Quân đội Israel tiến vào vùng đệm Cao nguyên Golan

Xe tăng Israel trên cao nguyên Golan. (Ảnh: Assaf Kutin, Wikipedia, Public Domain)

Quân đội Israel thông báo tiến vào vùng đệm trên Cao nguyên Golan nhằm ngăn các tay súng Syria xâm nhập sau khi phiến quân kiểm soát Damascus.

“Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) triển khai các đơn vị tới vùng đệm và một số khu vực cần thiết để bảo vệ và đảm bảo an ninh cho những khu dân cư ở Cao nguyên Golan, cũng như người dân Israel”, IDF ngày 8/12 thông báo.

Động thái này diễn ra sau khi IDF nhận định các tay súng Syria có khả năng xâm nhập vùng đệm do Liên Hợp Quốc kiểm soát trên Cao nguyên Golan. IDF khẳng định họ không can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra ở Syria.

Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua Israel tiến vào và đóng tại các vị trí trên vùng đệm Cao nguyên Golan từ khi thỏa thuận rút quân năm 1974 được ký kết. Quân đội Israel sau đó từng một số lần tiến vào vùng này, song chỉ ở lại trong thời gian ngắn.

Sau khi phiến quân tuyên bố kiểm soát Damascus, truyền thông đưa tin xe tăng của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến vào kiểm soát thị trấn Al-Quneitra tại vùng đệm trên cao nguyên Golan.

Trước đó một ngày, IDF thông báo đang hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Cao nguyên Golan đẩy lùi đợt tấn công của một số tay súng tại thị trấn Hader của Syria nằm ở rìa vùng đệm.

Lực lượng Giám sát Thỏa thuận rút quân của LHQ (UNDOF), đơn vị phụ trách Cao nguyên Golan, cho biết các binh sĩ trực thuộc phát hiện một số tay súng chưa xác định tiến vào vùng đệm, trong đó có nhóm 20 người tiếp cận một trong các vị trí ở phía bắc khu vực.

“Các bên luôn phải tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của cơ sở thuộc LHQ”, UNDOF tuyên bố, nhưng không đề cập tới việc IDF có hỗ trợ họ đối phó với các tay súng nói trên hay không.

Tổng tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi ngày 7/12 tuyên bố Israel không can thiệp vào tình hình Syria. “Mục tiêu chính của Israel là quan sát các động thái và lợi ích của Iran”, ông Halevi cho hay. “Mục tiêu thứ cấp là quan sát các phe phái tại Syria và đảm bảo họ không nhắm nhầm vào chúng tôi”.

Cao nguyên Golan là vùng đất rộng khoảng 1.800 km2, giáp với Syria, Israel, Jordan và Lebanon. Đây là một phần của Syria kể từ năm 1944, khi quốc gia Trung Đông được công nhận là nước cộng hòa độc lập.

Israel đang kiểm soát khoảng 2/3 diện tích cao nguyên Golan sau chiến tranh năm 1967. Israel năm 1981 thông qua luật sáp nhập khu vực này vào nước họ.

Anh Trần

Nga nói ông Assad đã rời Syria

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Tổng thống Assad đã từ chức và rời khỏi Syria sau khi ra lệnh chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

“Theo kết quả đàm phán giữa Tổng thống Bashar al-Assad và một số bên tham gia xung đột vũ trang trên lãnh thổ Syria, ông ấy đã quyết định từ chức và rời khỏi đất nước sau khi chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Nga không tham gia vào những cuộc đối thoại này”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm nay.

Giới chức Nga không cho biết ông Assad hiện ở đâu, đồng thời bày tỏ “vô cùng lo lắng” trước tình hình Syria và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế sử dụng bạo lực. “Chúng tôi kêu gọi giải quyết mọi vấn đề thông qua biện pháp chính trị và đang liên lạc với tất cả nhóm đối lập ở Syria”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn.

Cơ quan này cũng cho biết các căn cứ quân sự Nga ở Syria đã được đặt trong tình trạng báo động cao, nhưng hiện không có mối đe dọa nghiêm trọng nào.

Anas al-Abda, quan chức liên minh phiến quân Syria, nói rằng họ “không chắc chắn” về hành tung của ông Assad. Chính phủ của Thủ tướng Mohammed al-Jalali chưa bình luận về thông tin.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong chuyến thăm Nga hồi tháng 7. Ảnh: AFP
Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong chuyến thăm Nga hồi tháng 7. Ảnh: AFP

Tổ chức vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ngày 8/12 tuyên bố liên minh các lực lượng chống chính phủ đã chiếm thủ đô Damascus và Tổng thống Assad “đã bỏ chạy”.

HTS và các nhóm đồng minh từng kiểm soát Aleppo và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Syria, trước khi Nga năm 2015 điều lực lượng tới hỗ trợ đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống al-Assad.

Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria đã đánh bại IS và đẩy lùi các nhóm phiến quân tới khu vực ở miền bắc nước này, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 2016, HTS và đồng minh không còn các hoạt động quân sự đáng kể ở Syria. Nga sau đó rút bớt lực lượng khỏi Syria, chỉ duy trì một số đơn vị tại hai căn cứ ở miền tây nước này.

Sau khi xung đột Ukraine bùng phát tháng 2/2022, Nga dường như đã rút gần hết lực lượng khỏi Syria và chỉ để lại một số đơn vị đồn trú tại những căn cứ lớn, thay vì trấn giữ những tiền đồn nhỏ.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Related posts