Trọng Thành
Tối 15/09/2021, một biến cố bất ngờ khiến quan hệ Pháp–Mỹ rơi vào khủng hoảng. Washington thông báo thành lập liên minh « chiến lược » Mỹ-Úc-Anh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời chuyển giao công nghệ tầu ngầm hạt nhân cho Úc, đồng nghĩa với việc hợp đồng tầu ngầm Pháp–Úc trị giá 56 tỉ euro ký năm 2016 bị hủy. Paris lên án « đòn đánh sau lưng » của « đồng minh ». Trên thực tế, vụ này phơi bày nhiều mâu thuẫn Pháp–Mỹ không thể dung hòa.
Khủng hoảng đúng là rất nghiêm trọng. Chính phủ Pháp không giấu nỗi giận dữ. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, người từng thương lượng về hợp đồng chế tạo 12 tàu ngầm cho Úc,= khi còn là bộ trưởng Quốc Phòng, lên án cách hành xử « đơn phương, độc đoán, không dự kiến trước, rất giống với điều mà ông Trump làm trước đây », và đây là « chuyện không nên để xảy ra giữa các đồng minh ». Sứ quán Pháp tại Washington quyết định hủy một buổi dạ tiệc long trọng kỷ niệm trận hải chiến lịch sử tại vịnh Chesapeake năm 1781, nơi hải quân Pháp đánh bại một hạm đội Anh, một chiến thắng được coi như có vai trò quyết định trong thắng lợi của liên quân Mỹ – Pháp. Sự kiện được coi như là một biểu tượng quan trọng cho mối quan hệ đồng minh bền chặt Mỹ – Pháp ngay từ thời Hoa Kỳ lập quốc.
Những lời êm ái không trấn an được ai
Chính quyền Biden trấn an Paris, với tuyên bố của ngoại trưởng Antony Blinken, khẳng định « Pháp là một đối tác trọng yếu » tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và « trong nhiều lĩnh vực khác », và « đây là điều đã diễn ra từ lâu, và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai ». Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định trước đó là Hoa Kỳ sẽ « tiếp tục cộng tác mật thiết với Pháp », « đồng minh chủ chốt » tại khu vực chiến lược này.
Tuy nhiên, những lời lẽ êm ái nói trên không trấn an được ai tại Paris. Chính phủ Pháp ngay lập tức bác bỏ khẳng định của Washington rằng đã có nhiều tiếp xúc khác với Pháp để thông tin về dự án liên minh này, trước khi thông báo chính thức. Trên thực tế, khủng hoảng về vụ hợp đồng tầu ngầm Úc đã phơi bày nhiều mâu thuẫn không thể dung hòa giữa Pháp và Mỹ, cũng như giữa Liên Âu với Hoa Kỳ.
« Cạnh tranh quyền lãnh đạo »
« Đòn đánh » có tính toán nhắm vào Pháp là một cuộc « cạnh tranh giành quyền lãnh đạo », theo nhận định của bà Anne Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Sorbonne, Paris. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ nhiều năm nay tự khẳng định là người đi đầu trong sáng kiến xây dựng nền quốc phòng « tự chủ » và sự tự trị về chiến lược của châu Âu. Một nền quốc phòng tự chủ của châu Âu đồng nghĩa với vị thế của Mỹ tại châu Âu sụt giảm.
Cạnh tranh và xung khắc là điều khó tránh khỏi trong quan hệ Pháp – Mỹ, Âu – Mỹ, một khi Liên Âu với sự thúc đẩy của cặp Đức – Pháp vươn lên tìm cách khẳng định vị trí của một thế lực địa – chính trị. Bốn năm dưới thời tổng thống Donald Trump khiến các hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương suy giảm, nhưng « cũng mang lại một cơ hội cho Pháp và cặp Pháp – Đức khẳng định vị thế lãnh đạo » tại châu Âu, như ghi nhận của chuyên gia Anne Cizel.
Ngày 15/09, ít giờ trước khi Mỹ công bố Liên minh chiến lược AUKUS đối đầu với Trung Quốc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong bài Diễn văn thường niên về tình hình Liên Hiệp đọc tại Nghị Viện Châu Âu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đặc biệt nhấn mạnh đã đến lúc Liên Âu phải khẳng định năng lực quốc phòng tự chủ, sẵn sàng hành động « nơi nào mà NATO và Liên Hiệp Quốc không có mặt ». Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Paris tổ chức hội nghị về quốc phòng Liên Âu, dự kiến đầu năm tới, trong thời gian Pháp làm chủ tịch luân phiên của khối này.
Bắc Kinh trong tầm ngắm : Pháp, Mỹ xung khắc nhưng không là đối thủ
Pháp – Mỹ xung khắc nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Paris và Washington trở thành đối thủ. Theo chuyên gia về châu Á Walter Lohman, giám đốc nghiên cứu Á châu tại quỹ Heritage, « thách thức Trung Quốc » đòi hỏi quyết tâm từ nhiều phía. Theo chuyên gia này, việc nước Úc được trang bị tầu ngầm hạt nhân là một bước tiến « rất quan trọng », cho dù phải trả một cái giá trong quan hệ Mỹ – Pháp. Đối với Washington, Paris vẫn có một vị trí quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại khu vực.
Về phía Liên Âu, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell « thông cảm với nỗi thất vọng của nước Pháp », đồng thời nhấn mạnh là thỏa thuận AUKUS (Mỹ-Anh-Úc) một lần nữa buộc Liên Âu phải tiếp tục suy nghĩ về việc « phát triển năng lực tự chủ chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu », trong đó có chiến lược riêng của Liên Âu tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu. Các định hướng của Liên Âu có thể trùng khớp, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác với Hoa Kỳ.
‘Khủng hoảng tầu ngầm’’ : Paris nổi giận, Washington xoa dịu
Trọng Thành
Hai ngày sau thông báo thành lập Liên minh Mỹ-Anh-Úc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, khiến hợp đồng tầu ngầm Pháp – Úc bị hủy bỏ, Paris vẫn không nguôi giận. Sứ quán Pháp tại Hoa Kỳ thông báo hủy bỏ dạ tiệc dự kiến được tổ chức tại Washington hôm nay, 17/09/2021, để kỷ niệm 240 năm một chiến thắng hải quân quan trọng thời Chiến tranh giành độc lập của Mỹ, chiến thắng vốn được coi như một biểu tượng của quan hệ đồng minh lâu đời Pháp – Mỹ.
Trước sự giận dữ của Pháp, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm qua 16/09 lên tiếng tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Washington – Paris. Tuy nhiên, hành động được ví như « một cú đâm sau lưng » của Mỹ và Úc, theo diễn đạt của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, khiến Paris rất thất vọng.
Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình từ Washington :
« Ngay vào lúc thông báo về liên minh Mỹ – Anh – Úc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương (gọi tắt là AUKUS), chính tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của nước Pháp tại khu vực này. Trên thực tế, Pháp đúng là cường quốc châu Âu duy nhất có một sự hiện diện đáng kể ở khu vực với một số lãnh thổ và lực lượng quân sự có mặt tại chỗ.
Hôm qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken nhắc lại rằng các quan chức Pháp đã được thông báo về một thỏa thuận như vậy, trước khi thông tin được đưa ra chính thức. Theo New York Times, chính Úc, với tư cách là bên ký hợp đồng, đã được giao phó nhiệm vụ nói về vấn đề tầu ngầm, nhưng dường như Canberra chỉ thực hiện điều này vào giờ chót.
Paris, thông qua các bộ trưởng liên quan đến hồ sơ này, đã không giấu nỗi giận dữ. Để tỏ thái độ, đại sứ quán Pháp ở Washington đã quyết định thu hẹp tầm mức của nhiều hoạt động dự kiến tổ chức hôm nay, thứ Sáu 17/09, để kỷ niệm 240 năm một cuộc hải chiến, trong đó hạm đội Pháp đã giúp nước Mỹ trong cuộc Chiến tranh giành độc lập chống lại Anh Quốc.
Theo các nhà ngoại giao Pháp, được New York Times trích dẫn, không có chuyện làm như thể là mọi thứ vẫn ổn thỏa giữa hai nước. Nỗi thất vọng rất là lớn, và phải nhấn mạnh đến điều đó ».
Sau thông báo của Nhà Trắng hôm thứ Tư về việc « nhiều giới chức cao cấp của chính quyền Mỹ đã có các tiếp xúc với các đồng nhiệm Pháp để thảo luận về liên minh AUKUS, kể cả trước khi chính thức thông báo », trả lời AFP, người phát ngôn của đại sứ quán Pháp tại Washington, Pascal Confavreux, khẳng định đã không hề được báo về dự án này trước khi được đọc các thông tin đầu tiên mà truyền thông Mỹ và Úc đăng tải, ít giờ trước tuyên bố chính thức của tổng thống Joe Biden.
Úc khẳng định đã thông báo cho Pháp khả năng hủy hợp đồng tầu ngầm
Thu Hằng
Úc khẳng định đã thông báo cho Pháp về khả năng hủy « hợp đồng thế kỷ » ngay từ tháng 06/2021. Ngày 17/09/2021, thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết ông đã đề cập vấn đề này với tổng thống Emmanuel Macron, trái với tuyên bố của Paris là không hề được biết trước.
Trả lời đài phát thanh FIVEaa, ông Scott Morrison cho biết là đã « thể hiện rất rõ, trong một bữa tối dài ở Paris, những lo lắng của (Úc) liên quan đến năng lực của tầu ngầm quy ước để đối phó với môi trường chiến lược mới ». Ông tái khẳng định đã nói rất rõ với tổng thống Macron « đó là vấn đề mà Úc sẽ phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia ».
Ngày 16/07, trong khuôn khổ thành lập liên minh AUKUS, thủ tướng Scott Morrison thông báo mua tầu ngầm nguyên tử của Mỹ, đồng nghĩa với việc hủy hợp đồng tầu ngầm quy ước lớp Barracuda của Pháp.
Theo thông tín viên RFI Grégory Plesse tại Sydney, quyết định này sẽ gây tốn kém hơn cho người dân Úc :
« Với thỏa thuận với Mỹ và Anh, Úc bước vào câu lạc bộ khép kín của những cường quốc có tầu ngầm hạt nhân. Nhưng giờ là lúc công luận nước này sửng sốt, kinh ngạc với những khoản chi phí được tính sổ. Đây cũng là câu hỏi được ông Anthony Albanese, đứng đầu Công đảng đối lập, đặt ra.
Ông phát biểu : « Đến giờ, chúng ta biết được là Úc đã thanh toán 2,4 tỉ euro cho Naval Group và có nhiều hợp đồng lao động sẽ bị đình chỉ, nhưng tiếp theo phải tính đến các khoản bồi thường rất lớn phải trả. Người đóng thuế Úc có quyền được biết là sẽ mất tất cả bao nhiêu tiền? »
Theo báo chí Úc, khoản tiền phạt trả cho Naval Group là vào khoảng 250 triệu euro. Nhưng một câu hỏi lớn khác được đặt ra là chi phí để có được 8 tầu ngầm hạt nhân sẽ là bao nhiêu? Hiện chưa có câu trả lời cho câu hỏi này. Việc thẩm định sẽ được tiến hành trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới. Nhưng thủ tướng Scott Morrison đã thừa nhận rằng khoản tiền có thể sẽ còn cao hơn cả « hợp đồng thế kỷ » ký với Naval Group trị giá hơn 50 tỉ euro.
Điều này cho thấy rằng ông Scott Morrison dường như sẵn sàng mở hầu bao. Ông từng cho biết là muốn tăng thêm ngân sách cho quốc phòng, hiện chiếm 2,1% GDP của Úc ».
Không quân Mỹ sẽ tăng cường chiến đấu cơ tại Úc
Sau khi thông báo thành lập liên minh ba bên AUKUS ngày 16/09, Úc và Mỹ cũng cho biết sẽ mở rộng hợp tác quân sự song phương, trong đó có việc triển khai luân phiên mọi loại chiến đấu cơ Mỹ tới Úc.
Phát biểu trong cuộc họp 2+2 giữa bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của hai nước, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Peter Duttun cho biết hai bên sẽ « tăng cường đáng kể mối quan hệ hợp tác và mở rộng các hoạt động đồng minh ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương ».