Tin thế giới sáng thứ Ba

Thanh trừng các nghệ sĩ trong làng giải trí, ĐCSTQ có mục đích gì?

Trịnh Sảng và Triệu Vy

Từ tối ngày 26/8 đến ngày 27/8, tin tức về các vụ thanh trừng những ngôi sao Hoa ngữ nổi tiếng liên tục tăng cao trên danh sách tìm kiếm nóng của Weibo đại lục.

Trong số đó có Trịnh Sảng, ngày 27/8, cô bị cơ quan chức năng thông báo trốn thuế, bị truy thu và phải nộp phạt 299 triệu nhân dân tệ. Nhiều tác phẩm của cô bị xóa khỏi các nền tảng lớn. Tài khoản Weibo của Trịnh Sảng bị cấm vĩnh viễn

Vào tối ngày 26, Triệu Vy bị gỡ tên khỏi các dự án phim ảnh đã tham gia trước đó. Từ khóa Triệu Vy cùng các tác phẩm của cô cũng lần lượt bị gỡ bỏ khỏi các nền tảng internet.  

Ngoài ra, còn có ngôi sao Trương Hằng bị cấm; Hoắc Tôn rút khỏi showbiz; nhiều nhóm người hâm mộ của Triệu Lệ Dĩnh bị cấm…

Ngày 27/8, tờ Netease chỉ ra, chỉ trong vài giờ, một “trận động đất lớn” đã mơ mơ hồ hồ xảy ra trong ngành giải trí. Mục đích đằng sau những động thái nhắm vào giới nghệ sĩ của Bắc Kinh là gì? Dưới đây các nhà phân tích sẽ chỉ ra một số khả năng. 

Thu hoạch của cải 

Chia sẻ với Epochtimes, nhà bình luận Tất Hâm (Bi Xin) cho biết, trong vòng 20 năm qua, các nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đã liên kết với các doanh nhân giàu có, tham gia mở rộng về lĩnh vực bất động sản, kinh doanh tài chính và nền tảng Internet. Các nghệ sĩ cũng thông qua các doanh nhân mà làm quen với quan chức của ĐCSTQ. Giới giải trí dễ trở thành công cụ tranh giành quyền lực hoặc trở thành nạn nhân của ĐCSTQ. 

Ông Trần, một viên chức trong thể chế của ĐCSTQ, nói với phóng viên Epochtimes, [với các vụ việc liên quan đến giới nghệ sĩ gần đây] ngoài việc tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh ngành công nghiệp giải trí, còn có nhân tố thu hoạch của cải của  ĐCSTQ. 

Ông nói rằng, động thái hiện tại của ĐCSTQ với các nghệ sĩ là [chiến thuật] “cắt rau hẹ”. Muốn “cắt rau hẹ” đầu tiên phải tạo dư luận, khiến toàn dân căm ghét làng giải trí. Sau đó chính quyền trung ương sẽ phạt nặng và thanh trừng họ. Nguyên nhân là do chính quyền trung ương đang gặp khủng hoảng tài chính, nên sẽ nhắm vào nhóm người có thu nhập khủng này mà tiến hành thu hoạch của cải. 

Ông Trần chỉ ra, ĐCSTQ thu hoạch của cải từ những người giàu có, những doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, đối với các ngành công nghiệp và doanh nghiệp của giới “con ông cháu cha” thì không động tới một sợi tóc. Theo ông Trần, những gia tộc quyền quý của ĐCSTQ chiếm tới 90% của cải của Trung Quốc. 

Ông Trần nói: “Ông ta [Tập Cận Bình] dám động đến các gia tộc quyền quý này không? Chẳng qua là nhắm tới những dân chúng không có quyền không có thế, trong bối cảnh không quyền không thế mà tới giết gà dọa khỉ. Chính là như vậy.”

Đàn áp giới nghệ sĩ: Cách mạng văn hóa mới? 

Các nhà phân tích cũng tin rằng, động thái của ĐCSTQ ngoài việc thu hoạch của cải còn có các yếu tố chính trị.

Cao Du (Gao Yu), một nhân viên truyền thông có thâm niên ở Bắc Kinh, đã tweet, những nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm làm trong sạch ngành công nghiệp giải trí đã trở nên không thể ngăn cản. Đây có thể được coi là tiền đề của đề xuất “thịnh vượng chung” của ông Tập. 

Ngày 27 tháng 8, ông Akio Yaita, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun, nói với Đài Á Châu Tự Do: “Chính phủ [Trung Quốc] hiện đang lợi dụng lòng căm thù của công chúng đối với những người giàu có. [Lợi dụng] sự đố kỵ, thèm muốn và căm ghét để  “bắt cóc đạo đức” những người nổi tiếng này. Đầu tiên, đem những người [nghệ sĩ] này quy thành tội phạm, hoàn toàn bôi xấu họ, đây là một việc vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng.”

Ông đề cập rằng trong thời kỳ thảm họa Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, một số nữ diễn viên vì thể hiện tình yêu nam nữ trên TV nên bị gộp thành nhóm “phần tử đạo đức bại hoại”. 

Giờ đây, chính quyền ĐCSTQ cũng đang đứng trên đỉnh cao đạo đức để chấn chỉnh ngành công nghiệp giải trí, khiến dân chúng mù quáng hùa theo ĐCSTQ, giống như đang phát động một lần “Cách mạng Văn hóa Mới”.

Ông Akio phân tích, việc ĐCSTQ đàn áp ngành công nghiệp giải trí cũng có mục đích chính trị là tăng cường kiểm soát xã hội. Các nhà chức trách cho rằng, một số ngôi sao thu hút lượng người hâm mộ khổng lồ. Điều này gây bất lợi cho quyền lực trung tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ví dụ, vụ bắt giữ Ngô Diệc Phàm từng có tác động rất lớn. Một số lượng lớn người hâm mộ của anh ta đã thảo luận tìm cách cướp ngục, cứu thần tượng. 

Cô Diêu, một người thạo tin trong ngành giải trí Trung Quốc đại lục cho biết, một phong trào tương tự như Cách mạng Văn hóa với người nổi tiếng đã bắt đầu ở Trung Quốc. Nhiều người đã thu thập các hành động xấu trong quá khứ của giới nghệ sĩ trên Internet. Bây giờ tất cả những người nổi tiếng ở Trung Quốc đều đang gặp nguy hiểm.

Hoa Kỳ đón linh cữu 13 quân nhân tử nạn do khủng bố ở Afghanistan

Thùy Dương

Thi hài các binh sĩ Mỹ tử nạn tại Afghanistan về đến sân bay Dover (Delaware), Hoa Kỳ, ngày 29/08/2021. AFP – SAUL LOEB

Hài cốt của 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố hôm thứ Năm 26/08/2021 tại Kabul đã được đưa về đến Hoa Kỳ hôm qua 29/08. Tổng thống Joe Biden cùng đệ nhất phu nhân Jill Biden đã ra tận đường băng phi trường ở căn cứ quân sự Dover, bang Delaware, miền tây nước Mỹ, tham gia nghi lễ đón linh cữu các quân nhân tử vong, trong bối cảnh ông đang bị chỉ trích nặng nề về cách xử lý cuộc khủng hoảng Afghanistan.

Từ New York, thông tín viên RFI Alexis Guilleux gửi về bài tường trình:

“Với vẻ mặt nghiêm trang và bàn tay áp vào tim, Joe Biden nhìn 13 linh cữu phủ lá cờ Mỹ được rước qua. Bên cạnh tổng thống là đệ nhất phu nhân Jill Biden, ngoại trưởng Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng, cũng như nhiều quan chức quân đội cấp cao khác.

Sau đó, trong bài phát biểu về diễn biến cơn bão Ida, tổng thống Biden cũng đã đề cập đến buổi lễ nói trên. Ông nói: “Cùng với Jill, chúng tôi đã gặp gia đình của 13 người anh hùng đã ngã xuống ở Afghanistan. Trong khi chúng ta hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Louisiana, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho họ.”

Tổng thống Joe Biden đã từng hứa hẹn “rút quân an toàn và trật tự” khỏi Afghanistan. Khi đó, những lời chỉ trích ông về việc xử lý cuộc khủng hoảng Afghanistan đã gay gắt, nhưng từ khi xảy ra vụ khủng hoảng hôm thứ Năm tuần trước, những lời chỉ trích từ phe Cộng Hòa càng kịch liệt hơn.

Thượng nghị sĩ Mitch Mc Connell,
lãnh đạo phe đối lập ở Thượng Viện Mỹ, đã giận dữ thốt lên : “Đó là một trong những quyết định tồi tệ nhất về chính sách đối ngoại trong lịch sử nước Mỹ”. Dân biểu Ben Sasse của bang Nebraska cũng giận dữ. Ông nói : “Rõ ràng là không có kế hoạch nào cả. Đã không có một kế hoạch nào được đưa ra. Nhiều người đã chết và sẽ có những người khác chết, bởi vì tổng thống Biden thích dựa vào những bài diễn văn lạc quan hơn là dựa vào thực tế.”

Trong bối cảnh quân Mỹ sẽ phải rời khỏi Afghanistan vào ngày mai, điểm tín nhiệm của Joe Biden đang xuống thấp. Theo một cuộc thăm dò gần đây của đài CBS, 74% những người được hỏi nhận định việc rút quân đuợc tổ chức, quản lý không tốt.”

Afghanistan: Rocket rơi vào sân bay Kabul trước khi kết thúc chiến dịch di tản

Thanh Hà

Ảnh tư liệu do Không lực Hoa Kỳ cung cấp. Một vận tải cơ di tản các công dân nước ngoài khỏi Afghanistan tại sân bay Kabul, ngày 23/08/2021. © AP – Airman 1st Class Kylie Barrow

Cả phía Taliban lẫn Hoa Kỳ hôm 30/08/2021 cùng xác nhận nhiều quả rocket đã được bắn về phía phi trường Kabul vài giờ trước hạn chót Mỹ rút hết quân, khép lại 20 năm can thiệp quân sự tại Afghanistan.

Hãng tin Anh Reutes trích dẫn một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết hệ thống phòng không của Hoa Kỳ đã chận được ít nhất 5 rocket bắn về phía sân bay Kabul sáng sớm ngày 30/08/2021. Theo truyền thông Afghanistan, những rocket này được bắn đi từ một chiếc xe. Hãng tin Pháp cho biết một đại diện của Taliban xác nhận « 5 quả rocket, đã được bắn đi nhưng hệ thống chống tên lửa tại khu vực gần phi trường đã ngăn chận kịp thời ».

Trước đó, chiều Chủ Nhật 29/08/2021, cũng theo các nguồn tin từ phía Taliban, một chiếc drone của Mỹ đã phá hủy một mục tiêu cách không xa phi trường Kabul. Mục tiêu đó là một chiếc xe có gài chất nổ được dự trù sử dụng để tiến hành một vụ khủng bố tự sát.

Tình hình tại thủ đô Kabul rất căng thẳng vào những giờ chót trước thời hạn 31/08, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan sau 20 năm can thiệp quân sự. Mặc dù tình hình rất căng thẳng, Washington cho biết chiến dịch di tản « không bị gián đoạn » để đưa nốt khoảng 300 công dân Mỹ ra khỏi Afghanistan.

Từ khi quân Taliban chiếm được thủ đô Kabul, hơn 114.000 người đã được sơ tán, trong đó có gần 5.500 công dân Mỹ. Giai đoạn chót của các chương trình di tản trước thời hạn Hoa Kỳ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan càng thêm nguy hiểm từ sau vụ khủng bố hôm Thứ Năm 26/08/2021.

Phía Pháp cho biết có « hàng ngàn người Afghanistan » đợi được sơ tán. Đó là những thành phần cần được bảo vệ và được đưa về những nơi an toàn. Anh Quốc xác nhận vẫn còn « hơn 1.100 người » bị kẹt lại Afghanistan.

Taliban từ chối thành lập « vùng an toàn »

Một ngày trước thời hạn Taliban tiếp quản sân bay Kabul, vẫn còn hàng ngàn người đợi được di tản khỏi Afghanistan. Anh, Pháp đề nghị thành lập một vùng an toàn tại thủ đô Kabul để tiếp tục các chương trình sơ tán, nhưng Taliban bác bỏ sáng kiến này.

Vào lúc 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp lại chiều nay, 30/08/2021, để xem xét đề nghị của Anh và Pháp thành lập một vùng an toàn tại Kabul tiếp tục công tác di tản khỏi Afghanistan, phía Taliban coi việc lập ra những khu vực này « là không cần thiết ». Trên đài phát thanh Pháp France Info chiều Chủ Nhật 29/08, phát ngôn viên Taliban, Suhail Shahen giải thích « không cần » thành lập một vùng an toàn như đề xuất của Paris và Luân Đôn để tiếp tục các chương trình nhân đạo, bởi Afghanistan là « một quốc gia độc lập » và phe Taliban bảo đảm cho « mỗi người dân Afghanistan nếu muốn và nếu có hộ chiếu, hay visa, sẽ được xuất cảnh sau thời hạn 31/08 ».

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken một lần nữa nhắc lại Taliban đã cam kết tạo điều kiện để tất cả các công dân nước ngoài và những người Afghanistan có hộ chiếu ngoại quốc sẽ được rời khỏi Afghanistan.

Washington hôm nay triệu tập một cuộc họp qua cầu truyền hình với những « đối tác then chốt » gồm Anh, Pháp, Ý, Đức, Canada, Nhật Bản, NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar để tìm một « giải pháp chung » cho giai đoạn hậu 31/08. Kết thúc cuộc họp, ngoại trưởng Blinken sẽ ra thông cáo về tình hình Afghanistan.

Viễn cảnh Taliban hợp tác với phương Tây chống khủng bố

Thanh Hà

Các chiến binh Taliban tại một chốt kiểm soát bên ngoài sân bay Kabul, Afghanistan, ngày 28/08/2021. AP – Wali Sabawoon

Chưa đầy hai tuần sau khi thủ đô Kabul thất thủ, một vụ tấn công tự sát cũng đủ để Taliban và phương Tây buộc phải bắt tay nhau chống khủng bố. Một bên cần được bảo đảm hoàn tất các chương trình di tản và ra đi trong danh dự. Ở phía bên kia, phong trào Hồi giáo cực đoan tại Afghanistan cần đạt mục tiêu « vãn hồi an ninh và hòa bình » sau 20 chiến tranh.

Vụ tấn công hôm 26/08/2021, gần 100 người thiệt mạng ở Kabul, làm dấy lên đe dọa khủng bố. Thủ phạm, « tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Khorasan IS-K » thách thức « những ông chủ mới ở Kabul ». Đây là yếu tố mở đường cho « Taliban và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn » như ghi nhận của một số nhà phân tích.

Tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Afghanistan, cho biết đã « liên lạc với Taliban » để tăng cường an ninh và khẳng định các chiến binh Taliban đã « ngăn chận được một số âm mưu khủng bố ». Về phía Taliban, theo như ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong một vài ngày qua, phe này không còn cản trở những chiếc xe ca chở người xin được di tản vào khu vực phi trường.

Trong 20 năm qua, phe Taliban liên tục chiến đấu chống lại các chính quyền liên tiếp ở Kabul do liên quân quốc tế bảo trợ. Taliban cũng đã dễ dàng lên án một chính quyền bù nhìn và bất tài trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho người dân Afghanistan, mỗi khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất. Nhưng giờ đây, một khi làm chủ đất nước, phong trào Hồi Giáo do những sinh viên thuộc sắc tộc Pashtun sáng lập không còn có thể đùn đẩy trách nhiệm cho bất kỳ một thế lực nào khác. Cũng đừng quên rằng một trong những lý do đã khiến Taliban lớn mạnh trên lãnh thổ Afghanistan là hứa hẹn « đem lại hòa bình, bảo đảm an ninh, áp dụng luật Hồi giáo Sharia »

Hơn thế nữa, trong thỏa thuận vãn hồi hòa bình cho Afghanistan ký kết với Mỹ tại Doha-Qatar cuối tháng 2/2020, lực lượng Taliban từng cam kết « không biến Afghanistan thành sào huyệt khủng bố ». Cho nên việc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Khorasan nhận là tác giả vụ tấn công ngày 26/08 là một vố đau đối với Taliban. Chỉ vài giờ sau vụ tấn công, phe này đã phải thanh minh rằng đã « tiêu diệt được tổ chức IS-K ở toàn bộ 34 tỉnh thành trên toàn quốc, nhưng Kabul là một ngoại lệ ». Cũng Taliban đã vội vã phủ nhận trách nhiệm khi giải thích rằng khủng bố xảy ra tại một khu vực mà Hoa Kỳ kiểm soát an ninh.

Thêm một dấu hiệu khác cho thấy IS-K thách thức Taliban đó là tổ chức này đã hoàn toàn im lặng, không hoan hỷ chúc mừng Taliban chiếm được Kabul hôm 15/08/2021.

Lý do thứ hai báo trước Taliban và phương Tây có triển vọng hợp tác : « Taliban là một chiếc hộp đen », như chuyên gia Pháp về Afghanistan Gilles Dorronsoro ghi nhận. Ngay trong nội bộ của phong trào cũng có những chia rẽ sâu rộng kể từ sau cái chết của thủ lĩnh là giáo sĩ Omar năm 2015. Phong trào Taliban giờ đây đang bị chia rẽ giữa một bên là phe của giáo sĩ Mansur và bên kia là của một nhóm mang tên « Mặt trận tự sát ». Một sự chia rẽ khác nữa liên quan đến các thế hệ trong hàng ngũ Taliban. Một bên thì muốn dừng lại khi đã giành lại được chính quyền ở Afghanistan và bên kia là những thành phần muốn liên kết với các tổ chức Hồi giáo cực đoan, với các nhóm khủng bố khác, đứng đầu là Al Qaeda, để mở rộng ảnh hưởng của Nhà Nước Hồi Giáo ra toàn thế giới, mà trước măt là ở khu vực.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều nhà phân tích ghi nhận những phát biểu có vẻ hòa hoãn của Taliban từ hai tuần qua có thể là những tín hiệu đầu tiên cho thấy « hợp tác » với phương Tây, hay rộng hơn là với cộng đồng quốc tế là điều tất yếu, nếu chính quyền sắp tới ở Afghanistan thực sự muốn vãn hồi an ninh và tái thiết đất nước. Như nhà nghiên cứu Adam Baczko, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu  Khoa Học Quốc Gia của Pháp, ghi nhận : Taliban đã chứng tỏ khả năng giành được một thắng lợi quân sự, nhưng đoạn đường còn lại sẽ gian nan không kém.

Trung Quốc phản bác báo cáo của tình báo Mỹ về nguồn gốc Covid-19

Anh Vũ

Bên ngoài khu vực phòng thí nghiệm P4 của Viện Vi trùng học Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 03/02/2021. AP – Ng Han Guan

Theo NHK, Trung Quốc hôm 29/08/2020 đã phản đối gay gắt tóm tắt báo cáo của Mỹ nhận định « có thể chấp nhận » giả thuyết cho rằng việc Covid-19 được truyền qua người có thể bắt nguồn từ « tai nạn » ở một phòng thí nghiệm về virus của thành phố Vũ Hán.

Hôm qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Anthony Blinken, đã gay gắt phản bác các kết luận của bản báo cáo nói trên. Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc còn kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt “chính trị hóa” việc tìm kiếm nguồn gốc của virus corona, cũng như không gây áp lực lên Tổ Chức Y Tế Thế Giới về vấn đề này.

Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ hôm thứ Sáu tuần qua đã công bố tóm tắt kết luận của cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19, được tiến hành theo yêu cầu của tổng thống Joe Biden. Cuộc điều tra chưa đưa ra được kết luận cuối cùng về nguồn gốc đại dịch, nhưng có đề cập đến những giả thiết liên quan đến phòng thí nghiệm virus Vũ Hán, Trung Quốc.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã chấp nhận để một đoàn chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến Vũ Hán điều tra về  nguồn gốc virus. Sau hơn một tháng điều tra, các chuyên gia đã ra báo cáo loại trừ khả năng virus bị phát tán ra ngoài do những rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán. Tuy nhiên, sau đó nhiều nhà khoa học đã bác bỏ kết luận này của báo cáo.

Hồi tháng 5, tổng thống Mỹ Joe Biden đã  yêu cầu các cơ quan tình báo Hoa Kỳ trong 90 ngày phải ra báo cáo về nguồn gốc của virus gây ra đại dịch Covid-19. Báo cáo đã được trình Nhà Trắng tuần trước và tóm tắt nội dung sẽ được công bố trong thời gian tới.

WHO: Giáo viên phải được ưu tiên chích ngừa Covid-19

Thùy Dương

Biểu tình phản đối việc đóng cửa trường học tại Argentina, với biểu ngữ “Giáo dục là điều hệ trọng”, trước trụ sở bộ Giáo Dục, Buenos Aires, Achentina, ngày 16/04/2021. AP – Victor R.Caivano

Giáo viên và nhân viên làm việc tại các trường học phải được xếp vào nhóm các đối tượng được ưu tiên chích ngừa Covid-19. Trên đây là khuyến nghị ban lãnh đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) chi nhánh châu Âu và Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đưa ra hôm nay, 30/08/2021.

Trong một thông cáo, hai định chế của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên WHO và UNICEF triển khai một chiến lược tiêm chủng nhằm duy trì hoạt động của trường học, để trẻ em được đến trường học trực tiếp, chứ không phải học từ xa. Theo WHO và UNICEF, cần phải đề xuất tiêm chủng Covid-19 cho các giáo viên và nhân viên làm việc trong các trường học, xem họ là nhóm đối tượng cần được ưu tiên trong kế hoạch tiêm chủng quốc gia.

Trong thông cáo, Hans Kluge, giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, chi nhánh châu Âu, nhấn mạnh ,sau kỳ nghỉ hè và trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh, việc các trường học có thể mở cửa đón học sinh là điều quan trọng “sống còn” đối với “nền giáo dục, sức khỏe tâm thần và năng lực xã hội của trẻ em”. Ông Kluge cũng lưu ý đại dịch Covid-19 đã gây ra “sự rối loạn tai hại nhất trong lịch sử ngành giáo dục”.

Theo AFP, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường học được mở cửa, chi nhánh châu Âu của WHO và chi nhánh châu Âu và Trung Á của UNICEF cũng kêu gọi bảo đảm việc tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và có bệnh nền, cũng như cải thiện môi trường trong học đường (hệ thống thông gió, giãn cách, xét nghiệm tầm soát thường xuyên cho học sinh và nhân viên của trường).

Covid-19: Liên Âu loại nhiều nước khỏi danh sách “an toàn dịch tễ”

Anh Vũ

Liên Hiệp Châu Âu duy trì nhiều chính sách chung về Covid. Ảnh minh họa. © Stephanie Lecocq/Pool via Reuters

Con số các quốc gia mà cư dân có thể vào Liên Hiệp Châu Âu mà không phải chịu các điều kiện hạn chế y tế sẽ bị cắt giảm thêm kể từ hôm nay, 30/08/2021.

Châu Âu đã thông qua một bản đồ thế giới dịch tễ học từ cuối tuần trước, theo đó số lượng những nước được EU đánh giá là đủ độ an toàn sẽ bị cắt giảm đáng kể. Các nước trên thế giới sẽ thường xuyên được EU đánh giá mức độ an toàn dựa trên tỷ lệ nhiễm Covid-19 và tiêm chủng. Hoa Kỳ giờ nằm trong số quốc gia không đủ miễn dịch để cư dân có thể nhập cảnh vào EU.

Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles cho biết thêm chi tiết :

Tính cả Hoa Kỳ, tổng cộng sẽ có thêm 6 quốc gia và vùng lãnh thổ bị Liên Hiệp Châu Âu áp đặt các hạn chế nhập cảnh. Quyết định mới được các đại sứ của 27 nước tại Bruxelles thông qua. Họ cũng rút khỏi danh sách “các nước an toàn” 3 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Balkan, gồm Montenegro, Kosovo và Bắc Macedonia, cũng như Israel và Liban.

Đây là những quốc gia và vùng lãnh thổ không còn được coi là an toàn về mặt đại dịch virus corona và những cư dân của những nơi đó không được phép nhập cảnh vào Liên Hiệp Châu Âu và không gian Schengen, trừ trường hợp thật cần thiết.

“Danh sách xanh” hay “danh sách các nước an toàn”, đã được lập hồi tháng 6/2020 và thường xuyên được xem xét lại. Đến hôm 01/07/2021, danh sách này có 24 nước.

Quyết định về nguyên tắc đưa ra hôm thứ Sáu tuần qua sẽ phải được chính thức thông qua hôm nay. Hoa Kỳ sau hơn 2 tháng rưỡi có mặt cuối cùng sẽ không còn trong danh sách xanh. Canada là quốc gia châu Mỹ duy nhất còn được xếp vào diện an toàn.

Không một nước châu Phi nào còn lại trong danh sách các nước an toàn kể từ khi Rwanda bị rút ra hồi giữa tháng 7 vừa qua. Các nước còn lại trong danh sách xanh hiện nay của EU chủ yếu là những nước trong vùng Balkan, Trung Âu, hoặc Trung Đông hay Viễn Đông.

Related posts