Phong trào Paralympics

Ian Bui

Thể thao cho người khuyết tật đã có hơn một trăm năm. Một trong những câu lạc bộ thể thao đầu tiên cho người khuyết tật là club cho người bị bệnh điếc tại Berlin năm 1888. Nhưng phải đến sau Đệ Nhị Thế Chiến thể thao cho người khuyết tật mới trở nên phổ biến.

Một lớp dạy bắn cung tại nhà thương Stoke Mandeville ở Anh năm 1949. Ảnh: Raymond Kleboe

Thuở ban đầu thể thao được dùng như phương pháp trị liệu cho các thương phế binh. Vào năm 1944 chính phủ Anh yêu cầu Bác sĩ Ludwig Guttmann, một y sĩ người Do Thái gốc Ðức sang Anh trốn Nazi, mở một trung tâm điều trị cho các cựu chiến binh cũng như thường dân Anh bị thương cột xương sống vì chiến tranh. Trung tâm này được đặt tại bệnh viện Stoke Mandeville Hospital gần London.

Sau một thời gian, những chương trình thể thao dùng để trị bệnh do ông đề xuất tại bệnh viện Stoke Mandeville trở thành các sinh hoạt giải trí cho người ngồi xe lăn, rồi từ đó dẫn đến các cuộc tranh tài trong nước. Nếu Athens ở Hy Lạp được xem là khởi điểm của Olympics hiện đại thì Stoke Mandeville là nơi khai sinh phong trào Paralympics.

Ngày 29 tháng 7 năm 1948, đúng vào ngày khai mạc Thế Vận Hội London, BS Guttmann đã tổ chức cuộc tranh tài đầu tiên cho các thể tháo viên ngồi xe lăn — 1948 International Wheelchair Games. Giải đấu năm đầu tiên ấy chỉ có 16 thể tháo viên và một bộ môn duy nhất là bắn cung. Bốn năm sau có thêm một số cựu chiến binh người Hoà Lan và Do Thái tham gia, mở màn cho giải đấu quốc tế đầu tiên gọi là International Stoke Mandeville Games.

Tám năm sau, giải này được đặt tên lại là Paralympic Games, hay. Paralympics, diễn ra lần đầu tiên ở La Mã vào mùa Hè 1960 với sự tham dự của 400 lực sĩ đến từ 23 quốc gia. Kể từ đó giải này cũng được tổ chức mỗi 4 năm tương tự như Olympic Games tuy hoàn toàn độc lập và không cùng chỗ với Olympics.

Sir Ludwig Guttmann và một thể tháo viên trên xe lăn tặng hoa cho Nữ hoàng Anh Elizabeth năm 1969. Nguồn: Getty

Trước khi có giải thể thao dành riêng cho người khuyết tật cũng đã có một vài lực sĩ khuyết tật tham dự Thế Vận Hội, tranh tài với người lành lặn. Ðầu tiên là một lực sĩ môn thể dục dụng cụ người Mỹ gốc Ðức tên George Eyser vào năm 1904. Ông Eyser bị mất một chân, phải đeo chân giả. Ngoài ra tại Olympics 1948 và 1952 có tay súng người Hung Gia Lợi tên Karoly Takacs, bị cưa tay phải nên đấu súng bằng tay trái.

Tuy nhiên, người khuyết tật đầu tiên đoạt huy chương tại Olympics là một phụ nữ Ðan Mạch tên Lis Hartel, một nhà cưỡi ngựa thi môn equestrian. Năm 1944, khi mới 23 tuổi, Lis Hartel bị mắc bệnh polio khiến cô bị liệt hai chân từ đầu gối trở xuống — lúc bấy giờ cô đang có bầu đứa con gái đầu lòng, rất may là đứa bé sinh ra mạnh khoẻ. Năm 1947 cô đoạt giải quán quân toàn quốc mặc dù cô không tự leo lên ngựa được mà phải nhờ người khác đỡ lên.

Thời xưa, môn thi cưỡi ngựa gọi là “dressage” chỉ dành riêng cho các kỵ mã từng là sĩ quan trong quân đội. Nhưng đến năm 1952 thì môn này cho phép phụ nữ tham gia. Lis Hartel là người phụ nữ đầu tiên thi đấu trực tiếp với đàn ông tại Olympics 1952 và đã thắng huy chương Bạc. (TVH 1952, tổ chức tại Helsinki, Thuỵ Ðiển, cũng là lần đầu tiên có sự tham dự của phái đoàn lực sĩ Quốc Gia Việt Nam.) Trở về nước, Lis Hartel đoạt thêm 3 giải quốc gia 1953, 1954, 1956. Mùa Olympics 1956, Lis Hartel một lần nữa thắng huy chương Bạc.

Những kỳ Paralympics đầu kể từ Rome 1960 chỉ gồm có các lực sĩ ngồi xe lăn. Nhưng vào năm 1976 Uỷ ban Paralympic Quốc tế đã thay đổi quy định, cho phép thể tháo viên nhiều dạng khuyết tật khác tham dự — như khiếm thị, tay chân không đầy đủ, người lùn v.v. Do đó con số thể tháo viên khuyết tật năm 1976 tăng lên đến 1,600 người, đến từ 40 quốc gia. 1976 cũng là năm đầu tiên có giải Paralympic mùa Ðông.

Hoàng thái tử Akihito và phu nhân Michiko cùng với Sir Ludwig Guttmann (phải) chào mừng lực sĩ tại Paralympics Tokyo 1964. Nguồn: theolympians.co

Chữ “para” trong Paralympic nguyên thuỷ đến từ chữ “paraplegic” nghĩa là những người bị liệt tay chân. Nhưng về sau, vì nhiều người có các khuyết tật khác cũng được tham dự, và vì chương trình được tổ chức song hành với Olympics, nên “para” được định nghĩa lại là “bên cạnh”, lấy từ chữ gốc Hy Lạp. Ngày nay Paralympics được hiểu là giải thể thao “đi đôi” với Olympics, và nhấn mạnh đến “khả năng” (ability) thay vì “thiểu năng” (disability) của các lực sĩ.Xem thêm:   17 dặm đường

Thế Vận Hội 1988 tại Seoul, Nam Hàn, cũng là một dấu mốc quan trọng cho phong trào Paralympics. Ðó là lần đầu tiên giải khuyết tật diễn ra ngay sau khi Olympics chấm dứt và được tổ chức tại cùng một thành phố, sử dụng cùng những địa điểm tranh tài của Olympics. Một năm sau Uỷ ban Paralympic Quốc tế (International Paralympic Committee, IPC) ra đời, đặt trụ sở tại Bonn, Ðức. Ngay sau đó IPC đã ký kết với Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) một hợp đồng để giữ thông lệ tổ chức hai giải nối tiếp nhau tại cùng địa điểm cho đến 2020. Năm 2018 hai tổ chức này đã gia hạn hợp đồng đó đến năm 2032.

Cũng nên nhắc thêm là giải Paralympics mùa Ðông đầu tiên diễn ra cùng năm với giải Olympics mùa Hè 1976, và cứ tiếp tục mỗi 4 năm như thế. Nhưng đến năm 1994 thì Paralympics mùa Ðông bắt đầu tổ chức cùng năm với Olympics mùa Ðông cho tới nay. Từ một bộ môn bắn cung năm 1948, năm nay Paralympics Tokyo 2020 sẽ có 22 bộ môn cả thảy, với hai môn mới là Vũ cầu và Thái cực đạo. Ðây cũng là lần thứ nhì Paralympics mùa Hè được tổ chức tại Tokyo — lần đầu là vào năm 1964, và là giải Paralympics thứ ba ở Nhật nếu ta tính luôn giải mùa Ðông năm 1998 ở Nagano.

Tổng số lực sĩ khuyết tật năm nay là 4,537 người đến từ 163 quốc gia. So với nhiều nước khác, số lực sĩ khuyết tật đến từ Việt Nam tương đối khiêm nhường, chỉ có 7 người thi đấu 3 bộ môn. Tuy nhiên, trong số đó có lực sĩ cử tạ Lê Văn Công từng đoạt huy chương Vàng tại Rio 2016 với kỷ lục thế giới. Hơi lạ là ngoài cử tạ ra, đội Việt Nam chỉ có thêm môn ném lao và bơi lội. Không có bắn cung hay bắn súng.

Trung sĩ Kevin Nguyễn. Nguồn: US Army

Trong khi đó thì đội tuyển USA lại có một người Mỹ gốc Việt dự môn bắn súng là Kevin Nguyễn, một cựu quân nhân từng tham dự chiến trường Afghanistan. Năm 2012, Kevin bị trúng mìn tự chế làm mất một chân, nhưng anh vẫn phấn đấu để được tại ngũ. Là một tay súng cừ khôi, Kevin được tuyển vào đơn vị bắn súng thượng thừa của quân đội gọi là US Army Marksmanship Unit. Trong 6 năm qua Kevin Nguyễn đã thắng nhiều giải bắn súng trong nước và nhờ đó được đi dự Paralympics lần đầu tiên.

Năm nay cũng là lần đầu đội bơi lội của Mỹ có một nữ lực sĩ gốc Việt tên Haven Shepherd (tên Việt là Mỹ Phượng) đến từ Quảng Nam. Năm 2004, khi mới 14 tháng, cô suýt chết bởi cha mẹ cô nổ mìn tự tử nhưng may mắn sao cô sống sót, sau đó được cặp vợ chồng Rob và Shelley Shepherd ở Missouri nhận làm con nuôi. Giống như Kevin Nguyễn, Haven cũng dự Thế Vận Hội cho người khuyết tật lần đầu tiên tại Tokyo.

Trong đội bơi của Mỹ năm nay còn có một thành viên thuộc hạng kình ngư. Ðó là nữ lực sĩ Jessica Long với kỷ lục 23 huy chương: 13 Vàng, 6 Bạc, 4 Ðồng. Jessica bắt đầu bơi cho đội tuyển từ năm mới 12 tuổi tại Athens 2004, sau đó là Beijing 2008, London 2012, Rio 2016, và giờ đây là Tokyo 2020. Quả là một kỷ lục đáng nể. Cầu mong Mỹ Phượng Haven Shepherd đạt được nhiều thành công tại Tokyo để nối gót Jessica Long.

Paralympics Tokyo 2020 khai mạc vào ngày 24 tháng 8. Các cuộc thi đua bơi lội sẽ bắt đầu vào ngày 25, còn môn bắn súng sẽ diễn ra từ ngày 30 tháng 8. Bà con gần xa nhớ đón xem.

Haven Shepherd (Mỹ Phượng) nhún nhảy bằng đôi chân giả trên phố Tokyo, vài ngày trước buổi khai mạc Paralympics. Nguồn: Facebook Haven Shepherd

Related posts