Thanh Hải
Để ngăn Bắc Kinh mua lại công nghệ quân sự của Mỹ, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ban hành chính sách hạn chế thị thực du học với sinh viên Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng ít nhất 500 sinh viên nước này đã bị từ chối cấp thị thực do chính sách này. Các du học sinh cho rằng chính sách này được áp dụng quá rộng rãi và họ rất tức giận khi bị buộc tội là gián điệp.
Vương Tử Uy, một sinh viên Trung Quốc theo học ngành tài chính ngân hàng vừa bị Mỹ từ chối thị thực bức xúc với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng sự việc này thật lố bịch, “sinh viên ngành tài chính có liên quan gì đến quân đội”.
Hiện căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ công nghệ và an ninh, sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh, nguồn gốc của COVID-19, nhân quyền và yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, và một số vấn đề khác…, điều này đã làm gián đoạn đến kế hoạch của các công ty, cá nhân và các sinh viên Trung Quốc.
Chính sách của Hoa Kỳ là cấm cấp thị thực cho những người có liên quan đến các cơ quan quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân hoặc các trường đại học được Washington xác nhận là có liên quan đến hiện đại hóa quân đội.
Các quan chức Mỹ tin rằng hàng nghìn sinh viên và học giả Trung Quốc ở Mỹ đang tham gia vào các chương trình khuyến khích họ gửi thông tin y tế, máy tính và các thông tin nhạy cảm khác về Trung Quốc.
Washington đề cập đến chiến lược “quân sự-dân sự” kết hợp của Bắc Kinh và tin rằng Bắc Kinh coi các công ty tư nhân và trường đại học là tài sản cho sự phát triển công nghệ quân sự của Trung Quốc.
Ông Joe Biden, người kế nhiệm ông Trump, vẫn chưa cho biết mình sẽ làm gì tiếp theo.
Trước đó, khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman thăm Trung Quốc vào tháng 7, các quan chức Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các hạn chế về thị thực.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã chỉ ra trong một tuyên bố rằng chính sách này là cần thiết để “bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”. Tuyên bố nói rằng chính sách này là một phản ứng đối với “lạm dụng thủ tục thị thực”.
Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ, 85.000 thị thực đã được cấp cho sinh viên Trung Quốc trong bốn tháng qua.
Tuyên bố cho biết, “Các số liệu cho thấy rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cấp thị thực cho tất cả những người đủ tiêu chuẩn, bao gồm cả sinh viên và học giả Trung Quốc”.
Một kỹ sư của một công ty sản xuất máy bay thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc nói rằng đơn xin thị thực của anh ta để đi học cùng vợ đã bị từ chối. Vợ ông là một học giả thỉnh giảng và hiện đang nghiên cứu về bệnh ung thư ở trẻ em ở California.
Người kỹ sư họ Hoàng nói với VOA rằng đã nhận bằng cử nhân và thạc sĩ từ Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân ở Đông Bắc Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc đưa tin, đây là một trong 7 trường đại học ở Trung Quốc bị từ chối cấp thị thực vì tất cả đều trực thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc.
“Tôi cảm thấy bị xúc phạm”, kỹ sư họ Hoàng nói. “Việc tốt nghiệp của tôi từ trường đại học này có nghĩa là tôi là một điệp viên?”.
Anh ta cho biết: “Khi một quốc gia gặp khó khăn với một quốc gia khác, tác động cá nhân là rất lớn”.
Theo dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ, Trung Quốc là nước có sinh viên nước ngoài lớn nhất tại Hoa Kỳ. Số lượng sinh viên Trung Quốc vào năm 2020 ở Mỹ giảm 20% so với năm 2019, nhưng vẫn có 380.000 sinh viên, gần gấp đôi so với Ấn Độ, quốc gia đứng thứ hai.