‘Người Việt trầm lặng’ ở nhiều nơi – Tamar Lê

Hồi thơ ấu, không hiểu sao tôi lại mơ đi qua Alaska, có lẽ vì sự hoang vắng của mảnh đất xa xôi lạnh lẽo này. Tưởng là giấc mơ thôi, không ngờ cách đây hơn 30 năm, tôi ngồi trên máy bay Japan Airlines từ Tokyo bay lượn trên bầu trời Alaska, lòng đầy cảm xúc khi nhìn ‘tuyết trắng đã chìm trong màn đêm.’ Hehehe

Tôi tò mò muốn biết có người Việt nào sống ở đây, chắc là không rồi.. mà lúc đó cách hay nhất là tìm trong phone book. Tôi tìm chữ ‘Nguyễn’ để khởi đầu… nhưng tìm mãi mới có leo teo vài người. Tôi gọi đại một tên thì nghe giọng tiếng Anh lơ lớ tiếng Việt.

Thế là tôi được gặp Tuấn, một  thanh niên với một nụ cười hiền hòa chất phát. Tuấn mời tôi về nhà và dùng cơm với gia đình. Ngồi nghe gia đình Tuấn hát những bài nhạc Việt Bolero như Nắng chiều, Tàu đêm năm cũ, Mưa rừng.. tôi cảm thấy xao xuyến nhớ quê nhà muôn vàn khi đang ở nơi thành phố lạnh giá này.

Sau Alaska, New Zealand là một nước láng giềng yêu quý của Úc mà tôi quyết định phải đi thăm để được ngắm nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Nghe nói có nhiều người Việt cũng sinh sống ở New Zealand nên tôi nghĩ biết đâu sẽ được gặp lại người bạn Văn Khoa ‘nơi chốn này’.

Vẫn dùng ‘phương pháp’ cũ, tôi tìm họ ‘Nguyễn’ hay ‘Trần’, ‘Lê’.. trong phone book của thành phố Wellington. May quá tôi được một gia đình hai bác với năm người con teenagers đón tiếp rất thân mật, cũng có tâm hồn văn nghệ gia đình, tha hồ mà chuyện trò và ca hát. Gia đình này ở cạnh một gia đình khác nên họ mời hai vợ chồng qua gặp tôi rồi ‘lai rai’ cho vui. . . 

Tôi như bị sét đánh vì quá ngạc nhiên, anh chồng gia đình láng giềng này chính là ‘Mùi’, cùng học ban Anh Văn ở Văn Khoa và đi chung trại quân sự học đường ở quân trường Quang Trung với ‘nắng đổ hiền hòa’. Mùi và tôi rất ngạc nhiên, không ngờ thành phố Wellington lại là ‘Vườn Tao Ngộ’ của tụi này.

Đi cho biết đó biết đây, vào năm 1988 tôi lại bay qua Thụy Sĩ, viếng thăm University of Zurich để học hỏi thêm tâm ngữ học; khi ngồi ăn trưa on campus với vài giáo sư tâm lý học, lần đầu tiên tôi nghe đề cập đến Professor Vĩnh Bằng, ‘cánh tay phải’ của nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế giới Piaget.

Giáo Sư Vĩnh Bằng ở trong nhóm nghiên cứu về tri thức luận (epistemology) , tâm lý học chức năng (psychology of functions) của ‘The circle of Geneva’. Họ rất ngạc nhiên là tôi không biết đến giáo sư Vĩnh Bằng. Người Việt trầm lặng và rất nổi tiếng trong ngành tâm lý học.

Vừa rồi QH , tôi và nhiều thính giả Melbourne được nghe cuộc nói chuyện của Tiến Sĩ Bác Sĩ Nguyễn Thượng Vũ, California USA, về đại dịch Covid-19.  Anh Vũ và BS Phan Đình Hiệp nói chuyện rất hay và mạch lạc về các biến thể của Covid-19 virus và các loại thuốc chích ngừa. Anh Vũ đã bỏ công và thời gian nghiêm cứu về đại dịch này. Thật ra anh Vũ không phải là người xa lạ với xứ Kangaroo đất lành chim đậu. Anh là ‘người tình muôn thuở của ca sĩ Thanh Lan (ThanhLan Chau) ở Melbourne. Anh Vũ là một khoa học gia rất khiêm tốn, hiền hòa, và có kiến thức sâu rộng… and a beautiful sense of humour.

Bây giờ khắp nơi trên thế giới, trong nhiều lãnh vực, nhất là giới trẻ, người Việt mình là những ngôi sao sáng, mang bầu trời trong xanh cho người và cho đời. And make it a beautiful world after all.

Note: Livestream cuốc nói chuyện của BS Phan Đình Hiệp và Tiến Sĩ Bác Sĩ Nguyễn Thượng Vũ  

https://fb.watch/7Jy5nVT3M-/

Related posts