Thanh Hải
Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đang dần chuyển sang chiến lược sống chung với COVID-19, giới chức Trung Quốc cho biết các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của nước này như xét nghiệm toàn bộ người dân và truy vết quy mô lớn là có hiệu quả và sẽ không được thay đổi một cách dễ dàng, trang VOA Chinese thông tin.
Tuyên bố này được Trịnh Trung Vĩ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Y tế Quốc gia thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đưa ra hôm 3/9 tại Diễn đàn Thượng đỉnh Y tế Công cộng.
Trong những tháng gần đây, biến thể Delta dễ lây lan hơn, đã xuất hiện ở Trung Quốc và nhanh chóng lây lan sang ít nhất 15 tỉnh với hơn 1.300 ca nhiễm. Để kiểm soát sự lây lan của virus càng sớm càng tốt, chính quyền Trung Quốc một lần nữa tiến hành phong tỏa các khu vực có nguy cơ cao và thực hiện xét nghiệm tất cả người dân địa phương.
Cách làm này không chỉ gây bất mãn cho cư dân mà còn gây ra những tổn thất lớn về kinh tế. Dữ liệu kinh tế Trung Quốc gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã đi xuống sau khi phục hồi mạnh mẽ kể từ năm ngoái. Động thái này liên quan đến việc ĐCSTQ chấn chỉnh toàn diện các doanh nghiệp tư nhân lớn, nhưng việc phong toả nghiêm ngặt ở nhiều nơi được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng.
Bên cạnh đó những “biện pháp chống dịch hà khắc” tốn kém đã làm dấy lên sự chỉ trích của dư luận, kể cả các chuyên gia.
Trả lời câu hỏi này, ông Trịnh Trung Vĩ chỉ ra rằng trong 3 mục tiêu trong kiểm soát dịch là “các biện pháp y tế công cộng, vắc-xin và thuốc” thì vắc-xin là “vũ khí tối thượng” để đánh bại đại dịch.
Quan chức này tin rằng công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc đã “làm rất tốt” ba mục tiêu này. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận Trung Quốc hiện đang gặp một số khó khăn trong tiêm chủng, nhiều người đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn nhiễm virus, điều này làm dấy lên nghi ngờ của người dân về vắc-xin.
Trung Quốc hiện có 900 triệu người được tiêm phòng, các chuyên gia tin rằng con số này sẽ tăng lên ít nhất 1,1 tỷ người để có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Uớc tính đến cuối tháng 10, số người được tiêm chủng ở Trung Quốc sẽ đạt 1,1 tỷ người.