Người dân Sài Gòn có thể đăng ký trực tuyến để nhận tiền hỗ trợ, túi an sinh
Dantri – Những người dân ở Sài Gòn chưa nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND thành phố, người khó khăn cần túi an sinh có thể đăng ký trực tuyến.
Đây được xem là cách làm thiết thực và kịp thời khi thành phố đang siết chặt giãn cách, nhiều người dân ở trong các khu vực phong tỏa.
Hai hình thức nhận hỗ trợ thành phố triển khai là túi an sinh và trợ cấp 1,5 triệu đồng/người, theo tinh thần Nghị quyết 68. Người dân phải điền đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại và chọn phương thức hỗ trợ.
Túi an sinh sẽ bao gồm các nhu yếu phẩm giúp người dân có thể ăn uống trong khoảng một tuần. Đối với F0 đang chăm sóc, điều trị tại nhà, túi an sinh có thêm sữa, cháo dành cho người ốm.
Về hỗ trợ tiền mặt, người dân sẽ nhận theo các diện được quy định trong Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM về chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Xin- cấp giấy đi đường: Vòng xoay luẩn quẩn
VnExpress – Doanh nghiệp phản ánh số lượng giấy đi đường được cấp quá ít và thiếu nhất quán trong kiểm soát tại các chốt, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.
Trưa 27/8, sau hơn ba ngày TP HCM đổi mẫu giấy đi đường mới, trước Sở Công thương trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, nhiều người tập trung chờ được cấp giấy.
Trước đó để được cấp giấy theo mẫu mới, doanh nghiệp phải đăng ký online, chờ Sở Công thương xét duyệt và phản hồi, hẹn đến làm thủ tục. Một số doanh nghiệp chỉ mới gửi hồ sơ 1-2 ngày, nhưng có đơn vị đăng ký nhiều ngày mới được cấp. Chị Hà, đại diện một doanh nghiệp cung ứng thực phẩm cho biết, từ lúc TP triển khai giấy đi đường, đơn vị đăng ký online hai lần mới nhận phản hồi lên nhận giấy.
Chị cho biết đơn vị xuất nhập khẩu hàng hóa nên đăng ký được 8 giấy đi đường, nhiều hơn một số đơn vị khác, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ, nên chỉ bố trí giấy cho người làm việc xuất nhập khẩu để qua lại cảng biển, còn lại đều làm việc “ba tại chỗ”.
Anh Trương Vĩnh Đạt, đại diện Công ty Greenfeed Việt Nam chia sẻ, công ty có các bộ phận làm dịch vụ xuất nhập khẩu. “Nhu cầu cũng khá lớn nhưng chỉ được cấp hai giấy đi đường nên đơn vị phải cân đối hết mức”.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM Bùi Văn Quản cho biết, hiệp hội hiện có hơn 130 doanh nghiệp thành viên, nhưng được cấp gần 200 giấy đi đường. Số giấy được cấp chỉ bằng 50% so với nhu cầu nhân sự nên việc phân chia cho các doanh nghiệp phải cân nhắc rất kỹ. Do thiếu nhân sự, nhiều doanh nghiệp hiện tạm ngưng.
Một bất cập rất luẩn quẩn khác, là nhiều doanh nghiệp có xe được cấp mã QR và theo quy định, tài xế không bị kiểm tra giấy đi đường. Tuy nhiên, một số chốt kiểm soát vẫn yêu cầu xuất trình và không có sẽ không được qua. Chưa kể, nhiều nơi cần giấy xét nghiệm âm tính COVID-19, nhưng do không có giấy đi đường nên tài xế gặp khó khăn khi muốn đến các địa điểm xét nghiệm.
Hà Nội liệu có thể giãn cách xã hội toàn thành phố thêm lần thứ 4?
Laodong – Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đánh giá, dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tăng cao.
Trước thắc mắc việc Hà Nội có phải tiếp tục giãn cách lần 4 hay không, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng: “Đến giờ này việc Hà Nội có tiếp tục giãn cách xã hội tiếp hay không chưa thể nói được điều gì, hiện giờ còn nhiều ca nhiễm trong cộng đồng”.
Còn theo GS Nguyễn Anh Trí – Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đánh giá: “Hiện nay, Hà Nội còn là địa phương có nguy cơ bùng phát dịch lớn. Tình hình dịch bệnh hiện vẫn phức tạp, ca bệnh trong cộng đồng vẫn xuất hiện thì việc giãn cách tiếp hoàn toàn có thể xảy ra”.
Thực tiễn tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội đòi hỏi cần khéo dài thời gian giãn cách xã hội, tuy nhiên GS Trí đánh giá, hiệu quả của việc giãn cách phụ thuộc vào khả năng tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch.
“Nếu việc giãn cách xã hội kéo dài có thể quá khả năng chịu đựng, nhiều người sẽ tìm cách giải toả bằng cách vi phạm quy định 5K và khi đó hiệu quả không còn, ông Trí lý giải.
GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ: “Hà Nội có thể thay đổi, cải cách cách thức giãn cách. Thay vì giãn cách toàn thành phố, Hà Nội nên cân nhắc phương thức giãn cách theo vùng (vùng đỏ, da cam, vùng xanh) thậm chí với những khu vực có nguy cơ cao sẽ áp dụng phong toả”.
Đại gia lan đột biến khai thác chui hàng triệu tấn than, lợi hàng trăm tỷ đồng
Thanhnien – Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, đường dây khai thác than lậu do anh em song sinh Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh cầm đầu đã khai thác, mua bán hàng triệu tấn than, hưởng lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Liên quan đến đường dây khai thác than trái phép cực lớn do anh em đại gia lan đột biến Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh cầm đầu, ngày 27/8, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 12 bị can để điều tra về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” quy định tại Điều 227 bộ luật Hình sự.
Các bị can gồm: Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Yên Phước; Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, anh em song sinh cùng trú tại P.Mạo Khê, Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh; Hà Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương; Bùi Mạnh Cường, Giám đốc Đông Bắc Hải Dương; Ngô Đăng Hải, Phó giám đốc Đông Bắc Hải Dương; Ngụy Quang Thuyên, nhân viên Công ty Yên Phước; Doãn Thị Định, kế toán Công ty Yên Phước; Bùi Hữu Thương, quản lý bãi than tại Mỏ đá Núi Voi của Đông Bắc Hải Dương; Bùi Hữu Khoa, quản lý khai thác than của Đông Bắc Hải Dương; Đỗ Thị Luyến, nhân viên Công ty Yên Phước và Nguyễn Tuấn Anh, kinh doanh vận tải.
Theo thông tin ban đầu, Châu Thị Mỹ Linh đã cấu kết với 2 anh em Thanh và Giang hình thành đường dây khai thác, mua bán và vận chuyển than trái phép có quy mô cực lớn.
Theo đó, các đối tượng đã lợi dụng việc được tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến với công suất khai thác 8.500 tấn/năm, để khai thác vượt phạm vi giấy phép. Đồng thời, Linh còn thỏa thuận với Thanh và Giang chỉ đạo nhân viên dưới quyền ký các hợp đồng, biên bản để hợp thức số liệu khai thác, mua bán theo đúng giấy phép, phục vụ cho việc báo cáo các cơ quan chức năng.
Qua khám xét tại mỏ than Minh Tiến, các kho vận tại Thị xã.Kinh Môn, C03 đã phát hiện các đối tượng đã khai thác, mua bán số lượng hàng triệu tấn than, hưởng lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Trước khi bị bắt giữ trong vụ án này, cặp anh em song sinh Giang và Thanh được biết đến là những chủ nhân của “vườn lan var đất mỏ”, có trong tay hàng ngàn tỷ đồng từ việc nuôi trồng, kinh doanh lan var và xây biệt thự hoành tráng, mua xe siêu sang.
Kiến nghị tiêm vắc-xin cho học sinh
VnExpress – Tại hội nghị tổng kết toàn ngành giáo dục và đào tạo năm 2021 ngày 28/8, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá năm học 2020-2021 bị ảnh hưởng của COVID-19, các địa phương, trường học đã linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua Internet và truyền hình, điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận chất lượng, hiệu quả dạy và học trực tuyến còn hạn chế, nhất là bậc tiểu học và ở những địa phương chưa có điều kiện. Hạ tầng công nghệ, đường truyền, trang thiết bị và nguồn học liệu chưa đáp ứng được yêu cầu. Giáo viên nhiều nơi chưa được tập huấn kỹ cả về công nghệ và phương pháp. Gia đình chưa tham gia phối hợp hỗ trợ trẻ một cách hiệu quả.
Đó là một phần lý do để Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế có giải pháp để sớm tiêm vắc-xin cho học sinh, từ đó có thể triển khai dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát.