Phản ứng của Pháp và châu Âu sau cuộc đánh bom sân bay Kabul ngày 26/8
Tổng thống Pháp cho biết tình hình an ninh ở Afghanistan “không được kiểm soát” sau khi ít nhất hai vụ nổ xảy ra bên ngoài sân bay Kabul hôm thứ Năm 26/8.
Tổng thống Pháp cho biết tình hình an ninh ở Afghanistan “không được kiểm soát” sau khi ít nhất hai vụ nổ xảy ra bên ngoài sân bay Kabul hôm thứ Năm 26/8, theo The Epoch Times.
Macron nói với các phóng viên ở Ireland khi gặp Thủ tướng Ireland Michael Martin: “Tình hình đã trở nên tồi tệ sâu sắc xung quanh sân bay quân sự.
Ông nói thêm: “Đã vài ngày qua Pháp và các đồng minh khác đã cố gắng hết sức trong tình huống này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy miễn là các điều kiện cho phép tại sân bay. Và tại thời điểm tôi đang nói, chúng tôi đang ở trong một tình huống cực kỳ căng thẳng, dẫn đến việc chúng tôi phải phối hợp với các đồng minh Mỹ của mình và kêu gọi mọi người hãy thận trọng trong tình huống mà chúng tôi không thể kiểm soát này”.
Các vụ nổ ở Kabul khiến quân đội Mỹ và những người khác bị thương hoặc chết, làm gián đoạn nỗ lực sơ tán người Afghanistan và công dân từ các quốc gia trên thế giới.
ISIS đã nhận trách nhiệm.
Các chuyến bay sơ tán và giải cứu của Mỹ và đồng minh NATO vẫn tiếp tục.
BBC đưa tin, it nhất 90 người đã thiệt mạng và 150 người khác bị thương, một quan chức y tế cấp cao ở Kabul nói với BBC.
Taliban không có thương vong nào, mặc dù trước đó, một quan chức Taliban nói với Reuters rằng có 28 thành viên của nhóm này thiệt mạng.
Các quan chức Mỹ đã chốt số người Mỹ chết là 12 người, với 15 binh sĩ khác bị thương, The Epoch Times cho hay.
Những người bị thương đến bệnh viện ở Kabul, Afghanistan vào ngày 26 tháng 8 năm 2021. (Asvaka News qua Reuters)
Macron cho biết tình hình ở Afghanistan là “cực kỳ nguy hiểm” và căng thẳng “đang cực kỳ leo thang”.
Các quan chức Pháp đang thảo luận với Taliban, nhóm khủng bố đang kiểm soát Afghanistan, về việc sơ tán những công dân Pháp còn lại ở nước này, ông Macron nói thêm.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói với các phóng viên tại The Hague rằng một số công dân Hà Lan sẽ không được sơ tán khỏi Afghanistan.
Ông Rutte nói: “Có những công dân Hà Lan cùng gia đình và những người khác mà chúng tôi mong muốn giải cứu về Hà Lan, nhưng chúng tôi không thể”.
Ông tiếp tục cho biết, Hà Lan đang gắng hết sức làm việc với những tổ chức khác để có thể hỗ trợ họ tối đa. “Chúng tôi có thể tiếp xúc với người Pháp, người Đức và Anh, ông Macron, bà Merkel, ông Johnson và các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng và với các nước trong khu vực, để xem cách tốt nhất để làm điều đó”, ông nói thêm, đề cập đến Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Tại Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau phải đối mặt với câu hỏi về việc người thân của một người bị mắc kẹt ở Afghanistan. Họ tuyên bố rằng tay ông ta sẽ dính máu nếu người đó bị giết ở đó.
“Tôi không thể tưởng tượng được nỗi tuyệt vọng, nỗi thống khổ mà rất nhiều cá nhân đang phải đối mặt… đây là một tình huống khủng khiếp,” Trudeau nói, vài giờ sau khi người Canada thông báo họ đã kết thúc nỗ lực sơ tán.
Theo BBC, Truyền thông Nga tiếp tục chỉ trích việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, và các cuộc tấn công mới nhất tại sân bay Kabul càng thêm gia vị cho những lời chỉ trích của Moscow.
Mỹ đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về quyết định dựa vào Taliban để đảm bảo an ninh khu vực vành đai của sân bay Kabul.
“Đó không phải là vấn đề lòng tin, đó là vấn đề lợi ích song phương … nhưng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy rằng đã có sự thông đồng giữa Taliban và ISIS trong việc thực hiện những gì đã xảy ra”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên vào tối thứ Năm.
Trong một cuộc họp giao ban của Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Anthony Blinken đã được hỏi tại sao Mỹ lại chú ý đến những gì Taliban muốn khi chưa có một chính phủ được công nhận hợp pháp nào ở Afghanistan.
Ông Blinken nói: “Taliban, cho dù chúng ta thích hay không thích, đang nắm quyền kiểm soát phần lớn đất nước, chắc chắn kiểm soát thành phố Kabul. Và điều quan trọng là phải làm việc với họ để cố gắng tạo điều kiện và đảm bảo an toàn cho tất cả những người muốn ra đi”.
Bộ trưởng Blinken nói thêm rằng Hoa Kỳ tiếp tục đàm phán với Taliban về những gì sẽ xảy ra sau khi việc rút quân hoàn tất: “Trước đây, ai cũng biết rằng chúng ta đã từng can dự về mặt ngoại giao với Taliban để cố gắng tiến tới một giải pháp hòa bình trong của cuộc xung đột ở Afghanistan”.
Trong bài phát biểu chiều thứ Năm 26/8, 7 tiếng im lặng sau khi xảy ra các vụ nổ ở sân bay Kabul, Tổng thống Biden lên tiếng và nói Mỹ sẽ trừng phạt và bắt ISIS phải trả giá.
NGŨ GIÁC ĐÀI :12 lính Mỹ đã tử trận trong các vụ đánh bom gần sân bay Kabul
12 binh sĩ Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom do nhóm khủng bố ISIS gây ra ở sân bay Kabul thuộc Afghanistan hôm 26/8.
Ngoài ra còn có 15 người khác bị thương, theo lời Tổng tư lệnh CENTCOM Kenneth McKenzie nói với các phóng viên trong một cuộc họp giao ban được tiến hành vài giờ sau vụ tấn công.
Không rõ những binh lính bị thương hoặc thiệt mạng đến từ những cánh quân nào của quân đội Mỹ.
ISIS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, khoe khoang về một kẻ đánh bom liều chết đã “thành công qua mặt tất cả các cổng an ninh” do lực lượng Hoa Kỳ và Taliban đặt ra.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ là ông Lloyd Austin bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc nhất” tới những người thân yêu và đồng đội của những người đã thiệt mạng và bị thương ở Kabul.
Ông cho biết: “Những kẻ khủng bố đã lấy đi mạng sống của họ ngay tại thời điểm những đội quân này đang cố gắng cứu sống những người khác. Chúng tôi thương tiếc cho sự mất mát của họ. Chúng tôi sẽ điều trị vết thương cho họ. Và chúng tôi sẽ hỗ trợ gia đình họ trong những thời khắc chắc chắn là đau buồn tàn khốc nhất. Nhưng chúng tôi sẽ không nản lòng với nhiệm vụ trước mắt. Làm bất cứ điều gì ít hơn – đặc biệt là tại thời điểm này – sẽ làm ô danh mục đích và sự hy sinh của những người đàn ông và phụ nữ này đã mang lại cho đất nước chúng ta và người dân Afghanistan”.
Các vụ đánh bom diễn ra tại hoặc gần Cổng Abbey, nằm ở phía đông của sân bay, vào tối ngày 26/8 theo giờ địa phương.
Một quả bom đã nổ tung ở cổng trước sân bay, khi ít nhất một quả bom khác phát nổ gần khách sạn Baron, nằm cách cổng một đoạn ngắn.
Các bức ảnh cho thấy tình cảnh những người bị thương đẫm máu, với hàng chục người Afghanistan trong số những người bị thương hoặc thiệt mạng.
Hiện vẫn chưa biết tổng số thương vong trong các vụ việc.
Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden đã nhận được thông báo tóm tắt về tình hình ở Washington, cũng như Phó Tổng thống Kamala Harris trong chuyến trở về từ châu Á, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết. Ông Biden và Nhà Trắng đã hủy bỏ hoặc lùi các cuộc họp báo và các cuộc họp đã lên lịch, và không đưa ra tuyên bố chính thức hơn 2 giờ sau khi các vụ đánh bom xảy ra.
Các nhà lãnh đạo thế giới khác cảnh báo rằng, tình hình tại sân bay Kabul đang rất nguy hiểm và không ổn định, khi chỉ còn vài ngày trước khi Hoa Kỳ dự kiến sẽ rút hết số quân còn lại của mình.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên khi đến thăm Ireland: “Những giờ tiếp theo sẽ vẫn cực kỳ nguy hiểm ở Kabul và tại sân bay”.
Trước khi ISIS lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ việc, phía Taliban đã lên án các vụ đánh bom, và một số người tin rằng đây là động thái của ISIS và các chi nhánh của tổ chức khủng bố này.
Trong lúc đó, các thành viên của Quốc hội Mỹ thúc giục ông Biden xuất hiện và giải thích với nước Mỹ về những gì đã xảy ra.
Dân biểu Cộng hòa Fred Keller (Pennsylvania) nói trên mạng xã hội rằng: “Ngày hôm nay, người dân Mỹ cần nghe ý kiến của Tổng thống Biden về kế hoạch đưa mọi người dân Mỹ ra khỏi Afghanistan”.
Dân biểu Cộng hòa Jodey Arrington (Georgia) bổ sung bằng lời kêu gọi: “Tổng thống Biden, hãy nới lỏng cho quân đội của chúng ta để họ có thể làm công việc của mình là đưa mọi người dân Mỹ ra ngoài an toàn và đưa họ ra ngoài ngay bây giờ!”.
ISIS nhận trách nhiệm vụ nổ bom sân bay Kabul, Tướng Mỹ khẳng định sẽ hành động
Nhóm khủng bố ISIS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom ở sân bay Kabul thuộc Afghanistan khiến hàng chục lính Mỹ thiệt mạng.
ISIS đã công bố một bức ảnh của một người đàn ông mà tổ chức này khẳng định là đã tiến hành một trong các vụ đánh bom liều chết. Họ tuyên bố, các vụ nổ là nhằm vào các lực lượng Mỹ và “gián điệp” của họ.
Tổ chức khủng bố này cũng đe dọa sẽ còn có các cuộc tấn công tiếp theo.
Các quả bom được đặt ngay bên ngoài Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, nơi quân đội Mỹ đã canh gác từ giữa tháng Tám.
Hàng chục lính Mỹ thiệt mạng và 15 người khác bị thương.
Tướng Kenneth McKenzie – tổng chỉ huy CENTCOM – cũng xác định ISIS phải chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công. Ông khẳng định, Hoa Kỳ đang chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với nhiều vụ ném bom hơn.
Các quan chức Hoa Kỳ đã cảnh báo trong tuần này về một cuộc tấn công ISIS có thể xảy ra, bao gồm cả trong các cuộc họp giao ban với Quốc hội Mỹ.
Theo Tướng McKenzie, các quan chức quân sự đang tiếp tục phối hợp với Taliban, bao gồm truyền đạt những gì họ mong đợi nhóm khủng bố đó làm “để bảo vệ chúng tôi”, tức quân đội Mỹ. Yêu cầu này bao gồm việc thúc đẩy Taliban mở rộng phạm vi mà nhóm phiến quân đang tuần tra bên ngoài sân bay Kabul.
Theo các quan chức Mỹ, không có dấu hiệu nào cho thấy Taliban đã tham gia vào cuộc tấn công hoặc để cho vụ nổ bom xảy ra.
Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden gần đây đã tuyên bố rằng, bất kỳ hành động nào chống lại quân đội Hoa Kỳ sẽ gây ra phản ứng nhanh chóng. Khi được hỏi về điều đó, Tướng McKenzie nói với các phóng viên rằng, nó sẽ phụ thuộc vào việc xác định vị trí của những kẻ đứng sau vụ tấn công.
Ông nêu rõ: “Nếu chúng tôi có thể tìm thấy ai liên quan đến điều này, chúng tôi sẽ theo dõi họ. Tất cả chúng ta đã rõ ràng rằng chúng tôi sẽ giữ quyền hoạt động chống lại ISIS ở Afghanistan, và chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ ngay bây giờ để xác định người chịu trách nhiệm, xác định ai có liên quan đến cuộc tấn công hèn nhát này và chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện hành động chống lại họ. 24/7, chúng tôi đang tìm kiếm họ”.
Tình huống chính xác của vụ tấn công đang được điều tra, nhưng theo hiểu biết sơ bộ về vụ nổ ban đầu, một kẻ đánh bom liều chết đã đến cổng sân bay trước khi kích hoạt bom nổ.
Quân đội Hoa Kỳ đang túc trực tại các cánh cổng để kiểm tra những người cố gắng vượt qua. Việc kiểm tra bao gồm kiểm tra bom mìn hoặc các loại vũ khí khác.
Ông McKenzie cho biết: “Không gì có thể thay thế cho một người đàn ông hay phụ nữ trẻ tuổi, một người đàn ông hay phụ nữ Hoa Kỳ trẻ tuổi, đứng lên để tiến hành kiểm tra người đó trước khi chúng tôi để họ đi tiếp”.
Trước khi quả bom đầu tiên nổ, 104.000 người đã được đưa qua các cánh cổng sân bay của Kabul.
Nhiều người trong số họ là người Afghanistan đang chạy trốn khỏi đất nước, sau khi đã hỗ trợ quân đội Mỹ trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ.
Taliban kiểm tra mọi người dân tại các trạm kiểm soát của họ trước khi cho người đi qua, nhưng đôi khi những cuộc khám xét đó không triệt để.
Hoa Kỳ bắt đầu kiểm soát sân bay Kabul vào khoảng thời gian Taliban tiếp quản đất nước Afghanistan. Đây là khu vực địa phận duy nhất mà quân đội Hoa Kỳ kiểm soát trước khi rút quân theo dự kiến vào ngày 31/8.
Tướng McKenzie cho biết: “Hiện tại, trọng tâm của chúng tôi đang thực sự hướng tới việc đảm bảo một cuộc tấn công tương tự khác không xảy ra, bởi vì như bạn đã biết, mô hình thường là có nhiều cuộc tấn công”. Ông nói thêm rằng, các cuộc sơ tán vẫn đang tiếp tục.
Ông Biden đã nhận được thông báo tóm tắt về vụ tấn công, theo Nhà Trắng. Cả ông và bất kỳ quan chức Nhà Trắng nào khác đều chưa lên tiếng công khai kể từ sau vụ đánh bom.
Anh Quốc, Hoa Kỳ biểu dương lực lượng ngoài khơi Philippines
Anh Vũ
Trang tin của đài truyền hình Philippines, ABS-CBN, hôm 26/08/2021, đưa tin Hoa Kỳ, Anh Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận chung trong vùng biển Philippines. Trong những ngày tới, Nhật Bản cũng sẽ đưa tàu tham gia cuộc diễn tập quân sự này.
Cuộc biểu dương sức mạnh quân sự diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây đang đẩy mạnh sự hiện diện tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc.
Truyền thông Philippines dẫn nguồn từ Hài Quân Hoàng Gia Anh hôm qua thông báo các chiến hạm của Anh, dưới sự chỉ huy của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, đã gia nhập nhóm tàu tác chiến Mỹ thuộc hạm đội 7, dưới sự chỉ huy của tàu đổ bộ USS America, để tham gia cuộc tập trận quy mô trên vùng biển của Philippines.
Tham gia cuộc diễn tập còn có các phi đội chiến đấu cơ F-35B của 2 nước. Theo Hải Quân Hoàng Gia Anh, các bài tập chung trên không diễn ra liên tục trong 48 giờ. Chỉ huy tàu Mỹ USS America, Ken Ward, cho biết các bài diễn tập nói trên nhằm chứng minh hai nước có thể tiến hành các « phi vụ tác chiến trên không rất phức tạp ».
Hải Quân Anh còn cho biết hai tàu chiến của hải quân Nhật cũng sẽ tham gia các cuộc tập trận này, sẽ kéo dài 12 ngày.
Chỉ huy nhóm tàu sân bay Anh cho biết: « Với việc tiến hành cuộc diễn tập chung này, chúng tôi chứng minh Anh Quốc cam kết giữ cho Ấn Độ – Thái Bình Dương là một vùng hòa bình, phát triển phồn thịnh »,
Trang tin của Philippines nhấn mạnh, các cuộc tập trận chung giữa ba nước trên diễn ra trong lúc các tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng, trong đó có Phillipines vẫn không thể giải quyết được do các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông.
Đài Loan – Nhật Bản: Hai đảng cầm quyền bàn hợp tác đối phó Bắc Kinh
Trọng Thành
Quan hệ Nhật – Đài có thêm một bước tiến. Hôm 27/08/2021, đại diện hai đảng cầm quyền đã có cuộc thảo luận trực tuyến nhằm gia tăng các hợp tác song phương, cũng như hợp tác với Hoa Kỳ, để đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc. Hợp tác an ninh, quân sự là một trọng tâm.
Báo mạng Singapore Strait Times cho hay hội đàm có sự tham dự của hai nghị sĩ cấp cao, một thuộc đảng Dân Tiến Đài Loan (DPP) và một thuộc đảng Dân Chủ – Tự Do của Nhật Bản (LDP). Hai dân biểu La Trí Thành (Lo Chih-cheng) và Thái Thích Ứng (Tsai Shih-ying) của đảng Dân Tiến nói với các phóng viên là trao đổi tập trung vào những chủ đề như chất bán dẫn, các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại khu vực, và khả năng gia tăng hợp tác ba bên Đài – Nhật – Mỹ.
Dân biểu La Trí Thành ghi nhận « các cuộc đàm phán ngày hôm nay thể hiện nỗ lực của cả hai chính phủ nhằm nâng cấp quan hệ », trong bối cảnh hai bên phải đối mặt với nhiều áp lực từ Trung Quốc. Hai bên « bày tỏ thiện chí mạnh mẽ và hy vọng rằng đối thoại như vậy sẽ tiếp tục ». Dân biểu Thái Thích Ứng cho biết đã có các trao đổi về quân sự, nhưng đây là chủ đề rất nhạy cảm không thể tiết lộ chi tiết. Các nhà lập pháp Đài Loan cũng cho biết hợp tác về lực lượng tuần duyên cũng là chủ đề được thảo luận.
Về phía Nhật, nghị sĩ Masahisa Sato, phụ trách ban đối ngoại của của đảng cầm quyền Dân Chủ – Tự Do thông báo cuộc đối thoại hôm nay sẽ giúp cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách của đảng cầm quyền Nhật Bản. Nghị sĩ Nhật cho biết thêm « phía Đài Loan đã chờ đợi và hy vọng một cuộc đối thoại như vậy . Cả hai bên đều nhận thấy tầm quan trọng của việc các đảng cầm quyền đưa ra các mục tiêu chung có thể dẫn đến một chính sách chung về hợp tác giữa hai chính phủ ». Cuộc thảo luận trực tuyến giữa đại diện hai đảng cầm quyền Nhật Bản và Đài Loan đã kéo dài một tiếng rưỡi, lâu hơn nửa giờ so với dự kiến.
Bắc Kinh lên án cuộc thảo luận Đài – Nhật. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay « kiên quyết phản đối mọi hình thức quan hệ chính thức giữa Đài Bắc và Tokyo », và cảnh báo Tokyo « không can thiệp vào công việc nội bộ » của Trung Quốc. Bắc Kinh coi Đài Loan là hòn đảo ly khai, sẵn sàng dùng vũ lực chiếm lại.
Đài Loan và Nhật Bản duy trì quan hệ ngoại giao « không chính thức ». Cả hai đều chia sẻ mối lo ngại về Trung Quốc, đặc biệt là với các hoạt động quân sự gia tăng trong khu vực. Việc phong trào dân chủ Hồng Kông bị đàn áp khốc liệt cũng khiến Nhật Bản phải lên tiếng bảo vệ Đài Loan mạnh mẽ hơn.
Quan hệ Nhật – Mỹ – Đài siết chặt trong thời gian gần đây. Trong chuyến công du Hoa Kỳ tháng 4/2021, thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cùng với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã lần đầu tiên, kể từ những năm 1970, đưa vấn đề ổn định và hòa bình tại khu vực eo biển Đài Loan vào tuyên bố chung Mỹ – Nhật. Hồi giữa tháng Bảy, Sách Trắng Quốc Phòng Nhật Bản của Nhật Bản coi sự ổn định của Đài Loan là vấn đề thuộc an ninh quốc gia. Cũng trong tháng 7, nghị sĩ Mỹ, Nhật, Đài đã có các thảo luận nhằm tăng cường hậu thuẫn hòn đảo dân chủ.
Đài Loan siết luật chống Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ
Trọng Thành
Hôm 26/08/2021, bộ Tư Pháp Đài Loan thông báo về luật mới, theo đó tội danh gián điệp kinh tế có thể bị phạt từ 5 đến 12 năm tù. Mục tiêu là để bảo vệ « bí mật thương mại của các công nghệ mũi nhọn » trước Trung Quốc và « các thế lực thù địch ».
Theo AFP, Hội đồng Sự vụ Hoa lục (MAC), cơ quan của Đài Loan phụ trách chính sách với Trung Quốc, nhấn mạnh là cần tránh để cho hòn đảo này bị mất đi các tài năng xuất sắc nhất sang các doanh nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, như chất bán dẫn. Người phát ngôn của Hội đồng Sự vụ Hoa lục (MAC) cũng đặc biệt chú ý đến việc cần ngăn cản đầu tư bất hợp pháp vào Đài Loan.
Nhiều vụ việc gần đây làm dấy lên trở lại các lo ngại tại Đài Loan về nạn chảy máu chất xám và các đầu tư bất hợp pháp từ Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt. Hôm thứ Hai 23/08, một cơ quan công tố đã truy tố năm người vì nhận bất hợp pháp 19 triệu đô la từ một doanh nghiệp điện tử của Trung Quốc, nhằm thành lập một công ty trong một khu công nghệ cao ở địa phương.
Tại Đài Bắc mới đây, một tòa án đã phạt tù treo bốn bị cáo, bị buộc tội lôi léo chuyên gia làm việc cho các công ty Trung Quốc và Hồng Kông. Các bị cáo bị khép tội đã tuyển mộ hơn 100 kỹ sư làm việc cho công ty Bitman Technologies, có trụ sở tại Bắc Kinh, có nhiệm vụ thiết kế các chíp điện tử, được sử dụng trong công nghệ « đào tiền ảo ».
Trung Quốc hiện đang khan hiếm nghiêm trọng các vi mạch, được sử dụng nhiều trong các công nghệ cao. Đài Loan là vùng lãnh thổ đứng hàng đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn, vi mạch.
Covid-19 ở Pháp: Cải thiện ở chính quốc, nhưng vẫn căng ở hải ngoại
Thu Hằng
Nếu như tình hình dịch Covid-19 được cải thiện ở nước Pháp chính quốc (métropole) và « đã tránh được điều xấu nhất », theo lời bộ trưởng Y Tế Olivier Véran trong buổi họp báo ngày 26/08/2021, thì ở các tỉnh hải ngoại, hệ thống y tế vẫn chịu áp lực do số ca bệnh nặng vẫn cao.
Theo số liệu ngày 26/08 của Cơ Quan Y Tế Pháp, hai tỉnh hải ngoại Martinique và Guadeloupe có nhiều bệnh nhân nhập viện nhất, chiếm 11% số ca đang được điều trị ở bệnh viện. Trên tổng số 741 người nhập viện trong vòng 24 giờ qua, vùng hải ngoại chiếm hơn 20%.
Martinique và Guadeloupe cũng là hai tỉnh có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất Pháp. Theo bộ trưởng Y Tế Pháp, « nhiều máy bay dân dụng đã phải được cải tiến thành máy bay y tế » để đưa bệnh nhân từ vùng Antilles về Pháp điều trị và « đây là hậu quả mà biến thể gây ra khi người dân không tiêm chủng ».
Còn tại chính quốc Pháp, hiện có 12.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị ở bệnh viện, trong đó có 2.000 người ở khoa hồi sức. Con số này được cho là ổn định, nhưng bộ trưởng Y Tế Pháp cảnh báo là « đợt dịch thứ 4 chưa ở phía sau, tuy đang có chiều hướng giảm và có thể giảm hơn nữa, chúng ta đang ở thời điểm không chắc chắn từ giờ tới cuối hè ».
Trước tình hình được cho là tạm ổn định, học sinh sẽ vẫn tựu trường như dự kiến vào ngày 02/09. Chính phủ duy trì quy định y tế ở « cấp 2 » (trên 4 cấp) tại trường học : học sinh phải đeo khẩu trang ở những nơi khép kín (một số trường thậm chí yêu cầu đeo cả trong giờ ra chơi và sinh hoạt ngoài trời), tăng cường thông gió phòng học, xét nghiệm nước bọt hàng loạt đối với học sinh tiểu học…
Tại các nhà dưỡng lão (Ehpad), người cao tuổi sẽ được tiêm liều thứ ba kể từ ngày 12/09. Tính đến ngày 26/08, đã có 63,5% người dân Pháp hoàn thành tiêm chủng (gần 43 triệu người). Cuối cùng, bộ trưởng Y Tế Pháp cho biết không loại trừ khả năng triển hạn việc áp dụng « chứng nhận y tế » sau ngày 15/11, ngày dự kiến chấm dứt quy định này, nhưng sẽ cần đến một luật mới và luật phải được Quốc Hội thông qua.
Mỹ: Số bệnh nhân Covid-19 nhập viện đạt đỉnh trong 8 tháng
Anh Vũ
Reuters hôm 27/08/202, dẫn số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch Mỹ, cho biết, số bệnh nhân nhiễm virus corona phải nhập viện tại Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi trong tháng qua. Tính riêng trong tuần trước, mỗi giờ nước Mỹ có hơn 500 người nhập viện vì Covid-19.
Đến ngày 26/08, số bệnh nhân Covid-19 đang phải điều trị tại các bệnh viện là 100.000 người. Đây là mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua, theo Bộ Y Tế và Dịch Vụ Xã Hội của Hoa Kỳ. Biến thể virus Delta xuất hiện và lây lan mạnh đang đặt hệ thống y tế Mỹ trước những thử thách gay go.
Tại Hoa Kỳ, đỉnh điểm của số bệnh nhân Covid phải nhập viện là vào ngày 06/01 năm nay. Khi đó, các bệnh viện trên khắp nước Mỹ phải tiếp nhận hơn 132 nghìn người nhiễm virus corona. Sau đó số bệnh nhân Covid tại các bệnh viện giảm dần xuống còn trên 13 nghìn người cuối tháng 6. Thế nhưng sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm số bệnh nhân Covid -19 tăng đột ngột trong tháng 7 và 8 này.
Florida là bang có nhiều bệnh nhân Covid-19 nằm viện nhất, theo sau là các bang Texas, California. Theo cơ quan y tế Mỹ, biến thể Dela lây lan rất nhanh trong số người không tiêm chủng và đặc biệt số lượng bệnh nhân trẻ em nhập viện hiện tăng kỷ lục, chiếm tới 2,3% số giường bệnh Covid-19 của cả nước.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Hoa Kỳ, tiến sĩ Anthony Fauci, trong tuần này nhận định Mỹ chỉ có thể khống chế được dịch vào đầu năm tới, với điều kiện phải đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng. Hoa Kỳ không thiếu điều kiện, nhưng đến giờ mới chỉ có khoảng 61% dân Mỹ tiêm ít nhất một liều vacxin ngừa Covid-19, theo CDC.
Trong khi đó, một nghiên cứu dịch tễ khác cảnh báo, từ nay đến đầu tháng 12, Hoa Kỳ có thể có thêm 100.000 người tử vong vì Covid-19, nếu mọi người bỏ các thói quen vệ sinh phòng dịch, như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách và nhất là không chịu tiêm chủng.
Trước nguy cơ như vậy, chính quyền Mỹ dự tính sẽ phải trở lại một số quy định hạn chế, đồng thời ngày càng có nhiều công ty bắt buộc nhân viên tiêm chủng.