Lệ Thu
Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim tình cảm hài nhẹ nhàng, có một cốt truyện không quá cầu kì, cùng dàn diễn viên kiệt xuất, cả chính lẫn phụ, và những cảnh quay đẹp từ thành thị đến nông thôn thì bạn đừng bỏ qua “The Proposal”. Bộ phim, tạm dịch là “Lời cầu hôn”, của điện ảnh Hoa Kỳ, ra mắt vào năm 2009, do Anne Fletcher làm đạo diễn.
Anne Fletcher được biết đến như là một vũ công, diễn viên, biên đạo múa và đạo diễn phim. Vô cùng mát tay với dòng phim hài – ca nhạc cùng những vũ điệu cuồng nhiệt như “27 đám cưới”, “Cặp đôi hoàn cảnh” hay “Step Up”, lần này, nữ đạo diễn xinh đẹp cũng không làm khán giả và cả nhà sản xuất thất vọng khi cho ra mắt một câu chuyện tình yêu bi hài cười ra nước mắt đồng thời thu về tới hơn 400 triệu đô la tại các phòng vé trên toàn thế giới.
Dù không được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng nhìn vào doanh thu kếch sù này, ta có thể thấy bộ phim đã có được những thành công nhất định của nó. “Lời cầu hôn” có một cốt truyện dễ hiểu, chi tiết đơn giản, thậm chí dễ dàng đoán được cái kết, ấy vậy mà hàng triệu con tim vẫn thổn thức theo từng bước đi của nhân vật, cười – khóc và thở phào nhẹ nhõm khi những người yêu nhau cuối cùng cũng đến được với nhau.
Tình yêu có thể đến từ bất cứ đâu
Như phần lớn các phim hài khác, “Lời cầu hôn” sử dụng một tình huống tréo ngoe khi một nữ tổng biên tập sách “hét ra lửa” – Margaret – có nguy cơ bị trục xuất về Canada và cô đã nhanh trí cứu nguy cho mình bằng cách tuyên bố rằng cô sẽ đính hôn với trợ lí của mình – Andrew – người đã bị cô hành “tới bến” sau nhiều năm làm việc.
Phim mở đầu là sự ghê gớm của Margaret và sự sợ hãi cũng như màn đối phó của đám nhân viên với cô. Vị sếp nữ này được khắc họa rất cứng nhắc, hẹp hòi, miệng lưỡi sắc như dao, tính tình hắc ám khó chịu và bị nhân viên gọi là “Mụ phù thủy”. Còn Andrew thì lại được vẽ ra với bao ưu điểm: anh chàng “lính trẻ” đẹp trai yêu nghề cố gắng chịu đựng bà Sếp khó nhằn cùng những lời hứa suông về việc thăng chức suốt mấy năm ròng. Tới đây, hẳn người xem đã hiểu bộ phim giống như kiểu “Ghét của nào trời trao của nấy” và đoán ra được cuối cùng thì đôi trẻ đầy “ân oán” này sẽ phải lòng nhau thật sự với một Happy Ending không thể tốt đẹp hơn. Tuy nhiên bộ phim vẫn khiến cho khán giả yêu quý bởi cách sắp xếp tình tiết hợp lí, không hề gây nhàm chán.
Ấn tượng nhất có lẽ là cảnh Margaret gượng gạo trong bộ đồ công sở cứng nhắc với đôi giầy cao gót quỳ gối xuống ngay vỉa hè đông đúc giữa lòng New York dập dìu để cầu hôn Andrew. Anh chàng hóa ra cũng không phải tay vừa, đặt ra không biết bao nhiêu điều kiện buộc Sếp phải làm theo, mà cái điều kiện đầu tiên là “hoặc là quỳ – hoặc là ra đi”. Và rồi, họ lại phải nắm tay nhau về quê của Andrew vào ngày lễ sinh nhật tròn 90 tuổi của bà nội anh chỉ để chứng minh với phòng quản lí nhập cư về sự chân thực của vụ đính hôn mà họ bày ra.
Chuyến đi về Sitka, một thị trấn thuộc Alaska là bước ngoặt thay đổi toàn bộ cuộc đời họ. Tại đây, Margaret đã phải trải qua nhiều tình huống dở khóc dở cười, khiến cô nhận thấy không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra trong tầm kiểm soát của cô. Bất chấp những hậu quả họ có thể gánh chịu, Margaret và Andrew vẫn quyết tâm tổ chức đám cưới bất ngờ này như dự kiến. Nhưng cả hai đều không biết rằng càng dành nhiều thời gian bên nhau, họ càng nảy sinh nhiều tình cảm đặc biệt.
Chẳng thể còn gì thú vị hơn khi hóa ra anh chàng trợ lí quèn Andrew lại là chàng công tử con nhà giàu, sở hữu phần lớn tài sản và chuỗi kinh doanh tại Sitka, để rồi từ đó, cái nhìn của Margaret về anh dần dần thay đổi. Thêm vào mâu thuẫn giữa hai cha con Andrew, Margaret nhận thấy ở Andrew một người đàn ông mạnh mẽ, sinh ra đã ở vạch đích nhưng lại muốn theo đuổi đam mê riêng của mình. Ba năm qua, Andrew chịu đựng sự quái đản của Margaret chỉ vì muốn chứng tỏ bản thân với gia đình.
Trong khi đó, Andrew cũng nhìn thấy những điều nhỏ bé tốt đẹp, đáng thương và đáng yêu từ Margaret mà dù ở bên cạnh cô khá lâu, nhưng anh hoàn toàn mù tịt, đặc biệt là việc Margaret hóa ra là trẻ mồ côi. Từ đây, họ bỗng cảm thấy một sự sẻ chia, sẵn sàng nói với nhau về những bí mật rất đời thường của mình, nhất là Margaret, khi cô giải bày với anh về ban nhạc cô yêu thích, cuốn sách cô hay đọc vào Giáng Sinh hay ý nghĩa của hình xăm trên cơ thể cô.
Sức mạnh gắn kết của Gia đình
Điều khác biệt ở “Lời cầu hôn” với một số phim cùng thể loại và mô típ kịch bản “ghét của nào trời trao của nấy” là gia đình Andrew ở Sitka. Họ là những người vô cùng cởi mở, sẵn sàng chào đón Margaret một cách nồng nhiệt dù rõ ràng thấy được sự chênh lệch tuổi tác và sự khác biệt trong phong cách sống của hai người. Ngay sau khi “cô dâu nhỏ” được giới thiệu, bà nội Annie của Andrew cùng với mẹ anh đã quyết định sẽ tổ chức đám cưới cho họ vào hôm sau, là ngày mừng thọ tuổi 90 của bà. Cha Andrew là người duy nhất phản đối một cách yếu ớt.
Đám cưới sẽ được tổ chức trong kho thóc theo truyền thống của gia đình và không những thế, chính tay bà Annie sẽ sửa lại bộ váy cưới đã được truyền lại từ nhiều đời cho Margaret cùng sợi dây chuyền của bà cố. Sự chăm sóc, quan tâm, yêu quý, nhiệt tình và đầy hào hứng của mọi người, đặc biệt là bà nội Annie đã khiến Margaret rung động. Nghe thì tưởng như vô lý nhưng cô nàng “tổng biên tập phù thủy” này lại là một trẻ mồ côi, bản thân cô rất trân trọng tình cảm gia đình. Margaret vừa lạnh lùng, độc đoán song điểm yếu – cũng là điểm mạnh của cô – chính là tình yêu và sự khao khát một mái ấm thật sự.
Thế nên, dù tương lai sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ là không tránh khỏi nhưng Margaret vẫn quyết định từ bỏ tất cả, cô không thể lừa dối những người đã quá yêu thương cô. Giữa cái lúc tình cảm đã nảy nở trong lòng Andrew thì Margaret lại để lại bộ váy cưới, bỏ anh một mình giữa kho thóc với bao khách khứa để cùng nhân viên phòng quản lí nhập cư lên thuyền rời khỏi Sitka.
Giờ thì ai cũng đoán được Andrew sẽ đuổi theo Margaret nhưng bằng cái cách mà nữ đạo diễn Anne Fletcher sử dụng thì chắc chỉ có một. Khi Margaret bỏ đi, hai cha con Andrew lại mâu thuẫn gay gắt. Người cha tiếp tục mắng mỏ con trai không biết làm gì cho cuộc sống của anh, còn người con thì cho rằng cha chưa bao giờ thực sự hiểu mình. Lúc này, sợi dây “gia đình” đã chứng minh giá trị của nó, mà người đại diện là bà nội Annie. Bà đã giả vờ bị một cơn đau tim khiến cả nhà hoảng hốt rồi tranh thủ lúc “sắp trút hơi thở cuối cùng”, bà bắt hai cha con Andrew phải hứa sẽ tha thứ và học cách hiểu nhau hơn, chưa kể, bà còn khiến con trai phải đồng ý cho Andrew và Margaret đến với nhau.
Những điều làm nên bộ phim
Ở “Lời cầu hôn”, ta thấy mọi thứ trong phim đều được khai thác vừa phải, hài hước nhưng không quá lố bịch, lãng mạn nhưng không sến sẩm, vẫn có những khoảng lặng riêng nhưng không quá trầm hay bi lụy. Đóng góp vào thành công không nhỏ ấy là một dàn diễn viên gạo cội đầy tài năng cùng màn diễn xuất ăn ý của Sandra Bullock và Ryan Reynolds – trong vai Margaret và Andrew. Vai diễn Margaret đã đem tới cho Sandra Bullock một đề cử Quả Cầu Vàng dành cho “nữ diễn viên phim ca nhạc hoặc phim hài xuất sắc nhất”, một giải Teen Choice Award dành cho hạng mục Choice Summer và giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại People’s choice Award năm 2009.
Bên cạnh cặp đôi nhân vật chính, bà già nhí nhảnh cũng chiếm được rất nhiều cảm tình của khán giả, là bà nội Annie của Andrew do Betty White thủ vai. Nữ diễn viên được mệnh danh là “biểu tượng truyền hình trong 60 năm” đã đạt tổng cộng 6 giải Emmys và hai giải của American Comedy Award trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình. Bà đã tạo ra hình ảnh một người bà hài hước, vui vẻ, đầy lòng trắc ẩn và sự cảm thông. Mọi biến cố trong gia đình đều được bà xử lí một cách thông minh, nhẹ nhàng hiếm có.
Người ta thấy một bà nội hiện đại khi nhất định bắt hai cháu phải ngủ chung phòng, tất nhiên là còn kèm theo chiếc chăn “làm em bé” để mong mau có chắt bế bồng ; một bà nội lưu giữ những giá trị truyền thống từ kỉ vật cũ của gia đình nhưng vẫn tham gia vào màn múa thoát y một cách hào hứng ; một bà nội vô tư, yêu thiên nhiên cây cỏ, mặc áo choàng múa may giữa rừng … Và vẫn là một bà nội ấy, nhưng đầy vẻ mưu mô, ma lanh khi đứng ra dàn xếp mâu thuẫn giữa con trai và cháu nội bằng một màn kịch hấp hối có một không hai.
Biết bao nhiêu sắp đặt và chi tiết ấy đủ cho khán giả thấy ngoài ý nghĩa của một lời cầu hôn, của một tình yêu diễn ra tự nhiên, chậm nhiệt, dần dần thấu hiểu nhau thì bộ phim còn chứa đựng trong nó rất nhiều giá trị nhân văn. Yêu – là điều kì diệu không chỉ giữa hai người mà còn là sự gắn kết bền chặt của gia đình và những người xung quanh chúng ta.