Hoa Long
Theo tờ Epoch Times đưa tin, vào ngày 14/9 vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 của thành phố Hạ Môn ở Trung Quốc vẫn đang diễn biến căng thẳng. Tuy nhiên, việc tiêm chủng khẩn cấp của thành phố đã đột ngột bị tạm dừng, trong khi các quan chức đã không tiết lộ lý do. Điều này đã làm dấy lên suy đoán của công chúng rằng có vấn đề về chất lượng của vắc-xin bất hoạt đã và đang được tiêm cho người dân ở đất nước này trong thời gian vừa qua.
Vắc-xin “bất hoạt” của Trung Quốc là gì?
Trên thực tế, đây là loại vắc-xin có chứa vi-rút nhưng được xử lý đặc biệt, độc tính giảm đi rất nhiều và không có khả năng sao chép hoặc lây nhiễm.
Theo BBC đưa tin, các loại vắc-xin của Công ty Quốc doanh Sinopharm và vắc-xin CoronaVac của Công ty Dược phẩm Sinh học SinoVac, có trụ sở tại Bắc Kinh, đều thuộc loại vắc-xin bất hoạt.
Vắc-xin bất hoạt này hoạt động bằng cách đưa cấu trúc vi-rút thật, đã được xử lý vào cơ thể, để hệ thống miễn dịch của cơ thể tiếp xúc với vi-rút và tạo ra phản ứng miễn dịch mà không gây ra những phản ứng bệnh nghiêm trọng, bởi vì vi-rút đã được xử lý đặc biệt.
Để so sánh thì vắc-xin Moderna và Pfizer do các hãng phương Tây phát triển, là loại vắc-xin mRNA, theo đó một phần của mã gen của vi-rút Corona, được tiêm vào để cơ thể bắt đầu sản xuất ra protein của vi-rút; nhưng không phải là toàn bộ con vi-rút. Và do đó, vừa đủ để huấn luyện hệ miễn dịch của cơ thể, biết cách phòng thủ khi có vi-rút thật xâm nhập.
‘Vắc-xin bất hoạt’ liệu đã bất hoạt?
Cư dân mạng Weibo đã tỏ ra không hài lòng với sự việc đột ngột này, có người nói: “Họ không bao giờ nói rõ lý do”.
Một số cư dân mạng cũng đặt câu hỏi: “Không phải nói rằng vắc-xin có thể ngăn chặn được bệnh nặng sao? Đã thay đổi rồi sao?”. Cũng có người nói: “Vắc-xin không có tác dụng miễn dịch, vậy tiêm nó để làm gì?”.
Bà Trần một người dân địa phương nói với Epoch Times rằng bà không tin vào vắc-xin và từ chối tiêm chủng, bà bị cao huyết áp và tiểu đường nên chính quyền địa phương không dám cưỡng chế. Bà cũng nói rằng dịch bệnh ở Hạ Môn rất nghiêm trọng và tất cả việc tiêm vắc-xin đã phải ngừng lại.
Bà nói: “Bọn họ hẳn là đã biết điều gì đó. Mấy ngày nay trên mạng Internet, chúng tôi thấy rất nhiều video quay cảnh những người đột ngột ngã xuống đất sau khi tiêm vắc-xin, đều như là bị nhồi máu não, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Có vẻ tất cả đều là những vấn đề về máu đông”.
Trong đợt bùng phát lần này ở Hạ Môn, chỉ hơn hai ngày đã có hơn 30 ca dương tính và nghi ngờ có liên quan đến việc tiêm vắc-xin. Bà Trần lo lắng rằng nếu như vắc-xin không hoàn toàn bất hoạt, thì cơ thể sẽ bị nhiễm vi-rút sau khi vắc-xin được tiêm vào cơ thể.
Phóng viên Epoch Times đã gọi điện cho CDC địa phương để hỏi về lý do ngừng tiêm vắc-xin thì bên kia chỉ nhấn mạnh rằng “chỉ dừng tạm thời”.
Khi được hỏi về: “Mối liên hệ giữa tiêm chủng và dịch bệnh như thế nào?” và việc mọi người đang thảo luận về việc “Tiêm chủng có ảnh hưởng gì đến việc xét nghiệm axit nucleic hay không?”, thì bên kia không trả lời, mà yêu cầu phóng viên gọi điện đến đường dây nóng tư vấn phòng chống dịch. Phóng viên đã gọi điện đến đường dây nóng như được chỉ dẫn và điện thoại luôn bận và không thể kết nối được.
Vi-rút từng ‘tràn ra’ khi tiêm vắc-xin bất hoạt
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cho dừng đột ngột việc tiêm chủng ngừa Covid-19. Trước đó, vào ngày 8/6 năm nay, tại Thẩm Quyến và Quảng Châu, liên tiếp bùng phát dịch bệnh.
Khu vực Long Hoa, theo đó, cũng đột ngột thông báo đình chỉ tiêm vắc-xin. Theo thông báo của chính quyền địa phương, việc kế hoạch tiêm chủng có được tiếp tục thực hiện hay không vẫn đang được chờ xử lý và sự việc này cũng gây ra sự tranh luận công khai.
Vào ngày 5/6 năm nay, Blue Media đưa tin thành phố Càn Giang tỉnh Hồ Bắc, đã phát hiện kết quả xét nghiệm axit nucleic của 04 người trở về từ các vùng trọng điểm của dịch bệnh đều dương tính. Tờ báo cho hay, các chuyên gia đánh giá đó là do vi-rút bị “tràn ra” khi nhân viên y tế tiêm vắc-xin không đúng cách, đã gây ra tình trạng lây nhiễm.
Đáng chú ý là bài báo sử dụng từ “tràn ra” trong bối cảnh Trung Quốc đang sử dụng các loại vắc-xin bất hoạt để tiêm cho người dân.
Đối với vắc-xin bất hoạt, Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc, một nhà nghiên cứu vi-rút học, Giám đốc Phòng thực nghiệm Khoa virus của Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, trước đây đã trao đổi với Epoch Times rằng:
“Việc phát hiện xem còn tồn dư vi-rút sống trong vắc-xin hay không cũng là một thách thức lớn. Nếu như nó không đạt đến 100% bất hoạt, một số vi-rút còn lại trong vắc-xin sẽ sinh sôi. Do đó, bản thân quá trình nghiên cứu và sản xuất loại vắc-xin này rất khắt khe và đòi hỏi nhiều thủ tục. Nếu không bảo đảm quy trình, tác hại do vắc-xin bất hoạt này gây ra sẽ tương đối lớn”.
Theo các báo cáo, dịch bệnh cũng đã tái bùng phát tại các nước sử dụng vắc-xin Trung Quốc cho các chiến dịch tiêm chủng quốc gia của họ như Chile, Bahrain, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất…
Trước đó, chuyên gia phòng chống dịch người Đài Loan, Tiến sĩ Hà Mỹ Hưng, cho biết: “Quá trình phát triển dựa trên vắc-xin bất hoạt toàn bộ vi-rút, có hiện tượng ADE (Antibody-dependence Disease Enhancement). Tức là, sau khi một số người được tiêm vắc-xin, phản ứng miễn dịch của chính họ sẽ khiến cho bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, các loại vắc-xin như vậy không được phát triển ở Đài Loan và các loại vắc-xin như vậy cũng không được sử dụng để phòng bệnh”.
Vào ngày 4/9, theo trang web của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nước này đã báo cáo có hơn 2,1 tỷ liều vắc-xin đã được tiêm, có nghĩa là hơn 1 tỷ người dân ở nước này đã hoàn thành 02 mũi tiêm chủng.
Như vậy, trên tổng số 1,35 tỷ dân, tỷ lệ tiêm chủng ở Trung Quốc đã đạt tới 74% dân số. Theo các công bố của cơ quan chuyên môn, khoảng 60-75% dân số được tiêm chủng đầy đủ thì đất nước có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Tức là, có thể đẩy lùi và kiểm soát được Covid-19. Tuy nhiên, với tỷ lệ 74% dân số đã được tiêm chủng hiện nay, Trung Quốc vẫn đang đối mặt với các đợt tái bùng phát ở các tỉnh, thành phố do biến chủng Delta.
Vào ngày 15/9, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chính thức thông báo rằng các khu vực có nguy cơ trung bình và cao của tỉnh, sẽ được gỡ bỏ phân loại này và khu vực có nguy cơ trung bình cuối cùng, thị trấn Mãnh Mão thuộc thành phố Thụy Lệ được điều chỉnh là khu vực rủi ro thấp. Hàng rào thép gai được giăng lên tại thị trấn Mãnh Mão, Thụy Lệ (Ảnh: tổng hợp)
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là vào đêm hôm trước đó, tức là vào đêm 14/9, chính quyền đã điều động cảnh sát vũ trang đến phong tỏa thị trấn Mãnh Mão, ở thành phố Thụy Lệ, bằng hàng dây rào thép gai vốn được sử dụng trong chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về an ninh.
Tình huống này đã khiến người dân địa phương hoang mang, nhiều người tỏ ra nghi ngờ với những thông báo cũng như cách thức phòng chống dịch của chính quyền Trung Quốc.
Hoa Long (t/h)