Thanh Hà
« Rừng vàng, biển bạc » : Trung Quốc đang chiếm đoạt những mỏ « vàng xanh » của Pháp. Sau châu Á, châu Phi và rừng Amazon, đến lượt châu Âu trở thành nạn nhân của « cơn khát gỗ Trung Quốc ». Đầu tháng 7/2021, hiệp hội các công ty khai thác gỗ FNB báo động: « Rừng Pháp đang bị Trung Quốc rút ruột và 90% các xưởng cưa khan hiếm gỗ sồi ». Hàng chục ngàn người lao động trong ngành công nghiệp chế biến gỗ trên toàn quốc bị đe dọa mất việc.
Với 18 triệu hecta, Pháp là một trong những quốc gia có diện tích rừng lớn nhất châu Âu, là một trong ba nguồn xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, đặc biệt là xuất khẩu gỗ sồi. Nhưng bản thân nước Pháp có nguy cơ thiếu gỗ để làm nhà hay ván lót sàn nhà, để sản xuất đồ nội thất.
Cơn sốt trên thị trường gỗ
FNB, hiệp hội quốc gia trong ngành gỗ, bao gồm các chủ đồn điền, các công ty khai thác gỗ, các xưởng cưa, ngành chế biến gỗ, công nghiệp bột giấy, kiến nghị lên chính phủ Pháp tăng cường các biện pháp bảo vệ ngành lâm sản, vào lúc thị trường gỗ trên thế giới đang lên cơn sốt. Bản kiến nghị đã thu thập được hơn 13.000 chữ ký của giới trong ngành.
Nhu cầu tiêu thụ của thế giới và giá gỗ tăng vọt. Chỉ riêng với loại gỗ sồi, 1/3 sản lượng của Pháp khai thác trong năm được dành để phục vụ thị trường Trung Quốc. Từ tháng Giêng cho tới hết tháng 5/2021, gần 190 ngàn mét khối gỗ sồi của Pháp đã được bán qua Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Pháp tăng 42% trong sáu tháng đầu năm. Nhưng đây hoàn toàn không phải là một tin vui. Hiệp hội FNB báo động, với đà này, Pháp sẽ đánh mất từ 50.000 đến 400.000 việc làm.
Samuel Deschaumes, điều hành công ty CBM trong ngành làm ván lót sàn nhà trong vùng Cher (miền trung nước Pháp), giải thích : « Hậu quả vừa nghiêm trọng vừa tức thời. Sáng nay chẳng hạn, nhà cung cấp vừa báo cho chúng tôi biết là giá gỗ lại tăng, và ở cuối thư có ghi rõ là ngay cả với giá cao hơn trước, chúng tôi cũng không được bảo đảm là được giao hàng đúng thời hạn. Nếu không nhanh chóng tìm ra ngõ thoát, thì chỉ đến mùa thu này, Pháp bị thiếu nguyên liệu để làm ra những tấm ván ép lót sàn nhà ».
Bà Mathilde Joselet, điều hành xưởng cưa của gia đình trong vùng Charente, miền tây nước Pháp, cho biết vì thiếu nguyên liệu, chính xưởng chỉ hoạt động từ 60 đến 80% so với công suất bình thường.
Nguy cơ dân Pháp mất việc
Marie Claude, một nhân viên của xưởng Joselet, trông thấy tương lai đen tối: « không có việc làm vì Trung Quốc vét hết gỗ ».
Patrice Janody, chủ nhân một công ty trong vùng Ain, cũng gióng tiếng chuông báo động tương tự, khi nói đến một sự « bất lực » trước viễn cảnh hãng JmB của ông không thể bảo đảm công việc làm cho dân cư trong vùng. Ông nhấn mạnh hiện còn cầm cự được là nhờ quen biết một số chủ rừng như Gérard Thivillier. Ông này chủ trương ưu tiên bán gỗ để nuôi sống các nhà sản xuất trong vùng : « Cho đến giờ chúng tôi vẫn bán gỗ cho các hãng Pháp tương tự như 10-15 năm trước đây, vì không muốn trông thấy các xưởng cưa ở địa phương phải đóng cửa, dân ở đây bị mất việc».
Năm 2020, lượng gỗ của Pháp xuất khẩu sang Trung Quốc đã « tăng lên gấp đôi so với thời điểm 2019 ». Từ hai năm nay, trên thị trường gỗ sồi, Pháp đã qua mặt cả Mỹ và Nga, vốn là hai quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, chiếm 30% thị phần Trung Quốc. Theo các số liệu của Cơ quan quản lý rừng quốc gia, hiện tại 1/3 gỗ sồi quốc gia dành để phục vụ thị trường Trung Quốc, cách nay vài năm tỷ lệ đó chỉ là 1/10.
Bảo vệ rừng quốc gia, nhưng hủy hoại tài sản của nơi khác
Từ 2017, Bắc Kinh ban hành một chỉ thị bảo vệ 138 triệu hecta rừng trong vòng 99 năm. Trung Quốc liên tục khoe thành tích huy động 14 tỷ đô la « mở rộng diện tích rừng », nhưng thế giới trả giá đắt cho ý thức về môi trường đó của Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg năm 2016 thẩm định, « đến 2020 Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng 40% nhu cầu nội địa ». Đó là chưa kể nạn mua bán gỗ lậu Trung Quốc, như trung tâm nghiên cứu Chattham House của Anh đã báo động.
Theo báo cáo của trung tâm bảo vệ phát triển bền vững Wood Value Promotion and Sustainable Development, trực thuộc cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc, từ 2014, nhu cầu về gỗ của Trung Quốc đã vượt quá khả năng khai thác tài nguyên quốc gia. Năm 2017, khối lượng nhập khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 triệu mét khối.
Năm ngoái, bất chấp tác động dây chuyền từ dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu gỗ của Trung Quốc vẫn gia tăng. Trung Quốc sản xuất 300 triệu bàn ghế, giường tủ và một phần lớn trong số đó lại là để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu hay châu Á.
Áp lực từ phía Nga
Khoảng 90% gỗ của Mozambic, 70% xuất khẩu của Nga là để bán sang Trung Quốc. Với Pháp, bài toán thêm nan giải sau khi Matxcơva thông báo từ ngày 01/01/2022 sẽ « cấm xuất khẩu » để bảo vệ ngành công nghiệp chế biến gỗ của Nga. Trong vài tháng nữa, lượng gỗ trên thị trường quốc tế giảm sụt 20% khi không còn nguồn cung cấp của Nga.
Đại diện của hiệp hội ngành gỗ tại Pháp Nicolas Douzain-Didier nhắc lại châu Phi từ 10 năm qua đã ngừng xuất khẩu gỗ, Trung Quốc với nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu hàng chế biến từ gỗ bây giờ chỉ còn trông cậy vào thị trường Mỹ và châu Âu. Áp lực đối với châu Âu, đặc biệt là với Pháp, lại càng lớn.
Câu hỏi đặt ra là những xưởng cưa hay các hãng chế biến sản phẩm từ gỗ cầm cự được tới khi nào trước « cơn khát gỗ» của Trung Quốc ? Trung Quốc trao toàn quyền và hầu bao khá lớn cho các nhà môi giới để thâu tóm gỗ của châu Âu. Chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất gỗ của Pháp, Jacques Ducerf, giải thích, khách hàng Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao hơn từ 20 đến 30% so với thị trường để làm chủ nguồn tài nguyên này. Trong điều kiện đó, các hãng của Pháp khó mà cưỡng lại.
Một nhà khai thác rừng trong vùng Savoie, miền đông nước Pháp, ông Nicolas Talpin, trình bày về áp lực tài chính đặt ra cho các chủ đồn điền : « Khách hàng Trung Quốc trả giá cao hơn từ 30 đến 40%. Họ lại thanh toán ngay khi lấy hàng. Về phía các chủ đồn điền, chúng tôi cần được bảo đảm nguồn thu nhập để trang trải chi phí cho ngân hàng, để có thể tiếp tục khai thác, bảo quản rừng ».
Gilles de Boncourt, giám đốc tổ hợp quản lý rừng Unisylva, cho biết thêm : « Trong bốn năm trở lại đây, giá gỗ sồi đã nhân lên gấp đôi, nhờ vậy chúng tôi không bị thua lỗ nhiều và nhất là có phương tiện để đầu tư trở lại vào các diện tích rừng. Đương nhiên là chúng tôi muốn bán gỗ, nhất là các loại gỗ tốt, cho các nhà sản xuất của châu Âu, của Pháp, nhưng đôi khi chúng tôi không có sự lựa chọn nào. Đơn giản là vì vấn đề giá cả mà thôi ».
Trên đài France Culture, Bertrand Robert, điều hành một xưởng cưa và khai thác gỗ trong vùng Indre, miền tây nước Pháp, cho rằng đã đến lúc chính phủ phải can thiệp để bảo vệ ngành khai thác lâm sản và cả mảng công nghiệp gỗ quốc gia : « Ở đây chúng tôi bị kiểm tra ở đủ mọi khâu, lúc thì bị kiểm tra về chất lượng gỗ, khi thì về các chuẩn mực bảo vệ môi trường thiên nhiên. Những nhà mua bán ngoại quốc thì không. Họ đến Pháp, mua gỗ chở đi, mà không cần giấy tờ chứng minh gì cả. Đây là một sự cạnh tranh bất bình đẳng ».
Một điều trớ trên khác là Trung Quốc « hút gỗ » của Pháp và châu Âu nói chung, nhưng một phần lớn là để đóng đồ nội thất, rồi những thành phẩm đó lại được xuất lại sang châu Âu. Theo lôgic này, giá đồ nội thất làm từ Trung Quốc bán cho Pháp sẽ đắt hơn trong lúc mà các xưởng chế biến đồ gỗ của Pháp thì không có nguyên liệu để hoạt động, người lao động Pháp bị đe dọa mất việc.
Ngành lâm sản bảo đảm việc làm cho 440.000 người tại Pháp, tương đương với khối lượng lao động của ngành công nghiệp xe hơi, đem về doanh thu hơn 60 tỷ euro (3% GDP).
Khác với Trung Quốc, hay sắp tới đây là Nga, hiện tại Pháp chưa quyết định cấm hay giới hạn xuất khẩu gỗ, trong lúc các chuẩn mực về môi trường về mục tiêu chống phá rừng lại rất khắt khe, cho nên diện tích và khối lượng gỗ được khai thác hàng năm có hạn.
Vào lúc Pháp cận kề nguy cơ thiếu nguyên liệu thì chính phủ « chờ đợi » một giải pháp chung ở cấp châu Âu. Hiệp hội FNB lưu ý rằng từ nay cho đến khi Bruxelles tìm được đồng thuận chung cho 27 thành viên về chính sách khai thác rừng và cho ngành công nghiệp gỗ, Trung Quốc « tiếp tục hút cạn » « rừng vàng » của Pháp.
Ngay cả một quốc gia như Rumani đã trông thấy mối đe dọa từ các « tay môi giới Trung Quốc », nên Bucarest đã cấm xuất khẩu gỗ của Rumani ra ngoài thị trường chung châu Âu. Chỉ riêng thí dụ điển hình của ngành khai thác gỗ cũng đủ cho thấy những giới hạn của quyết tâm « độc lập về công nghiệp » của Pháp với nền kinh tế số 2 thế giới.