30-8-2021
Dọn đống sách bừa bộn trên kệ, tôi chợt thấy và vội cầm cuốn “La Grande Parade. Essai sur la survie de l’utopie socialiste” của nhà triết học, viện sĩ Viện Hàn lâm nổi tiếng người Pháp, Jean-François Revel.
Đây là một tiểu luận mang nhiều sự suy nghĩ sâu sắc và sáng suốt về chủ nghĩa Cộng sản. Một học thuyết đã để lại cho lịch sử thế giới những thời khắc đen tối nhất, với những tội ác kinh hoàng, đẫm máu và tàn khốc nhất. Ông cho ra đời Tiểu luận trên vào năm 2000, sau khoảng 10 năm khi chủ nghĩa Cộng sản bị xoá sổ tại châu Âu, sau khi bức tường Bá Linh ô nhục bị sụp đổ.
Với hy vọng những phân tích trong Tiểu luận sẽ đánh động lương tâm nhân loại về một chủ nghĩa, tiếc thay, vào thời điểm mở đầu của thế kỷ 21, vẫn còn tồn tại, một cách thảm thương tại Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam. Đó là các chế độ độc tài toàn trị, dưới sự áp đặt của ý thức hệ chính trị, cố tình quên đi những bài học lịch sử, tiếp tục duy trì sự khủng bố, đàn áp, thậm chí tàn sát bất cứ ai lên tiếng phản kháng lại bộ máy cầm quyền.
Ông cũng không quên chế giễu giới trí thức phương Tây đang than khóc cho một “chủ nghĩa không tưởng”, vụng về bào chữa cho những tội ác của người cộng sản và nhắm mắt làm ngơ trước sự khủng bố, thậm chí thanh lọc sắc tộc tại Tây Tạng. Đối với Jean-François Revel, chủ nghĩa cộng sản là một sự lừa đảo ý thức hệ và nó vẫn đang tiếp tục ra tay thảm sát hàng triệu nạn nhân vô tội trên những mảnh đất có sự hiện diện của nó.
Jean-François Revel nêu đích danh những quốc gia đang chà đạp nhân quyền (Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn). Ông không ngần ngại so sánh chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa phát xít về sự tàn bạo và hủy diệt kinh hoàng. Ông nhận định rằng “Trong lĩnh vực ý tưởng, điều cốt lõi trung tâm, chung cho chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa cộng sản: đó là lòng căm thù chủ nghĩa tự do”. Một cái nhìn sáng suốt của một trí thức.
Ông có lẽ là một trí thức Pháp hiếm hoi luôn khẳng định, một cách bền bĩ, lập trường cá nhân, đối ngược hẳn với không ít những khuôn mặt trí thức khác, về chủ nghĩa Cộng sản.
Lời tâm tình của ông về sự tranh đấu chống lại một học thuyết vô tưởng, phi lý vẫn còn mang tính thời sự, trong bối cảnh thế giới như có vẻ quên đi chủ nghĩa cộng sản vẫn còn hiện hữu và vẫn còn mang lại sự chết chóc trên thế giới: “Je n’ai pas combattu le communisme au nom des idées libérales; je l’ai combattu au nom de la dignité humaine – Tôi không chống lại chủ nghĩa cộng sản nhân danh những ý tưởng tự do; tôi đã chiến đấu chống lại nó nhân danh phẩm giá con người.”
Một lời trần tình để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó tả mà có lẽ chỉ có khi phải sống trong một chế độ cộng sản hà khắc, con người ta mới có đủ nhận thức để hiểu. Những giá trị phổ quát quá đỗi thiêng liêng khiến cho biết bao mạng người đã phải nằm xuống trong lịch sử nhân loại. Những giá trị của sự Tự do, của quyền được làm Người trong một xã hội nhân bản.
Thật vậy, “phẩm giá con người” là giá trị bất tử mà không một thể chế độc tài nào, dẫu tàn bạo và đẫm máu biết bao đi chăng nữa, có thể chiếm đoạt, nhân danh những ý thức hệ phản khoa học và không tưởng.
Nhất là nhân danh ý thức hệ đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa cộng sản đã thảm sát gần 100 triệu nạn nhân vô tội từ 1917 đến cuối thế kỷ 20 để nhằm tạo ra một “con người mới” và hứa mang lại cho họ những cái gọi là “thiên đường” trên trái đất này. Một sự lừa dối hiển nhiên và rõ ràng những lời hứa hẹn ấy đã không bao giờ xảy ra. Ngược lại, chỉ là một sự “lãng phí” tàn khốc và phi lý về sinh mạng con người bị cướp đi bởi chủ nghĩa cộng sản.
Jean-François Revel viết cuốn Tiểu luận “La Grande Parade. Essai sur la survie de l’utopie socialiste” vào năm 2000. Hơn 21 năm trôi qua, dẫu cho nhân loại phải đối phó với nạn khủng bố Hồi giáo cực đoan hay những vấn nạn về môi trường nhưng câu hỏi về sự tồn tại của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn mang tính thời sự. Nhất là một khi sự trỗi dậy của Trung Quốc đang trở nên một mối đe dọa cho những giá trị Tự do, Dân chủ và Nhân quyền của thế giới văn minh.
Đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản, nhân danh cho nhân phẩm của người dân Việt Nam, âu đó cũng chính là tư tưởng và lập trường của những ai đang mong mỏi, khát khao về một Việt Nam dân chủ.
Một điều có lẽ ít người Việt biết đến, Jean-François Revel chính là thân phụ của Matthieu Ricard, nhà sư Phật giáo nổi tiếng, người thân cận và là thông dịch cho Đức Đạt-lai Lạt-ma.
Vào năm 1990, Jean-François Revel đã viết một lá thư cho UNESCO nhằm phản đối tổ chức này coi ông Hồ Chí Minh như một nhà văn hoá. Ông đã không ngần ngại nhận định rằng ông Hồ là người đã phạm tội ác chống lại nhân loại!
Một bí mật polichinelle của chế độ cộng sản!