Tin thế giới sáng thứ Tư

Biển Đông: Phó TT Mỹ Harris lên án Trung Quốc tiếp tục “hăm dọa” láng giềng

Thu Hằng

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trước báo giới tại Singapore trước khi lên đường sang thăm Việt Nam ngày 24/08/2021. AP – Evelyn Hockstein

Trong ngày làm việc thứ hai tại Singapore, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã cáo buộc đích danh Trung Quốc “hăm dọa” các nước láng giềng ở Biển Đông. Phát biểu ngày 24/08/2021, bà Harris khẳng định Hoa Kỳ “biết rằng Bắc Kinh tiếp tục ép buộc, đe dọa và đưa ra yêu sách đối với phần lớn Biển Đông”.

Tuy nhiên, phó tổng thống Mỹ bác những yêu sách của Trung Quốc vì “trái pháp luật” và “đã bị Tòa Trọng Tài thường trực bác bỏ năm 2016”. Ngoài ra, bà Harris cũng lên án “những hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hoại trật tự thế giới dựa trên luật pháp và đe dọa chủ quyền của những quốc gia” trong vùng.

Theo AFP, bài diễn văn của phó tổng thống Mỹ phản ánh rõ cái nhìn của Hoa Kỳ về Đông Nam Á, khu vực được Washington đánh giá là “quan trọng” trong chính sách “xoay trục sang châu Á” để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.  

Trước đó, ngày 23/08, bà Kamala Harris đã nhắc đến điểm này khi thăm chiến hạm Mỹ tại căn cứ hải quân Changi ở Singapore: “Một phần lớn lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết về chính khu vực này”.

Phía Trung Quốc đã có phản ứng ngay lập tức về phát biểu của phó tổng thống Kamala Harris. Ngày 24/08, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Uông Văn Bân cáo buộc Mỹ “tùy tiện bôi nhọ, đàn áp, ép buộc và bắt nạt các nước khác mà không phải trả giá” để bảo vệ mục tiêu “nước Mỹ trên hết”. Việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan được Trung Quốc nêu làm ví dụ về chính sách đối ngoại “ích kỷ” của Washington.

Trước đó, bà Kamala Harris cũng khẳng định Hoa Kỳ “cam kết lâu dài” ở châu Á, như để trấn an các đối tác khu vực về tình trạng di tản hỗn loạn ở Afghanistan, sau khi Mỹ quyết định rút hết quân trước ngày 31/08. 

Washington đẩy nhanh tiến độ di tản trước thời hạn rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanistan

Thùy Dương|Thụy My

Quân đội Mỹ kiểm soát sân bay quốc tế Hamid Karzai để bảo vệ chiến dịch di tản. Ảnh chụp ngày 17/08/2021. via REUTERS – US AIR FORCE

Chính quyền Mỹ gia tăng tốc độ di tản công dân Mỹ và người nước ngoài khỏi Afghanistan trong bối cảnh chỉ còn 1 tuần là đến ngày 31/08, hạn chót rút hết quân Mỹ khỏi quốc gia Trung Á này như thông báo của tổng thống Joe Biden. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ John Kirby hôm 23/08/2021 nhấn mạnh mục tiêu của Washington là đưa người rời Afghanistan nhiều nhất có thể và nhanh nhất có thể.

Chỉ trong vòng 24 giờ hôm qua đã có 16.000 người được di tản. AFP cho biết, theo một quan chức nhà Trắng, trong vòng 12 tiếng đồng hồ, tính đến 19 giờ (giờ quốc tế) hôm qua, 15 máy bay quân sự và 34 máy bay dân sự của nhiều nước đã cất cánh từ sân bay Kabul.

Cũng trong ngày hôm qua, cho dù nhiều đồng minh như Pháp, Đức đề nghị kéo dài thời hạn quân Mỹ ở lại sân bay Kabul đến sau ngày 31/08 để bảo đảm công tác an ninh cho công tác sơ tán, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Joe Biden tái khẳng định mục tiêu Mỹ sẽ hoàn thành công cuộc di tản trước ngày 31/08, theo đúng thỏa thuận ban đầu.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh phát ngôn viên phe Taliban, Suhail Shaheen, hôm qua cảnh báo ngày 31/08, thời hạn Mỹ phải rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, là « lằn ranh đỏ » và Mỹ triển hạn sự hiện diện ở Afghanistan tức là « kéo dài việc chiếm đóng » nước này. Suhail Shaheen dọa Mỹ và Anh sẽ phải « gánh hậu quả » nếu kéo dài việc di tản quá hạn chót nói trên.

AFP trích dẫn hai nguồn tin từ Taliban theo đó phe Hồi giáo cực đoan sẽ không thông báo việc thành lập chính phủ mới chừng nào binh lính Mỹ vẫn còn tại Afghanistan.

Theo Nhà Trắng, tính từ ngày triển khai cầu không vận 14/08/2021, một ngày trước khi phe Taliban chiếm thủ đô Kabul, Mỹ đã di tản được khoảng 48.000.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho biết chính quyền Mỹ đang liên hệ với Seoul để bàn về khả năng đưa người Afghanistan di tản đến trú ngụ tạm thời ở các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc.  

Afghanistan : Đồng minh G7 đòi Biden kéo dài thời gian di tản

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay 24/08/2021 trong một hội nghị trực tuyến sẽ được các đồng nhiệm G7 đòi hỏi lùi lại hạn chót kết thúc di tản khỏi Afghanistan – được ấn định vào ngày 31/08 – trong khi hàng ngàn người đang tìm cách thoát khỏi phe Taliban.

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ chủ trì hội nghị, cho biết cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 tập trung vào hoạt động di tản và tương lai của Afghanistan. Ưu tiên trước mắt được dành cho việc hoàn tất di tản các công dân cũng như những người Afghanistan đã cộng tác trong 20 năm qua, và trước khi bước sang giai đoạn mới, cộng đồng quốc tế cần thống nhất phương hướng chung về lâu về dài.

Taliban coi hạn định 31/08 là lằn ranh đỏ. Tổng thống Joe Biden, mà việc xử lý cuộc khủng hoảng Afghanistan khiến các đồng minh thân cận nhất cũng bất bình, không loại trừ việc kéo dài chiến dịch di tản sau thời hạn này.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm qua tuyên bố cần có thêm thời gian để sơ tán. Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace nói rằng khó có việc quân đội Anh tiếp tục các hoạt động ở Afghanistan một khi quân Mỹ đã rút đi. Ngoại trưởng Đức Heiko Mass khẳng định cho dù kéo dài thêm vài ngày nữa sau 31/08 cũng không đủ để di tản tất cả những ai muốn ra đi. AFP cho biết Amnesty International kêu gọi Mỹ và đồng minh không nhượng bộ tối hậu thư của Taliban.

Về phía Mỹ, theo Washington Post, giám đốc CIA William Burns hôm qua đã gặp thủ lãnh chính trị của Taliban, giáo chủ Abdul Ghani Baradar, nhưng Nhà Trắng lẫn CIA không xác nhận tin này với Reuters.

Theo Reuters, các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp sẽ tái khẳng định quyết tâm bảo vệ các tiến bộ đã đạt được trong hai thập niên qua, đặc biệt là giáo dục cho các trẻ em gái và quyền phụ nữ. Khả năng trừng phạt kinh tế và ngưng viện trợ quốc tế cũng được nêu ra, nếu Taliban vi phạm nhân quyền hoặc cho phép các nhóm cực đoan, khủng bố hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan.

G7 cũng kêu gọi đoàn kết về chủ trương công nhận hay không chính quyền do Taliban lãnh đạo, cũng như thời điểm của việc này.

Afghanistan : Tiền mặt không còn, Kabul có nguy cơ rơi vào khủng hoảng

Thụy My

Bên cạnh khủng hoảng nhân đạo, liệu Kabul sẽ phải đối phó với khủng hoảng kinh tế ? Gần như không còn một tờ giấy bạc nào lưu hành tại thủ đô Afghanistan. Sợ hãi khi quân Taliban đến, các ngân hàng đều đóng cửa, và cư dân Kabul có nguy cơ cạn tiền.

Từ Kabul, thông tín viên Vincent Souriau gởi về bài phóng sự:

« Chúng tôi đang trên Bank Street – như được mệnh danh – đó là phố Ngân hàng ở Kabul. Nhưng chẳng cần phải thử làm gì, tất cả đều đã đóng cửa từ một tuần qua. Những cánh cửa đã đóng kín, các máy rút tiền đều không sử dụng được. Và nếu người đàn ông này đến gặp chúng tôi, đó là vì ông ta không còn chịu đựng được nữa. Không còn tiền mặt, chẳng còn gì để nuôi gia đình.

Ông nói : « Chúng tôi bắt đầu gặp khó khăn. Một trong những ông chú cho tôi 2.000 đồng Afghani, tương đương gần 20 đô la. Với số tiền này, tôi làm những gì có thể làm : mua một ít bánh mì và gạo cho các con, nhưng đã gần hết tiền rồi. Tôi không ngừng suy nghĩ làm cách nào để thoát khỏi tình cảnh này ».

Cũng có những người lợi dụng tình hình, như Wahidullah. Ông ta ngồi trên một chiếc ghế nhựa, tươi cười cầm một nắm tiền phe phẩy. Đổi tiền, cho vay nặng lãi hay cầm đồ ? Chẳng biết ông ấy làm gì. Và khi hỏi làm thế nào có được tiền trong khi tại Kabul tiền mặt không còn nữa, ông có vẻ lảng tránh: « Tôi tự xoay sở thôi, đây không phải là chính thức. Tôi quen biết những người còn tích trữ được một ít tiền trước khủng hoảng, chúng tôi giúp đỡ nhau ».

Theo lời kể của các nhân chứng, giá các thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, gạo, bột mì đã tăng từ 15 đến 20% kể từ khi Taliban lên nắm quyền ».

Hoa Kỳ: Tiểu bang New York có nữ thống đốc đầu tiên

Thanh Phương

Tân thống đốc tiểu bang New York Kathy Hochul (P) tuyên thệ nhậm chức tại thành phố New York, Mỹ, ngày 24/08/2021. REUTERS – POOL

Hôm 24/08/2021, phó thống đốc Kathy Hochul chính thức nhậm chức thống đốc tiểu bang New York, thay thế ông Andrew Coumo, đã phải từ chức sau khi bị nhiều phụ nữ cáo buộc quấy rối tình dục. Như vậy bà là phụ nữ đầu tiên giữ chức thống đốc bang này.

 Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình:

« Bà Hochul là cánh tay phải của Andrew Cuomo từ năm 2014 và bà chưa từng mong đợi được đẩy lên làm thống đốc bang đông dân thứ tư của Mỹ này. Ngày mà ông Cuomo từ chức, bà đã tuyên bố: « Tôi không hề nghĩ là mình sẽ đạt đến vị trí này, nhưng tôi sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao ».

Ở tuổi 62, là một người ít được dân chúng biết tới, hôm nay bà Hochul nhậm chức và trở thành nữ thống đốc đầu tiên của bang ở New York sau khi dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp chính trị.

Trước khi về làm phó của ông Cuomo, bà đã từng làm vụ trợ lý nghị sĩ tại Washington, rồi tại New York, cho đến khi đắc cử nghị sĩ Quốc hội.

Nói về Hochul, cựu thông đốc bang đánh giá bà là một phụ nữ thông minh và có năng lực. Bà nổi tiếng với cuộc đấu tranh chống bạo hành trong gia đình.

Tại New York, năng lực của bà đã ngay lập tức được kiểm nghiệm: dịch bệnh bùng phát, kinh tế của thành phố vẫn gặp khủng hoảng, thêm vào đó là tình trạng tội phạm…. Danh sách các hồ sơ nóng rất dài.

Sự ra đi của ông Cuomo khởi động cuộc chạy đua tranh cử năm 2022. Nếu như bà Hochul ra tranh chức thống đốc, bà sẽ phải đương đầu với rất nhiều đối thủ khác. »

Pháp: Một người di tản Afghanistan bị tạm giam vì tình nghi có liên hệ với Taliban

Thùy Dương

Cảnh sát đặc nhiệm bảo vệ những người di tản từ Afghanistan về sân bay Roissy Charles-de-Gaulle ,gần Paris, Pháp ngày 18/08/2021. REUTERS – SARAH MEYSSONNIER

Bộ trưởng nội Vụ Pháp, Gérard Darmanin, hôm 24/08/2021, thông báo một người Afghanistan mới được di tản từ Kabul sang Pháp đang bị tạm giam vì đã vi phạm quy định giám sát do chính quyền Pháp đề ra.

Phát biểu trên đài France Info, bộ trưởng Nội Vụ Pháp cho biết người đàn ông nói trên thuộc nhóm 5 người Afghanistan mới được đưa đến Pháp và nằm trong sự theo dõi, giám sát, định vị của Cơ quan An ninh Nội địa Pháp (DGSI) khi đặt chân đến lãnh thổ Pháp, nhưng đã rời khỏi khu vực giám sát « trong vòng vài phút ». Nhóm 5 người này bị nghi ngờ từng có liên hệ với Taliban. Theo phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal, các cuộc điều tra xác minh đang được tiến hành.

Bộ trưởng Gérard Darmanin nhấn mạnh những người Afghanistan trước khi được đưa đến Pháp đều phải quá cảnh ở Abou Dhabi để các cơ quan an ninh Pháp kiểm tra, xác minh, và ông khẳng định không có kẻ hở trong việc kiểm soát những người được di tản từ Afghanistan. Nhưng nhiều quan chức thuộc các đảng đối lập Pháp đã nhân cơ hội này chỉ trích chính sách tiếp nhận di dân Afghanistan của chính quyền Macron. Họ coi đó là một mối nguy đối với an ninh của nước Pháp.

Trên mạng Twitter, bà Valérie Pécresse, chủ tịch vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận), một ứng cử viên tổng thống Pháp 2022, đề nghị chính phủ trục xuất ngay lập tức những người này nếu có bằng chứng cho thấy họ thuộc lực lượng Taliban.

Còn 62 công dân Pháp cần được di tản khỏi Aghanistan

Hôm nay 24/08, một quan chức cấp cao của bộ Ngoại Giao nói với thủ tướng Pháp Jean Castex trước báo giới là Pháp sẽ ngừng cầu không vận vào tối 26/08 nếu Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan vào ngày 31/08. Như vậy là Paris chỉ còn 3 ngày để hoàn thành cuộc di tản công dân Pháp và một số công dân Afghanistan. Bộ Ngoại Giao Pháp cho biết còn 62 công dân Pháp cần được sơ tán và chính phủ đang kiểm tra hồ sơ của những người Afghanistan muốn được di tản.

AFP cho biết, khác với trước đây, lần này đa phần người Afghanistan được Pháp sơ tán khỏi Kabul xuất thân từ giới tinh hoa như bác sĩ, hay những người từng làm việc trong hệ thống cơ quan hành chính của Afghanistan, chẳng hạn như thẩm phán. Ngoài ra, còn có nhiều nhà báo và nghệ sĩ. Một nửa trong số đó là phụ nữ. Đây là những người, do vị thế hoặc nghề nghiệp, hoạt động xã hội, bị phe Taliban coi là thù địch và họ rất cần được bảo vệ. 

Ba Lan xây tường chặn di dân từ Belarus

Thụy My

Người tị nạn Afghanistan từ Belarus đổ về biên giới hy vọng được nhập cảnh vào Ba Lan, ngày 20/08/2021 AP – Michal Kosc

Ngày 23/08/2021, Ba Lan thông báo sẽ xây một bức tường kiên cố dọc theo biên giới với Belarus, đồng thời tăng quân số canh gác để chặn di dân xâm nhập từ nước láng giềng. Ba Lan cùng với ba nước vùng Baltic (Litva, Latvia và Estonia) tố cáo Belarus khuyến khích người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, kêu gọi Liên Hiệp Quốc có biện pháp với chế độ Loukachenko.

Bốn nước trên tuyên bố sẽ bảo vệ người tị nạn theo luật quốc tế, nhưng không chấp nhận việc Belarus dùng di dân như một loại vũ khí. Ba quốc gia Liên Hiệp Châu Âu (EU) có biên giới trên đất liền với Belarus là Litva, Latvia và Ba Lan cố gắng ngăn chận các di dân vượt biên bất hợp pháp, nhưng trong nhiều trường hợp, chính quyền Minsk lại đẩy họ về phía biên giới EU gây bế tắc.

Tại biên giới giữa Ba Lan và Belarus, hiện có khoảng 30 di dân bị kẹt lại từ hai tuần trong các điều kiện “vô nhân đạo”, theo các tổ chức phi chính phủ.

Thông tín viên Damien Simonart ở Vacxava cho biết chi tiết qua phóng sự :

« Đã hơn hai tuần qua, di dân hầu hết là người Afghanistan bị kẹt lại tại một bãi đất trống gần biên giới. Khoảng mấy chục người lính Ba Lan ẩn mặt trong xe, ngăn cản bất kỳ ai đến gần 200 mét. Các tổ chức phi chính phủ cố gắng liên lạc với di dân bằng bộ đàm. Theo bà Katarzyna Regulska, quỹ Ocalenie, các thông tin về những người này là đáng báo động.

Bà Regulska nói : « Cách đây hai giờ, chúng tôi được tin có một người bị khó thở. Tình trạng của những người ở đây đang trầm trọng thêm. Đã nhiều lần chúng tôi gọi bác sĩ hoặc nhân viên cấp cứu, nhưng họ không được cho vào. Theo những gì biết được từ hôm thứ Năm, các di dân nói trên không được cho ăn uống gì. Bây giờ có thể nói thẳng là những người này bị tra tấn ».

Vacvaxa, tự cho là nạn nhân của cuộc tấn công song song từ chế độ Alexandre Loukachenko, muốn bảo vệ bằng mọi giá đường biên giới với Belarus dài gần 500 km.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mariusz Blaszczak loan báo việc xây dựng một bức tường ngay từ tuần tới. Ông tuyên bố : « Một hàng rào thép gai đầu tiên đã bắt đầu được dựng lên từ tháng Bảy, nay đã được 130 km. Và phía sau lớp rào này, chúng tôi sẽ xây lên một bức tường cao hai mét rưỡi ».

Ngoài bức tường, Ba Lan sẽ tăng gấp đôi số quân nhân tại biên giới lên 2.500 người để giám sát ».

Related posts