Nguyễn Mạnh Trinh, người “hết lòng” với Văn Học Nghệ Thuật

Trịnh Thanh Thủy

Lời tòa soạn: Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh vừa qua đời ngày 24 tháng 8 vừa qua tại Orange County, California, Hoa Kỳ, thọ 73 tuổi. Ông có một thời gian dài cộng tác với bán tuần báo Việt Luận. Việt Luận xin đăng lại bài viết dưới đây như một nén nhang để tưởng nhớ một người đã có nhiều đóng góp cho văn học của người Việt hải ngoại.

Nguyễn Mạnh Trinh, Nhã Lan, nhà văn Nhật Tiến (2015)

 Tháng Tám chưa qua, hạ chưa hết. Thu còn xa lắc, lá chưa kịp chín vàng, mà ông đã rụng rơi. Nguyễn Mạnh Trinh, nhà thơ, nhà biên khảo và truyền thông đã lên đường, đã thong thả rong chơi về miền phương ngoại (1949-2021).

Xuất thân là một quân nhân thuộc binh chủng Không Quân, văn thơ của ông phản ảnh nhiều suy tư, thao thức về cuộc chiến. Ông yêu thi ca, làm thơ và viết rất nhiều bài nhận định trong những lãnh vực văn học nghệ thuật khác nhau. Ông cộng tác và viết thường xuyên cho các báo nhất là ở Úc, Canada và Hoa Kỳ.

Tôi mãi nhớ nụ cười hiền của ông, một Nguyễn Mạnh Trinh nho nhã, điềm đạm. Tôi không quên những lần trò chuyện cùng ông, tuy ít ỏi nhưng đầy ấn tượng và sâu sắc. Tôi cũng sẽ vô cùng tiếc nuối cho sự mất mát của một tài hoa, một ngòi viết hết lòng với văn học nghệ thuật tại hải ngoại. Đôi lần tôi được gặp gỡ ông tại nhà chị Bích Hạnh, Thùy Hạnh. Tuy nhiên, có lẽ lần tôi nói chuyện với ông lâu nhất là lần gặp ở nhà chị Bích Hạnh nhân dịp nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc qua Nam Cali để ra mắt sách (2014). Lần ấy có cả nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc với Nguyễn Mạnh Trinh bàn bạc cùng tôi về sự ra đi của diễn đàn Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài. Chúng tôi tiếc nuối cho sự đóng cửa của một diễn đàn văn học có nhiều bàn luận rất sôi nổi về các đề tài chính trị, văn học và xã hội. Ông có nhắc đến những bài viết gây nhiều tranh cãi của tôi là “Cái chết của một ngôn ngữ: Tiếng Việt Sài Gòn cũ” và một bài viết khác “Cái hĩm có răng” mà tôi viết để phản biện bài viết “Con cặc” của Nguyễn Hưng Quốc (2003). Chúng tôi vui vẻ bàn luận đến cái thời tôi còn hung hăng con bọ xít, cái thời tôi chưa biết đằm thắm là gì, say mê tranh cãi và coi trời bằng vung.

Tại nhà Bích Hạnh. (2014). Hàng đứng từ trái qua phải : Nguyễn D Tiến, Nguyễn Mạnh Trinh, Bùi Vĩnh Phúc, Lãng Minh (áo tím, bên phải). Hàng ngồi trên: Nhã Lan, Nguyễn Hưng Quốc, Bích Hạnh. Hàng ngồi dưới: Nguyễn Hoàng Nam (ngồi ghế), Nga Mi, Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn thị Ngọc Lan, một thân hữu.

Có lẽ lần đó với tôi, Nguyễn Mạnh Trinh đã “mở miệng”, còn phần lớn ông chỉ nói khi cần nói. Bạn bè ông có tâm sự : Ông là người kiệm lời, nghiêm túc, nên khó ai đến gần. Tuy nhiên khi chơi thân với ai, ông rất chí tình. Bản tính cương trực, nên ông ngay thẳng, sòng phẳng, trung thực và rất đàng hoàng cùng đối tốt với bạn bè.

Ngay cả trong lãnh vực viết nhận định cũng vậy. Ông đọc nhiều, đọc kỹ, kiến thức rộng nên viết hay. Ông viết trung thực, thẳng thắn, sáng sủa rõ ràng, lột tả được tinh thần và ý tưởng của tác giả. Ông rất quý và trân trọng các tác giả. Ông còn chịu khó viết cho những người nổi tiếng hay  chưa nổi tiếng. Ông đã nhìn ra được những tiềm năng đặc biệt còn ẩn tàng của họ.

Chương trình “Tản mạn văn học” do ông và Nhã Lan thực hiện ròng rã từ năm 2009 đến nay trên Hồn Việt TV và đài phát thanh Little Saigon là một nỗ lực và dấu ấn đáng quý. Chương trình đã được đông đảo người Việt tại California theo dõi và yêu mến. Ông chỉ ngưng đến đài vào năm 2019 khi bệnh trở nặng. Mỗi sáng thứ Bảy là mỗi trang lịch sử văn học nghệ thuật được ông và Nhã Lan dở lại, nhắc nhở và phổ biến cho thế hệ trẻ sau này được rõ. Với mục đích chia sẻ những tư tưởng, những tiếng nói tích cực của nền văn học truyền thống, “Tản mạn văn học” còn ước mong, các em sinh viên, học sinh trong nước và ngoài nước xem, nghe và hiểu được cái hay, đẹp của thế hệ cha, ông.

Xướng ngôn viên Nhã Lan, người làm việc sát cánh với ông trong chương trình đã tâm sự:

– Nhã Lan rất hạnh phúc khi được làm việc với anh NMTrinh, người có cùng chí hướng và sở thích, yêu văn học và ngôn ngữ VN. NL rất kính phục anh, tuy đôi lúc có mâu thuẫn hay bất đồng ý kiến vì hai người ở hai thế hệ khác nhau. NL thuộc về một thế hệ không biết gì về văn chương hay biết rất ít về nền văn học của thế hệ trước. Tuy nhiên, anh vẫn hoà đồng, không trịch thượng, khiêm nhường, thân thiện, và luôn chu toàn trách nhiệm. Nói tóm lại, anh là một người không ai mua chuộc được bằng tiền bạc, thời gian, hay tình ái lăng nhăng, dù anh là một nhà thơ trong binh chủng “Không quân” nổi tiếng là binh chủng hào hoa, bay bướm. 

Ngoài ra, anh là người biết chịu đựng, kiên nhẫn khi làm việc, yêu chữ nghĩa và rất yêu sách. Anh có kể chuyện về tủ sách quý là kho tàng rất lớn của anh. Anh sưu tầm và cố tìm mua những cuốn sách giá trị để làm giàu cho tủ sách của mình. Nhà thơ Thành Tôn, có cùng một sở thích với ông và cũng là bạn thiết của ông cũng tiết lộ, ông có một tủ sách quý thật lớn và đầy đủ. Ông có làm một bài thơ tặng thi sĩ Thành Tôn.

Nguyễn Mạnh Trinh, Nhã Lan, nhà văn Nhật Tiến (2015)

Nói đến kỷ niệm đáng nhớ, NL nhớ nhất là một đêm cô và NMTrinh đến thăm nhà văn Nhật Tiến khi ông còn sống trong một dạ tiệc đêm giao thừa. Trong khi trò chuyện về chương trình “Tản mạn văn học”, cô nhắc lại lúc Hồn Việt TV mới thành lập, thì bác Nhật Tiến là người đề nghị phải có mảng văn học đầu tiên với Đinh Quang Anh Thái. Sau đó Nhã Lan được mời vào, dù cô là một người thuộc thế hệ đàn em, thụ hưởng cả hai nền giáo dục trước, và sau 75. Khi trò chuyện, cả ba đều ngã ngửa ra cả ba đều tuổi Tý, cách nhau mỗi người một con giáp. Ba thế hệ chuột, chuột già (NT), chột nhỡ (NMT) và chuột nhí (NL) gặp nhau. Thật là thú vị cho cuộc hội ngộ giữa ban tam ca ba con chuột trong đêm giao thừa !!!

Hội ngộ rồi chia ly. Ông đến giữa đời, làm thơ, viết văn, làm truyền thông, thực hiện những hoài bão làm đẹp, hết lòng với văn học rồi ra đi. Tôi xin thắp nén hương lòng chúc ông lên đường thanh thản ở cõi vĩnh hằng.

*

Tiểu sử 

Nguyễn Mạnh Trinh sinh năm 1949 tại Hà Nội. Gia nhập Không Quân 1969 tới 1975. Định cư tại Hoa Kỳ 1975, bắt đầu làm thơ, viết nhận định văn học liên quan đến tác phẩm của những tác giả nổi danh như Xuân Vũ, Trần Văn Minh, Dương Hùng Cường, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Vũ Hữu Định, Quang Dũng, Phạm Đình Chương, Phạm Công Thiện, Tô Thùy Yên, Kim Tuấn, Du Tử Lê… Những bài viết của ông xuất hiện trên hầu hết các tạp chí văn học tại hải ngoại.

Ông chủ trương tủ sách tác giả tác phẩm Đời và là thành viên trong nhóm chủ trương Hợp Lưu – Hoa Kỳ. 2009, cùng với Nhã Lan chủ trương chương trình “Tản Mạn Văn Học” trên đài phát thanh Little Saigon. 

Tác phẩm:

Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt, 1985)

Tập truyện Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (Biên tập cùng Trịnh Y Thư, Văn Nghệ Hoa Kỳ, 1989)

Rì Rào Sóng Vỗ – tập truyện ngắn

Tạp Ghi Văn Nghệ

Nguyễn Mạnh Trinh viết rất nhiều, các tác phẩm nhận định của ông có thể tìm đọc ở đây :

http://phusaonline.free.fr/ButViet/NMTrinh/0_NMTrinh.htm

Related posts