế người dân tiêm chủng. Nếu không tiêm vaccine, họ sẽ bị hạn chế đi lại, không được đi làm và đi học. Chính quyền thậm chí còn liên kết việc tiêm phòng với các cuộc đánh giá, đe dọa sẽ ngừng trả lương. Nhiều nơi còn ra thông báo rằng, các trường hợp không tiêm chủng nếu mắc COVID-19 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mới đây, chính quyền các tỉnh Quảng Tây, An Huy, Giang Tây, và một số nơi khác, đã ra thông báo thực hiện toàn diện việc kiểm tra chung “hai mã”, bao gồm mã sức khoẻ và mã hồ sơ tiêm chủng vaccine COVID-19, thậm chí là “ba mã”, thêm mã lịch trình di chuyển cá nhân. Thông báo cũng nêu rõ, những người không tiêm chủng (trừ trường hợp chống chỉ định) bị mắc COVID-19 sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Như vậy, tất cả người dân đều phải tiêm vaccine.
Ông Trương, một cư dân mạng ở Thiểm Tây cho rằng, việc truy cứu trách nhiệm đối với những người không tiêm vaccine là rất không có đạo lý, “Bởi vì dịch bệnh lần này ở Nam Kinh cho thấy, hơn 100 người bị nhiễm bệnh đều đã được tiêm chủng, chỉ có một người là chưa tiêm. Chính phủ đã chi một khoản tiền rất lớn cho việc tiêm vaccine nhưng không đạt được hiệu quả, do đó chính phủ và các doanh nghiệp liên quan càng phải bị truy cứu trách nhiệm mới đúng”.
Quan chức của quận Hải Hưng, Thương Châu, Hà Bắc thừa nhận rằng quy định này đã khiến người dân các nơi phản ứng dữ dội.
Ông Vương, một người dân ở Thập Yển, Hồ Bắc, đã chỉ trích gay gắt rằng: “Không tiêm thì không cho đi làm ruộng, không tiêm thì cưỡng chế tiêm. Chúng tôi thực sự chán ngán cảnh này, nếu không tiêm họ (chính quyền) sẽ không thu được tiền, nên họ cưỡng chế chúng tôi tiêm, tôi bị ép phải tiêm, không ép thì không ai đồng ý tiêm cả. Ở Thập Yển chúng tôi, nghe nói có vài người bị chết tại chỗ nên không ai dám tiêm”.
Có cư dân mạng bình luận rằng: “Thời đại kế hoạch hóa gia đình còn trốn được sang Tây Tạng. Bây giờ quét mã khắp nơi, đi đâu cũng bị chặn. Không có chỗ nào trốn được nữa”.