Chuyên gia: ĐCSTQ đã gióng lên hồi chuông ‘Cách mạng văn hoá’

Mạn Vũ

Trong CMVH, ĐCSTQ chủ trương phá hủy di sản văn hóa thiêng liêng của nền văn minh Trung Hoa.

Ngày 29/8, hàng loạt các cơ quan ngôn luận hàng đầu của ĐCSTQ như Mạng Xinhua, Nhân dân nhật báo, CCTV… đã đăng lại một bài viết của cá nhân tên Lý Quang Mãn với tiêu đề: “Mỗi cá nhân đều cảm nhận sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra“. Động thái này rất kỳ lạ, bởi vì đây là quan điểm của cá nhân, nhưng lại được kênh truyền thông nhà nước đưa lên, điều này chứng tỏ nó phải phù hợp với cách nghĩ và cách làm của ĐCSTQ. 

Sau khi phân tích, các chuyên gia nhận định bài viết này chính là hồi chuông cảnh báo ‘Cách mạng văn hoá’ (CMVH) đang đến gần…

Mục đích và dấu hiệu nhận biết CMVH

Nếu bỏ qua những từ ngữ dài dòng, thì mục đích của CMVH nằm ở 2 chữ ‘cực quyền’, chính là ĐCSTQ muốn quản hết thảy mọi thứ, cho nên trong CMVH đã xảy ra những hiện tượng như chỉnh đốn những người bất đồng chính kiến, phá tứ cựu (1), đào mộ phá miếu Khổng Tử, đốt các kinh sách tín ngưỡng khác… 

Vậy thì quyền lực đến từ đâu? Học giả phương tây là Alvin Toffler cho rằng quyền lực đến từ 3 nguồn: 

  • Tri thức
  • Bạo lực 
  • Tài phú

Nếu một người không có tri thức, người khác sẽ không theo họ. Khổng Tử chu du liệt quốc, nhiều lúc đói ăn nhưng tại sao mọi người đều theo ông, bởi vì Khổng Tử có tri thức. Người ở quốc gia cực quyền vì sao phải vâng lời? Bởi vì chính quyền nắm trong tay bộ máy bạo lực, cho nên người ta không thể không nghe lời. Khi bạn làm việc, người khác trả lương, cho nên bạn phải phục tùng người chủ ấy. Cho nên phương tây cho rằng quyền lực đến từ 3 nguồn trên. 

Giáo sư Chương Thiên Lượng cho rằng quyền lực còn đến từ một nguồn nữa, đó là ‘sự hấp dẫn cá nhân’. Mỹ nhân không có súng gươm, thậm chí không có nhiều tri thức, nhưng cô ấy có thể khống chế vững chắc người có quyền lực cao nhất của một quốc gia là Hoàng đế. Cô ấy không có tri thức, bạo lực, tài phú, nhưng dựa vào hấp dẫn cá nhân mà khống chế được thiên hạ.

Trong Viễn kiến khoái bình (Nhìn xa bình nhanh) đăng ngày 31/8, học giả Đường Tĩnh Viễn chỉ ra dấu hiệu nhận biết CMVH như sau: “Đầu tiên nó phải là một phong trào vận động, sau đó chọn ra một nhóm ‘phản diện điển hình’ để tiến hành phê phán/đấu tố”.

Tại sao bài viết của Lý Quang Mãn lại là tiếng chuông cảnh báo ‘Cách mạng văn hoá’? Chúng ta sẽ tìm hiểu ngay sau đây. 

Chỉnh đốn giới văn nghệ sĩ

Đoạn đầu bài viết nói về hiện tượng loạn tính của Ngô Diệc Phàm, Hoắc Tôn… nếu không kịp thời chấn chỉnh, giới giải trí sẽ thối nát mất. 

Nhưng mọi người thử nghĩ xem, vòng tròn giới nghệ sĩ liệu có tệ hơn giới quan chức cấp cao ĐCSTQ? Các quan chức ngã ngựa trong cuộc chiến chống tham nhũng, họ tham ô không biết bao nhiêu mà kể, cuộc sống vô cùng hủ bại. Họ có ‘bà hai, bà ba… bà n’, không biết bao nhiêu tình nhân, họ còn bại hoại hơn cả giới văn nghệ sĩ. 

Nhưng giới văn nghệ sĩ nếu không dựa vào các quan chức cấp cao, họ không có bệ đỡ phía sau, thì họ căn bản không thể nổi tiếng. Các quan chức cấp nhà nước hoặc cấp phó nhà nước của ĐCSTQ tham lam và háo sắc, còn những văn nghệ sĩ là ‘trai xinh gái đẹp’, những quan chức ĐCSTQ khó mà bỏ qua họ. Cho nên sự bại hoại của giới nghệ sĩ có liên quan đến ĐCSTQ.

Tiếp theo bài viết đề cập đến việc trốn thuế của Trịnh Sảng và bị phạt 300 triệu NDT (khoảng 1000 tỷ đồng), còn Triệu Vy bị xoá khỏi các nền tảng lớn, những việc này có ý nghĩa gì đối với ngành giải trí? Ở đây Lý Quang Mãn nói rất dài về việc trốn thuế của Trịnh Sảng, đối với chúng ta không có ý nghĩa gì lắm; sau đó nói về việc của Triệu Vy cũng không nói Triệu Vy phạm tội gì đặc biệt. 

Còn thông tin Triệu Vy thao túng thị trường vốn, thì cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành cũng thao túng thị trường vốn. Rất nhiều người nhà của quan chức cấp cao, ví như cấp bộ trưởng tài chính, họ đều thao túng thị trường vốn, hơn nữa con số còn lớn hơn nhiều.

Giới văn nghệ sĩ bại hoại không bằng các quan chức nhưng tại sao ĐCSTQ vẫn quyết chỉnh đốn họ? Như đã phân tích ở trên, bởi vì họ có ‘sức hấp dẫn cá nhân’ có một lượng fan đông đảo, lời họ nói ra có sức ảnh hưởng đến người hâm mộ, như thế người hâm mộ sẽ nghe lời họ chứ không nghe lời ĐCSTQ. Vậy nên việc chỉnh đốn giới nghệ sĩ của ĐCSTQ là một hành động ‘rung cây doạ khỉ’, cảnh báo những nghệ sĩ nổi tiếng có tầm ảnh hưởng và cả người hâm mộ là ở xứ Trung Quốc nên nghe lời của ai.

Còn một nguyên nhân nữa sẽ được phân tích ở phần sau.

Chỉnh đốn giới doanh nghiệp, thị trường vốn và đổ tội cho nước Mỹ 

Tiếp theo Lý Quang Mãn nói về việc Ant Group (của Jack Ma) bị huỷ niêm yết trên thị trường chứng khoán, Alibaba bị phạt 18,2 tỷ NDT (2,82 tỷ đô-la Mỹ, gần 65 ngàn tỷ đồng), cho đến kỷ niệm 100 năm thành lập, ĐCSTQ đề xuất ‘tất cả cùng giàu’… Lý Quang Mãn cho rằng xã hội Trung Quốc đang xảy ra những ‘cải cách’ sâu sắc. 

bài viết trước, chúng ta đề cập đến ĐCSTQ muốn ‘tất cả cùng giàu’, giới chuyên gia nhận định việc này chính là phân phối lại tài sản. Nhà kinh tế học người Mỹ là Thomas Sowell có một câu nói rất nổi tiếng: “Phân phối lại tài sản nghĩa là chuyển tiền từ túi người này sang túi người khác, cuối cùng không phải là ‘tất cả cùng giàu’ mà là ‘tất cả cùng nghèo’, nói cách khác chính là phân phối nghèo đói”. Lý do là nếu làm 10 mà phải đóng 7 thì không khuyến khích được người dân lao động và tạo ra của cải. 

ĐCSTQ chỉnh đốn giới doanh nghiệp bởi vì họ nắm trong tay tài chính nên sẽ là mối nguy cho quyền lực của chính quyền. Thêm vào đó, chỉnh đốn giới văn nghệ sĩ và doanh nghiệp còn liên quan đến cuộc chiến ý thức hệ. Dưới góc nhìn của một nhà sử học và là người am hiểu các vấn đề thời sự, Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 31/8 đã có một góc nhìn độc đáo như sau: 

“Cùng đi về phía tả nhưng ý thức hệ của ĐCSTQ và cánh tả phương tây lại khác nhau. Cánh tả phương tây theo đường lối chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’. 

Chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’ là sao? Mác chết năm 1883, một năm sau là 1884, ở Anh thành lập Hội Fabian. Những người thành lập hội nói rằng họ không tham gia cách mạng bạo lực, họ sẽ từng bước chuyển dần xã hội tư bản thành xã hội chủ nghĩa. 

Năm 1930, Gramsci đề xuất ‘cuộc trường chinh trong thể chế’, sau đó Trường học Frankfurt chuẩn bị sử dụng nghệ thuật suy đồi đề ‘làm tan rã’ giá trị truyền thống như là: ma tuý, đồng tính, nhạc rock, làm cho giới trẻ vô trách nhiệm với xã hội… 

Như thế, giới trẻ dần xa rời nền tảng văn hoá phương tây là Cơ Đốc giáo và các giá trị truyền thống về gia đình và trách nhiệm cá nhân. Nói ngắn gọn là chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’ là chủ nghĩa vô chính phủ. Chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’ còn gọi là ‘chủ nghĩa làm tan rã’ (chủ nghĩa giải cấu – deconstruction).

Còn ĐCSTQ theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tức là giảng bạo lực cách mạng, ‘kỷ luật thép’.

Một bên là phải nghe lời, còn một bên là chủ nghĩa vô chính phủ, cho nên hai hình thái ý thức này đối chọi nhau. Một khi chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’ xâm nhập vào Trung Quốc, nó sẽ ‘giải cấu’ (làm tan rã) chủ nghĩa Mác – Lênin của ĐCSTQ.

Bây giờ toàn bộ làng giải trí của Trung Quốc có nhiều hiện tượng bại hoại chính là học từ chủ nghĩa ‘Mác văn hoá’. Kể cả tâm lý giới trẻ như suy đồi, ‘nằm dài’, không muốn làm việc, mượn tiền tiêu dùng… những điều này rất phổ biến ở Đại lục. ĐCSTQ rất phản cảm với hiện tượng này. 

Có thể thúc đẩy hiện tượng này thì ngoài giới văn nghệ sĩ ra còn có sự can thiệp của thị trường vốn. Ví dụ như Ant Credit Pay, Ant Cash Now của Ant Group là để giới trẻ thực hiện lối sống suy đồi, không làm mà hưởng thông qua việc vay những khoản tín dụng để tiêu xài.

ĐCSTQ chắc chắn sẽ đánh vào thị trường vốn, cho nên trong bài viết Lý Quang Mãn nói rằng ‘chúng ta phải tấn công vào sự thao túng thị trường vốn, sự độc quyền của các nền tảng, những hiện tượng hỗn loạn trong lưu hành tiền tệ’.

Tôi không biết thị trường chứng khoán của Trung Quốc tương lai sẽ đi về đâu nếu đánh vào thị trường vốn như thế. 

Ngoài việc đánh vào thị trường vốn, ‘cải cách’ này còn tấn công ngành công nghiệp giải trí, bất động sản, giáo dục, y tế… Với những cú đánh như vậy, nhỡ đâu cuộc sống của mọi người hạ thấp khiến họ sẽ oán giận thì làm thế nào? 

Lý Quang Mãn đã cho ĐCSTQ một chủ ý chính là: đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Ông nói: ‘Môi trường quốc tế càng ngày càng gay gắt và phức tạp mà Trung Quốc phải đối mặt, chính là do Mỹ đang đe doạ quân sự gay gắt với Trung Quốc, phong toả kinh tế, đàn áp tài chính, bao vây chính trị và ngoại giao, đang phát động chiến tranh sinh học chống lại Trung Quốc, chiến tranh mạng, chiến tranh dư luận, chiến tranh không gian…

Lúc này nếu chúng ta dựa vào những nhà tư bản lớn để chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa bá quyền, phục vụ chiến lược của nước Mỹ, như thế người trẻ của chúng ta sẽ mất đi sự cứng cỏi mạnh mẽ, không cần đánh mà chúng ta đã tự ngã rồi.  

Nếu không chống Mỹ, chúng ta sẽ giống như Liên Xô, khi ấy quốc gia sụp đổ, tài sản bị cướp, nhân dân rơi vào cảnh lầm than’. 

Tôi cho rằng kiểu tách rời với thế giới, chống Mỹ, bế quan toả cảng như vậy sẽ khiến người dân trở thành bần cùng. Một quốc gia cùng khốn, khi người dân không đủ cái ăn cái mặc, họ không còn thời gian để nghĩ vấn đề khác ngoài việc ăn uống, lúc này chính phủ chỉ cần cho người dân một ít ân huệ họ sẽ biết ơn. Tôi cho rằng đây là xã hội lý tưởng mà ĐCSTQ mong muốn”.

Trong bài viết, Lý Quang Mãn đã liệt kê một loạt những nhân vật trong giới văn nghệ sĩ và giới doanh nghiệp đính kèm các hình thức bị trừng phạt của họ, đây giống như là “chọn ra một nhóm ‘phản diện điển hình’ để tiến hành phê phán” giống như học giả Đường Tĩnh Viễn nói đến. Mà giới văn nghệ sĩ có ‘sức hấp dẫn cá nhân’ còn giới doanh nghiệp thì nắm trong tay tài chính, nên theo cách hiểu của ĐCSTQ đây là những nhóm đe doạ quyền lực của ĐCSTQ. Gần đây ĐCSTQ chấn chỉnh giáo dục chính là khống chế tri thức.

Trong bài viết nói thêm rằng ĐCSTQ muốn đổ lỗi cho Mỹ đồng thời muốn bế quan toả cảng. Không giao tiếp với bên ngoài thì ĐCSTQ sẽ không bị chế ước, muốn gì làm nấy. Từ khi thành lập chính quyền, ĐCSTQ chưa bao giờ buông lỏng bộ máy bạo lực. 

ĐCSTQ đã khống chế 4 nguồn của quyền lực là: tri thức, bạo lực, tài phú và hấp dẫn cá nhân. Vậy nên khi đặt bài viết trên vào hoàn cảnh hiện tại thì đây có thể coi là hồi chuông cảnh báo ‘Cách mạng văn hoá’.  

Mạn Vũ

Chú thích: 

(1) Phá tứ cựu: Phá bốn cái cũ là: tư tưởng, văn hoá, phong tục, tập quán.

Related posts