Tin thế giới sáng thứ Ba: Đại sứ Đức tại Trung Quốc qua đời sau chưa đầy 2 tuần nhậm chức

Đại sứ Đức tại Trung Quốc qua đời sau chưa đầy 2 tuần nhậm chức

Ông Jan Hecker và Thủ tướng Đức Angela Merkel (Reuteurs)

Hôm thứ Hai 6/9 Chính phủ Đức loan báo Đại sứ Đức tại Trung Quốc Jan Hecker, 54 tuổi, đã qua đời sau chưa đầy 2 tuần nhậm chức. Ông Hecker trước đó là cố vấn cấp cao của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và cố vấn chính sách đối ngoại của bà, ông Jan Hecker tham dự cuộc họp Nội các liên bang Đức hàng tuần vào ngày 15/1/2020 tại Berlin, Đức. (Ảnh: Adam Berry/Getty Images)

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức Andrea Sasse nói với báo giới: “Không có dấu hiệu cho thấy cái chết của Đại sứ Hecker liên quan đến vai trò chính trị của ông”. Bà Sasse từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Trước khi trở thành Đại sứ Đức tại Trung Quốc, ông Hecker từng kinh qua các chức vụ như quan chức Bộ Nội vụ, thẩm phán tại Tòa Hành chính Liên bang Đức, điều phối viên chính sách tị nạn của Thủ tướng và cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng. Ông Hecker đảm nhận vai trò cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Merkel từ năm 2017, một vị trí có ảnh hưởng nhưng ít xuất hiện trước công chúng.

Thủ tướng Merkel nói cái chết của ông Hecker khiến bà “cực kỳ sốc”.

“Tôi tiếc thương một cố vấn đáng kính trọng với đầy lòng trắc ẩn và tài năng xuất chúng”, bà Merkel phát đi tuyên bố hôm 6/9. Thủ tướng Đức khẳng định bà “hoàn toàn trân trọng” đóng góp của ông Hecker trong nhiều năm qua.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho biết ông bị sốc trước sự qua đời bất ngờ của ông Hecker.

“Ông ấy là một chính khách tuyệt vời và là người bạn, đối tác thân thiết của nước Mỹ. Ông sẽ rất được tưởng nhớ”, ông Sullivan viết trên Twitter hôm 6/9.

Đại sứ quán Đức tại Bắc Kinh hôm 6/9 đã treo rủ cờ của Đức và cờ của Liên minh châu Âu.

Ông Hekcer đã tới Trung Quốc vào ngày 1/8 vừa qua trong vai trò Đại sứ Đức tại Trung Quốc thứ 14. Ông đã trình quốc thư tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 24/8, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc đã trích dẫn ông Hecker nói tại Bắc Kinh khi nhận chức rằng mục tiêu của ông là “góp phần phát triển ổn định mối quan hệ Đức – Trung Quốc trong dài hạn” và “củng cố đối thoại và hợp tác” giữa hai quốc gia.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Weenbin) đã gửi lời chia buồn về sự qua đời của Đại sứ Hecker. Ông Uông nói Bắc Kinh sẽ hỗ trợ gia đình ông Hecker và Đại sứ quán Đức.

“Ông Hecker đã làm việc tích cực để thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc – Đức kể từ khi ông nhậm chức”, ông Uông nói trong buổi họp báo thường nhật tại Bắc Kinh hôm 6/9.

Phó Đại sứ Frank Rückert sẽ tạm thời đảm nhiệm thay công việc của cố Đại sứ Hecker tại Bắc Kinh, theo hãng tin Deutsche Welle của nhà nước Liên bang Đức.

Mỹ: Trung Quốc không được quyền đòi tàu nước khác báo cáo khi đi qua Biển Đông

Trọng Nghĩa

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain đang tiến hành các hoạt động thường lệ tại eo biển Đài Loan ngày 30/12/2020, nhằm bảo đảm sự ổn định và an ninh cho một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp. AP – Mass Communication Specialist 2nd Class Markus Castaneda

Việc Trung Quốc yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải báo cáo khi thực hiện việc qua lại vô hại trên vùng Biển Đông “có dấu hiệu trực tiếp đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế” và có khả năng dẫn đến “xung đột”. Trên đây là lời cảnh báo mới nhất ngày 03/09/2021 của phó đô đốc Michael McAllister, tư lệnh lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ đặc trách vùng Thái Bình Dương.

Theo báo chí Philippines, phát biểu với các phóng viên trong khuôn khổ diễn đàn Truyền Thông Châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Media Hub) được tổ chức trực tuyến, vị tư lệnh Tuần Duyên Mỹ đã lên tiếng đả kích các quy định hàng hải mới của Bắc Kinh, buộc tàu quân sự nước ngoài phải báo cáo với Trung Quốc về các chuyến qua lại vô hại khi đi qua Biển Đông.

Đối với phó đô đốc McAllister, quy định mới của Bắc Kinh trái ngược hẳn với các thỏa thuận và chuẩn mực quốc tế đã được công nhận từ trước đến nay. Theo ông, đây là một điều “rất đáng quan ngại” vì một khi được thực thi, các quy định đó “đặt ra nền móng cho tình trạng bất ổn và khả năng bùng nổ xung đột”.

Tuyên bố trên đây là phản ứng mới nhất của Hoa Kỳ sau khi Cục An Toàn Hàng Hải Trung Quốc thông báo là các tàu nước ngoài đi vào “lãnh hải Trung Quốc” sẽ phải báo cáo một loạt thông tin. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post cho biết thêm là các quy định mới được áp dụng từ ngày 01/09 tại “Biển Đông, Biển Hoa Đông và các đảo, đá ngầm khác nhau nằm rải rác trên các vùng biển” thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Ngay khi có tin về việc Trung Quốc bắt đầu áp dụng các quy định này, một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ đã cho rằng luật mới của Trung Quốc là “mối đe dọa nghiêm trọng” cho quyền tự do hàng hải và thương mại. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nhắc lại đối với Washington, các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông đều phi pháp, và Mỹ tiếp tục sát cánh cùng đồng minh và đối tác để chống lại các yêu sách đó của Trung Quốc.

Về phần phó đô đốc McAllister, ông cũng khẳng định lực lượng Tuần Duyên Mỹ đang ở trong khu vực để hỗ trợ các đối tác chính, vốn đang ngày càng lo ngại về các hành động gây hấn và cưỡng ép của Trung Quốc, cũng như giúp đỡ các đối tác tăng cường năng lực đối phó với các hành động đó.


Hàng không mẫu hạm Anh có chuyến thăm “lịch sử” căn cứ hải quân Nhật Bản

Minh Anh

Hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth ngoài khơi Bồ Đào Nha trong một cuộc diễn tập của NATO, ngày 27/05/2021. AP – Ana Brigida

Ngày 04/09/2021, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Hải Quân Hoàng Gia Anh lần đầu tiên ghé thăm Nhật Bản sau một thập niên.

Trang mạng Stars and Stripes dẫn lời đại úy Simon Staley, tùy viên quốc phòng tại Nhật Bản, cho rằng sự xuất hiện của chiếc Queen Elizabeth là một « sự kiện lịch sử ». Bởi vì, đây là lần đầu tiên hàng không mẫu hạm một nước khác cập cảng căn cứ hải quân Yokosuda, nơi trú đóng của Hạm Đội 7 thuộc Hải Quân Mỹ. Theo đại úy Simon Staley, « chuyến thăm này giúp tăng cường các mối quan hệ giữa Mỹ và Anh Quốc trên toàn cầu với tư cách là những đồng minh tốt nhất ».

Đại sứ Anh Quốc ở Nhật Bản, bà Julia Longbottom, đánh giá, chuyến thăm Nhật Bản của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth thể hiện « sự tin cậy trong mối quan hệ chặt chẽ và ngày càng sâu sắc giữa hai nước Anh – Nhật », là một sự cam kết của Vương Quốc Anh « ủng hộ hòa bình và ổn định cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (…) ».

Nhật Bản là chặng dừng thứ hai của chiếc HMS Queen Elizabeth trong lần triển khai đầu tiên này, dự kiến kéo dài trong vòng 8 tháng, đi qua 40 nước. Trong vòng bốn ngày thăm Yokosuda, hải quân Anh sẽ tiến hành các bài tập huấn luyện với không quân và hải quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Những đợt thao diễn này có thể sử dụng cả những chiến đấu cơ F-35B Lightning II của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trên hàng không mẫu hạm Anh.

Ngày 09/09, HMS Queen Elizabeth sẽ rời căn cứ Yokosuda để tham gia tập trận chung với Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan và Canada nhằm thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ giữa các nước tham gia.

Trang mạng FR24 News lưu ý, chuyến thăm này của HMS Queen Elizabeth diễn ra đúng vào lúc Bắc Kinh ban hành một bộ luật hàng hải mới, đòi hỏi các nước phải khai báo khi đi vào những vùng lãnh hải mà Trung Quốc tự nhận có chủ quyền.

Afghanistan : Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ đến Qatar

Thụy My

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vẫy tay chào trước khi lên máy bay từ căn cứ Andrews ở Maryland để đến Doha, Qatar, tối 05/09/2021. Olivier DOULIERY POOL/AFP

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua 05/09/2021 đã lên đường đến Qatar. Chuyến đi đầu tiên của ông Blinken kể từ khi phe Taliban nắm quyền ở Afghanistan nhằm mục đích tìm kiếm một mặt trận thống nhất với các đồng minh. Bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cũng sẽ có mặt tại Doha vào đầu tuần này, trong khuôn khổ vòng công du các nước vùng Vịnh.

Từ nhiều tháng qua, Qatar đã đóng vai trò trung gian giữa Hoa Kỳ và Taliban. Phân nửa số 55.000 người được di tản khỏi Afghanistan cũng được trung chuyển qua Qatar, nơi có một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.

Thông tín viên Loubna Anaki của RFI tại Islamabad cho biết thêm chi tiết :

« Đó là một chuyến đi nhằm cảm ơn các nước đã đón nhận những người Afghanistan được Mỹ và các đồng minh di tản từ phi trường Kabul cuối tháng Tám. Ông Antony Blinken sẽ hội đàm với Quốc vương Tamim Ben Hamad Al Thani và ngoại trưởng Qatar.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng thăm một trung tâm tiếp đón người tị nạn. Sau khi các quân nhân Mỹ rút khỏi Afghanistan, chính tại Doha mà các nhà ngoại giao Mỹ gặp gỡ, và cũng tại đây họ sẽ xử lý các vấn đề  lãnh sự và ngoại giao đối với Afghanistan.

Tuy bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định các kênh thông tin luôn mở rộng với Taliban, hiện giờ vẫn chưa biết ông Antony Blinken có sẽ gặp các đại diện Taliban trong thời gian lưu lại Qatar hay không.

Sau đó, ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Đức thăm căn cứ Ramstein, nơi từng được sử dụng trong chiến dịch di tản. Ông cũng dự một hội nghị về tình hình Afghanistan, với sự tham gia của đại diện 20 nước khác ».

Thống đốc Taliban hứa tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo
Về phía phe Taliban, thủ lãnh quân sự Neda Mohammad, nay trở thành thống đốc tỉnh Nangarhar, hôm nay khẳng định với AFP hai ưu tiên : phục hồi kinh tế và bảo đảm an ninh. Ngoài các tội phạm hình sự thông thường, mục tiêu hàng đầu của Taliban là tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Khorasan (IS-K).

Tổ chức thánh chiến này là thủ phạm nhiều vụ tấn công đẫm máu trong những năm gần đây, trong đó có vụ khủng bố tự sát tại sân bay Kabul hôm 26/08 làm thiệt mạng 13 quân nhân Mỹ, 2 người Anh và khoảng 100 người Afghanistan. Sự trỗi dậy của IS-K, đặc biệt tại Nangarhar, làm Washington lo lắng.


Ukraina : Chính quyền Nga gia tăng đàn áp người thiểu số Tatar

Thanh Hà

Ông Refat Choubarov, chủ tịch hội Mejlis, một tổ chức chính trị đại diện cho cộng đồng người Tatar trên bán đảo Crimée, phát biểu tại một nhà thờ, thành phố Simferopol, ngày 07/03/2014. AFP – VOLODYMYR PETROV

Trong hai ngày cuối tuần qua, 45 người thuộc thiểu số Tatar trên bán đảo Crimée bị bắt giữ. Bộ Ngoại Giao Mỹ ngày 05/09/2021 ra thông cáo kêu gọi Matxcơva « trả tự do ngay lập tức » cho Nariman Dzhelyalov, phó chủ tịch cộng đồng người Tatar và hơn 40 người khác trong tầm ngắm của cơ quan an ninh Nga.

Hãng tin Interfax cho biết, từ hôm 03/09/2021 chính quyền Nga đã nhiều lần ra lệnh câu lưu vài chục người thuộc sắc tộc thiểu số Tatar, trong đó có ông Nariman Dzhelyalov, với lý do những người này có liên quan đến một vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt tại Perevalnoye, một ngôi làng nằm giữa thành phố Simferopol với Yalta.  

Thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev giải thích thêm :

« Hôm Thứ Sáu vừa qua, cơ quan mật vụ FSB của Nga đã lục soát nhà riêng của nhiều nhà hoạt động Tatar. Năm người đã bị bắt. Trong số đó, có ông Nariman Djelialov, phó chủ tịnh Meijlis, một tổ chức chính trị đại diện cho cộng đồng người Tatar trên bán đảo Crimée. Theo cơ quan an ninh Nga, năm người này có liên quan đến một vụ nổ gần một đường ống dẫn khí đốt.

Một ngày sau, căng thẳng tăng thêm một nấc khi hàng chục người biểu tình trước trụ sở an ninh của Nga tại Simferopol, thủ phủ Crimée, đã bị câu lưu, chủ yếu là người Tatar. Hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Ukraina, bà Eminé Djaparova, một người gốc Tatar tại Crimée, thông báo có hơn 50 người bị bắt giữ trong các đợt truy bắt này.

Còn theo ông Refat Choubarov, chủ tịch hội Mejlis, đang sống lưu vong, đây là một biện pháp Matxcơva trả đũa Kiev sau khi Ukraina tổ chức hội nghị quốc tế hôm 23/08/2021 về tình hình bán đảo Crimée.

Ngoài bối cảnh hội nghị mà chính quyền Nga đã mạnh mẽ chỉ trích này, các đợt đàn áp liên tục gia tăng trong mùa hè vừa qua. Hôm 16/08/2021 chẳng hạn, 4 người trong cộng đồng Tatar đã bị kết án từ 12 đến 18 năm tù vì tội « khủng bố ». Trong quý 1 năm nay, nhà chức trách Nga tại Crimée đã bắt giữ 156 nhà đấu tranh nhân quyền, trong đó có 126 người Tatar ».

Pháp : Số ca nhiễm Covid-19 giảm 20 % trong một tuần

Thanh Hà

Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 trên đại lộ Champs-Elysées, gần Khải Hoàn Môn, Paris, Pháp, ngày 03/09/2021. REUTERS – ERIC GAILLARD

Số ca dương tính với virus corona tại Pháp tiếp tục giảm. Chiều ngày 05/09/2021, Cơ quan Y tế Công cộng Pháp (Santé Publique France) ghi nhận thêm hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua. Con số này thấp hơn đến 20 % so với một tuần trước đây.

Cơ quan này cũng xác nhận trong 7 ngày qua, trung bình tỷ lệ dương tính với virus corona ổn định ở ngưỡng 2,5%.Trên toàn quốc, có chưa đầy 10.000 bệnh nhân phải nhập viện. Tuy nhiên, vẫn còn 2.223 bệnh nhân trong phòng hồi sức và trong 24 giờ qua vẫn có 85 ca tử vong. Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 115.000 người tại Pháp tính từ đầu năm 2020.

Tình hình nói chung là khả quan, theo thẩm định của Tổng cục trưởng Tổng cục Y Tế, Jérôme Salomon. Vào lúc 12 triệu học sinh Pháp vừa tựu trường và các trường đại học sắp mở cửa trở lại, mối lo ngại dịch tái phát lại dấy lên, nhưng ông Salomon cho biết trước mắt chính phủ loại trừ khả năng tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Về chiến dịch tiêm chủng, các số liệu chính thức được công bố trong tuần cho thấy vẫn còn 10 triệu người chưa chích ngừa. Trong 2 ngày cuối tuần qua, không cần hẹn trước, mọi người đều có thể chích ngừa ở bất kỳ nơi nào. Tổng cộng, tại Pháp, các trung tâm tiêm chủng đã sử dụng gần 90 triệu liều vac-xin. Hơn 2/3 dân số Pháp đã được chích đủ 2 mũi tiêm.

Vùng lãnh thổ hải ngoại Nouvelle Calédonie là nơi đầu tiên của Pháp “bắt buộc tất cả mọi người trên 18 tuổi phải chích ngừa”.

Related posts