Mỹ: Bắc Kinh ‘‘đe dọa nghiêm trọng’’ tự do hàng hải ở Biển Đông
Trọng Thành
Bộ Quốc Phòng Mỹ gọi quy định « an toàn hàng hải » mới của Trung Quốc tại Biển Đông là mối « đe dọa nghiêm trọng » đối với tự do hàng hải và thương mại quốc tế. Tuyên bố được Hoa Kỳ đưa ra đúng vào ngày 01/09/2021, ngày mà quy định của Bắc Kinh, buộc nhiều tàu thuyền nước ngoài phải khai báo chi tiết khi đi qua các vùng « lãnh hải » của Trung Quốc, chính thức có hiệu lực.
Hôm qua, 01/09/2021, theo truyền thông châu Á, trả lời báo giới về quy định hàng hải mới của Trung Quốc, người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Mỹ John Supple nhấn mạnh: « Hoa Kỳ tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên biển, bao gồm cả ở Biển Đông, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp không bị cản trở, các quyền và lợi ích ở Biển Đông và của các quốc gia ven biển ».
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết thêm : « Hoa Kỳ kiên quyết chủ trương là mọi luật hoặc quy định của quốc gia ven biển đều không được quyền vi phạm các quyền về hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế ».
Quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc – được ban hành cuối tuần trước – yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác, khi đi qua « vùng lãnh hải » Trung Quốc, phải khai báo tên, số hiệu, vị trí, cảng sắp ghé và giờ dự định đến nơi. Tên các vật liệu « nguy hiểm » và trọng tải của tàu cũng phải được báo cáo.
Quy định mới của Trung Quốc bị cho là trái ngược với nguyên tắc của luật biển quốc tế, theo đó tàu nước ngoài được phép « đi qua vô hại » trong vùng « lãnh hải » của quốc gia khác.
Quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc gây nhiều phản ứng tại Việt Nam. Hôm qua 01/09, trả lời về vấn đề này trong cuộc họp báo, người phát ngôn bộ Ngoại Giao CS Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, khẳng định : « Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) … khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam đồng thời nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết bảo vệ « chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS ».
Định nghĩa mơ hồ về « lãnh hải »
Tại Việt Nam, quy định mới về « an toàn hàng hải » áp dụng tại các vùng thuộc « lãnh hải » Trung Quốc được giới chuyên gia đặc biệt chú ý. Truyền thông Việt Nam ngày 31/08/2021 dẫn lời nhà nghiên cứu Trần Công Trục, chỉ trích định nghĩa mơ hồ về « lãnh hải » trong văn bản này, và ý đồ của Trung Quốc « tìm cách hợp thức “vùng lãnh hải” 12 hải lý (thậm chí cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý) xung quanh các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, các bãi ngầm trong Biển Đông mà họ đã đánh chiếm, bí mật đổ bộ, tiến hành cải tạo nâng cấp thành các đảo nhân tạo (vốn) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo quy định của UNCLOS 1982, của các quốc gia xung quanh Biển Đông trong thời gian qua ».
Năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực, trụ sở tại La Haye, đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền « đường 9 đoạn » trên gần trọn Biển Đông (thường gọi là « đường lưỡi bò ») trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Các dự án “thực dân” của Trung Quốc bị tấn công ở Pakistan
Thụy My
Tờ Le Monde của Pháp cho biết « Đầu tư của Trung Quốc là mục tiêu bị tấn công ở Pakistan ». Khủng bố, mưu sát…bạo lực nhắm vào người Trung Quốc tăng lên tại quốc gia mà Bắc Kinh đang xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Dự án này nối Tân Cương với biển Ả Rập, trong khuôn khổ « Con đường tơ lụa mới ».
Mặc cho những tuyên bố ca ngợi tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa hai nước, vấn đề an ninh ở Pakistan là thách thức thực sự cho Bắc Kinh, trong bối cảnh vụ khủng bố ở phi trường Kabul gây lo lắng cho toàn khu vực.
Liên tục xảy ra những vụ tấn công vào người Trung Quốc
Vụ mới nhất nhắm vào người Trung Quốc xảy ra hôm 20/08 ở Gwadar, thuộc tỉnh Baloutchistan, nơi Bắc Kinh cho xây một cảng nước sâu khổng lồ. Đoàn xe ba chiếc chở công nhân Trung Quốc phụ trách xây xa lộ East-Bay – con đường chính vào cảng – trở về khu nhà nghỉ thì bị tấn công tự sát. Hai trẻ em chơi gần đó thiệt mạng, một người Trung Quốc bị thương. Quân giải phóng Baloutchistan, tổ chức đấu tranh đòi độc lập cho vùng này, lên tiếng nhận trách nhiệm.
Đây không phải là lần đầu tiên. Gwadar, trung tâm của một mạng xa lộ, đường xe lửa và ống dẫn dầu trong tương lai, có khách sạn sang trọng nơi các đoàn khách Trung Quốc cư trú, cũng đã bị tấn công năm 2019. Vụ đẫm máu nhất xảy ra tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa hôm 14/07 : một chiếc xe gài chất nổ lao vào hai chiếc xe buýt chở công nhân Trung Quốc ở công trường thủy điện Dassu, làm một chiếc rơi xuống khe núi, khiến 12 người chết, trong đó có 9 người Trung Quốc.
Ban đầu Pakistan nói rằng do xe bị trục trặc, nhưng Bắc Kinh đã đưa các điều tra viên đến tại chỗ. Rốt cuộc đến 12/08, Islamabad nhìn nhận thủ phạm là Taliban ở Pakistan, và « các lực lượng cay cú với đầu tư Trung Quốc vào Pakistan », ý nói tình báo Ấn Độ và Afghanistan. Chính phủ cũ của Afghanistan thường xuyên bị Islamabad cáo buộc chứa chấp phe ly khai Baloutchistan và Taliban Pakistan. Vụ tấn công Dassu khiến công trường thủy điện phải ngưng lại, với lý do chính thức là vì Covid.
Marc Julienne, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, ghi nhận có ít nhất 23 công dân Trung Quốc bị sát hại tại Pakistan, trong đó phân nửa từ 2017, chưa kể số người bị thương. Một số vụ tấn công khác, như vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi tháng 11/2018, vào thị trường chứng khoán Karachi tháng 6/2020 (Trung Quốc mua 40% cổ phần), cũng không được tính đến. Năm 2015, Bắc Kinh buộc Pakistan phải triển khai 15.000 nhân viên bảo vệ cho các công trường CPEC, và đến 2019 số lượng này tăng gấp đôi. Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Nông Dung (Nong Rong), từng là mục tiêu trong vụ phe Taliban Pakistan đánh vào khách sạn ở Quetta hồi tháng Tư, đòi Islamabad không để tái diễn.
Ngư dân Pakistan có nguy cơ mất kế sinh nhai vì Trung Quốc
Các vụ tấn công vào người Trung Quốc do Quân giải phóng Baloutchistan thực hiện trong bối cảnh lòng thù hận với Bắc Kinh tăng lên tại vùng đất rộng lớn nhưng thưa dân, các dự án không mang lại lợi ích gì cho dân địa phương nghèo khó. Phong trào độc lập này coi hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan là công trình của thực dân Bắc Kinh nhằm bóc lột tài nguyên. Đặc biệt, công trường Gwadar gây phẫn nộ cho ngư dân, họ tố cáo chính quyền hủy hoại phương tiện mưu sinh. Việc xây dựng xa lộ East-Bay khiến ngư dân không vào được ngư trường. Ngoài ra kế hoạch còn dự kiến san bằng thành phố cũ, di dời 60.000 dân vào sâu 10 kilomet trong sa mạc.
Năm 2017, Ủy ban Nhân quyền Pakistan đã từng kêu gọi thủ tướng lúc đó là Nawar Sharif bảo vệ lợi ích của ngư dân ở Gwadar, nơi 70% dân chúng sống nhờ nghề cá. Chẳng những họ không được lắng nghe, mà chính quyền liên bang năm 2020 còn cho phép các tàu đánh cá Trung Quốc được khai thác vùng đặc quyền kinh tế của Pakistan, ngoài khơi Sind và Baloutchistan.
Quyết định này làm dấy lên phong trào phản kháng mạnh mẽ. Từ hai tháng qua, ngư dân liên tục biểu tình chống các tàu Trung Quốc tận diệt nguồn lợi hải sản ngoài khơi, nơi những chiếc tàu nhỏ của Gwadar hay Karachi không đến được. Để yên chuyện, chính quyền vào tháng Bảy đã ngăn chận năm tàu Trung Quốc. Pakistan Fisherfolk Forum, một hiệp hội bảo vệ ngư dân, ước tính trữ lượng cá ở vùng duyên hải đã giảm mất hơn 72% chỉ trong vòng một năm.
Ảnh vệ tinh: Trung Quốc đã hoàn toàn biến bãi đá ngầm Subi thuộc Trường Sa thành một căn cứ quân sự
Vào ngày 1/9, nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh “ISI” PO, đã công bố hình ảnh về các hoạt động quân sự gần bãi đá ngầm Subi, cho thấy Trung Quốc đã biến hòn đảo nhân tạo thành một “căn cứ quân sự toàn diện”, theo trang Aboluowang.
Trung Quốc liên tục chiếm giữ các đảo ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố phản đối lập trường lãnh thổ của ĐCSTQ ở Biển Đông, cũng như quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông. Hải quân và Không quân Hoa Kỳ thường thách thức Trung Quốc thông qua hành động “Tự do Hàng hải” khi đi qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát và vùng “Lãnh hải” 12 hải lý xung quanh. Nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh “ISI” PO hôm 1/9 đã công bố hình ảnh hoạt động quân sự gần bãi đá ngầm Subi, cho thấy Trung Quốc đã “hoàn toàn biến đảo nhân tạo này thành căn cứ quân sự”.
Ở phía trên bên trái của hình ảnh vệ tinh là bãi đá ngầm Subi. Phần dài nhất có đường băng sân bay. Ở cuối đường băng, máy bay gây nhiễu điện tử Y-9G của Không quân Trung Quốc đã sẵn sàng cất cánh; ở bên phải là KQ-200, máy bay tuần tra chống tàu ngầm, trực thăng Z-8, và tàu khu trục tên lửa dẫn đường 052 Thanh Đảo Hào (mang mã số 113). Dựa trên cơ cấu này, có thể suy đoán rằng là các cuộc diễn tập chống tàu ngầm có thể đang được tiến hành.
Bãi đá ngầm Subi nằm ở phía tây nam của cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một hòn đảo nhân tạo được khai hoang từ một đảo san hô tự nhiên. Có một phi đạo dài 3.000 mét trên bãi đá ngầm, hiện chỉ có quân đội Trung Quốc đóng quân và không có thường dân. Rạn san hô Subi nằm ở điểm mấu chốt giữa Việt Nam và đảo Barra của Philippines, đi về phía nam qua eo biển Malacca vào Ấn Độ Dương, hoặc về phía tây qua eo biển Mindoro ra Thái Bình Dương.
ASEAN kêu gọi Trung Quốc đầu tư thêm cho dự án Vành Đai – Con Đường
Thanh Hà
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 01/09/2021, bộ trưởng Thương Mại 10 nước Đông Nam Á kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ ASEAN khắc phục hậu quả kinh tế do Covid-19 gây nên, đầu tư nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ Sáng Kiến Vành Đai – Con Đường (BRI).
Trang mạng Nhật Bản Asia Nikkei trích lời thứ trưởng Ngoại Thương Thái Lan, Sanserrn Samalap cho rằng vẫn « còn nhiều lĩnh vực » Bắc Kinh và Bangkok có thể đẩy mạnh hợp tác và đầu tư. Trung Quốc đã đầu từ gần 6 tỷ đô la cho dự án xây dựng hệ thống đường xe lửa cao tốc giữa hai quốc gia.
Giai đoạn 1 đã được khởi động hồi tháng 10/2020 và công trình sẽ hoàn tất vào năm 2026. Một khi đi vào hoạt động, hệ thống đường xe lửa dài gần 900 cây số này sẽ tạo đà cho trao đổi mậu dịch trong khu vực liên quan đến từ Thái Lan, Lào và Cam Bốt với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Thứ trưởng Thương Mại Indonesia Jerry Sambuaga nhấn mạnh đến những « cơ hội mậu dịch » từ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới do Bắc Kinh khởi xướng từ 2013. Đại diện của Singapore, Tan See Lang, giải thích với phía Trung Quốc trong cuộc họp trực tuyến hôm qua là, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, Sáng Kiến Vành Đai – Con Đường « đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố hợp tác khu vực và đa chiều ».
Báo cáo mới nhất của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) hạ dự phóng tăng trưởng trong khu vực xuống còn 7,2 % trong năm nay và tình hình có thể còn xấu đi hơn nữa vào lúc Covid-19 đang hoành hành tại hầu hết các quốc gia Đông Nam Á từ trước mùa hè 2021.
Asia Nikkei không nói đến phản ứng của Trung Quốc trước những lời kêu gọi này. Hai quan chức Trung Quốc tham dự cuộc họp trực tuyến hôm 01/09/2021 gồm bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào (Wang Wentao) và phó chủ tịch Hội Đồng Hiệp Thương Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc, Cao Vân Tường (Gao Yunlong).
Mỹ hứa giúp Ukraina đối phó với tham vọng của Nga
Thanh Hà
Tổng thống Ukraina không hoàn toàn toại nguyện trong chuyến công du Hoa Kỳ. Hội kiến tổng thống Biden tại Nhà Trắng hôm 01/09/2021, ông Volodymyr Zelensky được nguyên thủ quốc gia Mỹ hứa « hỗ trợ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước thái độ hung hăng của Nga ». Washington thông báo viện trợ quân sự 60 triệu đô la cho Kiev, nhưng tỏ ra mơ hồ về khả năng Ukraina gia nhập Tổ Chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, NATO.
Là lãnh đạo châu Âu thứ nhì sau thủ tướng Đức Angela Merkel được tổng thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng, tổng thống Volodymyr Zelensky ra về với lời cam kết là chính quyền Biden sẽ hỗ trợ Kiev trước mối đe dọa từ Nga. Tổng thống Biden tuyên bố :
« Vào lúc chúng ta kỷ niệm 30 năm ngày Ukraina giành được độc lập, quan hệ đối tác giữa hai quốc gia thêm vững chắc và sẽ còn được củng cố thêm nữa. Hoa Kỳ mạnh mẽ cam kết vì chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina trước hành vi gây hấn của Nga.
Mỹ ủng hộ nguyện vọng của Ukraina hướng về châu Âu và Đại Tây Dương và sẽ tiếp tục giúp đỡ Kiev cải tổ dân chủ hóa đất nước, yểm trợ những nỗ lực của Ukraina để hoàn toàn hội nhập vào Châu Âu. Chúng ta tạo một đà mới cho quan hệ đối tác chiến lược song phương, chúng ta tạo một khung mới trong chiến lược phòng thủ và (Mỹ) viện trợ thêm 60 triệu đô la vì mục tiêu an ninh »
Theo giới quan sát, tổng thống Biden đã tránh đề cập đến khả năng để cho Ukraina gia nhập khối NATO như Kiev mong mỏi. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki liền sau đó đã giải thích :« Cánh cửa của NATO vẫn để ngỏ cho các nước muốn tham gia vào liên minh quân sự một khi những ứng viên đó hội đủ các điều kiện cần thiết ». Ukraina biết rằng sẽ còn phải « vượt qua nhiều chặng nữa, phải nỗ lực hơn nữa, để cải tổ hệ thống tư pháp, hiện đại hóa guồng máy phòng thủ và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế ».
Một hồ sơ nhạy cảm khác trong quan hệ song phương ít được chủ nhân Nhà Trắng nhắc tới khi tiếp tổng thống Zelensky đó là dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 bất lợi cho Ukraina.
New York ban hành tình trạng khẩn cấp sau trận mưa lũ
Thanh Hà
New York hứng chịu dư âm của trận bão Ida đã tàn phá bang Lousiana. Ngày 01/09/2021, thống đốc bang New York và thị trưởng New York Bill de Blasio đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau một trận mưa lũ tại thành phố này. Toàn bộ hệ thống xe điện ngầm ngưng hoạt động, nhiều trục lộ bị đóng cửa. Cảnh sát New York cho biết có ít nhất 8 người thiệt mạng trong đêm mồng 1 rạng sáng0 2/09/2021.
Từ New York thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm thông tin :
« Hơn 200 mili mét nước trút xuống thành phố chỉ trong vài giờ, tương đương với lượng nước mưa của cả một tháng. Hệ quả kéo theo là tất cả các khu Manhattan, Brooklyn, hay Queens đều bị ngập nước. Nhiều trạm xe metro bị ngập, phải ngưng hoạt động vì lý do an toàn. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra.
Hàng chục người bị kẹt trên đường và phải tự tìm những phương tiện khác để đi về nhà. Các con đường, các đường hầm, các tuyến cao tốc đều bị đóng. Trước đó một trận đấu của giải quần vợt US Open đã bị gián đoạn vì mưa quá lớn làm mái sân đấu bị dột.
Tất cả các chuyến bay cất cánh hay đáp xuống phi trường Newark đều bị đình chỉ. Thống đốc New York Kathy Hochul ban bố tình trạng khẩn cấp. Bang New Jersey sát cạnh cùng chung số phận.
Trên nguyên tắc, hôm nay trời lại đẹp, nhưng chính các giới chức ở đây không bảo đảm là hệ thống metro sẽ được tái lập lại ngay lập tức ».
Covid: Cuba bắt đầu tiêm chủng cho toàn bộ học sinh
Trọng Thành
Dịch Covid-19 tại Cuba vẫn trầm trọng, chính quyền đảo quốc thông báo sẽ chỉ mở cửa trường cho học sinh khi nào toàn bộ được chích ngừa. Cuba bắt đầu mở chiến dịch tiêm chủng cho học sinh kể từ ngày 03/09/2021.
Theo AFP, kể từ ngày 03/09/2021, Cuba bắt đầu đợt tiêm chủng cho toàn bộ thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi. Và từ ngày 15/09, sẽ đến lượt nhóm 2 đến 11 tuổi. Việc chích ngừa được tiến hành với hai loại vac-xin sản xuất trong nước, Abdala và Soberana.
Theo phủ Chủ tịch Cuba, chiến dịch tiêm chủng nói trên đã được Trung tâm Kiểm soát Dược phẩm (Cecmed) « cho phép ». Cho đến nay, hai loại vac-xin nội địa Abdala và Soberana đã được thử nghiệm lâm sàng với trẻ em, nhưng chưa có loại nào được chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Dịch bệnh tại Cuba trong những tuần đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Đảo quốc hơn 11 triệu dân ghi nhận hơn 650 nghìn ca dương tính, và 5.377 người chết. Ngày 12/08, chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel buộc phải thừa nhận là dịch bệnh vượt quá khả năng xử lý của hệ thống y tế. Bộ trưởng Y Tế nước này cho biết số ca nhiễm trung bình vào trung tuần tháng 8 vượt 40% so với cuối tháng 7. Một chuyên gia khác ghi nhận từ nhiều tuần nay, tỉ lệ số ca dương tính so với tổng số xét nghiệm là trung bình 20%, gấp 5 lần ngưỡng « báo động virus lây lan mạnh », theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.
Riêng với người vị thành niên, từ đầu tháng 8 đến nay, đã có 95.000 trẻ dương tính với virus gây bệnh Covid, trong đó 7 em qua đời. Chích ngừa cho trẻ duới 11 tuổi là điều rất ít quốc gia trên thế giới thực thi hiện nay. Đa số các nước chỉ tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Nhiều thử nghiệm lâm sàng với vac-xin cho trẻ dưới 12 tuổi đang được tiến hành.
Chiến dịch tiêm chủng tại Cuba chậm hơn nhiều so với dự kiến. Chính quyền Cuba đặt mục tiêu tiêm chủng 70% dân cư vào tháng 8, và 100% vào tháng 12. Nhưng cho đến nay, mới chỉ có 3,5 triệu người Cuba hoàn tất tiêm chủng, chiếm 31% dân số.
Qatar: Thế trung gian tế nhị giữa Taliban và phương Tây
Thu Hằng
Chiếc Boeing C-17A của Qatar là máy bay nước ngoài đầu tiên thời Taliban hạ cánh xuống Kabul hôm 1/9/2021. Qatar đã là điểm trung chuyển cho cầu không vận của Hoa Kỳ và hiện là “nơi tạm trú” của đại sứ quán nhiều nước ở Kabul. Trước đó, Qatar đã đứng ra làm trung gian đàm phán giữa Washington và Taliban với kết quả là thỏa thuận Mỹ rút quân khỏi Afghanistan được ký năm 2020. Nói chung là từ vài năm gần đây, Qatar trở thành tâm điểm của cộng đồng quốc tế về tình hình Afghanistan.
Có thể nói, Qatar hiện là nước duy nhất có thể giao tiếp với chính quyền mới ở Kabul, nhờ vào “niềm tin xây dựng được” với Taliban trong nhiều năm qua, cũng như nhờ đã đóng vai trò “nhà trung gian công bằng và trung lập”, theo phát biểu ngày 01/09/2021 của ngoại trưởng Qatar Al Thani. Trước các vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11/09/2001, chỉ có ba nước Pakistan, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất công nhận chế độ Taliban ở Afghanistan và có ảnh hưởng đến lực lượng Hồi Giáo cực đoan này.
Qatar củng cố vị trí trung gian trong khu vực
Qatar bắt đầu đóng vai trò chủ đạo từ năm 2013, khi Washington tìm một địa điểm trung lập để đàm phán với Taliban về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Với sự ủng hộ của chính quyền Barack Obama, một văn phòng của Taliban được phép hoạt động ở Doha. Đến năm 2018, giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, một trong những người sáng lập Taliban, điều hành tổ chức này từ Qatar sau khi được Pakistan trả tự do, được cho là theo yêu cầu của Mỹ. Năm 2020, Abdul Ghani Baradar là người ký thỏa thuận rút quân của Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump. Khi Taliban chiếm được Kabul, giáo sĩ Baradar trở về Kabul cũng trên máy bay của Qatar để đàm phán thành lập chính phủ.
Khi đứng ra làm trung gian giữa phương Tây và Taliban, Qatar thường bị chỉ trích là dung túng khủng bố quốc tế, vì Taliban vẫn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nga. Tuy nhiên, đối với chính quyền Doha, đây là cơ hội để củng cố vai trò “trung gian chính trị trong vùng”, “cải thiện vị trí trong khu vực”, đặc biệt là với nước láng giềng Ả Rập Xê Út. Trả lời trang Deutsche Welle ngày 31/08, nhà nghiên cứu Guido Steinberg, Viện Quốc tế và An ninh Đức, nhắc lại là “trước đây Qatar phụ thuộc rất nhiều vào Ả Rập Xê Út, và gần như là một xứ bảo hộ của Riyad trong những năm 1970-1980”.
Vai trò lớn trong chiến dịch di tản nhân đạo
Sự kiện Kabul thất thủ, Taliban trở lại nắm quyền đã đẩy Qatar lên vị trí có một không hai. Cũng nhờ lợi thế này, Qatar đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch sơ tán : trở thành trạm trung chuyển cho cầu không vận của nhiều nước, điều máy bay đến sơ tán dân khỏi Afghanistan. Một cộng tác viên người Mỹ tham gia chiến dịch đánh giá “chính quyền Qatar thật tuyệt vời. Tình hình lúc đó khá tồi tệ, nhưng sẽ còn trầm trọng hơn nếu họ không làm việc đó”.
Theo Washington Post ngày 01/09, những đợt di tản rầm rộ của phương Tây đã át đi công việc thầm lặng của đại sứ quán Qatar ở Kabul. Rất nhiều nhà đấu tranh, phụ nữ, nghệ sĩ…, những người có nguy cơ bị chế độ Taliban trấn áp nếu ở lại, đã tập trung tại đại sứ quán Qatar và được đích thân đại sứ Saeed bin Mubarak Al Khayarin cùng với lực lượng nhân viên ít ỏi tháp tùng đến tận sân bay. Báo Washington Post trích lời một nhân viên ẩn danh cho biết “vai trò trung gian đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi đi qua các trạm kiểm soát” của Taliban.
Giữ thế cân bằng với các nước láng giềng
Cũng nhờ khả năng giao tiếp được với Taliban, Qatar cử một đội kỹ thuật đến Kabul đàm phán về “tái khởi động hoạt động sân bay Kabul”. Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua trung gian Doha, cũng đề xuất quản lý sân bay. Thế nhưng, đây cũng là điểm tế nhị cho Qatar, vì “nói chuyện” với Taliban bị coi là phần nào công nhận tính chính đáng của lực lượng Hồi Giáo cực đoan này. Vì vậy, Qatar luôn chú ý nhấn mạnh những tiếp xúc giữa họ với Taliban đều là do “người khác yêu cầu họ làm”. Theo Cinzia Bianco, thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế châu Âu, trụ sở tại Berlin (Đức), được Washington Post trích dẫn, Qatar rất thận trọng, vì “họ biết Taliban và họ biết chuyện gì sẽ xảy ra ở Afghanistan thật khủng khiếp. Qatar không muốn hình ảnh của họ bị gắn với Taliban”.
Cuối cùng, Qatar còn phải cố làm sao để vai trò trung gian không ảnh hưởng tới mối quan hệ với hai nước láng giềng Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, mà Doha vừa mới nối lại bang giao từ tháng 01/2021 sau gần 4 năm bị cô lập. Chính quyền Riyad lo ngại về việc Taliban kết thân với đối thủ Iran thành một liên minh vững chắc có thể gây hại cho Ả Rập Xê Út. Trong khi đó, chính quyền Abu Dhabi lo Taliban trở lại cầm quyền sẽ tạo động lực cho các lực lượng Hồi Giáo cực đoan trỗi dậy ở Trung Đông.
Afghanistan: Qatar có thể giúp Taliban khởi động lại sân bay Kabul
Trước đó, một máy bay vận tải Boeing C-17A Globemaster của Qatar chở một nhóm kỹ thuật viên đã hạ cánh xuống sân bay Kabul ngày 01/09/2021. Đội kỹ thuật này được cho là có nhiệm vụ đàm phán với lực lượng Taliban về việc “nối lại hoạt động của sân bay”.
Thông tín viên RFI Nicolas Keraudren từ Dubai cho biết thêm :
“Trên các kênh chính thức của Nhà nước Qatar, thông tin vẫn chưa được xác nhận. Nhưng dù sao thì một nguồn thạo tin đã khẳng định với hãng thông tấn Pháp AFP, cũng như với nhiều cơ quan truyền thông khác, trong đó có Doha News, là một máy bay của Qatar đã hạ cánh xuống Kabul.
Trên máy bay có một nhóm kỹ thuật được cho là chịu trách nhiệm thảo luận về việc “nối lại hoạt động ở sân bay Hamid Karzai”. Mục đích là để tạo điều kiện cho hoạt động “hỗ trợ nhân đạo”, cũng như “tự do di chuyển”.
Tuy nhiên, vẫn theo nguồn tin trên, chưa có thỏa thuận cuối cùng nào được ký kết. Phía Taliban, thông qua phát biểu của một người phát ngôn, thì khẳng định đã chính thức yêu cầu Doha hỗ trợ để quản lý sân bay “ngay khi có thể”.
Từ nhiều năm nay, vương quốc vùng Vịnh duy trì mối quan hệ ưu ái với lực lượng chiếm giữ thủ đô Kabul từ ngày 15/08. Đây chính là điều đã giúp Qatar trở thành một nhà trung gian thiết yếu.
Hôm qua (01/09), Hà Lan đã thông báo chuyển đại sứ quán của nước này từ Kabul sang Doha. Trước đó, Mỹ và Anh cũng làm tương tự. Nhiều nước khác có lẽ sớm theo hướng này”.