Taliban tuyên bố “kiểm soát toàn bộ thung lũng Panchir”
Thanh Hà
Phải chăng thung lũng Panchir, miền đông bắc Afghanistan, thành trì kháng chiến cuối cùng chống Taliban “đã đổ”? Sáng ngày 06/09/2021, phát ngôn viên Taliban tuyên bố kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan. Phong trào kháng chiến kêu gọi ngừng bắn và đòi Taliban rút khỏi khu vực.
Tình hình tại chỗ từ thung lũng Panchir, cách thủ đô Kabul 80 cây số về phía bắc, vẫn chưa rõ ràng sau nhiều ngày giao tranh khốc liệt. Theo hãng tin Pháp AFP, Mặt Trận Kháng Chiến Quốc Gia (FNR) do con trai cố thủ lĩnh Massoud lãnh đạo, trong một thông cáo kêu gọi “ngừng bắn”, sau khi có tin phe này chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng trong những đợt tấn công dồn dập của Taliban những ngày qua.
Trái lại, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid, trong thông cáo cùng ngày, khẳng định, với chiến thắng vừa đạt được tại thung lũng Panchir, Afghanistan hoàn toàn “thoát khỏi cảnh chiến chinh u ám”. Taliban hứa không trừng phạt dân cư trong vùng.
Từ khi Kabul thất thủ hôm 15/08/2021, thung lũng Panchir trở thành cứ địa cuối cùng của kháng chiến quân. Lực lượng kháng chiến chưa bao giờ để mất vùng Panchir trong cuộc chiến chống Liên Xô, hay dưới thời Taliban cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001. Đại diện của FNR từ chiều ngày 05/09/2021 xác nhận tin 2 thủ lĩnh của phong trào đã bị sát hại và đây là một vố đau nhắm vào mặt trận do con trai cố tư lệnh Massoud lãnh đạo.
Thông tín viên đài RFI Sonia Ghezali từ thủ đô Islamabad, Pakistan, cho biết thêm về những tổn thất nghiêm trọng đó :
“Fahim Dashty và tướng Abdul Wudod Zarad đã thiệt mạng đêm qua. Cả hai là những gương mặt nổi bật của phong trào kháng chiến chống Taliban. Fahim Dashty là phát ngôn viên của Mặt Trận Kháng Chiến Quốc Gia (FNR). Ông từng là một nhà báo dấn thân tại Panchir, là một nhân vật thân cận với cố thủ lĩnh Massoud. Fahim Dashty có ánh mắt buồn, đầu luôn đội chiếc mũ truyền thống của dân cư tại đây và mặc chiếc áo khoác ngoài nhiều túi đồng mầu.
Bằng giọng luôn xúc động, ông đã nhiều lần kể lại về cái chết của thủ lĩnh Massoud hôm 09/09/2001, khi hai chiến binh của tổ chức khủng bố Al Qaeda giả dạng là nhà báo, gài thuốc nổ trong ống kính camera để ám sát Massoud, người được mệnh danh là sư tử vùng thung lũng Panchir. Ngày hôm ấy, Fahim có mặt trong căn phòng. Ông bị thương nặng, nhưng đã qua khỏi. Được đưa sang Pháp điều trị, nhưng rồi ông đã quay lại Afghanistan để tiếp tục đấu tranh vì quyền tự do báo chí trên quê hương mình. Nhiều đồng nghiệp của ông trân trọng công việc đó.
Cái chết của Fahim Dashty và tướng Abdul Wudod Zarad là một đòn đau giáng vào phong trào kháng chiến tại Panchir. Ngay từ hôm qua, phe này kêu gọi Taliban ngưng bắn sau nhiều đợt giao tranh khốc liệt trong những ngày gần đây. Ahmad Massoud tuyên bố sẵn sàng đàm phán một khi các chiến binh Taliban rút khỏi vùng thung lũng này”.
Taliban muốn tham gia dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan
Thu Hằng
Từ khi lên nắm quyền ở Afghanistan, phe Taliban đề ra hai mục tiêu chính là phát triển kinh tế và chống khủng bố. Ngày 06/09/2021, người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid cho biết họ « mong muốn » gia nhập dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC). Taliban cũng sẽ đề cập với chính quyền Islamabad về nhóm khủng bố Tehreek-i-Taliban Pakistan (TTP).
Theo hãng tin Samaa News, được trang ANI trích dẫn, người phát ngôn Zabiullah Mujahid xác nhận cuộc gặp giữa lãnh đạo Cơ quan Tình báo Liên ngành Pakistan (ISI), trung tướng Faiz Hameed và giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, một trong những đồng sáng lập viên Taliban.
Dự án CPEC (China Pakistan Economic Corridor) được Trung Quốc triển khai năm 2015 với tổng trị giá lên đến 46 tỉ đô la, trong đó có trục đường dài 626 km nối vùng Tân Cương của Trung Quốc, qua cảng Gwadar ở tỉnh Balochistan của Pakistan, đến biển Ả Rập. Ngoài dự án CPEC, còn có nhiều kế hoạch xây đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn dầu để tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và Trung Đông, đồng thời nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ và Ấn Độ.
Trang ANI cho rằng những sự kiện trên cho thấy Cơ quan Tình báo Liên ngành Pakistan ủng hộ Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, đồng thời giúp Pakistan củng cố chiến lược gia tăng ảnh hưởng trong vùng. Trước đó, chính quyền Islamabad được cho là « đã cử nhiều nhân viên » đến chiến đấu trong hàng ngũ Taliban để giành quyền kiểm soát Afghanistan.
Lực lượng Taliban hôm qua thông báo đã kiểm soát cả nước, sau khi tuyên bố chiếm được thung lũng Panchir, thành trì cuối cùng của Mặt trận Kháng chiến (FNR). Nhưng Ahmad Massoud, lãnh đạo của lực lượng chống Taliban FNR tại thung lũng Panchir không thừa nhận thất bại. Ngày 06/09, trong một thông điệp được ghi âm và gửi đến các cơ quan truyền thông, lãnh đạo FNR kêu gọi « toàn quốc nổi dậy vì nhân phẩm, tự do và sự phồn thịnh của đất nước ».
Theo AFP, sáng 07/09, lực lượng an ninh Taliban đã giải tán nhiều cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul. Hàng trăm người tập trung ở ít nhất hai khu phố lên án sự trấn áp bạo lực ở thung lũng Panchir, cũng như sự can thiệp của Pakistan vào tình hình Afghanistan. Trước đó, Taliban khẳng định đã tiêu diệt hai lãnh đạo cấp cao của lực lượng kháng chiến FNR, đồng thời kêu gọi những quân nhân chế độ cũ gia nhập lực lượng an ninh của Taliban, nhưng sẵn sàng « trừng phạt bất kỳ ai tạo phản ».
Lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc: Nhiều doanh nghiệp Đức bị kiện
Thùy Dương
Tại Đức, một tổ chức phi chính phủ hôm qua, 06/09/2021, thông báo đã khởi kiện các doanh nghiệp dệt may Hugo Boss, C&A và các chuỗi siêu thị giá rẻ như Lidl, Aldi Nord và Aldi Sud về việc các công ty này « lợi dụng » lao động cưỡng bức người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.
Trung tâm châu Âu về các Quyền Hiến định và Nhân quyền (ECCHR), tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Đức, cho biết đã khởi kiện nhiều doanh nghiệp Đức với cáo buộc « đồng lõa với các tội ác chống nhân loại ». ECCHR chỉ trích các công ty Đức nói trên đã « lợi dụng » và « trở thành đồng lõa, một cách trực tiếp hay gián tiếp, với nạn lao động cưỡng bức người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương », Trung Quốc.
Tổ chức phi chính phủ ECCHR khẳng định rất khó mà có được bằng chứng cụ thể về việc các nhà cung ứng cho các doanh nghiệp Đức khai thác lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, nhưng đặt câu hỏi là việc duy trì quan hệ làm ăn có phải là « cách hỗ trợ và khuyến khích các tội ác » đó không. Theo luật sư Miriam Saage-Maass, giám đốc Trung tâm châu Âu về các Quyền Hiến định và Nhân quyền, trường hợp của 5 công ty Hugo Boss, C&A, Lidl, Aldi Nord và Aldi Sud chỉ là « một ví dụ về một vấn đề lớn hơn và mang tính hệ thống hơn ».
AFP nhắc lại Bắc Kinh vẫn bị Tây phương tố cáo giam giữ trong các trại cải tạo lao động quy mô lớn hàng triệu người thuộc các sắc tộc thiểu số, chủ yếu là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở miền tây, nhất là Tân Cương, nơi tập trung nhiều nhà máy, đặc biệt nhà máy dệt may cung cấp hàng cho nhiều công ty đa quốc gia. Mỹ từng khẳng định Bắc Kinh tiến hành chiến dịch diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân khác nói ngôn ngữ gần giống tiếng Thổ ở Tân Cương. Bắc Kinh đã bác bỏ từ « diệt chủng » và khẳng định đó chỉ là các trung tâm dạy nghề.
Phản ứng của các doanh nghiệp Đức bị kiện
Trong các thông cáo gửi đến hãng tin Pháp AFP, hãng C&A khẳng định « không dung túng việc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng ». Công ty Aldi thì bảo đảm « đã thiết lập các tiêu chuẩn mang tính ràng buộc đối với mọi đối tác thương mại ». Trong khi đó, Hugo Boss nhắc lại cách nay vài tháng đã đề nghị các nhà cung ứng tìm hiểu và khẳng định là việc sản xuất cung ứng cho hãng phải đảm bảo tôn trọng nhân quyền. Còn chuỗi siêu thị giá rẻ Lidl khẳng định với AFP là tổ chức ECCHR vẫn dựa vào danh sách các nhà cung ứng cũ.
Hồi tháng 04/2021, hiệp hội chống tham nhũng Sherpa ở Pháp cũng đã đệ đơn kiện tương tự như ở Đức nhắm vào 4 công ty dệt may, trong đó có Uniqlo và Zara. Bộ phận chuyên trách về « Tội ác chống nhân loại » của Viện công tố Quốc gia chống Khủng bố (PNAT) đã mở điều tra vào cuối tháng 06/2021.
Vụ máy bay MH17 : Gia đình các nạn nhân lên án chính quyền Nga
Thùy Dương
Hôm 06/09/2021, trong phiên tòa xử vắng mặt 4 nghi phạm diễn ra ở Hà Lan, gia đình của 298 hành khách thiệt mạng trong vụ máy bay mang số hiệu MH17 bị bắn rơi hồi năm 2014 khi bay qua vùng trời Ukraina đã lên án “thái độ dối trá” của chính quyền Nga.
Bốn nghi phạm bị Tư Pháp Hà Lan xử vắng mặt gồm ba người Nga, Sergei Dubinsky, Igor Guirkine, Oleg Poulatov và một người Ukraina, Leonid Khartchenko. Đây là bốn nhân vật cấp cao của lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina, đang bị tư pháp Hà Lan truy tố vì tội giết người.
Khoảng 90 người thân của các nạn nhân, trong đó có 196 nạn nhân người Hà Lan, cũng như của các nạn nhân người Úc và Malaysia, theo dự kiến sẽ phát biểu trước tòa trong những ngày sắp tới. Thẩm phán chính, Hendrik Steenhuis, vẫn giữ nguyên ngày 22/09/2022 là ngày có thể sẽ đưa ra phán quyết, nhưng ông cũng nói đến khả năng tòa sẽ lùi ngày ra phán quyết đến tháng 11 hoặc tháng 12/2022.
AFP nhắc lại hồi năm 2018, nhóm điều tra quốc tế xác định là máy bay đã bị tên lửa Nga bắn rơi trong vùng trời khu vực miền đông Ukraina, nơi Kiev có xung đột vũ trang với phe ly khai thân Nga, nhưng Matxcơva luôn khẳng định Nga không có liên quan đến vụ máy bay rơi năm 2014. Theo thân nhân các nạn nhân, chính quyền Nga đã nói dối.
Seoul thử nghiệm thành công tên lửa chiến lược bắn từ tàu ngầm
Thùy Dương
Hôm 07/09/2021, hãng tin của Hàn Quốc Yonhap loan tin quân đội nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo hải đối địa chiến lược (MSBS) do chính Hàn Quốc chế tạo. Tên lửa được bắn từ một tàu ngầm mới cũng sản xuất nội địa. Với thành công này, Hàn Quốc trở thành 1 trong 8 nước trên thế giới phát triển thành công tên lửa MSBS.
Yonhap trích dẫn các nguồn tin quân sự ẩn danh cho biết, sau vụ phóng thử thành công từ một sà lan dưới nước hồi tháng 08/2021, Cơ Quan Phát Triển Quốc Phòng Hàn Quốc (ADD) tuần trước đã tiến hành phóng thử hỏa tiễn đạn đạo hải đối địa chiến lược từ tàu ngầm mới được phát triển trong nước. Tàu ngầm 3.000 tấn lớp Dosan Ahn Chang-ho được trang bị 6 ống phóng theo chiều thẳng đứng. Các vụ thử nghiệm thành công diễn ra trong bối cảnh Seoul muốn tăng cường sức mạnh phòng thủ để đối phó với Bắc Triều Tiên, vốn đang sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vẫn theo các nguồn tin quân sự nói trên, tên lửa được thử nghiệm lần này là một biến thể của tên lửa đạn đạo địa đối địa Hyunmoo-2B, có tầm bắn khoảng 500 km và sẽ được trang bị đầu đạn thông thường. Tên lửa có thể sẽ được đặt tên là Hyunmoo 4-4. Sau một loạt thử nghiệm bổ sung, loại hỏa tiễn này sẽ được sản xuất hàng loạt và được triển khai trên thực địa.
Không giống như tên lửa phóng từ đất liền, MSBS khó bị phát hiện hơn vì được phóng từ tàu ngầm và có khả năng tấn công bất ngờ. Tên lửa Hyunmoo 4-4 được kỳ vọng sẽ là công cụ răn đe quan trọng đối với Hàn Quốc, quốc gia thường xuyên phải đối mặt với các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.
Với thành công lần này, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới phát triển thành công tên lửa MSBS, sau Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, và là nước duy nhất trên thế giới không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng lại có MSBS.