Phụng Minh
Từ ngày mai, về mặt pháp lý, Trung Quốc yêu cầu các tàu nước ngoài đi vào khu vực mà nước này coi là lãnh hải của mình phải thông báo cho Bắc Kinh, tạo ra điều mà một số người lo ngại là “quả bom hẹn giờ” gây ra xung đột ở Biển Đông, trang Taipei Times cho hay.
Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc vào tháng 4 đã sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Trung Quốc để yêu cầu tất cả các tàu nước ngoài đi vào lãnh hải Trung Quốc phải thông báo cho các cơ quan chức năng hàng hải, mang theo các giấy phép liên quan và chịu sự chỉ huy và giám sát của Trung Quốc.
Nó cũng trao cho Bắc Kinh quyền ra lệnh cho các tàu nước ngoài mà họ cho là “đe dọa sự an toàn của các vùng nội hải hoặc lãnh hải của Trung Quốc” rời đi và thực hiện “quyền truy đuổi ngay lập tức”.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, lãnh hải được định nghĩa là vùng biển dài 12 hải lý (22,2km) từ lãnh thổ trên cạn, với “quyền đi lại miễn chịu hình phạt” dành cho tàu thuyền đi qua lãnh hải một cách không mang tới đe dọa an ninh cho quốc gia ven biển.
Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng yêu cầu mới sẽ áp dụng cho tất cả các tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở chất phóng xạ hoặc chất độc hại, cũng như bất kỳ tàu nước ngoài nào bị coi là “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc”.
Các tàu phải báo cáo tên tàu, biển hiệu, vị trí hiện tại, cảng ghé tiếp theo, hành trình và tốc độ ước tính, bản chất của hàng hóa và sức tải.
Các quốc gia khác lo ngại rằng việc Trung Quốc lợi dụng luật pháp để mở rộng phạm vi xung đột “vùng xám” có thể trở thành một quả bom hẹn giờ tích cực, theo ông Tô Tử Vân, Giám đốc Phòng Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Đài Loan.
Ông Tô nói, Bắc Kinh coi quyền tài phán trên biển của mình bao gồm nhiều thứ hơn là vùng biển ven bờ.
Ông nói, điều này sẽ bao gồm 12 hải lý biển bao quanh các rạn san hô nhân tạo mà nước này đã xây dựng ở Biển Đông, tạo cho Bắc Kinh một cái cớ để đáp trả các cuộc tập trận tự do hàng hải do các quốc gia khác thực hiện.
Chuyên gia Tống Thừa Ân của Tổ chức giám sát dân chủ Đài Loan nói rằng ông hy vọng tác động đến eo biển Đài Loan là nhẹ.
Theo công ước của Liên Hợp Quốc, vùng biển giữa Đài Loan và Trung Quốc được coi là một eo biển quốc tế, qua đó bảo đảm quyền tự do hàng hải “chỉ với mục đích vận chuyển liên tục và nhanh chóng qua eo biển”.
Tuy nhiên, ông Tống đồng ý rằng việc sửa đổi có thể ảnh hưởng đến các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, tùy thuộc vào cách lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc lựa chọn để thực thi luật pháp.