Đông Phương
Giới biểu diễn nghệ thuật Trung Quốc tiếp tục bị chỉnh đốn. Bên cạnh các loại hạn chế và quy định, gần đây lại có ý kiến cho rằng nghệ sĩ nên có “chứng chỉ hành nghề”. Tin tức này ngay lập tức xuất hiện trên tìm kiếm nóng của Weibo, đến sáng ngày 9/9 đã có hơn 400 triệu người theo dõi và nhận được hơn 30 nghìn bình luận.
Theo một bài viết trên Báo Thanh niên Bắc Kinh đăng ngày 9/9, trong những năm 1990, Trung Quốc đại lục từng thi hành chế độ các diễn viên phải có chứng chỉ diễn xuất thì mới có thể biểu diễn trên sân khấu. Sau đó cùng với việc tinh giản các cơ quan chính phủ và phần quyền xuống dưới, cộng thêm sự thay đổi trong “Điều lệ Quản lý Biểu diễn Thương mại”, thì đến đầu thế kỷ này, các diễn viên không còn cần chứng chỉ này nữa. Hiện tại, trong ngành giải trí Trung Quốc, chỉ có người dẫn chương trình và người đại diện là phải vượt qua kỳ thi để lấy chứng chỉ năng lực.
Ông Trương Hải Quân (Zhang Haijun), Chủ tịch Hiệp hội Ngành nghề Diễn xuất Bắc Kinh, đã đề nghị tại một cuộc hội thảo vào ngày 26/8 rằng, các tiêu chuẩn của ngành nên được thực thi nghiêm ngặt và nên áp dụng chế độ cấp chứng chỉ hành nghề cho các nghệ sĩ. Ông nói, “Trước khi được cấp chứng chỉ thì cần phải được đào tạo về các phương diện như tư tưởng, chính trị, lý luận, chuyên ngành, tu dưỡng đạo đức, v.v., sau đó thực hiện quản lý đăng ký. Ai chưa đăng ký thì quy định các nền tảng không được phép dùng”.
Vào ngày 8/9, tờ báo chính thức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – Nhật báo Pháp chế đã đăng một bài bình luận trên trang nhất với tựa đề “Quản trị giới giải trí phải chú trọng quản lý động thái”. Trong đó cũng chỉ ra rằng, không giống như người đại diện và người dẫn chương trình, do đặc thù ngành nghề của diễn viên nên rất khó để đo lường khả năng biểu diễn và trình độ nghệ thuật của họ. Nên phải có chứng chỉ hành nghề và sát hạch trình độ “tư tưởng, chính trị, lý luận, tu dưỡng đạo đức, v.v.”, e rằng còn cần phải có thiết kế khoa học và tìm tòi lâu dài.
Vấn đề “chứng chỉ hành nghề” mà các kênh truyền thông chính thức đưa ra ngay lập tức trở thành một chủ đề nóng trên Internet Trung Quốc. Tính đến 10 giờ sáng ngày 9/9, chủ đề “Chuyên gia đề xuất nghệ sĩ nên có chứng chỉ hành nghề” trên Weibo đã thu hút hơn 420 triệu người theo dõi và 34.000 lượt bình luận. Tính đến 10 giờ sáng ngày 9/9, chủ đề “Chuyên gia đề xuất nghệ sĩ nên có chứng chỉ hành nghề” trên Weibo đã thu hút hơn 420 triệu người theo dõi và 34.000 lượt bình luận. (Nguồn ảnh: Weibo)
Trong nhóm thảo luận về tin tức này trên Weibo, một số người chủ trương rằng các diễn viên phải hoàn thành ít nhất chín năm giáo dục bắt buộc rồi mới có thể đăng ký chứng chỉ; những người khác ủng hộ việc bổ sung “sát hạch định kỳ”.
Một số khác chỉ ra rằng chứng chỉ này không thể thay đổi bất cứ điều gì, đã là người xấu thì một cái chứng chỉ cũng không thể biến anh ta thành người tốt. Hơn nữa, về bản chất thì chứng chỉ này hầu như không có tính ràng buộc nào đối với nghệ sĩ. Các nghệ sĩ không khó để có được chứng chỉ và nó rất dễ sa vào hình thức.
Cũng có cư dân mạng cho rằng, đây là một cách làm điển hình của thói lười biếng, xảy ra chuyện thì tìm “cái ngọn” để xử lý. “Giới giải trí cũng không phải là vấn đề của một vài nghệ sĩ. Đó là vấn đề pha trộn giữa toàn bộ hệ thống cộng với nguồn vốn. Chẳng qua là bùng phát từ một vài nghệ sĩ tên tuổi, rủi ro lớn hơn nằm ở đằng sau. Nếu các ngôi sao thực sự cần có chứng chỉ thì chi bằng yêu cầu luôn cả các nhà sản xuất, hãng sản xuất, ban lãnh đạo cấp cao của công ty đại diện và nhà đầu tư cũng phải có chứng chỉ, có làm vậy được không?”.
Có người viết: “Nói chung thì quyền lực và trách nhiệm nên được thống nhất. Nếu nghệ sĩ đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, sát hạch đạt tiêu chuẩn, được cấp chứng chỉ rồi mà vẫn xảy ra vấn đề thì có phải người của cơ quan chứng nhận và người sát hạch đều nên chịu một số trách nhiệm liên đới không? Phải nhận hình phạt như nhau? Nếu như không phải chịu trách nhiệm, nhưng lại nắm trong tay ‘kim bài’ của hàng triệu nghệ sĩ thì cũng đủ để quyết định sự nghiệp của người ta rồi, chẳng đúng là miếng bánh béo bở từ trên trời rơi xuống”.
Gần đây, các quan chức Trung Quốc đã mạnh tay chấn chỉnh ngành giải trí, sau Trịnh Sảng và Ngô Diệc Phàm, nhiều nghệ sĩ như Triệu Vy và Cao Hiểu Tùng đã bị nêu tên.
Tổng Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc vừa tổ chức “Hội nghị chuyên đề dành cho các nghệ sĩ phát thanh, truyền hình và nghe nhìn trực tuyến” vào ngày 7/9. Ông Nhiếp Thần Tịch (Nie Chenxi), Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung Quốc, Cục trưởng Tổng Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, đã tham dự và yêu cầu những người làm nghệ thuật phải “trước sau như một, coi việc yêu đảng, yêu nước là bổn phận và chức trách”.
Đông Phương
Theo Vision Times