Lindsey Graham: Quân đội Mỹ sẽ quay trở lại Afghanistan vì mối đe dọa khủng bố quá cao
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham dự đoán rằng quân đội Mỹ sẽ trở lại Afghanistan do mối đe dọa khủng bố ở nước này quá cao.
Dự đoán của ông Graham được đưa ra trong cuộc phỏng vấn hôm 6/9 với BBC khi so sánh tương quan với tình huống cựu Tổng thống Obama rút quân khỏi Iraq và sự gia tăng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS).
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã nói về cách mà cựu Tổng thống Trump tiêu diệt tổ chức ISIS ở Iraq và Syria sau khi nó nổi lên dưới thời Obama và Phó Tổng thống khi đó là ông Biden.
Ông cho biết, việc Taliban sẽ “không cải cách” không phải là điều gì “mới mẻ”, và việc họ tiếp quản Afghanistan sẽ dẫn đến “lối sống” áp đặt lên người dân Afghanistan khiến mọi người đau khổ.
Ông Graham còn cảnh báo, Hoa Kỳ sẽ quay trở lại Afghanistan, giống như trước đây họ từng quay trở lại Iraq, do mối đe dọa khủng bố vẫn còn cao và không ngừng gia tăng trong khu vực, sau cuộc rút quân bi thảm và đầy chết chóc của Tổng thống Biden.
“Nhưng quan trọng nhất, đó sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho al Qaeda, lực lượng luôn có tham vọng đuổi chúng ta ra khỏi Trung Đông, và tấn công chúng ta vì chính cách sống của chúng ta. Chúng ta sẽ quay trở lại Afghanistan cũng như trước đây chúng ta đã quay trở lại Iraq và Syria,” ông nhấn mạnh.
Người dẫn chương trình Stephen Sackur của BBC đã hỏi ông Graham xem liệu ông có nghiêm túc với dự đoán của mình hay không. Thượng nghị sĩ trả lời rằng, Hoa Kỳ sẽ “phải làm vậy, bởi vì mối đe dọa rất lớn”.
“Tại sao chúng ta quay trở lại Syria và Iraq? Tại sao chúng ta hiện nay vẫn có tới 5.000 quân ở Iraq? Bởi vì Vương quốc Hồi giáo (caliphate) đang gia tăng, dự kiến sẽ vượt ra bên ngoài Iraq. Họ sẽ giết người Mỹ, giết người Pháp, tấn công người Anh.”
Ông Graham đang cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ quay trở lại Afghanistan, tương tự như đã làm ở Iraq, do mối đe dọa khủng bố cao và vẫn đang gia tăng trong khu vực sau cuộc rút lui thảm khốc và chết chóc của Tổng thống Biden.
“Vì vậy, nó sẽ là một ‘cái vạc’ cho các hành vi Hồi giáo cực đoan. Mà các bạn không thể ứng phó với điều này ở một khoảng quá xa,” ông tiếp tục.
Ông Graham cũng cho hay, giải pháp của ông cho vấn đề này chính là hỗ trợ cuộc kháng chiến ở Thung lũng Panjshir, đồng thời lưu ý rằng Taliban “sẽ không thể cai trị Afghanistan” vì mọi người trong nước đều căm ghét họ.
“Theo thời gian các bạn sẽ thấy những điều này xảy ra: sự phản kháng gia tăng, ISIS sẽ tấn công sau Taliban, và toàn bộ đất nước sẽ tan vỡ trong năm tiếp theo, từ đó tạo ra một cơn bão lốc hoàn hảo khiến lợi ích của phương Tây bị tấn công,” Graham nói.
“Các bạn chỉ có thể làm một trong hai điều: có thể nói ‘đó không còn là vấn đề của tôi nữa’, để kệ chúng [khủng bố] xây dựng [lực lượng] và bị tấn công; hai là hoặc tấn công chúng trước khi chúng tấn công các bạn,” ông nói thêm.
Email rò rỉ tiết lộ Bộ Ngoại giao Mỹ ngăn cản các chuyến bay cứu hộ tư nhân từ Afghanistan
Kênh Fox News trích dẫn một email cho biết, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối việc cấp phê duyệt chính thức cho các chuyến bay sơ tán từ Afghanistan đến các vùng miền thuộc các nước thứ ba, mặc dù Bộ này thừa nhận rằng việc uỷ quyền chính thức nhiều khả năng sẽ là cần thiết cho các chuyến bay tới được những vùng này.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố một cách rõ ràng rằng các chuyến bay có đặc quyền, ngay cả những chuyến có sự góp mặt công dân Hoa Kỳ, sẽ không được phép hạ cánh tại các căn cứ không quân thuộc bộ Quốc phòng. Các quan chức Mỹ đã chỉ ra các mối đe dọa an ninh có thể xảy ra khi máy bay tư nhân này hạ cánh tại các căn cứ quân sự và nói rằng họ thiếu nguồn lực trên mặt đất để xác minh đầy đủ thông tin về chuyến bay.
Ông Eric Montalvo, người đã tổ chức một loạt chuyến bay tư nhân đến sơ tán những người mắc kẹt ở Afghanistan, đã chia sẻ email đó với những người khác và Fox News sau khi nỗ lực sơ tán của ông liên tục bị bộ máy liên bang cản trở.
Một email ngày 1 tháng 9 của một quan chức Bộ Ngoại giao gửi tới ông Montalvo nhấn mạnh mức độ mà các nỗ lực sơ tán tư nhân đã gặp phải từ những trở ngại.
“Không có đặc quyền độc lập nào về việc được phép hạ cánh tại Căn cứ không quân Al Udeid, căn cứ không quân quân sự mà ông đã đề xuất liên lạc với bà Samantha Power. Trên thực tế, không có đặc quyền nào cho các chuyến bay được phép hạ cánh tại căn cứ của bộ Quốc phòng tại hầu hết các quốc gia Trung Á, ngoại trừ A-rập Saudi”, “Ông cần phải tìm một điểm đến khác, và đó cũng không thể là Hoa Kỳ”, quan chức này viết.
Quan chức này lưu ý rằng mặc dù một số quốc gia thứ ba “có thể yêu cầu” sự chấp thuận chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước khi chấp nhận các chuyến bay tư nhân, và bộ “sẽ không cung cấp” sự chấp thuận đó.
Tuần trước, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cũng đã đề cập đến những rủi ro an ninh khi cho phép các chuyến bay tư nhân hạ cánh xuống các căn cứ quân sự.
Bốn người Mỹ, một người mẹ và ba đứa con của cô, đã có thể thoát khỏi Afghanistan vào hôm thứ 06/09 bằng cách đi đường bộ qua biên giới đến một quốc gia láng giềng.
Trong khi Bộ Ngoại giao tuyên bố đã “tạo điều kiện thuận lợi” cho việc sơ tán của gia đình, các nhà tổ chức đằng sau nhiệm vụ cứu hộ nói rằng Bộ này đã phóng đại vai trò của họ và đóng góp của họ được cho là rất nhỏ cho cuộc giải cứu.
Tân chính phủ Afghanistan: Bộ trưởng Nội vụ của Taliban thuộc mạng lưới khủng bố
Nhiều thành viên Taliban được bổ nhiệm vào chính phủ lâm thời của Afghanistan vốn là phần tử thuộc tổ chức nằm trong danh sách khủng bố của Hoa Kỳ.
Taliban đã công bố thiết lập một chính phủ mới cho Afghanistan vào ngày 7/9, với ông Mullah Mohammad Hassan Akhund là thủ tướng lâm thời của nước này và người đồng sáng lập nhóm phiến quân là ông Mullah Abdul Ghani Baradar sẽ làm phó thủ tướng.
Trong một cuộc họp báo hôm 7/9, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của Taliban đã xác nhận động thái này. Ông cũng khẳng định, ông Abdul Ghani Baradar sẽ làm phó lãnh đạo và ông Sirajuddin Haqqani giữ chức Bộ trưởng Nội vụ của Afghanistan. Ông Haqqani là một thành viên thuộc mạng lưới Haqqani – tổ chức vốn được Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định là tổ chức khủng bố từ lâu. Ngoài ra, phát ngôn viên Mujahid cho biết thêm rằng, ông Mullah Yaqoob sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng nước này.
Không có bằng chứng cho thấy các nhân vật không thuộc Taliban hoặc phụ nữ được ông Mujahid nêu tên hôm thứ Ba (8/9) cho bất kỳ vị trí nào trong tân chính phủ Afghanistan. Nhóm phiến quân Taliban đã tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ “bao quát”, cho phép các quyền tự do của phụ nữ theo giới hạn của luật Hồi giáo.
Ông Mujahid nói: “Chúng tôi biết người dân đất nước chúng tôi đang chờ đợi một chính phủ mới”. Ông bổ sung, nội các hiện tại mới chỉ là một chính phủ “lâm thời”, và Taliban sẽ “cố gắng lấy người từ các vùng khác của đất nước”.
Ông Baradar là một trong những người sáng lập ban đầu của Taliban vào đầu những năm 1990, và đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong suốt vòng đời của nhóm. Ông này đã trốn sang Pakistan khi Hoa Kỳ chiếm đóng Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố vào ngày 11/9/2001. Một số cơ quan liên bang của Mỹ từ lâu đã xác định Taliban là một nhóm khủng bố.
Nhiều năm sau, ông Baradar bị quân Pakistan bắt ở Karachi và sau đó được phóng thích khỏi tù giam vào năm 2018, sau khi có yêu cầu phóng thích ông ấy để Baradar có thể lãnh đạo các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Yaqoob là con trai của nhà đồng sáng lập Taliban và cựu thủ lĩnh Mullah Omar. Trong khi đó, ông Haqqani là con trai của người sáng lập mạng lưới Haqqani, và cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ vì là người đứng đầu một nhóm được xác định là lực lượng khủng bố.
Sau khi Mỹ bắt đầu chính thức rút quân khỏi Afghanistan, Taliban đã nhân cơ hội thực hiện một chiến dịch tiến quân chóng vánh để tiếp quản đất nước Nam Á bị bỏ ngỏ này. Theo dự kiến, nhóm phiến quân sẽ công bố một chính phủ sau khi Hoa Kỳ chính thức rời đi hoàn toàn vào cuối tháng trước.
Hiện không rõ vai trò của ông Mullah Haibatullah Akhundzada – thủ lĩnh của nhóm Taliban. Công chúng đã không nhìn hoặc nghe thấy gì từ ông kể từ sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan tiền nhiệm được phương Tây hậu thuẫn và sau khi Taliban chiếm giữ Kabul vào tháng trước.
Nhóm phiến quân Taliban đã nhiều lần tìm cách trấn an người dân Afghanistan và các quốc gia khác rằng, họ sẽ không để lặp lại tình trạng tàn bạo từ thời kỳ họ cai trị nước này trước đó, cách đây 2 thập kỷ (từ 1996 đến 2001). Quãng thời gian đó, triều đại của Taliban được đánh dấu bằng các hình phạt bạo lực cùng các lệnh cấm phụ nữ và trẻ em gái không được phép lộ diện nơi công cộng.
Dù đã có lời hứa này, hiện thời tin tức vẫn liên tục xuất hiện để vạch trần sự tàn bạo của Taliban trên khắp Afghanistan, bao gồm cả các vụ hành quyết và tra tấn hàng loạt. Hôm 7/9, các thành viên Taliban bị cáo buộc đã có hành vi bạo lực chống lại những người biểu tình chống Pakistan đang biểu tình ở Kabul, khiến một quan chức Liên Hợp Quốc phải lên án chỉ trích.
Trong một số vụ việc, nhiều phụ nữ Afghanistan khẳng định, các thành viên Taliban đã ép buộc họ mặc áo trùm kín người burqa. Hai nhà báo nữ tuyên bố, một thành viên Taliban có vũ trang đã nói rằng họ không được quấn khăn trùm đầu hijabs, mà thay vào đó sẽ phải mặc áo burqa che kín toàn thân.
Trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Hoa Kỳ sẽ cố gắng buộc Taliban phải tuân theo “các cam kết” mà nhóm này đã đưa ra với “cộng đồng quốc tế” về việc cho phép người dân Afghanistan và người Mỹ tự do rời khỏi đất nước này.
Thủ tướng Anh tăng thuế để giải quyết cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe
Ngày 07/09, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra kế hoạch tăng thuế đối với người lao động, người sử dụng lao động và một số nhà đầu tư để cố gắng khắc phục cuộc khủng hoảng về chi phí chăm sóc sức khỏe và xã hội, khiến một số người trong đảng cầm quyền của ông tức giận bằng cách phá vỡ lời hứa bầu cử, Reuters cho hay.
Sau khi chi số tiền khổng lồ để chống lại đại dịch COVID-19, chính quyền thủ tướng Johnson đang quay trở lại với cam kết tranh cử nhằm giải quyết hệ thống chăm sóc xã hội tồi tàn của Anh, nơi chi phí dự kiến sẽ tăng gấp đôi khi dân số già đi trong hai thập kỷ tới.
Ông nói: “Sẽ là vô trách nhiệm nếu phải trả các chi phí từ các khoản vay cao hơn và các khoản nợ cao hơn”, ông chỉ ra các khoản vay gia tăng đã phá vỡ lời hứa trong tuyên ngôn năm 2019 của Đảng Bảo thủ của ông về việc không tăng các khoản thuế như vậy để tài trợ cho việc chăm sóc xã hội.
Các chính trị gia Anh đã cố gắng trong nhiều năm để tìm cách chi trả cho các hệ thống chăm sóc xã hội, mặc dù các đời thủ tướng đảng Bảo thủ và đảng Lao động đã liên tiếp từ chối thực hiện việc tăng thuế này vì họ sợ nó sẽ khiến cử tri và đảng của họ tức giận.
Bỏ qua những sự băn khoăn trong đảng của mình, ông Johnson mô tả đây là một loại thuế chăm sóc sức khỏe và xã hội mới sẽ khiến quỹ Bảo hiểm quốc gia được nhận thêm 1,25% từ cả người lao động và người sử dụng lao động, với mức tăng tương tự cũng được áp dụng cho thuế đối với cổ phần của cổ đông.
Một số nhà lập pháp lo ngại sự việc tăng thuế có thể khiến họ mất đi sự ủng hộ tại cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2024.
Nhưng ông Johnson cho biết cần phải cải cách lâu dài để giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và tàn tật, những người sẽ không còn phải đối mặt với chi phí chăm sóc quá cao khiến nhiều người phải bán nhà của họ.
Bộ trưởng bộ lao động và xã hội, bà Therese Coffey, sau đó cho biết chính phủ Anh sẽ không tăng lương hưu tiểu bang phù hợp với thu nhập vào năm tới, điều này lại phá vỡ thêm một cam kết bầu cử khác.
Đối với ông Johnson, người đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 và sau đó là thủ tướng chủ trì việc Anh rời Liên minh châu Âu, việc sửa đổi hệ thống chăm sóc xã hội “một lần và mãi mãi” cung cấp một cách khả thi để mở rộng di sản trong nước của ông ấy.
NATO cáo buộc Triều Tiên ‘truyền bá công nghệ nguy hiểm’
Hôm thứ Hai (6/9), Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg đã chỉ trích Triều Tiên vì vi phạm các quy tắc kiểm soát vũ khí và nâng cao năng lực hạt nhân. Ông kêu gọi một hiệp ước mạnh mẽ hơn, nhằm giúp thực thi các quy tắc toàn cầu chống lại vũ khí hạt nhân.
NK News đưa tin, trong hội nghị lần thứ 17 của NATO về kiểm soát vũ khí và vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông Stoltenberg đã tố cáo Triều Tiên và Iran vì “phớt lờ hoặc vi phạm các quy tắc toàn cầu” và “truyền bá công nghệ nguy hiểm”.
Ông Stoltenberg phát biểu “Mục tiêu của NATO là một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Và chúng tôi sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo, để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân…”.
Tổng thư ký cũng chỉ trích Triều Tiên – cùng Nga và Trung Quốc vì làm suy yếu các hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế.
Phát biểu mới nhất của ông Stoltenberg phản ánh nỗ lực không ngừng của NATO nhằm mở rộng trọng tâm sang châu Á và có vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Vào tháng 6, NATO đã ra một tuyên bố chung kêu gọi Triều Tiên “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, đồng thời thúc giục Bình Nhưỡng quay lại đàm phán với Washington.
Tuyên bố chung này sau đó đã được chính quyền ông Joe Biden ủng hộ. Tòa Bạch Ốc khuyến khích NATO hợp tác sâu sắc hơn với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, sự tham gia sâu hơn của NATO vào châu Á sẽ thúc đẩy Triều Tiên “xích lại gần hơn với Trung Quốc”.
Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm thứ Hai, Tổng giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á của Trung Quốc Liu Jinsong đã gặp Phó Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Chung Hyun Woo và trao đổi về quan hệ Trung-Triều và các lợi ích chung.
Khảo sát: Gần 70% người Mỹ chưa tiêm phòng thà bỏ việc còn hơn bị bắt buộc tiêm
Một cuộc thăm dò mới cho thấy, gần 70% người Mỹ chưa tiêm phòng thà bỏ việc hơn là đi tiêm phòng bắt buộc, khi một cuộc khảo sát khác cho thấy hơn 50% công ty có kế hoạch yêu cầu tiêm chủng bắt buộc vào cuối năm nay, trang RT cho hay.
Khoảng 35% trong số 1.066 người chưa được tiêm chủng được Washington Post và ABC News thăm dò ý kiến vào tuần trước cho biết họ sẽ yêu cầu miễn trừ tôn giáo hoặc miễn trừ y tế nếu chủ của họ áp dụng yêu cầu tiêm chủng bắt buộc, trong khi 42% nói rằng họ sẽ nghỉ việc.
Trong số những người nói sẽ yêu cầu quyền miễn trừ, khi được hỏi họ sẽ làm gì nếu không có quyền miễn trừ, đa số đã chọn tiêm và 42% trong số đó nói rằng họ sẽ bỏ việc nếu được yêu cầu tiêm chủng, như vậy, khoảng 67% công nhân chưa tiêm phòng thà bỏ việc hơn là tuân thủ.
Theo một cuộc khảo sát của Willis Towers Watson vào tuần trước, hơn một nửa (52%) các doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có kế hoạch áp dụng ít nhất một yêu cầu tiêm chủng vào quý cuối cùng của năm 2021. Cuộc khảo sát đó đề cập đến 961 công ty, sử dụng tổng cộng gần 10 triệu nhân công.
Tuy nhiên, trong khi những người Mỹ chưa tiêm phòng không đặc biệt quan tâm đến việc săn lùng vaccine, thì khoảng 52% người Mỹ nói chung chấp thuận các doanh nghiệp yêu cầu nhân viên của họ phải tiêm phòng, với 44% phản đối ý kiến này, cuộc thăm dò cho thấy.
Các cuộc tranh cãi về việc tiêm chủng bắt buộc chỉ ngày càng trở nên gay gắt hơn trong những tuần gần đây.
Tuần trước, Liên minh Quyền tự do Dân sự Hoa Kỳ tuyên bố, trước sự sửng sốt của nhiều người, rằng tiêm chủng bắt buộc thực sự thúc đẩy quyền tự do dân sự và quyền tự chủ về thân thể không phải là “ tuyệt đối”.
Mỹ hầu như không phải là quốc gia duy nhất cảnh báo công dân của mình rằng việc tiêm chủng sẽ sớm trở thành điều kiện tiên quyết cho các hoạt động giải trí và hàng ngày. Người phụ trách vaccine của Vương quốc Anh đã thông báo trong tuần này rằng một “hộ chiếu vắc-xin” sẽ được yêu cầu để vào một số địa điểm nhất định từ cuối tháng.
Tại Pháp, khoảng 200 cuộc biểu tình đã được tổ chức chỉ riêng vào ngày thứ Bảy phản đối “thẻ y tế” như một bằng chứng tiêm vaccine bắt buộc phải mang theo để đến nhà hàng, rạp hát, rạp chiếu phim và trung tâm mua sắm hoặc đi tàu đường dài. Israel, Ireland và Síp gần đây cũng đã áp dụng các cơ chế kiểm soát tương tự.