Thêm 12.683 người khỏi COVID-19
NLĐ – Bộ Y tế cho biết từ 17 giờ ngày 13/9 đến 17 giờ ngày 14/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới. Có 12 ca nhập cảnh và 10.496 ca ghi nhận trong nước.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (309787), Bình Dương (162847), Đồng Nai (36361), Long An (28865), Tiền Giang (12468).
Trong ngày 14/9, Hà Nội thêm 25 ca, như vậy, từ đầu đợt dịch thứ tư, Hà Nội ghi nhận 3.842 ca nhiễm (không tính số nhiễm tại các bệnh viện tuyến trung ương).
Trong ngày, cả nước có thêm 12.683 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 398.461. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.933 ca.
Trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 276 ca tử vong tại TP.HCM (199), Bình Dương (41), Đồng Nai (12), Tiền Giang (7), Long An (4), Kiên Giang (4), Đồng Tháp (4), Bình Thuận (2), Cần Thơ (1), Quảng Bình (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1). Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.936 ca.
Thủ tướng đồng ý để TP.HCM giãn cách thêm 2 tuần
Dân Trí – Chiều 14/9, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM cho hay, đã xin ý kiến Thủ tướng và được thống nhất tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo Chỉ thị 16.
Thủ tướng cũng thống nhất, các địa phương kiểm soát được dịch bệnh có thể từng bước nới lỏng. Tuy nhiên, việc nới lỏng cần thực hiện theo nguyên tắc “an toàn là trên hết”.
Việt Nam tiếp nhận 1,5 triệu liều vắc-xin Pháp, Ý tài trợ
Dân Trí – Sáng 14/9, đại diện Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin đã tiếp nhận số vắc xin 1,5 triệu liều AstraZeneca do Chính phủ Pháp và Ý tài trợ Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.
Tại lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của Chính phủ và nhân dân Pháp và Ý và khẳng định sẽ sớm phân bổ lô vắc xin này cho các địa phương và bảo đảm việc sử dụng thiết thực và hiệu quả nhất.
Với nguồn cung bổ sung vắc-xin từ hai nước trên, đến nay Việt Nam đã nhận được hơn 11,7 triệu liệu vắc xin phòng COVID-19 qua COVAX.
Hơn 1.500 học sinh TP.HCM mồ côi vì COVID-19
VnExpress – Ngày 14/9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo thông tin trên khi làm việc với Ban Văn hóa – Xã hội về tình hình đầu năm học mới. Học sinh mồ côi cha hoặc mẹ vì COVID-19 ở khắp các quận huyện, TP Thủ Đức; nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Sau hai tuần tập trung, học trực tuyến, khoảng 94% học sinh tiểu học tham gia; tỷ lệ này ở bậc THCS gần 94%, THPT gần 98% và giáo dục thường xuyên hơn 89%. Một số em mắc kẹt ở quê đã đăng ký học tạm trường gần nơi ở.
Trong khoảng 1.500 học sinh mồ côi, hơn 490 em tiểu học, 580 em THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM.
Liên quan đến việc hỗ trợ trẻ mồ côi vì COVID-19, 3 hôm trước, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, theo quy định mức trợ cấp hàng tháng cho trẻ mồ côi dưới 4 tuổi là 900.000 đồng, ngoài độ tuổi này là 540.000 đồng.
Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản khác ở trường, thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Các chính sách trợ giúp xã hội được duy trì đến 22 tuổi khi các em học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học.
Trước đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ một triệu đồng với những em bé sinh từ 27/4 đến 31/12, có mẹ mắc COVID-19. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng dành cho các em có cha, mẹ là F0 đã qua đời; các em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do đại dịch. Nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trợ trẻ em.
Bình Phước: Hơn 20% học sinh các cấp không có thiết bị học tập trực tuyến
Tuoitre – Ngày 14/9, thông tin từ Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Phước cho hay qua gần 10 ngày áp dụng dạy và học trực tuyến, đến nay còn hơn 20% học sinh các cấp của tỉnh không có thiết bị học tập bằng hình thức này.
Cụ thể, toàn tỉnh còn 41.470/199.023 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, chiếm hơn 20%. Trong đó, cấp tiểu học có gần 25.800 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, THCS gần 14.000 học sinh, THPT 438 học sinh.
Để khắc phục tình trạng thiếu phương tiện học tập, tỉnh Bình Phước vừa có công văn về hỗ trợ học trực tuyến năm học 2021-2022.
Yêu cầu ngành giáo dục và các ngành liên quan tính toán phương án hỗ trợ một phần chi phí kết nối đường truyền internet phù hợp với điều kiện của từng địa phương, hộ gia đình; học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh cuối cấp (lớp 9 và 12). Mặt khác, tạo điều kiện cho học sinh sử dụng mạng internet, máy tính ở các trung tâm học tập cộng đồng; nâng cấp chất lượng đường truyền internet trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo thống kê mới nhất, Bình Phước hiện có 2.661 học sinh thuộc hộ nghèo và 2.596 học sinh hộ cận nghèo gặp khó khăn về thiết bị học trực tuyến.