Afghanistan: Các khuôn mặt lão làng Taliban áp đặt ách thống trị
Giáo chủ Hassan Akhund, người đã ra lệnh phá hủy tượng Phật nổi tiếng ở Bamiyan trở thành thủ tướng, Abdul Ghani Baradar, cánh tay phải của giáo chủ Omar duy trì vị trí số hai của phong trào, Sirajuddin Haqqani, bộ trưởng Nội Vụ là thủ phạm những vụ tàn sát đẫm máu nhất, con trai giáo chủ Omar mới khoảng 30 tuổi làm bộ trưởng Quốc Phòng. Bộ phụ trách các vấn đề phụ nữ bị xóa sổ, thay bằng bộ Đức Hạnh.
Le Monde của Pháp cho rằng đây là thất bại của các thủ lãnh Taliban đã từng hứa hẹn một « chính phủ hòa hợp ». Bị hoãn công bố rất nhiều lần, chính phủ này rốt cuộc gồm toàn nam giới, là các cựu chiến binh người Pachtoune đã từng chiến đấu trong những năm 1990.
Chính phủ được cho là lâm thời này sẽ ngự trị vô thời hạn, vì không có lịch trình bầu cử nào được đưa ra. Một người có trách nhiệm của Taliban nói thẳng với Reuters là không có bất kỳ hệ thống dân chủ nào cũng không có đối thoại về vấn đề này, tất cả phải theo luật charia của Hồi giáo. Lần đầu tiên từ 20 năm qua Afghanistan không còn là một nước cộng hòa.
Bộ trưởng Giáo Dục Taliban khoe lãnh đạo không cần đi học
Nhà phân tích Obaidullah Baheer khẳng định trên tờ Le Figaro: « Không thể lãnh đạo chính phủ với các giáo chủ Hồi giáo. Nếu Taliban không có các chuyên gia, Afghanistan có thể suy sụp ». Bộ trưởng Giáo Dục hôm qua còn khoe : « Lãnh đạo đất nước là những người không bao giờ đến trường đại học thậm chí trung học. Giáo dục không làm nên tích sự gì cả. Nếu ngoan đạo thì sẽ được tôn trọng ».
Ngược với những năm quảng bá đánh bóng hình ảnh với phương Tây, Taliban chừng như đã quên mất những lời hứa với người dân và cộng đồng quốc tế. Nhiều nhà báo đã bị hành hung, bắt giam hay tra tấn khi đi đưa tin về cuộc biểu tình hôm qua. « Các chuyên gia nhất là người nước ngoài đã tin vào Taliban 2.0 đã bị lừa : vừa nắm được quyền hành là phe này sẽ trưng ra ngay bộ mặt thật không cần che giấu ». Omar Sadr, giáo sư trường đại học Mỹ ở Kabul nói với Le Figaro như vậy, trước khi nhà trường bị đóng cửa khi phe du kích cực đoan này chiếm Kabul.
Bài phóng sự của tờ báo nói về thực trạng cuộc sống tại Afghanistan hiện nay, mặc cho những lời lẽ ngon ngọt của Taliban nhằm không bị cắt đứt nguồn viện trợ quốc tế. Rất ít bóng dáng phụ nữ trên đường phố, các tiểu chủ là nạn nhân đầu tiên : chiến binh Taliban cấm cạo râu cho khách hàng, khách nữ đi taxi bị đuổi xuống, các cửa hàng thời trang không còn khách mua vì sợ sẽ không còn được dùng đến các trang phục phương Tây…
Boris Johnson: Ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ là cách duy nhất giải quyết vấn đề Đài Loan
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông tin rằng cách duy nhất để giải quyết áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan là Vương quốc Anh tiếp tục ủng hộ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ.
Tại phiên họp ở Hạ viện hôm thứ Hai, ông Johnson đã phải đối mặt với câu hỏi từ nghị sĩ đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith, trong đó yêu cầu Thủ tướng đưa ra lời đảm bảo với người dân Đài Loan đang bối rối trước chiến dịch tuyên truyền phối hợp của Đại lục rằng Mỹ sẽ bỏ rơi đồng minh sau sự vụ ở Afghanistan.
Nghị sĩ Duncan Smith hỏi Johnson rằng liệu ông có nhận thấy việc chính phủ Trung Quốc đang tận dụng việc Mỹ rời Afghanistan để “tăng cường các mối đe dọa đối với Đài Loan với hàng trăm chuyến bay xâm nhập.”
Trong khi đó, nghị sĩ Tory Tom Tugendhat nói rằng Trung Quốc đang đe dọa Đài Loan và nói với người dân Đài Loan rằng khi chiến tranh xảy ra, Mỹ sẽ không ở đó để hỗ trợ họ.
Các nghị sĩ đề nghị Thủ tướng Anh trấn an người Đài Loan bằng cách khẳng định sự ủng hộ của Anh đối với “quyền dân chủ” và “quyền tự quyết” của họ.
“Và chúng ta sẽ tới đó để hỗ trợ họ bất kể người Trung Quốc nói gì,” nghị sĩ Duncan Smith nói thêm, đồng thời yêu cầu ông Johnson “thuyết phục người Mỹ cũng làm như vậy.”
Đáp lại, ông Johnson trả lời: “Tất nhiên, tôi biết các vấn đề đang diễn ra giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan. Tôi đã thực sự thảo luận điều đó gần đây với Tổng thống Hoa Kỳ.”
Thủ tướng nói thêm: “Đó là một trong những lý do quan trọng khiến Anh Quốc tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa chúng ta với Hoa Kỳ” và lưu ý rằng “tình hình ở Đài Loan sẽ tiếp tục khó khăn”.
Ông Johnson nói: “Câu trả lời duy nhất, con đường duy nhất về phía trước là tiếp tục ủng hộ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, và đó là những gì chúng tôi sẽ làm.”
Tuy vậy, chưa rõ thời điểm mà ông Johnson và ông Biden trao đổi về Đài Loan là khi nào.
Vào tháng 3, các nghị sĩ Duncan Smith và Tory Tom Tugendhat nằm trong số 5 nghị sĩ bị Bắc Kinh trừng phạt vì lên tiếng chống lại các vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.
Thời gian gần đây, Vương quốc Anh đã triển khai các lực lượng Hải quân Hoàng gia đến châu Á để hỗ trợ đảm bảo an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hai trong số các tàu chiến của họ đã rời cảng Portsmouth trong tuần này để triển khai các nhiệm vụ thường trực trong khu vực.
Giống như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Anh cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và chính thức hóa quan hệ với Bắc Kinh vào năm 1950, gần 30 năm trước Mỹ.
Bộ Ngoại giao Đài Loan (MOFA) hôm thứ Năm (9/9) đã phản ứng lại trước bình luận của ông Johnson, cho biết rất vui khi thấy Thủ tướng Anh đã tái khẳng định những thông điệp quan trọng được nhấn mạnh trong các tuyên bố từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 và các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu khác.
MOFA cũng nói rằng những phát biểu của ông Johnson chứng minh rằng Vương quốc Anh nhất quán với các quốc gia cùng chí hướng khác và luôn ủng hộ Đài Loan.
Bộ nói thêm rằng mối quan hệ giữa Đài Loan và Vương quốc Anh là “gần gũi và thân thiện.” Trong những năm gần đây, Vương quốc Anh không chỉ ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế và khuyến khích đối thoại xuyên eo biển, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển.
Hơn 200 tổ chức nhân quyền kêu gọi NBC dừng phát sóng Thế vận hội Bắc Kinh năm 2022
Trước việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của người dân Trung Quốc, hôm 7/9, hơn 200 tổ chức nhân quyền quốc tế đã gửi một bức chung tới NBC và các đài truyền hình lớn khác, kêu gọi họ hủy bỏ việc phát sóng và đưa tin về Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022.
Hôm 7/9, một liên minh gồm hơn 200 tổ chức nhân quyền đã đưa ra một bức thư công khai và gửi nó cho ông Jeff Shell, Giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông Mỹ NBC Universal, và giám đốc của các công ty truyền hình quốc tế sở hữu quyền phát sóng các sự kiện của Thế vận hội Bắc Kinh năm 2022.
Hãng thông tấn AP cũng đã nhận được bức thư này. Theo tờ báo này đưa tin, trong thư, các tổ chức nhân quyền đã lên án những hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với người dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, người dân Hong Kong và những người Trung Quốc khác. Họ cũng kêu gọi các đài truyền hình quốc tế khác như NBC không nên lấy việc phát sóng sự kiện thể thao để che đậy cho những hành động xấu xa của ĐCSTQ.
Theo bài báo, NBC đã chi trả 7,75 tỷ USD cho quyền phát sóng 6 kỳ Thế vận hội trong tương lai và hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Olympic quốc tế với tư cách là đối tác.
Ước tính, khoản tiền này chiếm 40% tổng doanh thu của Ủy ban Olympic Quốc tế. Trong thư nói rằng, những đài truyền hình này có thể trở thành “đồng phạm” với ĐCSTQ trong việc lợi dụng hoạt động thể thao để tẩy trắng “những hành vi vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ” của chính quyền này.
Các nhóm nhân quyền này chỉ ra rằng, bằng cách phát sóng Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2022, các kênh truyền thông sẽ khiến “những hành vi vi phạm này được hợp pháp hóa”, cũng như tuyên truyền cho “tội ác diệt chủng” của ĐCSTQ.
“Dù bằng bất cứ giá nào, diệt chủng phải là một lằn ranh đỏ không thể bước qua”, các tổ chức nhân quyền viết trong thư.
Bức thư này được đưa ra sau khi Thế vận hội Tokyo năm 2020 và Thế vận hội người khuyết tật Mùa hè 2020 kết thúc sau 1 năm trì hoãn tổ chức. Đồng thời chuyển tâm điểm chú ý của thế giới sang Ủy ban Olympic Quốc tế và việc Uỷ ban này chọn Bắc Kinh làm thành phố đăng cai Thế vận hội Mùa đông năm 2022.
Thế vận hội Mùa đông 2022 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 4/2. Khi các cuộc thi đấu ngày càng đến gần, những lời kêu gọi tẩy chay Bắc Kinh cũng liên tục tăng lên. Các thực thể quốc tế, bao gồm 15 nhà tài trợ chính cho Thế vận hội, cũng đang gây áp lực lên Ủy ban Olympic Quốc tế, yêu cầu họ xem xét lại việc chọn Bắc Kinh để đăng cai.
Phó chủ tịch của Công ty công nghệ Intel có trụ sở tại California (Mỹ), một trong những nhà tài trợ cho Thế vận hội cho biết, ông đồng ý với kết luận rằng ĐCSTQ phạm “tội ác diệt chủng”.
Các tổ chức nhân quyền cũng đã gửi thư đến Tổng công ty Phát thanh truyền hình Canada (CBC), Đài Phát thanh và truyền hình Anh (BBC), Liên minh Truyền thông Công cộng Đức (ARD), v.v.
Hơn 200 nhóm nhân quyền đồng ký tên vào bức thư công khai này, bao gồm Mạng lưới quốc tế Tây Tạng, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (WUC), Tây Tạng Tự do, v.v.
Thứ trưởng quốc phòng Nhật: Đài Loan và Nhật Bản là ‘một gia đình’
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Yasuhide Nakayama, đã bất ngờ tham gia một hội nghị về quan hệ Nhật Bản-Đài Loan được tổ chức tại Tổ chức Trương Vinh Phát (Chang Yung-fa) ở Đài Bắc vào thứ Tư (ngày 8/9) theo hình thức trực tuyến, theo trang Taiwan News.
Ông Nakayama nói từ văn phòng ở Tokyo rằng, số phận của Nhật Bản và Đài Loan là liên quan tới nhau, giống như sự gần gũi về địa lý của họ. Ông nói thêm: “Mọi người bảo rằng chúng tôi giống như những người bạn, nhưng không phải vậy, chúng tôi là một gia đình”.
Thứ trưởng Nakayama cho biết việc Mỹ rút khỏi Afghanistan báo hiệu rằng đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản đang có kế hoạch tập trung nguồn lực của mình vào Tây Thái Bình Dương trong nỗ lực giữ lợi thế chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.
Ông nói, đảng cầm quyền Dân chủ Tự do nhận ra tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi này, và tất cả các dân tộc ở Đông Á cũng vậy.
Ông Nakayama cho biết quyền tự do báo chí ở các nền dân chủ Đông Á khiến họ dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa mới như các chiến dịch thông tin sai lệch, hoạt động tuyên truyền và tấn công mạng. Điều này có nghĩa là các quốc gia như Đài Loan và Nhật Bản phải mở rộng hợp tác để chống lại những mối đe dọa mới này, ông nói thêm.
Dân chủ Tự do của Nhật Bản hiện đang tổ chức các cuộc bầu cử để chọn một thủ tướng mới sau khi ông Yoshihide Suga tuyên bố từ chức.
Thứ trưởng Nakayama cho biết Đài Loan là một vấn đề quan trọng đang được thảo luận giữa các thành viên trong đảng của ông. Ông nói: “Cách tiếp cận của nhà lãnh đạo tiếp theo đối với vấn đề Đài Loan sẽ là yếu tố chính trong việc xác định xem họ có phù hợp với công việc hay không, bất kể họ là ai”.
Khi Nhật Bản chính thức hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1972, có 5 thành viên của Nghị viện kiên quyết chống lại điều này cho đến cùng, một trong số họ là Masaaki Nakayama – cha của ông Yasuhide.
Thứ trưởng Nakayama nói thêm Nhật Bản ngày nay nên xem xét lại liệu thỏa thuận ngoại giao này với Trung Quốc có thực sự phục vụ lợi ích của quốc gia hay không, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gây hấn đối với các nước láng giềng.
Mexico hợp pháp hóa việc phá thai bất chấp sự phản đối của dư luận
Tối cao Pháp viện của Mexico đã nhất trí bỏ phiếu tán đồng hợp pháp hóa việc phá thai, trang Daily Caller cho hay.
Trong các cuộc tranh luận bắt đầu từ hôm 6/9, 8 trong số 11 thẩm phán Tối cao Pháp viện Mexico đã lên tiếng bảo vệ việc không hình sự hóa việc phá thai.
Động thái này khiến Mexico trở thành quốc gia Mỹ Latinh đông dân nhất bật đèn xanh cho hoạt động phá thai.
“Hôm nay là một ngày lịch sử đối với quyền lợi của tất cả phụ nữ Mexico”, Chánh án Tối cao Pháp viện Arturo Zaldivar cho biết trong một tuyên bố, Tờ the New York Times đưa tin . “Đây là bước ngoặt lịch sử đối với quyền lợi của tất cả phụ nữ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất”.
Đảng Hành động Quốc gia bảo thủ của Mexico đã lên án những lập luận ủng hộ phá thai trước phán quyết của tòa án. Đảng này tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ việc bảo vệ sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên”, đồng thời kêu gọi tăng cường nhiều dịch vụ nhận con nuôi và trợ giúp phụ nữ mang thai hơn.
Hiện tại ở Mỹ Latinh có bốn quốc gia cho phép phá thai trong hầu hết các trường hợp là Cuba, Argentina, Uruguay và Guyana – và 4 trong số 32 thành phố liên bang Mexico đã hợp pháp hóa việc phá thai gồm Oaxaca, Veracruz, Hidalgo và Mexico City.
Tuy vậy, ở một quốc gia Nam Mỹ khác là El Salvador, phụ nữ bị buộc tội phá thai có thể bị truy tố tội giết người hoặc hành hung và phải đối mặt với án tù.Một nghiên cứu của trung tâm Pew Research năm 2014 cho thấy hầu hết người dân Mỹ Latinh phản đối việc hợp pháp hóa phá thai, gồm: 95% ở Paraguay, 92% ở Guatemala, 89% ở El Salvador, 67% ở Mexico, 49 % ở Chile và 43% ở Uruguay.
Quân đội Myanmar xâm chiếm nhà thờ, phá kho lương thực của người tị nạn
Chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA), các quan chức địa phương cho biết, quân đội Myanmar đã chiếm đóng các nhà thờ và phá hủy kho lương thực viện trợ cho người tị nạn, trong các cuộc đụng độ với các nhóm dân quân.
Kể từ sau cuộc đảo chính tháng Hai ở Myanmar, Quân đội nước này đã tham chiến với nhiều nhóm dân quân do người dân thành lập để phản đối đảo chính, chống lại chính quyền quân sự.
Tại bang Chin phía tây của đất nước, giao tranh giữa quân đội và Lực lượng Phòng vệ dân quân Chinland của địa phương đã bùng phát kể từ tháng 4.
Một mục sư cho biết, quân đội đã thiết lập các chốt bên trong các nhà thờ để đối phó với lực lượng dân quân địa phương. Tại một nhà thờ ở thị trấn Mindat, quân đội đã uống rượu và phá hủy các bản sao của Kinh thánh.
Law Ha Ling, Tổng thư ký Công ước Baptis Chin cho hay, các binh sĩ cũng đã phá hủy các địa điểm thờ cúng khác ở bang Chin, bao gồm một nhà thờ Công giáo ở Thị trấn Falam.
Trong các cuộc đụng độ gần đây giữa quân đội Myanmar với Lực lượng Phòng vệ Chinland, ba nhà thờ ở Mindat cũng bị hư hại.
Ông Law nói “Điều này đáng ra không nên xảy ra. Tôi nghĩ họ [quân đội] nên cẩn thận hơn nữa, đặc biệt là ở một đất nước như của chúng ta, một đất nước đa sắc tộc và đa tôn giáo mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng”.
Một thành viên của chính quyền địa phương ở thị trấn Mindat cho biết, trong chiến dịch ở bang Chin, quân đội Myanmar cũng đã phá hủy các kho lương thực, một số kho này được dùng để cung cấp lương thực cho những người tị nạn.
Người này nói: “Điều quan trọng nhất lúc này là gạo. Trong cuộc giao tranh, khi quân đội đi qua các ngôi làng, họ đổ dầu diesel lên các bao gạo hoặc cắt mở các bao gạo dưới đất”.
Theo hồ sơ do RFA và các nhóm cứu trợ tổng hợp, kể từ cuộc đảo chính hồi tháng Hai, các cuộc giao tranh giữa quân đội và các lực lượng dân quân đã khiến khoảng 280.000 người phải di tản.
Trong khi đó, Nhà thờ Baptist Kachin (KBC) cho biết, họ đang cố gắng yêu cầu quân đội thả ba mục sư Cơ đốc bị giam giữ vì tổ chức các buổi lễ cầu nguyện hòa bình.
Ba mục sư ở độ tuổi 60 đã tổ chức buổi lễ cầu nguyện vào ngày 3/3. Trong buổi lễ cầu nguyện, họ được cho là đã sử dụng cụm từ “kết thúc quân độc tài”. Điều này vi phạm mục 505 của Bộ luật Hình sự Myanmar, vốn cấm nói xấu quân đội.
Ba mục sư đã bị bắt ngày 28/6 và hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Nam Hot ở thị trấn Putao.