Tin thế giới sáng thứ Bảy

New York chuẩn bị lễ tưởng niệm 20 năm loạt tấn công khủng bố 11/9

Minh Anh

911 memorial GIF - Find on GIFER
Ngày 11/09/2001, hai chiếc Boeing của hãng hàng không American Airlines bị những tên khủng bố chuyển hướng và cho lao thẳng vào tòa tháp đôi của World Trade Center, New York. AP – Chao Soi Cheong

Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ khởi động lễ tưởng niệm năm nay, trước tiên tại New York, rồi tại hai điểm khác của vụ tấn công là Lầu Năm Góc và Shanksville, bang Pennsylvania, khu vực một chiếc máy bay thứ ba đã rơi xuống sau một cuộc giằng co giữa hành khách và những tên khủng bố.

Từ New York, thông tín viên đài RFI, Marie Normand cho biết những biện pháp an ninh được ban hành nhân lễ tưởng niệm.

« Nhiều chiếc trực thăng vận tải quân sự trên không và vài binh sĩ trên đường phố là những gì chúng tôi có thể quan sát lúc này. Nhưng hiện tại, các biện pháp an ninh vẫn còn khá kín đáo. Nhiều vành đai an toàn đã được dựng lên xung quanh đài tưởng niệm 11/9, nơi sẽ diễn ra lễ tưởng niệm, và nhiều lãnh đạo chính trị như thống đốc bang New York đã đến nơi dành phút mặc niệm.

Ngày mai, chỉ có gia đình các nạn nhân là được phép đi vào khu vực này. Những gia đình này, luôn trông đợi có những lời giải đáp, và nhất là việc nhận dạng người thân của mình. Hai mươi năm đã trôi qua, những phần thi thể thu lượm được tại những điểm xảy ra thảm kịch vẫn tiếp tục được đối chiếu với những mẫu do gia đình cung cấp.

Hôm Thứ Ba vừa qua, nạn nhân thứ 1.646 trong tổng số gần 3.000 người đã được xác định. Nhiều người thân còn yêu cầu ông Joe Biden cho giải mật một phần hồ sơ điều tra của FBI, được xếp vào diện bí mật quốc phòng. Đây từng là một lời hứa của ông trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ. Và tuần rồi, ông đã ký sắc lệnh, yêu cầu cho giải mật từ đây trong vòng 6 tháng.

Một số gia đình cho rằng Joe Biden thiếu sự cứng rắn và tiếp tục phản đối sự hiện diện của ông tại lễ tưởng niệm ngày mai. »

Vụ khủng bố 13/11: Tại tòa, Salah Abdeslam tìm cách xóa tội cho đồng phạm

Thu Hằng

Ảnh minh họa : Salah Abdeslam lại làm gián đoạn phiên tòa ngày 09/09/2021, được mở ra để xét xử vụ khủng bố tại Paris ngày 13/11/2015. AP – Noelle Herrenschmidt

Ngày 10/09/2021, phiên tòa kéo dài 9 tháng xử loạt khủng bố 13/11/2015 bước sang ngày thứ ba và được dành để tìm hiểu chính xác chuyện gì đã xảy ra vào tối thảm kịch. Chủ tọa Jean-Louis Périès đọc bản tóm tắt hơn 542 trang hồ sơ. Và việc này có thể kéo dài 9 tiếng, theo một nguồn tin tư pháp.

Chủ tọa phiên tòa Jean-Louis Périès nêu chi tiết những sự kiện xảy ra, cũng như những vùng xám vẫn còn. Theo AFP, các nhà điều tra (có đến 1.000 người tham gia khi bắt đầu) và 5 thẩm phán chống khủng bố đã nhanh chóng thấy rằng loạt khủng bố được điều phối từ Bỉ.

Kẻ chủ mưu được xác định sống ở Syria là Oussama Atar, một người Bỉ còn được gọi là « Abou Ahmad al-Iraki » và là một thành viên quan trọng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Oussama Atar được cho là đã chết năm 2017 trong một trận oanh kính của liên quân tại vùng biên giới Irak-Syria.

Salah Abdeslam tìm cách xóa tội cho đồng phạm

Trong ngày xử thứ hai 09/09, thủ phạm khủng bố duy nhất còn sống sót Salah Abdeslam lại tiếp tục gây náo loạn phiên tòa và tìm cách bác bỏ tội trạng của ba đồng phạm Mohammed Amri, Hamza Attou và Ali Oulkadi khi nói « họ giúp tôi trong khi không biết gì cả. Họ không làm gì hết ».

Chủ tọa đáp lại là Salah Abdeslam « đã có 5 năm để giải thích nhưng đã không muốn đưa ra bất kỳ tuyên bố nào theo như quyền lợi » của bị cáo, còn « giờ không phải là lúc để nói » về vấn đề này. Sau đó ông ngắt micro của Salah Abdeslam.

Trước đó, khi nói đến 130 người chết trong loạt khủng bố và 350 người bị thương ở Paris, Salah Abdeslam cũng bật dậy phản đối : « Thế không có những nạn nhân ở Syria và Irak sao, họ có thể nói không ? ». Chủ tọa phiên tòa cho rằng bị cáo « đi lệch chủ đề » và cắt micro.

Còn theo luật sư Samia Maktouf của 40 nguyên đơn, phát biểu của kẻ khủng bố « gây sốc »« xúc phạm đến các nạn nhân ».


Afghanistan: Tác nghiệp về biểu tình, hai nhà báo bị Taliban bắt và tra tấn

Thùy Dương

Hai nhà báo Taqi Daryabi (T) và Nematullah Naqdi tại Kabul (Afghanistan) ngày 08/09/2021 sau khi được Taiban thả ra. Wakil KOHSAR AFP

Vì quay phim, chụp ảnh, tác nghiệp về một cuộc biểu tình của những phụ nữ Afghanistan phản đối chính phủ Taliban hôm thứ Tư 08/09/2021, hai nhà báo Taqi Daryabi và Nematullah Naqdi đã bị lực lượng Taliban bắt và tra tấn.  

Kể từ khi Taliban chiếm quyền kiểm soát đất nước, giới nhà báo ở Afghanistan đã rất lo sợ là sẽ bị Taliban nhắm tới. Các tổ chức nhân quyền cũng không giấu mối lo ngại.

Trong một thông cáo, Human Rights Watch hôm 09/09/2021 nhắc lại là « việc tùy tiện, vô cớ hạn chế quyền tự do ngôn luận và quyền biểu đạt, nhất là bằng cách bắt giữ các nhà báo, cấm các phương tiện truyền thông và các cuộc tập hợp ôn hòa » bị cấm theo quy định của luật quốc tế về nhân quyền. Taliban cho thấy họ chưa tôn trọng luật này.  

Từ Islamabad, thông tín viên RFI trong khu vực, Sonia Ghezali, cho biết thêm chi tiết về vụ tra tấn các nhà báo :

« Taqi Daryabi, phóng viên ảnh và Nematullah Naqdi, người quay phim, cả hai đều là nhà báo của Etilaat Toz. Họ đã bị lực lượng Taliban bắt giữ khi đang tác nghiệp về một cuộc biểu tình của phụ nữ phản đối chế độ hôm thứ Tư vùa qua. Những tấm hình chụp cơ thể họ đầy những vết bầm tím đã lan tỏa trên các mạng xã hội.  

Zaki Daryabi là chủ báo Etilaat Roz. Ông nói: « Nemat Naqdi et Taqi Daryabi đã bị Taliban tra tấn dã man. Họ thậm chí còn không thể bước đi bình thường. Sau khi cho họ nhấp chút nước, với sự hỗ trợ của một số đồng nghiệp, chúng tôi đã đưa họ đến bệnh viện. Ở đó, họ được điều trị trong hơn 3 tiếng đồng hồ ».  

Etilaat Rooz từng nhận Giải thưởng chống tham nhũng của tổ chức phi chính phủ Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) với những bài điều tra về các quỹ. Còn ông Zaki Daryabi không tin là có thể tiếp tục công việc điều tra này mà không gặp nguy hiểm về tính mạng.  

Chủ báo Etilaat Roz nói : « Việc Taliban nắm quyền tại Afghanistan đã khiến tất cả các nhà báo, kể cả các đồng nghiệp của tôi lo sợ, thậm chí là kinh hãi. Chính vì thế mà chúng tôi đã phải ngưng phát hành báo kể từ khi Taliban chiếm chính quyền, bởi lẽ chúng tôi không biết phản ứng của họ đối với những hoạt động của chúng tôi sẽ ra sao ».  

Có nhiều nhà báo đã bỏ trốn khỏi Afghanistan vì các mối đe dọa nhắm vào họ ».  

Trong khi đó, trả lời AFP, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm qua kêu gọi cộng đồng quốc tế « duy trì đối thoại với Taliban » để tránh nguy cơ nền kinh tế Afghanistan sụp đổ khiến nhiều triệu người dân chết đói.  

Trung Quốc triển khai “ngoại giao vac-xin” tại Việt Nam

Thu Hằng

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-12/09/2021 để đồng chủ trì với phó thủ tướng Phạm Bình Minh phiên họp lần thứ 13 của Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang vất vả chống dịch và rất nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, viện trợ vac-xin cho Hà Nội.

Theo phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đoàn Khắc Việt ngày 09/09, Ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc vẫn tổ chức họp hàng năm để lãnh đạo và các ban ngành liên quan của hai nước thảo luận về các vấn đề, khó khăn và biện pháp liên quan. Tuy nhiên, trong phiên họp lần thứ 13 này, vấn đề hợp tác phòng chống Covid-19, trong đó có việc Bắc Kinh viện trợ vac-xin và thiết bị y tế, cũng sẽ được thảo luận.

Đại dịch Covid-19 cũng là chủ đề của cuộc hội đàm trực tuyến ngày 09/09 giữa bộ trưởng Y Tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long và chủ nhiệm Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc Mã Hiểu Vỹ (Ma Xiaowei). Chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, theo website của bộ Y Tế Việt Nam, như « tổ chức triển khai xét nghiệm trên diện rộng, bảo đảm chất lượng xét nghiệm »,« giám sát chủ động tại các khu vực có nhiều nguy cơ như các cơ sở y tế, khu vực xuất nhập cảnh và lấy mẫu xét nghiệm những người làm việc ở khu vực này ».

Chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ cũng đưa ra đề xuất nâng cấp quan hệ với Hà Nội từ « toàn diện » lên thành « chiến lược ». Ông Vương Nghị sẽ gặp đồng nhiệm Bùi Thanh Sơn, chào xã giao các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Trang Global Times cho biết Việt Nam nằm trong số 4 nước láng giềng (Cam Bốt, Singapore và Hàn Quốc) trong vòng công du của ông Vương Nghị từ ngày 10-15/09. Ngoài chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, ngoại trưởng Trung Quốc còn đề cập đến hợp tác phát triển, thúc đẩy dự án cơ sở hạ tầng Sáng kiến Vành Đai và Con Đường (BRI).


Hồng Kông: Hiệp hội tổ chức đêm canh thức Thiên An Môn bị buộc tội “lật đổ”

Thùy Dương

Một thành viên của Liên minh Hồng Kông bị cảnh sát thuộc bộ An Ninh Quốc Gia bắt đi ngày 09/09/2021. AFP – ISAAC LAWRENCE

Ba nhà lãnh đạo của hiệp hội chuyên tổ chức lễ canh thức hàng năm ở Hồng Kông để tưởng nhớ nạn nhân cuộc đàn áp Thiên An Môn, Trung Quốc, năm 1989, đã bị truy tố về tội « kích động lật đổ » chính quyền, vài giờ sau khi bảo tàng dành riêng cho sự kiện Thiên An Môn bị khám soát vào hôm qua 09/09/2021.

Theo AFP, cảnh sát Hồng Kông hôm qua 09/09 đã đưa ra cáo buộc « kích động lật đổ » chính quyền nhắm vào hiệp hội Liên Minh Hồng Kông, chủ tịch hiệp hội Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), hai phó chủ tịch Hà Tuấn Nhân (Albert Ho) và Châu Hạnh Đồng (Chow Hang-tung). Chủ tịch Lý Trác Nhân và cấp phó Hà Tuấn Nhân đều là những nhà đấu tranh ủng hộ dân chủ lâu năm và hiện đang bị giam trong tù, còn phó chủ tịch Châu Hạnh Đồng mới bị bắt hôm thứ Tư 08/09.

Chiều hôm qua, lực lượng an ninh Hồng Kông chuyên trách việc áp dụng luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp đặt đối với đặc khu hành chính đã lục soát bảo tàng Mùng 4 tháng 6 chuyên về sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Bảo tàng do hiệp hội Liên Minh Hồng Kông quản lý đã bị chính quyền đóng cửa hồi tháng 06.

Tháng 8/2021, cảnh sát cáo buộc Liên Minh Hồng Kông là một cơ quan của nước ngoài và yêu cầu hiệp hội giao nộp thông tin về tài chính và các hoạt động. Thế nhưng, hiệp hội này đã phớt lờ yêu cầu của chính quyền đặc khu, đến thứ Ba 07/09, các thành viên Liên Minh Hồng Kông gửi thư giải thích yêu cầu của cảnh sát là bất hợp pháp và không có bằng chứng về việc hiệp hội vi phạm luật.  

Nhiều ủy viên hội đồng quận thà từ nhiệm còn hơn đọc lời tuyên thệ trung thành mới
Hôm nay 10/09, theo chính quyền Hồng Kông, 24 dân biểu địa phương đã đọc lời tuyên thệ trung thành mới và nhậm chức ủy viên hội đồng quận. AFP cho biết khoảng 180 ủy viên hội đồng quận sẽ phải tuyên thệ trung thành trong những tuần tới đây và những ai từ chối tuyên thệ sẽ mất chức. Thế nhưng, đa phần các ủy viên hội đồng quận đã trúng cử thà từ nhiệm còn hơn là phải trải qua quy trình mới này. Cho đến nay, đã có 260 người trên tổng tố 452 ủy viên hội đồng quận từ nhiệm để phản đối việc chính quyền nỗ lực thanh trừng những phần tử mà họ coi là « không yêu nước ».

Đan Mạch trở thành quốc gia EU đầu tiên gỡ bỏ toàn bộ hạn chế COVID-19

Từ hôm 10/9, Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên thuộc Liên minh châu Âu (EU) gỡ bỏ toàn bộ hạn chế COVID-19. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke, nước này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi dịch bệnh và chính phủ sẽ vẫn hành động trong trường hợp cần thiết.
COVID-19


“Tôi không cho rằng hành động này được thực hiện quá sớm. Chúng tôi đã mở cửa nhưng chúng tôi cũng sẽ đóng cửa trở lại nếu cần thiết”, giáo sư virus học Søren Riis Paludan tại Đại học Aarhus, Đan Mạch cho hay.

Ông cho biết Đan Mạch đã bắt đầu gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế khi đa số người trên 50 tuổi tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Quốc gia này hiện chỉ coi COVID-19 là “căn bệnh nguy hiểm thông thường”.

Kể từ hôm 14/8, người dân Đan Mạch không còn bị buộc phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Từ ngày 1/9, hộp đêm được mở cửa trở lại, các quy định về hạn chế tụ tập đông người được gỡ bỏ, còn những người đến nhà hàng, sự kiện thể thao, phòng tập hay tiệm cắt tóc không còn phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vắc-xin.

Dẫu vậy, Đan Mạch vẫn bắt buộc đeo khẩu trang tại sân bay. Người dân cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang khi đến phòng khám, trung tâm xét nghiệm và bệnh viện. Quốc gia này vẫn khuyến nghị những hạn chế nghiêm ngặt đối với người nước ngoài muốn nhập cảnh.

Related posts