Thêm 12,096 ca COVID-19
VnExpress – Tính đến tối hôm qua (25/8), Việt Nam có thêm 12,096 ca nhiễm mới, tăng 1.296 ca so với một ngày trước đó; 7.646 người khỏi; 335 ca tử vong.
12, 093 ca ghi nhận tại: Sài Gòn 5.294 ca, Bình Dương 4.129, Đồng Nai 618, Long An 460, Tiền Giang 319, Đà Nẵng 162, Khánh Hòa 150, Tây Ninh 119, Bình Thuận 106, Hà Nội 96, Nghệ An 95, Đồng Tháp 93, Cần Thơ 90, Bà Rịa – Vũng Tàu 75, An Giang 50, Đăk Lăk 40, Cà Mau 28, Phú Yên 27, Trà Vinh 24, Kiên Giang 23, Bình Định 18, Hà Tĩnh 15, Quảng Nam 9, Bạc Liêu và Bình Phước 7, Ninh Thuận 6, Vĩnh Long và Đăk Nông 5, Sơn La, Hậu Giang, Sóc Trăng đều 4, Thanh Hóa và Bắc Ninh 3, Thái Bình và Quảng Ngãi 2, Quảng Bình một. Trong đó có 7.321 ca trong cộng đồng.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 381.363 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.879 ca nhiễm).
Ý viện trợ 801,600 liều vắc-xin cho Việt Nam
Zing – Ngày 25/8, chính phủ Italy quyết định viện trợ 801,600 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19.
Truyền thông trong nước cho biết đây là kết quả của vận động cấp cao, trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư cho Thủ tướng Italy Mario Draghi đề nghị hỗ trợ vaccine, dự kiến số vaccine này sẽ về tới Việt Nam vào đầu tháng 9.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tất cả hàng hóa đều là thiết yếu
Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết, lúc này phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu trừ hàng cấm, tất cả đều quan trọng.
VnExpress cho biết, ông Nguyễn Văn Thể nêu ý kiến trên tại cuộc họp trực tuyến cùng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các tỉnh, thành chiều 25/8.
Ông Thể nói: “Các phương tiện vận chuyển hàng hóa đều được lưu thông; cấp mã QR code là để tạo ưu tiên khi qua chốt, chỉ tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý nghiêm minh với các vi phạm”.
Bộ trưởng Giao thông cũng đề nghị các chốt khi kiểm soát phải bảo đảm không xảy ra ùn tắc kéo dài, nghiêm trọng; nếu xảy ra ùn tắc phải xả chốt ngay.
Việc cấp QR Code phải tự động toàn bộ, lái xe, chủ phương tiện chủ động cập nhật thông tin nếu có sự thay đổi mà không cần phải làm lại hồ sơ.
Ông Thể cũng yêu cầu các địa phương thống nhất về công nhận kết quả xét nghiệm âm tính của phương pháp RT-PCR và test nhanh, có hiệu lực trong 72h; không yêu cầu cấp giấy đi đường đối với tài xế mà phương tiện đã được cấp giấy nhận diện.
Sài Gòn: F0 trong cộng đồng vẫn tăng rất cao, riêng quận Bình Tân chiếm 100%
Tuoitre – Ca F0 trong cộng đồng tại Sài Gòn vẫn ở mức rất cao. Ngày 25-8, tỉ lệ này chiếm gần 84% tổng số F0 mới, trong đó nhiều quận, huyện ghi nhận hầu hết F0 mới đều là ca cộng đồng.
Đáng chú ý, tại quận Bình Tân, trong ngày 25/8, quận phát sinh 388 ca dương tính thì tất cả đều là ca tầm soát ngoài cộng đồng và trong bệnh viện (chiếm 100%).
Ở các quận 4, 5, 7, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Hóc Môn… tỉ lệ F0 trong cộng đồng so với tổng ca mắc cũng chiếm trên 90% đến gần 100%.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn TP trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0h ngày 23/8. Số lượng F0 dự báo sẽ tăng cho thời gian tới, người dân cần hết sức bình tĩnh.
TP kêu gọi sự thông cảm và chung sức thực hiện các quy định phòng, chống dịch, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Than và dầu tăng giá, EVN nói chi phí mua điện tăng 16.600 tỷ đồng
Nld – Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của đơn vị này.
Theo tập đoàn này, giá nhiên liệu đầu vào tháng 7 và 20 ngày đầu tháng 8 đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, nhất là giá than.
Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân tháng 7 tăng khoảng 17% so với số liệu bình quân tháng trước, và , tăng khoảng 52% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, giá dầu HFSO bình quân tháng 7 tăng 23% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021.
Tập đoàn này nhận định, giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới tăng cao, đã tác động rất lớn tới chi phí mua điện của EVN, với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường.
Đại diện EVN cho hay “Nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì chi phí mua điện của EVN năm 2021 tăng tới 16.600 tỉ đồng”.
Trong khi đó, tình hình thủy văn của các hồ thủy điện ở phía Bắc đến nay không thuận lợi. Hiện đã là cuối tháng 8, tức thời điểm cuối mùa lũ chính vụ, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu lũ về các hồ thủy điện. Do vậy, tình hình tài chính của EVN cả năm 2021 được nhận định sẽ có nhiều khó khăn.