Hàn Quốc bỏ phiếu về dự luật ‘tin giả’ bị các phương tiện truyền thông phản đối
Triệu Hằng
Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tuần tới, Đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ thông qua một hành động gây tranh cãi mà phe đối lập cho rằng sẽ hạn chế khả năng đưa tin của giới truyền thông, theo trang Nikkei.
Thay đổi được đề xuất là sửa đổi đối với Đạo luật về kiểm duyệt báo chí sẽ tăng mạnh các hình phạt tiền đối với các nhà báo và cơ quan truyền thông bị kết tội đưa thông tin sai lệch.
Đảng cầm quyền, nắm đủ số ghế trong cơ quan lập pháp để thông qua dự luật mà không có phiếu bầu từ phe đối lập, lập luận rằng luật pháp là cần thiết để cung cấp cho người dân và các tổ chức một cơ chế để chống lại các báo cáo sai lệch hoặc gây hiểu lầm xuất hiện trực tuyến và có thể gây tổn hại đến danh tiếng của họ.
Kể từ khi ông Moon nhậm chức vào năm 2017, một loạt các kênh của các nhà phê bình cánh hữu đã phát triển mạnh mẽ trên YouTube với các nhà bình luận sôi nổi thu hút lượng lớn khán giả trong việc cáo buộc ông Moon và đảng của ông là những người cộng sản đang bí mật phá hoại Hàn Quốc.
Đảng cầm quyền đã sử dụng các kênh hợp pháp để trả đũa những gì họ coi là chỉ trích không công bằng, bao gồm việc nộp đơn buộc tội một học giả, người đã viết một chuyên mục kêu gọi cử tri bỏ phiếu chống lại Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử lập pháp năm ngoái.
Đảng Quyền lực Nhân dân đối lập bảo thủ chính đang cáo buộc chính phủ đang cố gắng tạo ra một phương tiện hợp pháp để đe dọa những người chỉ trích phải im lặng. Các tổ chức đại diện cho những người làm trong lĩnh vực truyền thông đã kêu gọi chính phủ hủy bỏ dự luật, cho rằng nó sẽ cản trở khả năng đưa tin của các nhà báo mà không sợ hãi hoặc bị chỉ trích.
Rhee June-woong, giáo sư Khoa Truyền thông Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: “Đạo luật này đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do báo chí bằng cách sử dụng các khái niệm và thuật ngữ không rõ ràng. Thật nguy hiểm khi đưa ra một đạo luật hạn chế quyền tự do truyền thông thông qua các điều khoản mơ hồ”.
Fox News: Bắt giữ nhà báo công dân, ĐCSTQ muốn sự thật về Trung Quốc ‘biến mất vĩnh viễn’
Triệu Hằng
Nhà báo công dân Trung Quốc Trương Triển cuối năm ngoái đã bị kết án 4 năm tù chỉ vì đưa tin về các biện pháp chống COVID-19 thất bại của Trung Quốc và chỉ trích ĐCSTQ đã che đậy sự bùng phát của virus. Fox News phân tích rằng có thể không lâu nữa Trung Quốc sẽ không còn những bản báo cáo sự thật tương tự như Trương Triển, trang Vision Times cho hay.
Tờ New York Times đưa tin trong tuần này, luật sư của Trương Triển cho biết cô đã bắt đầu tuyệt thực trong tù từ cuối tháng 7. Cô Trương sẽ không kháng cáo, bởi vì theo quan điểm của cô, quá trình kháng cáo cũng là một trò lừa đảo. Cô cho rằng ở Trung Quốc không hề có tự do báo chí, truyền thông chính thống chỉ là cái loa tuyên truyền của ĐCSTQ.
Fox News viết: “Với những phóng viên công dân như Trương Triển, mọi người biết về COVID-19 nhiều hơn là ĐCSTQ muốn thế giới bên ngoài biết. ĐCSTQ đã thất bại trong việc ngăn chặn những công dân rất dũng cảm này. Họ đã nói lên sự thật”.
Để thế giới bên ngoài biết sự thật, cô Trương và các phóng viên công dân khác đã liều mình xâm nhập “vùng cấm”; một vài người trong số họ đã bị chính quyền bắt cóc và một số bị bỏ tù. Việc ĐCSTQ bỏ tù Trương Triển, Chu Duy Lâm và một số nhà báo khác đã bị các nhà quan sát quốc tế nhất trí lên án. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại rằng có thể không lâu nữa sẽ không còn những báo cáo chân thật như cô Trương Triển ở Trung Quốc.
Fox News cho biết: “Sau khi Tập Cận Bình thanh lọc toàn diện Trung Quốc và đóng cửa quan hệ với các nước trên thế giới, chúng ta sẽ không bao giờ biết về Trung Quốc. Chỉ có một số nhà báo công dân Trung Quốc, và ĐCSTQ hoàn toàn có thể để họ biến mất vĩnh viễn. Hiện chúng ta vẫn có thể nghe thấy sự thật về Trung Quốc. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi sẽ không nghe thấy điều đó nữa, và Trung Quốc sẽ trở nên khép kín hơn hiện nay”.
Về cách đối xử với nhà báo, Trung Quốc đứng thứ tư trong các quốc gia đã bỏ tù nhà báo nhiều nhất thế giới. Theo Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Trung Quốc chỉ đứng thứ 177 trong bảng xếp hạng của 180 quốc gia về Tự do báo chí.
Tổ chức Phóng viên không biên giới viết: “Năm 2021, Trung Quốc vẫn sẽ là nhà tù lớn nhất thế giới dành cho những người bảo vệ tự do báo chí. Hiện tại, hơn 115 người đã bị giam giữ với điều kiện giam giữ đang đe dọa tính mạng của họ. Hướng dẫn viên du lịch Tây Tạng Kunchok Jinpa đã chết trong tù vào tháng 2 năm nay vì cung cấp tin tức cho truyền thông nước ngoài. Người đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba và blogger bất đồng chính kiến Dương Đồng Ngạn cũng bị ngược đãi đến chết trong các nhà tù ở Trung Quốc”.
Bài báo của “Fox” dự đoán rằng ĐCSTQ sẽ cố gắng kéo dài mạng sống của cô Trương Triển, và thậm chí bức thực nếu cần thiết, bởi vì tên của cô hiện đã được cộng đồng quốc tế biết đến.
Khảo sát: 52% người Mỹ ủng hộ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lược
Theo một cuộc thăm dò gần đây, phần lớn công chúng Mỹ ủng hộ một loạt các chính sách của Mỹ nhằm hỗ trợ Đài Loan, bao gồm việc thừa nhận nền độc lập và sẽ đưa quân đến hòn đảo tự trị nếu Trung Quốc tiến hành xâm lược.
(Ảnh minh họa: Novikov Aleksey/ Shutterstock)
Theo kết quả cuộc thăm dò từ Hội đồng Chicago về Các vấn đề Toàn cầu được công bố vào ngày 26/8, 52% người Mỹ hiện ủng hộ việc đưa quân đội Mỹ đến bảo vệ Đài Loan. Cuộc thăm dò được thực hiện trong tháng 7, đã khảo ý kiến của hơn 2.000 người lớn từ 50 tiểu bang và Đặc khu Columbia của Hoa Kỳ.
“Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận trong các cuộc khảo sát của Hội đồng từ năm 1982, thời điểm mà câu hỏi này được đưa ra lần đầu tiên,” báo cáo cho hay.
Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế (không chính thức), có quân đội, tiền tệ riêng và chính phủ được bầu cử dân chủ. Tuy nhiên, chế độ Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố hòn đảo này là của riêng mình và coi đây là một “tỉnh nổi loạn” cần phải được thống nhất với Đại Lục bằng vũ lực nếu cần thiết.
Các cuộc thăm dò cho thấy, hơn một nửa số người Mỹ ủng hộ chính phủ Hoa Kỳ ký một liên minh chính thức với Đài Loan và có tới 46% ủng hộ cam kết bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc.
Đáng chú ý, trung bình gần 7/10 người Mỹ ủng hộ việc công nhận hòn đảo này là một quốc gia độc lập – mặc dù đó không hoàn toàn là chính sách mà các quan chức Mỹ ủng hộ.
Ngoài ra, phần lớn những người được hỏi coi Đài Loan là một đối tác cần thiết, ủng hộ đảo quốc này gia nhập các tổ chức quốc tế (65%) và Hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ – Đài Loan (57%).
Báo cáo nhận định, việc công chúng Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan một phần chủ yếu là bởi họ không tin tưởng chính quyền Trung Quốc.
“Quan điểm về Trung Quốc đã chuyển hướng tiêu cực rõ rệt,” báo cáo nhấn mạnh. Đa số người Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ hơn là đối tác hoặc đồng minh cần thiết.
Chính quyền Bắc Kinh gần đây đã lợi dụng việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan để thao túng dư luận bằng cách thúc đẩy chương trình nghị sự của mình, chẳng hạn như “Afghanistan hôm nay, Đài Loan ngày mai”.
Theo báo cáo, chế độ Trung Quốc đã đe dọa hòn đảo tự trị kể từ năm 2016. Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập ở vùng biển và vùng trời gần Đài Loan, đồng thời sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế đối với hòn đảo này. Đổi lại, Hoa Kỳ đã bán vũ khí cho Đài Loan và bình thường hóa các chuyến thăm của tàu chiến của Hoa Kỳ gần đó.
Gần đây, ngày 15/7, máy bay quân sự của Hoa Kỳ đã hạ cánh xuống Đài Loan. Điều này khiến chính quyền Trung Quốc hết sức tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cảnh báo Hoa Kỳ đang “đùa với lửa” và chính phủ Đài Loan đang “chiêu mời nguy hiểm”.
Vợ đại sứ Hy Lạp tại Brazil bị kết tội giết chồng
Tòa án ở Brazil đã kết án bà Francoise de Souza Oliveira, vợ đại sứ Hy Lạp Kyriakos Amiridis, 31 năm tù với tội danh giết chồng.
Đại sứ Amiridis sống ở thủ đô Brasilia và đang đi nghỉ Giáng sinh cùng vợ và con gái ở Rio de Janeiro vào thời điểm bị sát hại năm 2016. Vài ngày trước lễ Giáng sinh năm 2016, thi thể cháy đen của ông được tìm thấy bên trong một chiếc xe thuê bên dưới một cây cầu ở thành phố Nova Iguacu, tiểu bang Rio de Janeiro.
Cảnh sát đã điều tra và phát hiện nhiều manh mối, bao gồm vết máu trên một chiếc ghế sofa cùng cảnh quay từ camera an ninh liên quan đến Sergio Gomes Moreira Filho, một quân cảnh và là người tình của de Souza Oliveira, vợ đại sứ Amiridis.
Theo thẩm phán Anna Christina da Silveira Fernandes thuộc Tòa án Hình sự, Souza Oliveira đã “lên kế hoạch kỹ lưỡng và tính toán trước” cho tội ác.
“Theo lời khai thu thập được, bị cáo đã lên kế hoạch mọi chuyện, là chủ mưu đứng sau âm mưu rùng rợn”, bà nói.
Phiên tòa còn có bị cáo thứ ba là Eduardo Moreira Tedeschi de Melo, một người họ hàng của Gomes. Người này được tuyên trắng án về tội danh giết người nhưng bị kết án một năm quản chế, đã thụ án xong, vì tội giấu xác.
Thẩm phán cũng chỉ ra rằng de Souza Oliveira, “người tự nhận mình là đại sứ, đã làm hoen ố tên tuổi của Brazil và khiến đất nước xấu hổ với hành động của mình do những hậu quả tiêu cực ở tầm quốc tế của sự việc này”.
De Souza Oliveira và Amiridis kết hôn năm 2004 khi ông còn làm lãnh sự ở Rio de Janeiro.
Người tình của Francoise de Souza Oliveira là Sergio Gomes Moreira Filho bị kết án 22 năm tù.