Gần đây có nhiều tin đồn về sự lung lay địa vị và quyền lực của ông Tập Cận Bình. Tất nhiên, nếu ông Tập giao lại quyền lực sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì đó sẽ là một đại hảo sự đối với ĐCSTQ và người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế luôn phũ phàng, dù có nhiều tin đồn đến đâu cũng khó chứng minh quyền lực của ông Tập đang trên đà suy yếu.
Tin đồn chủ yếu được chia thành 2 phần. Thứ nhất, có tin đồn rằng ông Tập Cận Bình đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư não và không còn có thể gánh vác được vị trí hạt nhân quyền lực của ĐCSTQ. Để tiếp tục duy trì sự cai trị của ĐCSTQ, nên ĐCSTQ quyết định để ông Tập bàn giao lại quyền lực. Tin đồn thứ hai là các nguyên lão chính trị của ĐCSTQ tấn công tập thể ông Tập, ông Vương Kỳ Sơn – một trong những đồng minh sống chết của ông Tập, đã “phản lại” ông. Những kẻ mạnh chính trị cùng nhau bức bách ông Tập để ông Lý Khắc Cường kế thừa quyền lãnh đạo, và lực lượng trong Đoàn Thanh niên CSTQ sẽ dần trở lại vị trí nòng cốt của quyền lực.
Trước khi giải thích những tin đồn về ông Tập bị bệnh thì cần hiểu về hệ thống quyền lực ở cao tầng của ĐCSTQ. Kể từ khi ông Mao Trạch Đông qua đời, ông Đặng Tiểu Bình đã trở thành người kiểm soát thực tế của ĐCSTQ. Một trong những thành tựu cải cách của ông Đặng Tiểu Bình là hệ thống lãnh đạo tập thể. Dưới sự chủ trì của ông Đặng, quyền lực của các Ủy viên Ban Thường vụ ĐCSTQ đã được tăng cường mạnh mẽ chưa từng có. Tuy nhiên, kiểu tăng cường này chỉ mang tính chất nói tương đối, ông Đặng Tiểu Bình vẫn có quyền độc đoán, số phận của Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương là minh chứng rõ nhất cho việc thách thức quyền lực của Đặng Tiểu Bình.
Ông Đặng Tiểu Bình vẫn giữ quyền uy cực cao của mình sau khi chuyển giao quyền lực cho đến khi ông qua đời vào năm 1997. Năm 1992, cuộc cải cách theo định hướng thị trường của ĐCSTQ đã bị chặn lại, trong nội bộ ĐCSTQ có một số tiếng nói khác nhau về cải cách và mở cửa. Vào lúc này, ông Đặng Tiểu Bình đã tiến hành “Chuyến công du miền Nam” nổi tiếng, sau chuyến công du, câu nói “Ai mà không cải cách thì người đó hạ đài” đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách và mở cửa. Trên thực tế, Đặng Tiểu Bình đã từ chức Chủ tịch Quân ủy sớm nhất là vào tháng 11/1989, nhưng ông là người có uy tín cao trong đảng, cho nên ngay cả khi ông đã từ bỏ mọi chức vụ cũng không tồn tại tình huống lời nói không có tác dụng.
Có thể nói, cho đến khi qua đời, ông Đặng Tiểu Bình vẫn ở vị trí hạt nhân của quyền lực. Còn ông Mao Trạch Đông thì còn cường điệu hơn nữa, những năm cuối đời, ông mắc nhiều chứng bệnh khác nhau, về sau thậm chí còn mất thị lực, khi gặp các nhân vật chính trị nước ngoài phải có người đỡ. Theo lý mà nói, Mao của thời điểm này đang gặp tình thế bất lợi do nguyên nhân sức khỏe, nhưng những người phản đối ông vẫn không dám hành động hấp tấp.
Tất nhiên, sau khi Mao qua đời, việc “tính sổ sau mùa thu” cũng diễn ra rất nhanh; sau khi Đặng qua đời, Giang Trạch Dân như được thoát khỏi gông cùm và bắt đầu muốn làm gì thì làm nấy. Ông Tập Cận Bình không phải là ông Hoa Quốc Phong, nếu thực sự ông Tập bị ung thư não thì những người theo ông sẽ vây quanh ông ấy, trừ khi ông ấy đột ngột qua đời, nếu không khả năng ông ấy mất quyền lực vì bệnh tật là cực kỳ thấp.
Gần đây, các tin đồn thường xuyên xảy ra. Ví dụ, vào ngày 17/5 và 18/5, trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo không đăng một bài báo tuyên truyền nào của ông Tập, nhưng các bài viết của ông Lý Khắc Cường, Uông Dương, Lật Chiến Thư lần lượt xuất hiện. Bình luận mang hàm ý kép của ông Hồ Tích Tiến nói: “Đây là một tín hiệu rất quan trọng”, điều này dường như chứng minh rằng Trung Nam Hải có biến.
Tin đồn bao gồm cả việc ông Vương Kỳ Sơn liên tục gọi ông Tập Cận Bình là “ông ấy” (không gọi kèm chức vụ hoặc đồng chí) khi ông gặp ông Moon Jae-in ở Hàn Quốc, kiểu biểu hiện thiếu tôn trọng này dường như cũng chứng tỏ rằng Tập Cận Bình “không ổn rồi”. Trên thực tế, khi phân tích xem rốt cuộc ông Tập Cận Bình có bình yên hay không, một thông tin đơn lẻ không đủ để chứng minh điều gì, và rất dễ bị phản bác.
Chẳng hạn, vừa qua, Văn phòng Trung ương đã ban hành “Ý kiến về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong cán bộ hưu trí trong thời kỳ mới”, yêu cầu cán bộ, đảng viên nghỉ hưu phải chấp hành nghiêm kỷ luật, điều lệ, không được tùy tiện bàn bạc chủ trương của Trung ương Đảng, không để phát tán những ngôn luận tiêu cực về chính trị, v.v. Quy định này hiển nhiên được đưa ra từ tay của ông Tập Cận Bình, so sánh như vậy thì quyền uy của ông Tập vẫn vững như núi Thái Sơn.
Ngoài ra, liên quan đến tin đồn quân đội từ bỏ ủng hộ ông Tập Cận Bình, đây là cách hiểu sai về hệ thống quân sự của ĐCSTQ. Nguyên tắc đầu tiên của quân đội ĐCSTQ là “nghe Đảng chỉ huy“, trong khi hiện tại ông Tập Cận Bình đại diện cho toàn bộ Đảng, trong tình huống ông Tập vẫn còn khỏe mạnh mà quân đội không nghe theo chỉ huy của ông thì có thể bị trực tiếp gán cho là phản Đảng, thử hỏi quân đội xưa nay vẫn luôn chú trọng “trung thành” thì có ai dám động vào lằn ranh đỏ?
Tất nhiên, thực tế dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình, các ngành nghề đang suy thoái, người dân khốn khổ, và suy nghĩ muốn thay đổi người lãnh đạo mới cũng là điều dễ hiểu, so sánh với thời Mao Trạch Đông, 3 năm nạn đói khiến hơn chục triệu người chết, nhưng ông ta vẫn ngồi vững trên ghế lãnh đạo, do đó nói một câu bị quan chính là khủng hoảng hiện tại vẫn không đủ để làm lung lay chiếc ghế của ông Tập Cận Bình.
ĐCSTQ kết hợp các đặc điểm của chính trị hoàng quyền của Trung Quốc cổ đại, về phương diện đấu đá tranh giành quyền lực “dùng rượu tước binh quyền” chỉ là sự kiện ngẫu nhiên trong lịch sử, đấu đá quyền lực thực sự thì chính là một mất một còn, vô cùng khốc liệt. Việc một lãnh đạo tiền nhiệm nào đó viết thư liền có thể lay động quyền uy của lãnh đạo đương nhiệm chỉ có thể xảy ra trong xã hội bình thường. Còn xã hội Trung Quốc đã bị ĐCSTQ làm cho rất không bình thường, tin đồn rằng một nhân vật lớn nào đó ở [nhà tù] Tần Thành viết ra một bài hịch để dẫn mọi người “cùng chung mối thù” cùng nhau thảo phạt Tập Cận Bình thì lại càng viển vông hơn!
Tử Long