Tiến sĩ virus học: Khả năng kết thúc sớm dịch bệnh là điều viển vông
Về việc khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc, các chính trị gia trên thế giới đã lên kế hoạch. Vision Times cũng đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Lin Xiaoxu), chuyên gia về virus học người Mỹ gốc Hoa, là thành viên của Ủy ban Khủng hoảng Hiện tại của Mỹ.
Kế hoạch chấm dứt dịch COVID-19 vào tháng 12/2022 là viển vông
Khi nào dịch COVID-19 sẽ kết thúc? Bloomberg đưa tin rằng các nhà lãnh đạo G7 soạn thảo một hồ sơ, trong đó vạch ra kế hoạch chấm dứt đại dịch vào tháng 12/2022. Chuyên gia Lâm Hiểu Húc phân tích về vấn đề này như sau:
“Tôi nghĩ ở một mức độ nào đó, việc cho rằng kết thúc dịch COVID-19 là điều viển vông, tôi không nghĩ nó sẽ kết thúc trong ngắn hạn, nhất là với xu hướng hiện nay, biến thể Delta là loại có lợi thế vô hiệu hóa kháng thể.
Chúng ta có thể thấy rằng có các biến thể như Alpha ở Anh, biến thể Beta (B-1.351) ở châu Phi, biến thể Gamma (P-1) ở Nam Mỹ, biến thể L452R ở Mỹ, và Delta ở Ấn Độ hiện lây lan đến hơn 90 nước trên thế giới… Trong đó chính là loại Delta ở Ấn Độ đã là loại đang rất khó trị, và chúng lại có điều kiện phát tán ở nhiều nơi biến những nơi đó thành địa bàn để không ngừng tạo ra các biến thể mới khác nhau, trong khi các phương tiện phòng chống dịch bệnh của con người cũng có hạn nên khó có thể lường được khả năng có thể ngăn chặn được loại biến thể này không. Bây giờ mọi người đã thấy rằng tỷ lệ bảo vệ của vắc-xin chống lại virus Delta cũng đã giảm xuống, đây thực sự là một cảnh báo. Tôi nghĩ là còn quá sớm để nói về việc hết dịch, bước tiếp theo dịch sẽ không ngừng bùng phát ở các nước khác nhau, chúng ta vẫn cần hết sức cảnh giác. Trước mắt, vẫn chưa thể dự đoán có thể chấm dứt dịch COVID-19 này vào khi nào.”
Đa dạng hóa loại thuốc phòng chống
Về khả năng còn có những biện pháp gì ngoài vắc-xin để ngăn chặn dịch COVID-19, chuyên gia Lâm Hiểu Húc đề xuất:
“Cố gắng giảm số ca bệnh nặng và tử vong, phát triển các loại thuốc phòng chống khác, hoặc sử dụng lại một số loại thuốc đã được phê duyệt trước đây để cung cấp thêm những công cụ mới. Điều này có thể giúp có thêm hiệu quả. Vì hiện nay rất khó để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, cho nên vấn đề là chỉ cần giảm thiểu khả năng gây bệnh nặng, gây nguy hại lớn, gây tử vong, nghĩa là ở một mức độ nhất định đã kiểm soát được dịch bệnh.
Giống như bệnh cúm, hiện nay có rất nhiều loại thuốc, chúng ta không biết mỗi năm trên thế giới có bao nhiêu người bị nhiễm, bởi vì chưa bao giờ cúm trở thành quy mô lớn, chưa bao giờ toàn thế giới cùng xét nghiệm xem bao nhiêu người bị cúm. Tương tự trong quá khứ cũng nhiều loại virus như vậy, không có kiểm tra trên bình diện toàn cầu như COVID-19. Ở một mức độ nhất định, những loại virus đó có thể lây nhiễm sang con người, cốt lõi của vấn đề là khả năng miễn dịch của mỗi người.
Cho nên vấn đề khi nào dịch bệnh này qua đi thì phải nhìn vào quy luật của chính virus, vấn đề này tôi nghĩ ngoài tầm hiểu biết của con người. Những làn sóng dịch này có quy luật riêng của nó, hiểu biết và trí tuệ của con người hiện nay vẫn chưa thấu đáo được.
Nhìn chung, về sự kết thúc của dịch bệnh thì tôi thấy chúng ta cần chấm dứt thái độ lạc quan nhưng chúng ta cũng không nên quá lo sợ, cần tập trung vào việc tăng cường khả năng miễn dịch của bản thân. Vắc-xin có tác dụng hỗ trợ, nhưng chắc chắn không phải giải pháp rốt ráo.”
Lực lượng Mỹ cho kích nổ phá hủy căn cứ CIA tại Kabul
Lực lượng Mỹ hôm thứ Năm (26/8) được cho là đã phá hủy căn cứ CIA cuối cùng tại Afghanistan, đặt bên ngoài sân bay Kabul, theo New York Times đưa tin.
New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng một vụ kích nổ có kiểm soát đã được tiến hành để phá hủy hoàn toàn Căn cứ Đại bàng. Vụ nổ này được thực hiện chỉ vài giờ sau vụ đánh bom liều chết xảy ra tại cổng vào sân bay Kabul chiều 26/8. Căn cứ Đại bàng là nơi Mỹ huấn luyện lực lượng chống khủng bố của các cơ quan tình báo Afghanistan.
New York Times nhận định rằng Mỹ cho nổ tung Căn cứ Đại bàng là để phá hủy trang thiết bị và các tài liệu nhằm không để chúng rơi vào tay lực lượng Taliban.
Báo giới, trong đó có Washington Examiner, đã liên lạc với CIA để yêu cầu bình luận về thông tin do New York Times đăng tải liên quan đến Căn cứ Đại bàng tại Kabul, nhưng cơ quan tình báo trung ương Mỹ đã từ chối trả lời.
Mỹ hiện tại vẫn đang nỗ lực thực hiện các chuyến bay rời sân bay Kabul để đưa người Mỹ và người Afghanistan thoát khỏi đất nước Nam Á đã bị Taliban kiểm soát.
Nhà Trắng cho biết tính đến sáng thứ Sáu (27/8), khoảng 12.500 người đã được vận chuyển bằng máy bay từ Kabul trong 24 giờ qua. Trong 12 giờ sau đó, 4.200 người khác đã được sơ tán. Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, khoảng 300 người Mỹ đã rời đi và Bộ Ngoại giao đang làm việc với khoảng 500 người nữa. Chính quyền Mỹ cho biết họ có ý định thúc đẩy và hoàn thành cuộc không vận trước hạn chót 31/8 bất chấp các mối đe dọa khủng bố.
Cuối ngày thứ Sáu (27/8), Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa kêu gọi công dân Mỹ tránh xa các cổng sân bay, bao gồm cả “cổng Bộ Nội vụ mới” do vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tấn công khủng bố.
Hôm thứ Sáu (27/8), các quan chức Mỹ cho biết, số người chết trong vụ đánh bom kép hôm 26/8 bên ngoài sân bay ở Kabul đã tăng lên 182 người, bao gồm 13 binh sĩ Mỹ.
Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), một chi nhánh của các chiến binh trước đây đã chiến đấu với lực lượng Mỹ ở Syria và Iraq, thừa nhận họ thực hiện cuộc tấn công liều chết hôm 26/8 tại sân bay ở Kabul.
Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ truy lùng những kẻ chịu trách nhiệm vụ tấn công nêu trên, nhưng ông cũng vẫn bảo lưu hạn chót rút hết quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 31/8.
Vào sáng thứ Bảy (28/8, giờ Afghanistan), quân đội Mỹ đã thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào “một người lập kế hoạch” của tổ chức ISIS-K.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết cuộc tấn công diễn ra ở tỉnh Nangarhar, phía đông Kabul và giáp biên giới với Pakistan. Bộ Tư lệnh không cho biết liệu mục tiêu có liên hệ với cuộc tấn công sân bay hay không.
“Các dấu hiệu ban đầu cho thấy chúng tôi đã tiêu diệt mục tiêu. Không có thương vong dân sự”, một tuyên bố của quân đội Mỹ cho biết. Theo AP, một thành viên của ISIS đã bị tiêu diệt.
Tổng thống Biden tố cáo Trung Quốc che giấu nguồn gốc Covid-19
Thùy Dương
Tổng thống Mỹ hôm 27/08/2021 tố cáo Trung Quốc « che giấu các thông tin quan trọng sống còn về nguồn gốc đại dịch » Covid-19, ngăn cản các nhà điều tra và các cơ quan của thế giới tiếp cận với những thông tin nói trên. Lời chỉ trích được đưa ra sau khi ông Biden nhận được báo cáo về nguồn gốc siêu vi gây đại dịch. Bắc Kinh chỉ trích điều tra của tình báo Hoa Kỳ về nguồn gốc SARS-CoV-2 “không đáng tin cậy”.
Liên quan đến cuộc điều tra của tình báo Mỹ, mặc dù bản tóm tắt báo cáo được công bố hôm qua không đưa ra được câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc đại dịch Covid-19, nhưng tình báo Mỹ khẳng định virus SARS-CoV-2 không được phát triển thành vũ khí sinh học.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm chi tiết:
« Không thể giải đáp tất cả mọi câu hỏi, thế nhưng bản báo cáo này cho phép loại trừ một số giả thuyết. Theo tình báo Mỹ virus corona không phải là kết quả của việc làm biến đổi gien và cũng không được tạo ra để làm vũ khí sinh học.
Để đưa ra các kết luận, những chuyên gia tình báo chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này đã tìm hiểu hàng trăm dữ liệu trong suốt 3 tháng. Nhưng họ đã không thể đưa ra các câu trả lời về nguồn gốc của dịch bệnh này : virus bị lọt ra ngoài từ phòng thí nghiệm hay qua sự tiếp xúc tự nhiên giữa một người và một con vật bị bệnh. Theo tài liệu nói trên, cả hai giả thuyết này đều có thể xảy ra. Văn bản cũng nhấn mạnh ít có khả năng là chính phủ Trung Quốc đã nắm được thông tin về loại virus này trước khi đại dịch bắt đầu xảy ra.
Cuộc điều tra được thực hiện theo yêu cầu của tống thổng Joe Biden. Nguyên thủ Mỹ đã ra thông cáo sau khi báo cáo được công bố. Ông Biden tố cáo Trung Quốc thiếu minh bạch và che giấu thông tin. Lãnh đạo Nhà Trắng kêu gọi Bắc Kinh cho phép các chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc tiến hành điều tra tại chỗ. Tổng thống Biden khẳng định : « Kể cả khi cuộc điều tra đã chấm dứt, chúng tôi vẫn sẽ không ngừng tìm kiếm sự thật về đại dịch này ».
Bắc Kinh : Báo cáo của tình báo Mỹ là « mưu mô chính trị »
Ngay sau khi bản tóm tắt kết quả điều tra của các cơ quan tình báo Mỹ được công bố, đại sứ quán Trung Quốc Mỹ đã gọi đó là một « âm mưu chính trị » của Washington. AFP cho biết, trong một thông cáo, đại sứ quán Trung Quốc cho rằng báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ dựa trên giả định là Trung Quốc « có tội » và điều này chỉ là nhằm « biến Trung Quốc trở thành một vật tế thần ».
Afghanistan: Mỹ tiêu diệt một thủ lĩnh Daech và báo động nguy cơ khủng bố mới
Anh Vũ
Đáp trả vụ khủng bố tại Kabul, quân đội Mỹ ngày 27/08/2021 đã sử dụng máy bay không người lái tấn công trả đũa tiêu diệt một lãnh đạo của nhóm thánh chiến Daech tại Afghanistan. Cùng lúc, Washington báo động có nhiều khả năng xảy ra tấn công khủng bố mới tại sân bay Kabul.
Theo hãng tin Reuters, sau vụ đánh bom khủng bố hôm thứ Năm bên cạnh sân bay Kabul làm 92 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ, tổng thống Joe Biden đã tuyên bố « trả đũa » nhóm khủng bố. Hôm 27/08/2021 quân đội Hoa Kỳ đã thực thi mệnh lệnh, tấn công tiêu diệt một lãnh đạo của Daech tại tỉnh Nangarhar, phía đông Afghanistan, gần biên giới với Pakistan.
Lầu Năm Góc khẳng định đã hạ được mục tiêu, tuy không cho biết cụ thể danh tính của lãnh đạo Daech bị tiêu diệt cũng như nhân vật này có liên quan trực tiếp đến vụ đánh bom khủng bố gần sân bay Kabul hôm 26/08/2021 hay không. Một lãnh đạo của bộ tộc tại Jalalabad thủ phủ tỉnh Nangarhar xác nhận có 3 người chết và 4 người bị thương trong vụ tấn công trên.
Theo quân đội Mỹ, vụ không kích do máy bay không người lái Reaper, cất cánh từ một căn cứ trong vùng Cận Đông tiến hành. Tên lửa đã nhằm trúng mục tiêu là một xe chở lãnh đạo của Daech và một trong số cộng sự của nhân vật này. Vụ tấn công không gây thiệt hại cho thường dân.
Vài giờ sau đòn tấn công trả đũa này, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ, John Kirby đã báo động khả năng lại xảy ra tấn công khủng bố tại sân bay Kabul, trong khi các đợt di tản đang sắp sửa kết thúc. Washington kêu gọi các kiều dân Mỹ tránh xa « ngay lập tức » khu vực xung gần phi trường Kabul. Mặc dù có báo động, tình hình tại sân bay Kabul vẫn rất hỗn loạn. Trước cửa sân bay vẫn có hơn 5.000 người chờ đợi được vào bên trong sân bay để chạy khỏi Afghanistan.
Theo Bộ Quốc Phòng Mỹ, đã có 111.000 người được di tản trong 2 tuần qua. Nhiều nước, trong đó chủ yếu ở châu Âu như Tây Ban Nha, Thụy Sĩ hay Pháp đến tối qua 27/08/2021 đã thông báo chấm dứt chiến dịch di tản, trong khi thời hạn cuối cùng quân Mỹ rút toàn bộ khỏi Afghanistan đi đang tới gần.
Đối thoại quân sự Mỹ-Trung đầu tiên dưới chính quyền Biden
Thanh Hà
Lần đầu tiên dưới chính quyền Biden, một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc trao đổi với đại diện của quân đội Trung Quốc. Reuters nhắc lại cuộc hội đàm qua điện thoại diễn ra vào tuần trước trong bối cảnh phó tổng thống Hoa Kỳ công du hai nước Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam.
Trích dẫn một nguồn tin thông thạo của bộ Quốc Phòng Mỹ, hãng tin anh Reuters ngày 27/08/2021 cho biết đây là một cuộc điện đàm giữa phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Michael Chase và thiếu tướng Hoàng Tuyết Bình (Huang Xueping) phó giám đốc Văn Phòng Hợp Tác Quân Sự Quốc Tế quân đội Trung Quốc.
Michael Chase đã « tập trung vào việc giải quyết khủng hoảng và các mối rủi ro » giữa hai nước. Chính quyền Biden xem Trung Quốc là trọng tâm trong chính sách an ninh của Hoa Kỳ và là « thách thức về mặt địa chính trị lớn nhất » trong thế kỷ 21.
Quan hệ Washington – Bắc Kinh đã xấu đi thêm trong những năm gần đây trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, đến những hồ sơ nhậy cảm như Đài Loan, Hồng Kông hay nhân quyền tại Hoa Lục, những biện pháp trừng phạt Bắc Kinh cưỡng bức lao động tại Tân Cương và đặc biệt là trước việc Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.
Tuy vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại, nhưng từ khi lãnh đạo Lầu Năm Góc, tướng Lloyd Austin chưa từng trực tiếp trao đổi với đồng nhiệm Trung Quốc, Ngụy Phượng Hoà. Bộ Quốc Phòng Mỹ giải thích, trở ngại xuất phát từ phía Trung Quốc. Báo South China Morning Post nói rõ hơn : Bắc Kinh muốn tướng Austin đối thoại với đồng cấp là bộ trưởng Ngụy Phương Hòa. Về phía Lầu Năm Góc đề nghị hội đàm với phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc ông Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang).
Trung Quốc lại phản đối Hải Quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan
Một dấu hiệu cho thấy đối thoại về quân sự Mỹ-Trung còn nhiều trở ngại : thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngày 28/08/2021 phản đối « mạnh mẽ và cứng rắn lên án » vụ tàu khu trục USS Kidd và chiếc Munro của lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ đi qua eo biển Đài Loan trong ngày Thứ Sáu 27/08/2021.
Hải Quân Mỹ khẳng định sự hiện diện trong eo biển Đài Loan là hành vi thể hiện quyết tâm bảo vệ vùng Ấn Độ Thái Bình Dương « tự do và rộng mở », tuân thủ luật biển quốc tế. Hãng tin Mỹ AP nhắc lại lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ tăng cường tăng cường sự hiện diện tại Châu Á trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tại Biển Đông gần khu vực có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Pháp chấm dứt chiến dịch di tản người Afghanistan
Thùy Dương
Tối 27/08/2021, Pháp chính thức chấm dứt cầu không vận đưa người Afghanistan có nguy cơ bị Taliban gây hại từ Kabul về Paris. Bên cạnh việc hồi hương kiều dân Pháp, chiến dịch di tản có tên gọi Apagan đã đưa được gần 3.000 người, trong đó có hơn 2.600 người Afghanistan đến Pháp.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly hôm 27/08 viết trên Twitter : « Chiến dịch Apagan, được triển khai từ ngày 15/08/2021 theo yêu cầu của tống thống Emmanuel Macron, đã chấm dứt tối nay ». Trong một thông cáo chung, bộ trưởng Quân Lực Florence Parly và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian giải thích cầu không vận Apagan phải ngưng vì các điều kiện an ninh ở sân bay Kabul không được bảo đảm do việc rút quân nhanh chóng của lực lượng Mỹ, hạn chót dự kiến là ngày 31/08/2021.
Đội ngũ nhân viên của đại sứ quán Pháp tại Kabul cũng đã được đưa đến Abou Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, trước khi trở về Paris. Những quân nhân cuối cùng của Pháp tại Afghanistan cũng đã rời sân bay Kabul. Tổng cộng, quân đội Pháp đã thực hiện 26 chuyến bay di tản từ Kabul đến căn cứ không quân 104 của Pháp tại Abou Dhabi và 16 chuyến bay từ Abou Dhabi về Paris.
Theo AFP, mặc dù ngưng cầu không vận di tản, nhưng Paris thông báo vẫn tiếp tục thảo luận với phe Taliban để hàng ngàn người Afghanistan muốn rời đất nước có thể được ra đi bằng những cách khác mà không bị Taliban cản trở.
Hôm 26/08, một phái đoàn của Pháp đã tiếp xúc với các đại diện của phe Taliban tại Doha, Qatar. Đây là lần đầu tiên hai bên gặp nhau kể từ khi Taliban chiếm thủ đô Kabul. Cả hai bên khẳng định cuộc gặp ở Doha là để bàn về tình hình ở sân bay Kabul và chiến dịch di tản. Cho đến nay, chính quyền Pháp vẫn bác bỏ mọi khả năng « thảo luận chính trị » với Taliban chừng nào phe Hồi giáo cực đoan chưa đáp ứng một số điều kiện của Paris.
Ấn Độ hủy 10.000 visa cấp cho người Afghanistan
Lo ngại về nguy cơ « buôn bán hộ chiếu » bị đánh cắp, New Delhi đã hủy 10.000 visa cấp cho người Afghanistan và kêu gọi những ai muốn đến Ấn Độ làm lại các thủ tục xin visa nhập cảnh trực tuyến. Từ new Delhi, thông tín viên Côme Bastin giải thích :
« Chờ đợi và xem mọi chuyện diễn ra thế nào. Ngoại trưởng Ấn Độ tóm tắt như trên về quan điểm của New Delhi liên quan đến tình hình phức tạp ở Afghanistan trong một cuộc họp của tất cả các đảng phái chính trị hôm thứ Năm 26/08. Ngành ngoại giao Ấn Độ có thể cảm nhận thái độ chờ đợi đó.
Cách nay 1 tuần, chính phủ Ấn Độ đã kêu gọi giúp đỡ những người anh em ở Afghanistan và đưa ra chính sách thị thực điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho những người xin tị nạn. Nhưng không lâu trước khi xảy ra vụ nổ ở sân bay Kabul, tất cả visa nhập cảnh Ấn Độ đã cấp cho người Afghanistan đều bị vô hiệu hóa.
Các cơ quan tình báo Ấn Độ dường như phát hiện ra là có 1.000 hộ chiếu Afghanistan đã bị một nhóm Hồi giáo cực đoan thân cận với mật vụ Pakistan đánh cắp. Vụ việc có thể đã xảy ra tại một công ty du lịch ở Kabul. Chính phủ Ấn Độ lo sợ là những kẻ khủng bố sẽ sử dụng các quyển hộ chiếu nói trên.
Tổng cộng, 11.000 người sẽ phải phải làm lại thủ tục xin visa trực tuyến, trong khi cảnh hỗn loạn ở thủ đô Kabul ngày càng gia tăng và quân Mỹ sắp rời đi. Chính phủ Ấn Độ đã khẳng định sẽ làm tất cả để dung hòa các yêu cầu an ninh cũng như sự cấp bách của tình hình. Trong 10 ngày, có 300 visa điện tử đã được cấp cho người Afghanistan ».
Liên Hiệp Quốc : Năm 2021 sẽ có thêm hơn nửa triệu di dân Afghanistan
Hiện nay, tình trạng di dân ồ ạt từ Afghanistan vẫn chưa xảy ra, nhưng Liên Hiệp Quốc hôm qua dự báo trong hoàn cảnh xấu nhất, năm 2021 thế giới sẽ ghi nhận thêm hơn nửa triệu di dân Afghanistan, trong đó 80% là phụ
Tổng thống Pháp thăm Irak, dự hội nghị vùng Trung Cận Đông
Anh Vũ
Trong chuyến thăm Irak 2 ngày, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự hội nghị khu vực khai mạc hôm 28/08/2021 tại Bagdad với sự tham dự của Ả Rập Xê Út, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác trong khu vực Trung Đông.
Hội nghị quốc tế về khu vực theo sáng kiến của Pháp nhằm thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng giữa các nước trong vùng. Sự kiện được mở ra trong bối cảnh tại Afghanistan, Taliban trở lại nắm quyền, cùng lúc với sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo sau vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại Kabul hôm 26/08/2021.
Tham dự hội nghị Bagdad bên cạnh các lãnh đạo Irak có tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các ngoại trưởng Iran và Ả Rập Xê Út, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi, vua Jordani, Abdallah II.
Theo thủ tướng Irak, Moustafa al-Kazimi, với hội nghị thượng đỉnh khu vực này, Irak mong muốn tháo ngòi nổ gây căng thẳng giữa Iran và Ả Rập Xê Út.
Các cuộc thảo luận sẽ đề cập đến tình hình Trung Đông sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan và nhất là cái bóng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo lại nổi lên cùng với những biến động ở Afghanistan.
Tổng thống Emmanuel Macron muốn chứng tỏ Paris vẫn giữ vai trò trong vùng Trung Cận Đông và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, ủng hộ nỗ lực của Irak trong vai trò làm trung gian hòa giải vì sự ổn định của Trung Đông, theo thông cáo của phủ tổng thống Pháp.
Chủ Nhật 29/08/2021 tổng thống Pháp sẽ tới vùng tự trị của người Kurdistan tại Irak và thành phố Mossoul biểu tượng chiến thắng trong cuộc chiến chống Tổ Chức Nhà nước Hồi giáo cách đây 4 năm.
Báo chí độc lập Nga lên án chính quyền mở chiến dịch « hủy diệt truyền thông »
Anh Vũ
Hôm 27/08/2021 nhiều cơ quan truyền thông Nga đã có thư ngỏ kiến nghị tổng thống Vladimir Putin cho chấm dứt chiến dịch trấn áp nhắm vào các báo đài độc lập hoặc có tiếng nói phê phán chính quyền.
Những tháng gần đây tại Nga, theo một bộ luật mới, nhiều cơ quan truyền thông và phóng viên bị xếp vào diện « nhân viên nước ngoài », một quy chế bị ràng buộc, hạn chế các hoạt động tại Nga. Ngoài ra, nhiều phóng viên cũng đang là đối tượng truy bức của tư pháp. Bản kiến nghị gọi đó là « chiến dịch tiêu diệt truyền thông phi chính phủ và gây áp lực với các nhà báo »
Thông tín viên Jean-Didier Revoin tại Matxcơva giải thích :
« Theo phát ngôn viên của Kremlin, sự việc rất rõ ràng. Luật cho phép xác định tư cách pháp nhân của một tổ chức hay một người có phải là nhân viên nước ngoài hay không là cần thiết. Ông Dmitri Peskov cho rằng cần phải đấu tranh chống lại các hình thức can thiệp của nước ngoài vào công việc nội nội của Liên Bang Nga.
Ông bác bỏ khái niệm truy bức được những người kiến nghị sử dụng nhưng đồng thời ông cũng thừa nhận cần phải chú ý tới kiến nghị mà ông nhấn mạnh ở tính chất tình cảm.
Chỉ có các cơ quan truyền thông độc lập với chính trị và kinh tế phải trả giá. Từ đầu năm, các cơ quan truyền thống như Meduza, Vtimes, TheInsider, kênh truyền hình Doj và nhiều nhà báo hay nhà hoạt động đã bị tuyên bố là nhân viên nước ngoài. Điều này khiến họ mất đi các khách hàng quảng cáo.
Open Media, một hãng có quan hệ với nhà tài phiệt đang lưu vong Mikhail Khodorkovsky, cũng bị tuyên bố bị cấm ở Nga.
Tình hình đáng quan ngại hơn khi chỉ còn chưa đầy một tháng đến cuộc bầu cử Quốc Hội, những khó khăn ngày càng nhiều của các nguồn tin độc lập như vậy sẽ có tác động đến tính chất đa dạng nhiều chiều của thông tin. »
Ai sẽ đối thoại được với Taliban ?
Hồ sơ của Courrier International xoay quanh vấn đề « Ai sẽ nói chuyện được với Taliban ? ». Tuần báo trích dịch tờ báo cánh tả Mỹ The Nation cho rằng « Cần phải tìm ra phương cách hợp tác ».
Nếu tính đơn thuần về địa lý, nhiều nước chịu tác động về những gì diễn ra ở Afghanistan và có ý định can dự, nhất là Trung Quốc, Iran, Pakistan, Nga và Ấn Độ. Ba nước đầu có biên giới chung với Afghanistan, còn Nga tuy không trực tiếp, nhưng luôn quan tâm đến sự ổn định ở Trung Á, trong khi Tadjikistan, Turkmenistan và Uzbekistan có đến 2.000 km đường biên giới với Afghanistan. Không nước nào muốn thấy một Afghanistan loạn lạc.
Tờ Nezavissimaia Gazetta ở Matxcơva nhận xét, Trung Quốc và Nga có thể thay chân Mỹ, còn tờ HK01 ở Hồng Kông cho rằng đây là dịp để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng. Tuy dòm ngó các tài nguyên, nhưng từ mười năm qua Trung Quốc không tham gia dự án lớn nào tại Afghanistan. Không phải vì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này, mà do an ninh không được cải thiện.
Bạn cũ Pakistan và « bạn » mới Trung Quốc
L’Obs nói về « Những người ‘bạn’ mới của Taliban », với tấm ảnh Vương Nghị bên cạnh giáo chủ Baradar, người đồng sáng lập Taliban.
Tuần báo nhận xét báo chí Mỹ đua nhau đả kích tổng thống, ngay cả những tờ báo thân Biden, đồng thời không quên Pakistan. Wall Streert Journal tố cáo nếu Pakistan không hỗ trợ, chứa chấp, thì Taliban không thể nào sống sót. Theo L’Obs, Pakistan không chỉ ủng hộ, mà còn « sáng tạo » ra Taliban. Trong thập niên 1980, tình báo Pakistan (ISI) đã chuyển giao viện trợ quốc tế cho quân nổi dậy Afghanistan, là người Hồi giáo thuộc nhiều sắc tộc chống quân Liên Xô chiếm đóng. Khi Hồng quân ra đi năm 1989, Pakistan muốn có một chế độ Hồi giáo « bạn bè ». ISI tuyển lựa và huấn luyện một lớp trẻ người Pachtoune theo đạo Hồi cứng rắn, khai sinh phong trào Taliban (chủng sinh, môn đồ).
Sự hai mặt của Islamabad : liên minh với Mỹ nhưng lại ủng hộ quân khủng bố khiến Washington lạnh nhạt dần, và đến 2011 khi đặc nhiệm Mỹ phát hiện Ben Laden sống an nhàn tại một thành phố Pakistan và trừ khử được, thì quan hệ càng lạnh giá. Do muốn xây dựng một Nhà nước tại Afghanistan không có lối ra biển, Washington đành phải chấp nhận, nhưng với việc triệt thoái khỏi nước này, đồng minh Pakistan nay đã mất đi ưu thế.
Về ông « bạn » mới Trung Quốc của Taliban, đã bỏ một số tiền lớn mua một mỏ đồng và một giếng dầu ở Afghanistan nhưng chưa khai thác vì mất an ninh, nay trở nên nhân tố cần thiết khi Mỹ rút quân. Đây là món quà được Joe Biden « kính tặng » hay là một cái bẫy ? Một think tank Đài Loan tự hỏi. Liệu những người « Taliban mới » có để mặc cho các đồng đạo Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc đàn áp ? Bắc Kinh có thể mất ngủ với câu hỏi này. Về phần Washington, thoát khỏi « cuộc chiến bất tận » ở Afghanistan, có thể tập trung cho việc đối phó với Trung Quốc ở châu Á.
Tương lai của thánh chiến quốc tế
The Economist quan tâm đến « Sau Afghanistan, giai đoạn mới của thánh chiến quốc tế là gì ? ». Các phe thánh chiến không giống nhau, không đồng nhất về lý tưởng, có những phe kình địch lẫn nhau. Tuy nhiên thắng lợi ở Afghanistan sẽ mang lại phấn chấn cho họ.
Một khi quân thánh chiến giành được quyền lực, họ nhận ra rằng chủ thuyết của mình khiến lãnh đạo khó khăn hơn. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) chỉ ngự trị được tại Irak và Syria ba năm, hoạt động kinh tế không có gì khác hơn là cướp phá, bắc cóc, làm các nước và Irak theo Shia ghê sợ, liên kết lại để đánh bại. Đối với phe Taliban từng gây sợ hãi lúc thống trị trước đây, các khó khăn đang chờ đợi : cạn tiền vì dự trữ ngoại hối bị Mỹ phong tỏa, kinh tế tê liệt, vật giá gia tăng.