Afghanistan và “kho báu chiến lược” trong lòng đất

Thùy Dương


Afghanistan, sau 40 năm chiến tranh liên miên, là một trong những nền kinh tế yếu kém nhất thế giới cho dù sở hữu trong lòng đấtvô số khoáng sản quý giá. Nhiều chuyên gia nhận định, với việc chiếm được gần như toàn bộ Afghanistan, Taliban không chỉ kiểm soát được hoạt động trồng cây anh túc và tinh chế thuốc phiện, cung cấp tới 90% thuốc phiện bán ra toàn cầu, mà họ còn đang « ngồi trên một kho báu khoáng sản chiến lược đối với toàn thế giới trong tương lai ».  

Lượng khoáng sản trong lòng đất Afghanistan lớn đến mức nào và có giá trị ra sao ?
Le Figaro ngày 25/08/2021 nhắc lại là hồi năm 2010, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) đã tiết lộ các nguồn tài nguyên khoáng sản, than đá, dầu lửa, khí đốt, đá quý trong lòng đất Afghanistan trị giá hơn 1.000 tỷ đô la, cao gấp 50 lần GDP của nước này, gồm cả các kim loại thông thường như sắt, đồng … các loại kim loại khoáng sản quý hiếm như colba, lithium … và cả đất hiếm. Trang mạng nghiên cứu về địa chiến lược Geostrategia cho biết thêm là nghiên cứu của USGS, được khởi động từ năm 2005 với sự hợp tác với bộ Quốc Phòng Mỹ, đã tái khẳng định những kết quả nghiên cứu của Liên Xô trong những năm 1980 về nguồn khoáng sản tiềm ẩn trong lòng đất Afghanistan.  

Nói khái quát, lòng đất ở Afghanistan chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho sản xuất xe điện và các công nghệ không dùng nhiên liệu hóa thạch như dầu lửa hay khí, phục vụ công cuộc chuyển đổi năng lượng trong tương lai, cũng như phục vụ cho quân đội. Công ty bảo hiểm tín dụng Coface hồi tháng Bảy nhấn mạnh : “Xe động cơ nhiệt sẽ bị cấm bán ở nhiều thị trường cũng như tại châu Âu từ nay đến năm 2035. Điều này làm tăng nhu cầu một số kim loại cần thiết để sản xuất xe điện : lithium, cobalt, graphite, nikel, đất hiếm, nhôm và đồng”.  

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo đến năm 2040, nhu cầu lithium trên thế giới sẽ tăng gấp 40 lần. Cũng giống như cobalt hoặc silicon, graphite … trong năm 2020, lithium đã được Liên Hiệp Châu Âu xếp vào danh sách 30 nguyên vật liệu thô quan trọng để bảo đảm sự độc lập tự chủ về năng lượng. Và theo nhận định của Guillaume Pitron, tác giả cuốn sách “Chiến tranh kim loại quý hiếm”, với hãng tin Pháp AFP, Afghanistan “đang ngồi trên một trữ lượng lithium khổng lồ mà cho đến nay vẫn chưa được khai thác”.  

Trữ lượng lithium lớn đến mức hồi năm 2012 bộ Quốc Phòng Mỹ nói đến khả năng Afghanistan sẽ trở thành một “Ả Rập Xê Út về lithium”, một loại vật liệu then chốt trong sản xuất pin máy tính xách tay, pin điện thoại smarphone và pin xe điện. Còn theo trang tin Equal Times, vùng Lôgar, miền đông nam Afghanistan, có một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới. Mỏ Mes Aynak từng được chính quyền Afghanistan hy vọng là có thể sẽ làm thay đổi “vận mệnh đất nước” vốn đã bị chiến tranh tàn phá.

Afghanistan và thế giới sẽ sớm được tiếp cận trữ lượng khoáng sản khổng lồ ?  
Mọi chuyện không đơn giản như vậy. Hơn nữa, trên thực tế, 10 năm sau khi “kho báu trong lòng đất” Afghanistan được USGS ghi nhận và lập bản đồ, các mỏ khoáng sản hầu như vẫn chưa được khai thác. Ông Torek Farhadi, từng là kinh tế gia của Tổ Chức Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới, có thời làm cố vấn cho tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, giải thích : “Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề cao kho báu dưới lòng đất của Afghanistan với hy vọng khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đến khai thác. Thế nhưng, những công ty này đã phải lui bước do những mối lo ngại về an ninh. Afghanistan là một khu vực rất phức tạp, ngay cả đối với các tập đoàn khoáng sản từng có kinh nghiệm khai thác tại những địa bàn tương tự”.  

Theo trang Geostrategia, từ năm 2009 đến năm 2015, Lực lượng đặc trách hoạt động kinh doanh và ổn định của Mỹ (TFBSO) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đầu tư tới 448 triệu đô la, nhưng cũng đã tỏ ra bi quan về hiệu quả đầu tư.  

Trung Quốc, vốn dĩ sản xuất tới 90% sản lượng đất hiếm trên thế giới, có nhiều quặng đồng và sở hữu trữ lượng lithium rất lớn, cũng đã từng đầu tư vào Afghanistan và “nếm mùi khó khăn”. Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) và Jiangxi Copper Corporation hồi năm 2008 đã ký hợp đồng khai thác trong 30 năm mỏ đồng khổng lồ Mes Aynak. Theo dự kiến, hoạt động khai thác sẽ bắt đầu vào năm 2013 và tạo ra nhiều triệu việc làm. Rốt cuộc, dự án trị giá 3 tỷ đô la lại “không đâu vào đâu”.  

Ấn Độ, một đối thủ khác của Trung Quốc, cũng lâm cảnh tương tự. Trang mạng Geostrategia cho biết hồi năm 2011, New Delhi đã ký với Kabul một thỏa thuận sơ bộ về phát triển nguồn lực khoáng sản, kéo theo đó là một hợp đồng phát triển cho một trong những mỏ sắt lớn nhất Afghanistan. Bảy doanh nghiệp Ấn Độ, dưới sự dẫn dắt của công ty nhà nước Steel Authority of India, đã ký được hợp đồng khai thác mỏ sắt Hajigak ước tính có trữ lượng 2 tỉ tấn quặng sắt, đổi lại Ấn Độ hứa đầu tư 10,4 tỉ đô la. Theo dự kiến, việc khai thác bắt đầu từ năm 2015, thế nhưng việc khai trương khu mỏ cũng bị lùi vô thời hạn.

Những khó khăn khiến các công ty khai khoáng nước ngoài không thể tiến bước ở Afghanistan ?  
Có rất nhiều lý do, trong đó đặc biệt phải kể tới sự bất ổn, mất an toàn an ninh, nạn tham nhũng và quản lý yếu kém của Nhà nước Afghanistan, sự lạc hậu về hạ tầng cơ sở, nhất là về giao thông và năng lượng.  

Trước tiên, về an ninh, sau những thập niên xung đột, chiến tranh, tại Afghanistan có rất nhiều vùng địa hình hiểm trở, đặc biệt có rất nhiều khu vực còn sót nhiều bom mìn. Đó là chưa kể tới việc dưới thời chính phủ Kabul, với sự hiện diện của quân đội Mỹ, phe Taliban khi đó vẫn kiểm soát được nhiều khu vực. Muốn khai khoáng ở những nơi đó, các công ty phải “bắt tay” với Taliban, một điều mà Tây phương xem là phi pháp.  

Giống như nhiều nước giàu tài nguyên khác, Afghanistan cũng vướng phải “lời nguyền khoáng sản” – một nước giàu khoáng sản không dễ trở thành quốc gia thịnh vượng, mà nguyên nhân chủ yếu là do nạn tham nhũng, thiếu minh bạch. Khan hiếm nhân lực có trình độ và cơ sở hạ tầng yếu kém cũng là những yếu tố kìm hãm công tác quản lý và phát triển khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên nói riêng và nền kinh tế nói chung của Afghanistan.  

Trên thực tế, để khai thác trên quy mô rộng những khu mỏ cực kỳ lớn và khoáng sản có giá trị, cơ sở hạ tầng về đường sá, giao thông vận chuyển phải hiện đại, có chất lượng và thuận lợi, nhưng đó lại là điều Afghanistan không đáp ứng được. Theo Le Figaro, Afghanistan thậm chí hầu như không có mạng lưới đường sắt. Việc khai thác mỏ cũng cần nguồn năng lượng ổn định. Ấy thế mà điện ở Afghanistan lại rất phập phù, thường xuyên bị cắt.

Một lý do đặc biệt nghiêm trọng là môi trường chính trị thiếu ổn định. Guillaume Pitron, được trang Le Capital trích dẫn, nhấn mạnh là trong ngành khai khoáng, từ khi phát hiện ra mỏ quặng cho đến khi khai thác cần có 10-20 năm chuẩn bị. Không doanh nghiệp nào muốn đầu tư, nếu môi trường chính trị và khung pháp lý không ổn định và nhiều nhà đầu tư có thể sẽ chọn lựa những nguồn cung đắt hơn một chút, nhưng ổn định hơn, để tránh rủi ro.

Giới phân tích nhận định khai thác khoáng sản, nhất là những loại khoáng sản chiến lược, đất hiếm, sẽ là một hoạt động chủ chốt để vực dậy nền kinh tế Afghanistan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhưng có lẽ, với những yếu tố bất lợi kể trên, mọi chuyện sẽ không đơn giản, đối với cả Taliban, phe cầm quyền mới ở Afghanistan, cũng như các nước phương Tây có tham vọng khai thác “kho báu chiến lược” cho tương lai của thế giới.   

Related posts