Tin thế giới sáng thứ Năm

Afghanistan : Biden quyết giữ hạn chót rút quân bất chấp sức ép của EU và G7

Thu Hằng

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về tình hình Afghanistan, tại Nhà Trắng, Washington, ngày 24/08/2021. REUTERS – LEAH MILLIS

Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định ngày 31/08/2021 là hạn chót để rút hết lực lượng khỏi Afghanistan. Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của nhóm G7 ngày 24/08, ông Joe Biden liên tục khẳng định kết thúc « nhiệm vụ sơ tán người dân từ giờ đến ngày 31/08 một cách hiệu quả và an toàn nhất có thể », bất chấp những lời kêu gọi của Liên Hiệp Châu Âu và G7, muốn Hoa Kỳ kéo dài sự hiện diện quân sự ở Kabul đến sau ngày 31/08.

Thông tín viên RFI Loubna Anaki tại New York tường trình :

« Sau cuộc họp với các nước thành viên G7, ông Joe Biden đã hoãn cuộc họp báo hơn 5 tiếng so với dự kiến. Đây có lẽ là dấu hiệu của tất cả các cuộc đàm phán diễn ra trong ngày, vì tổng thống Mỹ đã nói chuyện với nhiều lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc, NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Và có thể nói là ông Joe Biden xuất hiện trước báo giới với vẻ mệt mỏi.

Về cơ bản, ông không thay đổi lập trường. Dù bị gây sức ép trong những ngày qua về việc kéo dài hạn chót 31/08 để sơ tán hết những người phải rời khỏi Afghanistan, tổng thống Mỹ vẫn kiên quyết : Chúng ta đang theo đúng tiến độ để kết thúc trước ngày 31/08.

Ông nhấn mạnh rằng thời gian càng trôi, nguy cơ tấn công nhắm vào các lực lượng phương Tây càng lớn. Tuy nhiên, ông cũng giải thích là đã yêu cầu bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chuẩn bị một kế hoạch trong trường hợp hạn chót cần được triển hạn.

Nguyên thủ quốc gia Mỹ cũng cam đoan là nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo mà ông nói chuyện tối 24/08 về các cuộc di tản hoặc về thái độ cần thể hiện đối với phe Taliban, cũng như tính chính đáng của chính phủ Taliban. Ông Joe Biden giải thích : Chúng tôi sẽ có một chính sách chung và chúng tôi sẽ đánh giá lực lượng Taliban qua hành động của họ ».

Phương Tây chạy đua với thời gian
Phe Taliban liên tục nhắc là « kiên quyết » phản đối mọi triển hạn sơ tán sau hạn chót 31/08 và coi đó là « lằn ranh đỏ ». Trong một cuộc họp báo hôm qua, Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban, lên án Hoa Kỳ và các đồng minh « vơ vét » nguồn nhân lực của đất nước, thường là những người Afghanistan có trình độ cao.

Từ ngày 14/08, đã có hơn 70.000 người được sơ tán khỏi Afghanistan. Hoa Kỳ đã đưa « hơn 4.000 công dân Mỹ và gia đình họ » hồi hương, trong tổng số 48.000 người được Mỹ di tản. Một quan chức bộ Ngoại Giao cho biết vẫn tiếp tục xác định những người Mỹ còn ở lại Afghanistan « để tạo điều kiện cho họ về nước ». Con số này sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.

Phía Pháp cũng sẽ ngừng các chuyến bay di tản trước cuối tuần này do Mỹ duy trì hạn chót 31/08. Theo Reuters, khoảng 100 người Pháp và hơn 2.000 người Afghanistan đã được Pháp sơ tán từ ngày 15/08, thông qua căn cứ quân sự ở Abou Dhabi. Tối 23/08, Ireland cũng điều một nhóm quân đến Afghanistan để hồi hương khoảng 30 công dân và 230 người tị nạn Afghanistan mà Dublin tiếp nhận.

Matxcơva cũng lập cầu không vận đầu tiên để di tản khỏi Afghanistan hơn 500 công dân của Nga và của các nước thành viên Tổ Chức An Ninh Tập Thể (Belarus, Kirghistan, Taddjikistan, Uzebekistan). Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga ngày 25/08 cho biết 4 máy bay vận tải quân sự đã đến thành phố Ulyanovsk. Tuy nhiên, cơ quan đại diện ngoại giao của Nga vẫn được duy trì ở Kabul.


Liên Hiệp Quốc cảnh báo khả năng tội ác chiến tranh ở Afghanistan

Thụy My

Một chiến binh Taliban nói chuyện với một người dân ở một khu chợ ngoài trời ở thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 17/08/2021. AFP – HOSHANG HASHIMI

Phát biểu trong buổi khai mạc cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền về Afghanistan (CDH) hôm 24/08/2021, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet chủ yếu nêu ra « các báo cáo về tình trạng vi phạm có thể coi là tội ác chiến tranh ». Bà vạch ra « lằn ranh đỏ » với Taliban, yêu cầu phe này nên tôn trọng quyền phụ nữ ở Afghanistan.

Bà Bachelet tuyên bố : « Những tuần lễ vừa qua, văn phòng của tôi đã nhận được các bản báo cáo đáng tin cậy và đau lòng về tác động của các vi phạm luật quốc tế đối với thường dân, cũng như vi phạm nhân quyền từ các bên xung đột. Báo cáo của phái đoàn trợ giúp Liên Hiệp Quốc ở Afghanistan cho thấy từ ngày 01/01 đến 30/06 năm nay số nạn nhân là dân thường đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất nhiên là tình hình này càng nặng nề hơn trong tháng Bảy và tháng Tám.

Đặc biệt chúng tôi có được các thông tin khả tín về các vi phạm trầm trọng luật lệ quốc tế và nhân quyền tại nhiều khu vực do Taliban trực tiếp kiểm soát. Chủ yếu là việc hành quyết tùy tiện các thường dân và những thành viên quân đội quốc gia Afghanistan không phải trong lúc họ chiến đấu ; hạn chế các quyền của phụ nữ, kể cả quyền tự do di chuyển và quyền đến trường của các trẻ gái ; bắt trẻ em làm lính ; đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa, trấn áp mọi hình thức bất đồng ».

Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo
Vào lúc chiến dịch di tản sắp kết thúc, các tổ chức nhân đạo cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra dưới chế độ Taliban. Hôm nay 25/08/2021 một nhà ngoại giao NATO cho rằng các nước láng giềng với Afghanistan nên mở cửa biên giới để đón tiếp thêm người tị nạn. Iran, Pakistan, Tadjikistan cần giúp di tản thêm nhiều người bằng đường hàng không lẫn đường bộ.

Các tổ chức cứu trợ nhấn mạnh đến nguy cơ xảy ra nạn đói, dịch bệnh và đàn áp gia tăng đối với hàng triệu người ở lại Afghanistan sau khi cuộc di tản chấm dứt. David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ 200 triệu đô la thực phẩm, nói rằng tình hình rất thảm hại sau nhiều năm hạn hán, chiến tranh, kinh tế xuống dốc, lại thêm Covid-19.

Theo AFP, Ngân hàng Thế giới hôm qua loan báo ngưng viện trợ cho Afghanistan sau khi Taliban kiểm soát Kabul, nhưng vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình để tìm cách hỗ trợ người dân nước này. Ngân hàng Thế giới hiện có khoảng 20 dự án phát triển ở Afghanistan, và từ 2002 đến nay đã tài trợ 5,3 tỉ đô la. Về phía Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ngay từ hôm 18/08 IMF đã thông báo ngưng tài trợ cho Afghanistan, không chuyển giao số tiền đợt cuối 105,6 triệu đô la trong khuôn khổ một chương trình 370 triệu đô la được thông qua từ 06/11/2020.

Báo cáo cho Biden về nguồn gốc Covid-19 chưa kết luận dứt khoát

Thụy My

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 dưới kính hiển vi. Ảnh năm 2020 của Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm – Phòng thí nghiệm Rocky Mountain, Mỹ. AP

Theo báo chí Mỹ ra tối qua, 24/08/2021, báo cáo về nguyên nhân đại dịch Covid-19, mà tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu cơ quan tình báo cung cấp trong vòng 90 ngày, chưa thể giúp kết luận dứt khoát về vấn đề nhạy cảm gây căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Hồi tháng 05/2021, tổng thống Biden đã yêu cầu ngành tình báo Mỹ « gia tăng nỗ lực » để xác định nguồn gốc đại dịch là do virus truyền qua loài vật, hay do rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Hôm qua 24/08, ông Biden đã nhận được bản báo cáo tối mật này, nhưng theo Washington Post, báo cáo này vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng. Wall Street Journal cho biết một phần là do Trung Quốc không cung cấp đủ thông tin.

Theo tiết lộ của hai quan chức với Washington Post, trong những ngày tới cơ quan tình báo Mỹ sẽ cố gắng công bố một phần của bản báo cáo. Reuters dẫn các nguồn tin nắm rõ hồ sơ nói rằng khả năng virus lây qua thú hoang ít có cơ sở.

Giả thiết virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán ở Trung Quốc trong những tháng gần đây đã được nêu bật, cộng đồng khoa học quốc tế liên tục kêu gọi điều tra kỹ càng hơn. Nhưng Bắc Kinh cực lực phản đối, tố cáo Washington lan truyền « thuyết âm mưu », và luôn ngăn chận mọi ý định của nước ngoài muốn tìm kiếm các thông tin cần thiết tại chỗ.

Một viên chức Mỹ nêu ra một số khả năng khác, kể cả việc đòi hỏi Trung Quốc phải cung cấp thêm dữ liệu, dù có thể làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Thomas Wright – thành viên Brookings Institution và đồng tác giả một cuốn sách về đại dịch cùng với Colin Kahl, thứ trưởng Quốc Phòng của Biden – cho rằng khó thể điều tra thực sự, nếu một trong các đối tác chính không chịu hợp tác.

Đại dịch Covid-19 đã làm ít nhất 4.439.888 người chết trên thế giới kể từ ca lây nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán cuối tháng 12/2019, theo tổng kết của AFP từ các thống kê chính thức. Còn theo tính toán của Reuters, cho đến nay, đã có tổng cộng 4,6 triệu người chết vì Covid-19.


Covid-19 : GDP thế giới có thể mất 2.300 tỉ đô la do tiêm chủng chậm

Thu Hằng

Người dân chờ được tiêm vac-xin Trung Quốc Sinopharm, tại Colombo, Sri Lanka, ngày 20/08/2021. REUTERS – DINUKA LIYANAWATTE

Theo một nghiên cứu được công bố ngày 25/08/2021, GDP của thế giới có thể mất 2.300 tỉ đô la trong vòng 3 năm tới, nếu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 không được tăng tốc và nếu vẫn còn tình trạng bất bình đẳng về vac-xin.

Theo trung tâm nghiên cứu The Economist Intelligence Unit (EIU), được AFP trích dẫn, 2/3 thiệt hại rơi vào các nước đang phát triển và sẽ khiến nghèo đói và nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng. Bất bình đẳng về nguồn vac-xin cũng làm trì hoãn sự phục hồi kinh tế của các nước nghèo.

Trong khi hoạt động ở một số nước dần trở lại gần như bình thường nhờ tiêm chủng, dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành tại nhiều nước. Hệ thống y tế « chịu áp lực nghiêm trọng » là hiện trạng chung ở một số nước, như tại thành phố Sydney của Úc, do số ca nhiễm mới hàng ngày đạt mức kỷ lục ( thêm 919 ca vào ngày 25/08 ) và 113 bệnh nhân đang được điều trị trong các khoa hồi sức ở bang New South Wales.

Nhật Bản cũng ghi nhận « số ca nguy kịch tăng đột ngột và hệ thống y tế đang ở thế vô cùng khó khăn », theo phát biểu của bộ trưởng Kinh Tế Yasutoshi Nishimura ngày 25/08. Do đó, chính phủ đang tính đến việc mở rộng tình trạng khẩn cấp ra 8 tỉnh từ ngày 27/08 đến ngày 12/09. Như vậy, có tổng cộng 21 tỉnh được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Còn tại Pháp, tình hình ở tỉnh hải ngoại Martinique vẫn không khả quan. Các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm, được áp dụng từ ngày 30/07, sẽ kéo dài đến hết ngày 19/09.

Nhìn sang Trung Đông, Iran là nước bị dịch nghiêm trọng nhất và đang phải đối phó với đợt dịch thứ 5 do biến thể Delta. Số ca tử vong đã đạt  mức kỉ lục ngày 24/08, với 709 ca trong vòng 24 tiếng, theo số liệu chính thức.

Related posts