Châu Âu ngạt thở vì thiếu chip điện tử của châu Á
Thanh Hà
Trung Quốc biết lo xa vơ vét chip điện tử. Châu Á, nguồn cung cấp đến 80 % linh kiện bán dẫn cho thị trường toàn cầu, bị tê liệt một phần dưới tác động của biến thể Delta, Covid-19. Hậu quả kèm theo là châu Âu bị vạ lây. Nhiều nhà máy trên Lục Địa Già phải tạm đóng cửa vì thiếu linh kiện bán dẫn.
Hàng loạt các nhà máy trên thế giới phải hoạt động chậm lại, công nhân bị cho nghỉ việc vì lý do « kỹ thuật », lỗi do thiếu « não bộ » của hàng tỷ máy móc điện tử, từ xe hơi, đến điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, TV, thẻ tín dụng ngân hàng…
Châu Âu lệ thuộc đến 94 % vào chịp « nhập khẩu » bị nặng hơn cả. Trong chưa đầy một năm, các nhà máy sản xuất xe hơi ở Rennes (miền tây bắc nước Pháp), tại Sochaux (miền đông) hay ở Onnaing (miền bắc), đều đã phải tạm cho nhân viên nghỉ việc trong nhiều đợt. Nhìn rộng ra hơn tại châu Âu, các xưởng sản xuất của hãng xe Nhật Toyota chỉ hoạt động 40 % so với công suất bình thường. Lý do : nhà máy không còn chip điện tử để lắp ráp xe. Toyota không là trường hợp duy nhất. Đối thủ đáng gờm nhất của hãng xe Nhật này là tập đoàn Đức, Volkswagen cùng chung số phận. Tập đoàn sản xuất xe vận tải của Thụy Điển, Scania cuối tháng 8/2021 thông báo « ngưng sản xuất trong vòng một tuần » tại tất cả các nhà máy ở Thụy Điển, Pháp và Hà Lan.
Riêng chi nhánh của tập đoàn Peugeot tại Rennes, sau ba tuần lễ nghỉ hè trong tháng 8, nhân viên bất ngờ được kéo dài thời gian nghỉ phép ngoài ý muốn. Tổng giám đốc Emil Frey France, chuyên phân phối 28 hiệu xe khác nhau tại 250 văn phòng đại diện trên toàn quốc khẳng định : « Thời gian giao hàng bị trễ từ sáu đến 9 tháng ».
Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Boston Consulting, hiện tượng khan hiếm linh kiện bán dẫn ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 8 triệu chiếc xe bán ra trên thế giới chỉ riêng trong năm nay, tương đương với gần 10 % của thị trường toàn cầu. Khoản thất thu kèm theo, ước tính lên tới khoảng 110 tỷ đô la theo thẩm định của Alix Partners, trụ sở tại New York. Vấn đề đặt ra là hiện tượng khan hiếm chip điện tử có nguy cơ kéo dài.
Trả lời đài phát thanh tư nhân Radio Classique hôm 03/09/2021, Paul Boudre tổng giám đốc Soitec, tập đoàn cung cấp nguyên liệu để sản xuất công nghệ bán dấn của Pháp, chờ đợi « cơn khát » này sẽ kéo dài thêm « từ sáu đến chín quý nữa » có nghĩa là đến cuối 2023 : « Sự khan hiếm này được xác định ở nhiều cấp trước hết là từ phía các lò đúc. Như đã biết khoản đầu tư cần thiết trong ngành được tính hàng tỷ đô la. Các dây chuyền sản xuất đã hoạt động hết công suất. Bây giờ cần bắt buộc phải xây dựng những nhà máy máy mới và cần có thời gian để cân bằng mức cung và cầu ».
Trung Quốc « vơ vét » chip của thế giới
Có hai nguyên nhân dẫn tới hiện tượng khan hiếm nói trên, cả hai cùng xuất phát từ châu Á. Trên đài phát thanh France Info, chuyên gia kinh tế Rémi Bourgeot, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược – IRIS của Pháp chú ý đến chiến thuật của Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung :
« Trung Quốc đã lo xa, tích trữ linh kiện từ trước cho một thời gian dài, tránh để bị thiếu hụt. Một cách cụ thể là thay vì dự trù khối lượng đủ để cung cấp cho các nhà máy trong một hay hai tuần hay cùng lắm là một tháng, thì Trung Quốc dự trù cho khoảng thời gian là từ một đến hai năm, vơ vét chip của thị trường thế giới. Bằng mọi giá, Bắc Kinh muốn tránh để dây chuyền sản xuất bị gián đoạn. Trung Quốc đã đầu tư 180 tỷ đô la để phát triển các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn, không phải lệ thuộc vào Mỹ. Châu Âu thì mới bắt đầu nhập cuộc ».
5 nhà máy tại Malaysia bị tê liệt
Nguyên nhân thứ nhì khiến thị trường công nghệ bán dẫn càng lúc càng « căng », do dịch Covid-19 tái phát tại châu Á, nơi « tập trung đến 80 % các nhà máy sản xuất chip điện tử » để cung cấp cho toàn cầu : chỉ riêng tập đoàn TSMC của Đài Loan sản xuất 28 % những « con bọ điện tử bán ra cho thế giới. Một ông khổng lồ khác trong ngành là UMC cũng của Đài Loan chiếm 13 % thị phần toàn cầu. Nhật Bản bảo đảm 16,5 % nhu cầu tiêu thụ cho thế giới, Hàn Quốc là 21 %.
Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Hoa Kỳ IC Insight, trong lĩnh vực điện tử, châu Âu lệ thuộc vào 94 % chịp điện tử châu Á. Năm nhà máy tại Malaysia là nguồn cung cấp chính phục vụ các nhà máy lắp ráp xe hơi tại châu Âu. Năm nhà máy đó được đặt tại Penang, (bờ biển tây bắc Malaysia), một nhà máy thứ nhì đặt tại tỉnh Kedah, sát biên giới với Thái Lan, một ở cảng Malacca, một ở khu vực cực nam là Johor và nhà máy quan trọng sau cùng được đặt tại Selangor, cách không xa thủ đô Kuala Lumpur. Có điều dịch Covid-19 kéo dài từ đầu 2020 và đã bùng phát mạnh trở lại từ mùa xuân vừa qua khiến các nhà máy này đã phải tạm đóng cửa, hoặc hoạt động với số lượng nhân viên ít hơn nhiều so với bình thường.
Những nhu cầu tiêu thụ mới
Ở góc đài bên kia, chính virus corona đã đẩy nhu cầu tiên thụ tăng cao và phát sinh thêm những nhu cầu mới. Paul Boudre, tổng giám đốc tập đoàn Soitec của Pháp, phân tích :
« Đại dịch là yếu tố thúc đẩy mọi việc : có nhiều thay đổi quan trọng, thậm chí là cả một sự đảo lộn, trong lối sống của chúng ta. Tiêu biểu nhất là trên phương diện y khoa và giáo dục. Linh kiện bán dẫn từ 40 năm nay đã đem lại nhiều thay đổi trong cuộc sống hàng ngày, qua máy điện toán, qua điện thoại thông minh… Ngành công nghệ bán dẫn càng lúc càng chiếm một vị trí quan trọng và cũng đã có nhiều tiến bộ trên thị trường này.
Trước đây, chủ yếu bên công nghiệp sử dụng chíp điện tử, như công nghệ xe hơi… Nhưng đừng quên rằng từ khi dịch Covid-19 bùng lên, trong giai đoạn phong tỏa, mọi người đã phải mua thêm đến 300 triệu chiếc máy tính cá nhân để làm việc, để theo học từ nhà. Nhu cầu linh kiện bán dẫn càng lúc càng lớn và ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử vừa là một yếu tố làm thay đổi môi trường công nghiệp, vừa đứng trước nhiều thử thách ».
Chiến lược phát triển nào ?
Vào lúc Hoa Kỳ đã xem « công nghệ bán dẫn » là một ưu tiên chiến lược, Trung Quốc đầu tư 180 tỷ đô la để không còn lệ thuộc vào bọ điện tử của Mỹ, thì châu Âu đã có những bước chuẩn bị như thế nào ? Tổng giám đốc Soitec, Paul Boudre trả lời :
« Châu Âu có những công ty dẫn dầu thị trường trong ngành. Những công ty đó cần được hỗ trợ để tiếp tục là những con chim đầu đàn, để tiếp tục giữ thế thượng phong trong tương lai. Trong số những hãng lớn của châu Âu phải kể tới ST MicroElectronics, NSX Semiconductors hay Infeneon Technoligies… Các công ty này đã đầu tư rất nhiều và có hẳn những chiến lược phát triển linh kiện bán dẫn để phục vụ các ngành từ công nghệ viễn thông đến trí thông minh nhân tạo hay ngành công nghệ xe hơi.
Giờ đây chúng ta đã trông thấy là nhu cầu càng lúc càng lớn của ngành y tế, giáo dục. Các trung tâm nghiên cứu về công nghệ nano và microtechnologies lại càng cần được hỗ trợ nhiều hơn và đã đến lúc các tập đoàn của châu Âu cần đẩy mạnh chiến lược phát triển ».
Cụ thể hơn từ 2018, Pháp đã cùng với Đức, Ý và Áo hợp lưc trong một dự án chung mang tên PIIEC. Các bên cộng tác trong các khâu nghiên cứu và phát triển. Bộ Kinh Tế và Tài Chính Pháp đang tiếp tục vận động ba đối tác còn lại để triển hạn và tăng ngân sách cho khâu này.
Mùa xuân vừa qua, Paris triệu tập nhiều đối tác Pháp và châu Âu trong ngành công nghiệp bán dẫn để « cùng hoạch định những chiến lược lâu dài ». Như vừa trình bày, đầu tư trong lĩnh vực này là những dự án bạc tỷ, nhất là châu Âu phải bắt kịp những chậm trễ so với các đối tác châu Á, liệu rằng Bruxelles và 27 nước thành viên có sẵn sàng để nhận lấy gánh nặng đó hay không ? Nhà cung cấp nguyên liệu cho các công ty sản xuất chip điện tử Pháp, Paul Boudre, hãng Soitec một lần nữa nhấn mạnh đến hợp tác giữa các doanh nghiệp với chính phủ :
« Theo tôi tuyệt đối cần phải bảo đảm cho các doanh nghiệp châu Âu một môi trường phát triển an toàn, để cho các hãng này có hẳn một chiến lược rõ ràng trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Chính thế leadership về mặt công nghệ đó là lá chủ bài bảo đảm cho sự độc lập về mặt chủ quyền của châu Âu. Bước tiếp theo là cần quan sát xem làm thế nào để tiếp cận với những công nghệ càng lúc càng tân tiến. Cả hai bước này đều chỉ có thể được thực hiện cùng với các doanh nghiệp ».
18 tháng trước đây, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Pháp nói riêng Liên Hiệp Châu Âu nói chung đặt ra vấn đề « tự chủ về mặt công nghiệp » không chỉ vì thiếu hụt từ khẩu trang đến trang thiết bị y tế, mà cả trên lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Nhưng rồi các nhà máy chip điện tử của châu Á cho đến rất gần đây vẫn hoạt động gần như bình thường, hồ sơ « tự chủ về công nghiệp » có vẻ như đã tạm thời lắng xuống. Nhưng khi cả ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, với hai đầu tàu là các hãng lớn của Đức và Pháp điêu đứng vì thiếu linh kiện bán dẫn của châu Á, thất thu hàng chục tỷ đô la, đây có thể là cú hích thúc đẩy Lục Địa Già đổi chiến lược phát triển công nghiệp.
Bruxelles: Mối nguy hiểm của Liên Hiệp Châu Âu đến từ Trung Âu
Thu Hằng
Theo thông lệ thường niên từ năm 2010, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đọc bài diễn văn về tình trạng Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 15/09/2021, tại Nghị Viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), bà Ursula von der Leyen tóm tắt tình hình trong năm 2020 và thông báo một số biện pháp đối với một số thách thức trong khối cũng như trên thế giới.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nói đến việc hỗ trợ 200 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo, viện trợ 100 triệu euro cho Afghanistan, cấp thêm ngân sách cho khí hậu và tổ chức thượng đỉnh quốc phòng châu Âu vào quý I năm 2022.
Tuy nhiên, mối đe dọa từ Trung Âu, đặc biệt là Ba Lan, tiếp tục khiến Bruxelles bận tâm, mà sự kiện gần đây nhất là chính quyền Vacxava vi phạm tự do báo chí khi cấm truyền thông đến đưa tin về nhập cư dọc biên giới giữa Ba Lan và Belarus.
Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tại Bruxelles tường trình :
« Chính phủ Ba Lan tấn công tự do báo chí nhưng đó chỉ là sự vi phạm mới nhất về Nhà nước pháp quyền. Trong những hồ sơ cấp bách khác còn có vấn đề liên quan đến giới LGBT (biện pháp được khuyến khích để chống lại giới đồng tính, chuyển giới) và nhất là “Phòng Kỷ luật” thẩm phán (cơ quan thuộc Tòa án Tối cao có trách nhiệm giám sát, thi hành kỷ luật các thẩm).
Từ nhiều năm nay, Ủy Ban Châu Âu phải đấu tranh với Hungari và Ba Lan về việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền và những giá trị của Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, một số người cho rằng đã đến lúc chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phải « tuýt còi chấm dứt » tình trạng này vì lập trường của Ba Lan đe dọa đến chính những nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu khi dùng Tòa Bảo hiến quốc gia thách thức quyền tối cao của luật pháp châu Âu.
Ngoài ra, mọi người cũng trông chờ một quyết định mới sẽ được ban hành vào ngày 22/09 và ở đây người ta nói là phải nhanh chóng khép lại cánh cửa mà Ba Lan đã đặt chân vào trước khi vấn đề lây lan rộng. Điều này ám chỉ trực tiếp đến việc dựa vào những đề xuất của ông Michel Barnier để lách các quy định của châu Âu về nhập cư.
Ủy Ban Châu Âu đã yêu cầu Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu có nhiều biện pháp trừng phạt tài chính nhưng hiện đang chờ xem Ủy Ban Châu Âu tính sử dụng công cụ được gọi là « mang tính điều kiện » này như thế nào. Công cụ này cho phép Ủy Ban Châu Âu đình chỉ các khoản hỗ trợ của Bruxelles trong trường hợp có sự vi phạm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền ».
Mỹ quyết định tổ chức kỷ niệm một năm « các Thỏa thuận Abraham »
Trọng Thành
Chính quyền Joe Biden quyết định kỷ niệm một năm « các Thỏa thuận Abraham », cho phép thiết lập quan hệ chính thức giữa Israel với ba quốc gia Ả Rập. « Các Thỏa thuận Abraham », được ký kết dưới thời tổng thống Donald Trump năm 2020, vốn gây nhiều tranh cãi. Phe Dân Chủ cho đến gần đây vẫn không muốn công nhận các thỏa thuận này.
Một ngày trước dịp tròn một năm các Thỏa thuận Abraham, ngày hôm qua, 14/09/2021, chính phủ Mỹ thông báo sẽ tổ chức kỷ niệm trực tuyến sự kiện này cùng với Israel và ba quốc gia Ả Rập đã tham gia thỏa thuận, gồm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein vả Maroc. Việc chính thức dùng tên gọi « các Thỏa thuận Abraham » là một dấu hiệu rõ ràng, từ phía chính quyền Biden, khẳng định thành quả ngoại giao dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump.
Theo AFP, dường như đây là lần đầu tiên chính quyền Biden khẳng định việc ủng hộ « các Thỏa thuận Abraham » sẽ góp phần giải quyết các xung đột giữa Israel và Palestine. Trong một đoạn video được đưa lên Twitter nhân dịp này, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price tuyên bố: « Chúng tôi hy vọng rằng khi Israel và nhiều quốc gia trong khu vực cùng trong các nỗ lực chung để thiết lập nên những cây cầu, tạo ra các điều kiện mới cho đối thoại và trao đổi, chúng ta có thể đạt được các tiến bộ cụ thể, hướng đến mục tiêu cổ vũ cho một nền hòa bình giữa Israel và Palestine thông qua thương lượng ».
Việc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thiết lập quan hệ chính thức với Israel ngày 15/09/2020 bị Palestine lên án mạnh mẽ, coi như một hành động « phản bội » lại lập trường chung của khối Ả Rập từ nhiều thập niên, theo đó khối Ả Rập chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel chừng nào chính quyền Israel giải quyết vấn đề « chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Palestine ». Cho đến nay, Ả Rập Xê Út, nền kinh tế lớn nhất của khối, không chấp nhận tham gia thỏa thuận Abraham.
Đầu tư kinh tế : Kết quả không như mong đợi
Tiếp theo Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein, dưới sự thúc đẩy của chính quyền Trump, đến lượt Maroc và Sudan lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Israel. Mục tiêu chính của các nước Ả Rập tham gia thỏa thuận Abraham với Israel trước hết là nhằm thu được các lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, một năm sau loạt thỏa thuận được đánh giá là « lịch sử » này, thực tế không được như mong đợi.
Thông tín viên Sami Boukhelifa tường trình từ Jérusalem :
« Ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, các doanh nghiệp Israel chuyên về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tài chính, hay y tế, đã tìm cách chinh phục thị trường Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhà nước Do Thái, thường được mệnh danh là « Quốc gia khởi nghiệp » (Nation Start-up), có chung nhiều tham vọng với quốc gia giàu có vùng Vịnh trong các lĩnh vực này.
Trong vòng một năm, khoảng 200.000 người Israel đã đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, chủ yếu là Dubai, tiểu vương quốc được coi là hấp dẫn nhất trong số 7 tiểu vương quốc. Mùa hè này, Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã mở sứ quán tại Abou Dhabi và Tel Aviv. Đại diện ngoại giao của Bahrein cũng vừa trình thư ủy nhiệm lên tổng thống Israel thứ Ba 14/09.
Nhưng nếu như Israel tỏ ra thèm khát thị trường Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, thì đối tác mới của chính quyền Israel dường như lưỡng lự hơn nhiều. Đúng là Abou Dhani thông báo muốn đầu tư 10 tỉ đô la vào Israel, tuy nhiên trong hiện tại, chưa có gì được cụ thể hóa ».
Afghanistan: Nội bộ Taliban lục đục?
Thu Hằng
Abdul Ghani Baradar, một trong những nhà đồng sáng lập Taliban và được bổ nhiệm làm phó thủ tướng Afghanistan, không xuất hiện trước công chúng từ nhiều ngày nay. Trước nhiều tin đồn trên mạng xã hội, Taliban ngày 14/09/2021 lên tiếng bác tin giáo sĩ Baradar đã chết trong một vụ xả súng vì cạnh tranh giữa các đối thủ.
Tân phó thủ tướng Baradar đã không xuất hiện trong phái đoàn chính phủ Afghanistan gặp ngoại trưởng Qatar Mohamed Ben Abdoulrahman al-Thani ngày 12/09. Ngay cả khi Taliban bác thông tin ông bị bắn chết hay bị thương, phó thủ tướng Baradar cũng không xuất hiện mà chỉ có một đoạn băng thu âm được Taliban công bố. Taliban giải thích ông « đang đi công tác trong những ngày gần đây », đồng thời « xác nhận 100% là chúng tôi không có bất đồng, cũng chẳng có vấn đề gì ».
Theo những đoạn video được Taliban công chiếu, giáo sĩ Baradar được cho là đang tham gia họp ở Kandahar (phía nam Afghanistan). Hãng tin Anh Reuters không kiểm chứng được tính xác thực của những tài liệu này.
Taliban phải lên tiếng trong bối cảnh có nhiều tin đồn về bất đồng giữa phe quân sự, đại diện là Sirajuddin Haqqani và phe chính trị, như giáo sĩ Baradar. Nhà lãnh đạo tối cao của Taliban, giáo sĩ Haibatullah Akhundzada, cũng không xuất hiện trước công chúng từ khi Taliban chiếm được Kabul ngày 15/08 và chỉ ra thông cáo khi thành lập chính phủ. Theo tin đồn ở Pakistan và Afghanistan, ông được cho là đã chết vì Covid-19 hoặc trong một trận oanh kích. Taliban từng giấu tin giáo sĩ Omar, nhà sáng lập Taliban, đã chết trong suốt 2 năm, đến tận năm 2015 mới xác nhận.
Talban bị tố cáo dùng vũ lực trấn áp biểu tình
Về tình hình nhân quyền, từ khi lên nắm quyền, Taliban liên tục bị tố cáo có những vi phạm, trong đó có vi phạm các quyền của phụ nữ, và tiếp tục sát hại thường dân. Theo BBC ngày 13/09, ít nhất 20 người ở Panshir đã bị Taliban hành quyết. Trong khi đó, tại Kandahar, hôm qua hàng nghìn người Afghanistan biểu tình phản đối việc Taliban ra lệnh trục xuất khoảng 3.000 người khỏi một khu dân cư của lực lượng an ninh trước đây. Họ chỉ có 3 ngày để rời khỏi khu vực mà nhiều người đã sống đến 30 năm.
Cựu đại sứ Afghanistan ở Liên Hiệp Quốc Nasir Ahmad Andisha đã yêu cầu mở lại điều tra về các vụ Taliban vi phạm nhân quyền trong bối cảnh Cao Ủy Nhân Quyền cũng cáo buộc tân chính quyền Kabul ngày càng sử dụng vũ lực để trấn áp các cuộc biểu tình.
Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, Mỹ – Nhật lên án
Trọng Thành
Tiếp theo các vụ bắn thử tên lửa hành trình, Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo vào hôm nay, 15/09/2021. Quân đội Hoa Kỳ lên án vụ bắn thử « bất hợp pháp », vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Nhật Bản tố cáo vụ bắn thử đe dọa « hòa bình và an ninh khu vực ».
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, dẫn thông tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC), theo đó các tên lửa được phóng lên từ Yangdok, một địa điểm ở miền trung Bắc Triều Tiên, vào lúc 12 giờ 34 và 12 giờ 39. Quân đội Hàn Quốc khẳng định theo dõi sát diễn biến này và sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Thông tín viên RFI Nicolas Rocca tường trình từ Seoul :
« Đây là các hỏa tiễn đạn đạo tầm gần. Các hỏa tiễn này đã rớt xuống vùng biển Nhật Bản, nhưng nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật. Các hỏa tiễn, được bắn đi hôm nay từ một khu vực thuộc vùng miền trung của Bắc Triều Tiên, vượt qua 800 km, và đạt đến độ cao tối đa 60 km. Các thông số này không tương ứng với một loại tên lửa nào đã biết.
Khác với các tên lửa hành trình đã được Bắc Triều Tiên bắn thử trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, các hỏa tiễn đạn đạo vốn bị cấm theo quyết định của Liên Hiệp Quốc. Quân đội Hoa Kỳ đã ra một thông cáo, nhấn mạnh đến « hậu quả gây bất ổn định của chương trình vũ khí bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên ».
Các vụ bắn thử hỏa tiễn diễn ra trong tình hình nội bộ chế độ Bắc Triều Tiên đang diễn biến phức tạp. Bắc Triều Tiên bị cô lập từ đầu đại dịch đến nay, quốc gia này lâm vào tình trạng thiếu thực phẩm nghiêm trọng. Các vụ thử này có mục tiêu củng cố đoàn kết trong nội bộ chế độ, bên cạnh đó nhằm trắc nghiệm phản ứng quốc tế. Các vụ thử diễn ra sau ít nhất hai sự kiện quan trọng với Bình Nhưỡng : việc Hoa Kỳ và Hàn Quốc nối lại các cuộc tập trận chung từ tháng 8 và vụ thử tên lửa đạn đạo Hàn Quốc từ tầu ngầm hồi tuần trước.
Căng thẳng gia tăng thêm một nấc trên bán đảo Triều Tiên, đúng vào lúc ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang trong chuyến công du Seoul, trong khi chờ đợi những tín hiệu cho việc nối lại đối thoại về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên giữa các bên liên quan, đối thoại bị đình chỉ từ 2019 ».
« Tín hiệu gián tiếp » gửi đến Bắc Kinh
Trả lời báo giới trước vụ bắn thử hỏa tiễn hôm nay, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), đang công du Hàn Quốc, kêu gọi các bên nỗ lực cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, nỗ lực để « tạo điều kiện cho việc nối lại đối thoại ». Theo ông Vương Nghị, « không chỉ có Bắc Triều Tiên, mà một số nước khác cũng tiến hành các hoạt động quân sự ».
Theo giáo sư Yang Moo Jin, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Hàn Quốc, các vụ bắn thử hỏa tiễn hôm nay có thể là « một tín hiệu gián tiếp của Bắc Triều Tiên » gửi đến Trung Quốc để Bắc Kinh coi vấn đề bán đảo Triều Tiên là « hồ sơ ưu tiên».
Hàn Quốc chính thức tuyên bố « thử thành công » tên lửa đạn đạo từ tầu ngầm
Theo Yonhap, vài giờ sau vụ Bắc Triều Tiên thử hỏa tiễn đạn đạo, quân đội Hàn Quốc hôm nay, 15/09/2021, thông báo « thực hiện thành công » một vụ bắn thử tên lửa đạn đạo (MSBS) từ tầu ngầm. Với vụ thử nói trên, Hàn Quốc được coi là « quốc gia thứ bảy » trên thế giới phát triển thành công loại tên lửa này (sáu nước khác là Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc).
Vụ thử hỏa tiễn được tiến hành từ tàu ngầm Ahn Chang-ho, 3.000 tấn, chạy bằng diesel. Đích thân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chứng kiến vụ bắn thử. Theo phủ tổng thống Hàn Quốc, vụ thử hỏa tiễn này đóng một vai trò quan trọng giúp Seoul « tăng cường độc lập về quốc phòng » và « bảo vệ hòa bình tại bán đảo Triều Tiên trong tương lai ».
Tổng thống Moon Jae-in hôm nay tuyên bố việc Seoul thử nghiệm thành công MSBS và một số tên lửa khác cho thấy Hàn Quốc có « đủ khả năng răn đe » trước mọi hành động khiêu khích từ phía Bắc Triều Tiên.
Trước đó, ngày 07/09, một số nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết quân đội nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo hải đối địa chiến lược (MSBS) tự chế, cũng bắn từ tầu ngầm Ahn Chang-ho. Vào thời điểm đó, theo Yonhap, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc « từ chối chính thức xác nhận » vụ bắn thử này.
Covid-19 : Chính phủ Anh chuẩn bị kế hoạch chống dịch mùa đông
Thu Hằng
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã rút ra bài học từ công cuộc chống dịch Covid-19 hồi mùa thu năm 2020. Được dỡ bỏ từ cuối tháng 07/2021, các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, chứng nhận y tế … có thể được áp dụng trở lại nếu dịch vượt ngoài tầm kiểm soát vào mùa đông.
Ngày 14/09, thủ tướng Anh công bố hai « kế hoạch » chống dịch trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Anh vẫn ở mức cao, khoảng 30.000 ca mỗi ngày.
Thông tín viên Claire Digiacomi tại Luân Đôn giải thích :
« Để ngăn nguy cơ bệnh viện lại quá tải vào mùa đông này, thủ tướng Boris Johnson muốn đặt cược vào vac-xin. Đây là « kế hoạch A », theo như phát biểu của ông. Ngay từ tuần tới, Anh sẽ tiêm nhắc lại liều 3 cho người trên 50 tuổi, người có sức khỏe yếu và bắt đầu tiêm chủng cho thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi, đến giờ vẫn nằm ngoài chiến dịch tiêm phòng.
Nhưng chính phủ Anh cũng chuẩn bị « kế hoạch B », gồm nhiều biện pháp « dự phòng » trong trường hợp tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, ví dụ sử dụng chứng nhận y tế để vào sàn nhảy hoặc phòng hòa nhạc. Đây là biện pháp mà hiện thủ tướng vẫn từ chối áp dụng.
Ông Boris Johnson nói : « Có lẽ sẽ bất hợp lý nếu loại hoàn toàn khả năng này ngay từ giờ trong khi biện pháp này cho phép nhiều địa điểm được mở cửa hết công suất. Chúng tôi cũng giữ khả năng bắt buộc đeo khẩu trang hoặc khuyến cáo làm việc từ xa ».
Với loạt thông báo mới này, chính phủ muốn nhắc lại với người dân Anh rằng virus corona vẫn lan rộng, dù vac-xin giảm được nguy cơ bệnh trở nặng. Số ca nhiễm mới, số ca nhập viện và chết vì Covid-19 hiện nay còn cao hơn cả số liệu cùng kỳ năm ngoái, khi bắt đầu vào mùa thu ».
Việt Nam : Hơn 30 triệu dân được chích ngừa Covid-19 ít nhất một liều
Trọng Thành
Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia Việt Nam, tính đến ngày hôm nay 15/09/2021, đã có hơn 31 triệu liều vac-xin Covid-19 được chích cho người dân, có nghĩa là gần 1/3 ba dân số Việt Nam đã được tiêm chủng ít nhất một liều. Trong 6 ngày liên tiếp (từ ngày 09 đến 14/09), mỗi ngày đều có hơn 1 triệu mũi tiêm được thực hiện.
Cho đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được 7,4 triệu liều vac-xin, tương đương 100% dân số trong độ tuổi được tiêm chủng của thành phố (trên 18 tuổi), trong đó khoảng 900.000 người đã hoàn thành mũi tiêm thứ hai. Khoảng 4,4 triệu liều vac-xin đã được tiêm tại Hà Nội (chiếm 77% dân số thành phố), trong đó có hơn 550 nghìn người hoàn tất mũi tiêm thứ hai.
Cho đến nay, Việt Nam đã nhận được tổng cộng gần 37 triệu liều vac-xin Covid-19, với gần 12 triệu liều thông qua chương trình COVAX, theo thông báo của bộ Y Tế Việt Nam hôm 14/09. Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sẽ nhận được thêm hơn 103 triệu liều vac-xin vào cuối năm nay (22,8 triệu liều đến vào tháng 9 ; 31,2 triệu vào tháng 10, 23,9 triệu vào tháng 11 và 25,5 triệu vào tháng 12).
Hôm qua, đại diện chính phủ Pháp và Ý tổ chức lễ bàn giao tổng cộng 1,47 triệu liều vac-xin Covid-19 cho Việt Nam tại trụ sở bộ Ngoại Giao ở Hà Nội. Pháp tặng Việt Nam 670.000 liều vac-xin AstraZeneca và Ý 800.000 triệu liều vac-xin cùng loại. Cả hai đều thông qua chương trình chia sẻ vac-xin toàn cầu COVAX của Liên Hiệp Quốc. Trong số các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Pháp và Ý là hai trong số các nhà tài trợ lớn nhất cho sáng kiến COVAX.
Ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm Singapore, tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ
Minh Anh
Trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Singapore hôm nay, 14/09/2021 và có cuộc hội đàm với thủ tướng Lý Hiển Long. Theo AFP, mục tiêu chuyến đi này của ông Vương Nghị là nhằm chống lại các nỗ lực khẳng định ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Trước Singapore, ngoại trưởng Vương Nghị đã đến Việt Nam và Cam Bốt, những nước mà một số quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm trong thời gian gần đây, đặc biệt là Việt Nam đã lần lượt tiếp đón bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Austin Lloyd và phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Trả lời giới báo chí, thủ tướng Singapore khẳng định đôi bên đã có những « cuộc thảo luận hữu ích và thẳng thắn về những chương trình phát triển quốc tế và khu vực ».
Đông Nam Á là một chiến trường gây ảnh hưởng ngày càng quan trọng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong bối cảnh Trung Quốc đang thách thức sự thống trị về chính trị và thế mạnh hải quân của Washington trong khu vực.
Trả lời AFP, Mustafa Izzuddin, một nhà phân tích thuộc Solaris Strategies Singapore nhận định rằng chuyến đi này của ông Vương Nghị là « một quyết định chiến lược » của Bắc Kinh nhằm đáp trả những lời bình luận từ các quan chức chính quyền Washington, cho rằng « các lãnh đạo Trung Quốc muốn thu hút sự chú ý của các nước Đông Nam Á, vốn dĩ luôn có những đường lối đối ngoại thực dụng giữa Mỹ và Trung Quốc ».
Singapore, vốn duy trì một mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Washington và quan hệ kinh tế năng động với Bắc Kinh, từng tuyên bố rằng các quốc gia Đông Nam Á không nên chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Các chuyên gia FDA của Mỹ phản đối kế hoạch tiêm vaccine tăng cường
Một người bình thường chưa cần mũi vaccine COVID-19 tăng cường, một nhóm các nhà khoa học quốc tế – bao gồm hai cơ quan quản lý hàng đầu của Hoa Kỳ – đã viết hôm thứ Hai ngày 13/9 trên một tạp chí khoa học có uy tín.
Các chuyên gia đã xem xét các nghiên cứu về hiệu quả của vaccine và kết luận rằng, trong bối cảnh biến thể Delta rất dễ lây lan, vaccine vẫn đang hoạt động tốt, đặc biệt là giảm nhẹ triệu chứng bệnh cho người nhiễm.
Họ kết luận: “Ngay cả trong những quần thể có tỷ lệ tiêm chủng khá cao, những người không được tiêm chủng vẫn là những nhân tố lây truyền chính” trong giai đoạn này của đại dịch.
Bài báo về quan điểm của các nhà khoa học được xuất bản trên tạp chí The Lancet, miêu tả cuộc tranh luận khoa học gay gắt về việc ai cần liều tăng cường và khi nào, một quyết định mà Hoa Kỳ và các quốc gia khác đang cân nhắc.
Sau khi tiết lộ về sự can thiệp chính trị vào phản ứng coronavirus của chính quyền Trump, Tổng thống Joe Biden hứa sẽ “tuân theo khoa học”. Nhưng các nhà phê bình đặt ra câu hỏi liệu chính quyền của ông có đang chạy trước các chuyên gia hay không.
Các tác giả bao gồm hai nhà đánh giá vắc xin hàng đầu tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Tiến sĩ Phil Krause và Marion Gruber, những người gần đây đã thông báo rằng họ sẽ từ chức vào mùa Thu này. Cùng chung chí hướng với 16 tác giả khác là các nhà nghiên cứu vaccine hàng đầu ở Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nam Phi và Ấn Độ, các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới, vốn đã thúc giục tạm dừng các mũi tiêm vaccine tăng cường và đợi cho đến khi các nước nghèo đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.
Tại Hoa Kỳ, Nhà Trắng đã bắt đầu lên kế hoạch cho các mũi tiêm tăng cường vào cuối tháng này, nếu cả FDA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đồng ý. Các cố vấn của FDA sẽ cân nhắc bằng chứng về mũi tiêm tăng cường Pfizer vào thứ Sáu tới tại một cuộc họp công khai quan trọng.
Ông Larry Gostin của Đại học Georgetown cho biết, bài báo này “đổ dầu vào lửa” trong cuộc tranh luận về việc liệu hầu hết người Mỹ có thực sự cần tiêm nhắc mũi thứ 3 hay không và liệu Nhà Trắng có đi trước các nhà khoa học hay không.
Ông Gostin, một luật sư và chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho biết, quy trình đưa ra thông báo khoa học thường xuyên tồn tại một sai sót cơ bản là đưa ra thông báo trước khi các cơ quan y tế công cộng hành động và đó chính xác là những gì đã xảy ra ở Hoa Kỳ”.
FDA đã không trả lời yêu cầu bình luận vào sáng thứ Hai ngày 13/9.
Hoa Kỳ đã cung cấp thêm một liều vaccine Pfizer hoặc Moderna cho những người có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng.
Đối với người dân nói chung, cuộc tranh luận đang sôi nổi về việc liệu có nên tiêm thuốc tăng cường hay không mặc dù vaccine vẫn mang lại hiệu quả cao trong việc giảm nhẹ tình trạng bệnh của người nhiễm được tiêm chủng đầy đủ.
Tuần trước, Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết dữ liệu mới cho thấy khi làn sõng nhiễm chủng Delta tăng mạnh, những người chưa tiêm phòng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn 4,5 lần so với người được tiêm chủng đầy đủ, bị nhập viện gấp 10 lần và khả năng tử vong gấp 11 lần. Tuy nhiên, các nhà khoa học chính phủ cũng đang cân nhắc những ý kiến rằng khả năng bảo vệ của vaccine đang suy yếu ở nhóm người lớn tuổi được tiêm phòng vào đầu mùa đông năm ngoái.
Các tác giả của bài bình luận hôm thứ Hai trân The Lancet đã báo cáo việc xem xét các nghiên cứu trên toàn thế giới kể từ khi chủng Delta bắt đầu tăng mạnh, chủ yếu là vaccine của Hoa Kỳ và Châu Âu. Nhóm nghiên cứu kết luận “không có nghiên cứu nào trong số này cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về việc vaccine giảm đáng kể khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng”.
Bởi vì cơ thể xây dựng các lớp miễn dịch, mức độ kháng thể giảm dần không có nghĩa là hiệu quả tổng thể giảm “và việc giảm hiệu quả của vaccine chống lại bệnh nhẹ không nhất thiết sẽ giảm hiệu quả (thường cao hơn) đối với bệnh nặng”, họ viết.
Virus càng lây lan, càng có nhiều cơ hội phát triển thành các chủng có thể thoát khỏi các loại vaccine hiện tại. Các nhà đánh giá của tạp chí The Lancet cho rằng, giống như vaccine cúm được cập nhật thường xuyên, việc tạo ra các liều tăng cường phù hợp hơn với các biến thể đang lưu hành thay vì chỉ tiêm thêm liều vaccine ban đầu có thể thu được hiệu quả tốt hơn.
Các nhà khoa học viết: “Hiện có cơ hội để nghiên cứu các mũi tiêm trên cơ sở các biến thể trước khi nó trở thành nhu cầu rộng rãi”.
Quan hệ Trung – Ấn leo thang? Ông Tập muốn lực lượng biên phòng Tây Tạng huấn luyện để chuẩn bị cho chiến tranh
CCTV, kênh truyền thông nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin ngày 13/9 rằng, Tổng bí thư Tập Cận Bình gần đây đã viết thư trả lời các binh sĩ của “Trại mô hình biên phòng cao nguyên”, nói rằng lực lượng biên phòng cần tiếp tục tăng cường huấn luyện để chuẩn bị cho chiến tranh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ biên giới. Đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của Trại này là gian khổ nhất, có trách nhiệm lớn nhất.
Theo bài báo, “Trại mô hình biên phòng cao nguyên” ở độ cao trung bình hơn 4.800 mét so với mực nước biển, với nhiệt độ thấp nhất là âm 40 độ C, và gió mạnh từ cấp 8 trở lên trong hơn 200 ngày trong năm. Tháng 8/2016, ông Tập đã ký lệnh Quân ủy Trung ương, trao tặng cho tiểu đoàn này danh hiệu danh dự “Trại mô hình biên phòng cao nguyên”.
Tín hiệu này cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức một lần nữa nhắm vào vấn đề Trung – Ấn kể từ sau khi ông Tập đến thăm Tây Tạng vào tháng 7.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố khi gặp Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 14/7 rằng, tình hình biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trở nên căng thẳng vào năm 2020, và trách nhiệm không thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ phải chuyển dần từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý và kiểm soát bình thường hóa, mới có thể ngăn chặn sự cố biên giới gây ra những can thiệp không cần thiết cho quan hệ song phương Trung Quốc – Ấn Độ.
Trên thực tế, tình hình ở biên giới Trung – Ấn nóng lên từng năm kể từ sau sự cố Doklam năm 2017. Tháng 6/2020, Trung Quốc và Ấn Độ liên tục nổ ra các cuộc đụng độ nghiêm trọng ở thung lũng sông Galwan, khiến cả hai bên đều thương vong. Tình hình gần đây có vẻ đã bớt căng thẳng, nhưng việc triển khai quân đội của hai bên vẫn không có dấu hiệu lắng xuống, và song phương đều tiếp tục gia tăng quân số.
Theo báo chí Ấn Độ đưa tin, ngày 8/9, Công ty UAV (máy bay không người lái) Ấn Độ xác nhận rằng, quân đội nước này đã mua 48 máy bay không người lái 6 trục MR-20 để vận chuyển trên cao nguyên; tờ The India Express đưa tin hôm 3/9 rằng, quân đội Ấn Độ đã triển khai một số máy bay trực thăng và xe tăng để tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực Ladakh; tờ Defencexp của Ấn Độ đưa tin vào đầu tháng 8 rằng, quân đội nước này đang xem xét tái đặt mua 40 khẩu pháo tự hành K-9 của Hàn Quốc.
Về phía Trung Quốc, để kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Tây Tạng, truyền thông đại lục đưa tin hôm 24/7 rằng, ông Tập đã đến thăm Tây Tạng. Khi đó, vũ khí hạng nặng của quân khu Tây Tạng cũng lần lượt xuất hiện trước ống kính của giới truyền thông đại lục.
Về quan hệ Trung – Ấn hiện nay, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar cho biết trong một sự kiện ở Úc ngày 6/9 rằng, sau khi xung đột Trung – Ấn nổ ra, quan hệ giữa hai nước đã đi theo một hướng hoàn toàn khác. Ông nói, “Đối với Ấn Độ, việc xử lý thách thức trong mối quan hệ với Trung Quốc (ĐCSTQ) là rất lớn”.
Trước khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, Căn cứ không quân Bagram – một địa điểm chiến lược quan trọng, nằm cách thủ đô Kabul khoảng 60 km về phía bắc, từng là căn cứ quân sự lớn nhất và được trang bị đầy đủ nhất của Mỹ ở Afghanistan.
Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ này, truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng Taliban đang đàm phán chuyển giao quyền sử dụng căn cứ không quân này cho Trung Quốc để đổi lấy các hỗ trợ về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế từ Trung Quốc. Ấn Độ lo ngại rằng ĐCSTQ có thể sử dụng cơ sở này để đối phó Ấn Độ.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Uông Văn Bân đã phủ nhận tuyên bố này, nói rằng “đây hoàn toàn là tin tức sai sự thật”.
Bà Nikki Haley, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã phát biểu trong một chương trình trên Fox News rằng, “Chúng ta phải chú ý đến các hành động của Trung Quốc (ĐCSTQ), bởi vì rất có thể Trung Quốc sẽ hành động đối với Căn cứ không quân Bagram”.
Triều Tiên cho ra ca khúc mới, tôn vinh Kim Jong Un là ‘cha’ của nhân dân
Triều Tiên đang mở rộng một chiến dịch tuyên truyền với lứa thanh niên mới, nhằm mục đích khơi dậy lòng nhiệt thành đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa thông qua việc phát hành các video âm nhạc mới. Trong các clip này, trẻ em hát các bài hát về đảng cầm quyền và Kim Jong Un, người được mô tả như cha đẻ của các em.
NK news đưa tin, các video được quay theo phong cách hào nhoáng và đã được phát hành trong bối cảnh chính phủ lo lắng về sự phổ biến của cái gọi là “sự nguy hiểm” của chủ nghĩa cá nhân và ảnh hưởng nước ngoài với giới trẻ Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây.
Hai trong số sáu video ca nhạc mới tập trung vào việc những đứa trẻ ca ngợi và gọi Kim Jong Un là “cha” của chúng.
Trong một video mới, một nhóm nhạc nữ gồm tám thành viên từ Cung điện học sinh Mangyongdae ở Bình Nhưỡng liên tục hát vang bài hát “Cha của chúng tôi, nguyên soái Kim Jong Un” cùng khẩu hiệu tuyên truyền của Triều Tiên “Chúng tôi không có gì để ghen tị” và “Chúng tôi Hạnh phúc [với hệ thống của đất nước chúng tôi]”
Trong video có tên “Gõ cửa, gõ cửa, gõ cửa”, một bé gái chụp ảnh trong trường quay và hát về lòng biết ơn đối với Đảng Lao động cầm quyền cũng như hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe của đất nước. Cô bé tên là Kim Yon Jong, học ở Trường tiểu học Tongan tại quận trung tâm của Bình Nhưỡng.
Bản thân các bài hát này không có gì mới mẻ vì Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCTV) thường phát sóng hình ảnh các nghệ sĩ trẻ hát ca ngợi gia tộc họ Kim. Tuy nhiên, những video ca nhạc mới này có sức hấp dẫn cá nhân bởi chúng do các học sinh truyền tải. NK news bình luận, đây dường như là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm đảm bảo thanh niên tuân theo lối sống nghiêm ngặt của đảng cầm quyền.
Trong nhiều năm, những người đào tẩu Triều Tiên đã nói về sự phổ biến ngày càng gia tăng của truyền hình và âm nhạc Hàn Quốc, và các sản phẩm văn hóa nước ngoài khác. Văn hóa Hàn Quốc có ảnh hưởng lớn đến mức một số người Triều Tiên đã trốn khỏi Triều Tiên và tìm kiếm sự giải phóng khỏi các yêu cầu chính trị và xã hội tại đất nước mình.
Tại đại hội Liên đoàn Thanh niên vào tháng 4, Kim Jong Un dường như đã đề cập đến hiện tượng này trong một bức thư. Ông nói rằng “một hoạt động thanh lọc quy mô lớn” để loại bỏ “các hoạt động chống chủ nghĩa xã hội và phi xã hội chủ nghĩa” đang được tiến hành trên khắp đất nước. .
Một trong những giải pháp mà Kim quy định liên quan đến nghệ thuật và âm nhạc. Ông yêu cầu các quan chức giáo dục thanh niên bằng “các tác phẩm văn học và nghệ thuật như các bài hát, bài thơ và tiểu thuyết cách mạng phù hợp với đặc điểm của giới trẻ”.
Trong khi đó, một công ty truyền thông nhà nước của Triều Tiên đã nhắm đến khán giả nước ngoài và bắt đầu giới thiệu video về một cô bé 7 tuổi “vlogger” tên Ri Su Jin, để quảng bá hình ảnh đảng cầm quyền và lối sống không tưởng ở Bình Nhưỡng.