Tin thế sáng Chủ Nhật

Vụ tàu ngầm : Paris triệu hồi đại sứ tại Washington và Canberra

Anh Vũ

Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian giải thích quyết định triệu hồi đại sứ Pháp tại Washington và Canberra : căng thẳng giữa Paris với Mỹ và Úc tiếp tục gia tăng. AP – Jens Schlueter

Sau khi bị Mỹ phá ngang làm hỏng hợp đồng bán tàu ngầm cho Úc, hôm qua 17/09/2021, Pháp đã có một quyết định ngoại giao chưa từng có đối với hai đồng minh truyền thống : triệu hồi đại sứ tại Washington và Canberra về tham khảo ý kiến.

Thông cáo của ngoại trưởng Pháp, Jean- Yves le Drian nói rõ : « Theo yêu cầu của tổng thống, tôi quyết định triệu hai đại sứ tại Hoa Kỳ và Úc về Paris ngay lập tức để tham khảo ý kiến ». Ngoại trưởng Pháp giải thích thêm, quyết định bất thường này được đưa ra là do tính chất nghiêm trọng đặc biệt của thông báo mà Úc và Mỹ đưa ra hôm 15/9 liên quan đến việc Washington trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Canberra trong khuôn khổ thỏa thuận đối tác AUKUS, khiến dự án Pháp bán cho Úc 12 tàu ngầm quy ước bị đổ bể.

Ngay hôm qua, ngoại trưởng Úc Marise Payne đang ở Washington đã tuyên bố rằng Úc thông cảm với nỗi « thất vọng » của Pháp và hứa Canberra sẽ « tiếp tục làm việc và cộng tác chặt chẽ với các đồng nghiệp Pháp ». Về phần Hoa Kỳ, Washington cố gắng xoa dịu Paris với hứa hẹn sẽ trao đổi trong những ngày tới để giải quyết bất hòa

Từ Washington thông tín viên Guillaume Naudin cho biết phản ứng của Mỹ về quyết định của Pháp:

“Đúng là biện pháp không hề bình thường, thái độ phẫn nộ của Pháp rất đáng chú ý đến mức chính quyền Mỹ tự thấy phải có phản hồi. Nhưng đó là phản ứng tối thiểu. Không phải là Nhà Trắng hay ngoại trưởng Anthony Blinken, người nói tiếng Pháp rất giỏi và cũng là người nổi tiếng có thiện cảm với Pháp, phát biểu mà là phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Ned Price lên tiếng giải thích rằng Hoa Kỳ đã tiếp xúc với đồng minh Pháp và được biết Paris triệu hồi đại sứ để tham khảo ý kiến. Ông nhắc lại Pháp là một đối tác chủ chốt và là đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ và liên minh Pháp – Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Thông cáo còn giải thích Mỹ thông cảm với lập trường bày tỏ rõ ràng thái độ bực bội của Pháp. Cam kết của Mỹ không thay đổi, Washington hy vọng thảo luận về các chủ đề gây bất hòa trong cuộc gặp cấp cao Ấn Độ -Thái Bình Dương sắp tới và phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra vào đầu tuần tới tại New York. Đây là dịp để nối lại tiếp xúc sau sự việc có thể coi là sự cố ngoại giao Pháp – Mỹ”.


Úc khẳng định bảo vệ luật pháp quốc tế trên biển và trên không

Thùy Dương

Thủ tướng Úc Scott Morrison, khẳng định AUKUS là hiệp ước mang tính “vĩnh viễn”. Tolga Akmen AFP/Archivos

Bị Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ về vụ mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, chính quyền Úc ngày 17/09/2021 cam kết hành động để luật pháp quốc tế được tuân thủ tại những vùng trên không và trên biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.

Đáp lại những lời chỉ trích của Bắc Kinh rằng việc Canberra mua tầu ngầm hạt nhân là « cực kỳ vô trách nhiệm » và đe dọa sự ổn định trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, trả lời phỏng vấn đài 2GB hôm 17/09/2021, thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định Trung Quốc có một « chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân rất lớn », Bắc Kinh có quyền đưa ra các quyết định quốc phòng vì lợi ích của Trung Quốc nên đương nhiên là Úc và tất cả các quốc gia khác đều có quyền làm như vậy.

Thủ tướng Morrison cũng nhấn mạnh Canberra ý thức được rằng năng lực tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc cũng như các chi tiêu quân sự của Bắc Kinh đều gia tăng nên cần bảo đảm rằng hải phận và không phận quốc tế luôn là các khu vực quốc tế và các quy định pháp luật được áp dụng giống nhau ở mọi nơi. Thủ tướng Úc cho biết thêm là Canberra muốn bảo đảm việc không có « khu vực cấm » trong các vùng có sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế. úc khẳng định liên minh mới với Mỹ và Anh, thành quả của 18 tháng thảo luận giữa Canberra với Washington và Luân Đôn, sẽ là « vĩnh cửu ».

AFP nhắc lại thủ tướng Úc Scott Morrison đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc phỏng vấn rằng Canberra đang ứng phó với những gì đang diễn ra tại châu Á – Thái Bình Dương, nơi ngày càng có nhiều tranh chấp lãnh thổ và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.

AUKUS: Đài Loan phấn khởi với liên minh Mỹ – Anh – Úc

Anh Vũ

AUKUS giúp Đài Loan bơn cô đơn trước những đe dọa của Trung Quốc. Ảnh : tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn. Sam Yeh AFP/File

Thỏa thuận liên minh Mỹ -Anh-Úc cam kết « tăng cường mối liên hệ » với Đài Loan là một tin vui giúp hòn đảo đỡ cảm thấy lẻ loi hơn trước đe dọa bị Trung Quốc thôn tính. Đài Bắc đón nhận thông tin về thỏa ước AUKUS với hy vọng hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan được giữ gìn.

Thông tín viên Adrien Simorre tại Đài Bắc ghi nhận:

“Ngôn từ của chính quyền Đài Loan vẫn thận trọng, nhưng thỏa ước mới của những nước nói tiếng Anh chỉ có thể là tin tốt lành cho Đài Bắc. Nằm cách bờ biển Trung Quốc 200 km, hòn đảo dân chủ này những năm qua luôn phải đối mặt với những sức ép ngày càng lớn của Bắc Kinh.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đài Loan, Âu Giang An (Joanne Ou) khẳng định : « Từ lâu nay Đài Loan chia sẻ với Hoa Kỳ, Úc và Anh Quốc những quan tâm đến hòa bình và ổn định trong vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ với Washington và những nước đối tác khác để cùng bảo vệ hòa bình trong eo biển Đài Loan ».

Đài Loan được nhắc đến 4 lần trong tuyên bố chung giữa Washington và Canberra. Cả hai cường quốc Mỹ-Úc đều nhấn mạnh quyết tâm « tăng cường mối liên hệ với Đài Loan ».

Sau Nhật Bản hồi tháng 7 vừa qua, sự hậu thuẫn của nhóm ba nước Anh, Mỹ và Úc là một cảnh cáo nghiêm túc đối với Trung Quốc. Đặc biệt là Đài Loan vừa nhận được một tin vui khác đến từ Liên Hiệp Châu Âu. Trong tuần này, Bruxelles vừa công bố chiến lược trong vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương, trong đó cũng tập trung những tham vọng của Trung Quốc.

Nghị Viện Châu Âu hôm 16/09 đã thông qua một nghị quyết báo động về chính sách « bành trướng » của Trung Quốc trong Thái Bình Dương đồng thời bảo vệ thỏa thuận đầu tư với Đài Loan. Như vậy cũng đủ giúp Đài Loan giữ được lạc quan, đỡ cảm thấy đơn độc đối phó với những đe dọa của Trung Quốc”.


Báo cáo mới của LHQ : Nhiệt độ Trái đất sẽ tăng 2,7 độ C vào cuối thế kỷ 21

Thùy Dương

COP26-Glasgow, hội nghị chống biến đổi khí hậu mở ra từ ngày 31/10/2021-12/11/2021. © Fotomontagem com imagens do ukcop26.org

6 tuần trước hội nghị Khí Hậu COP 26 tại Glasgow, Scotland, vương quốc Anh, Liên Hiệp Quốc ngày 17/09/2021 ra báo cáo theo đó ngay cả khi các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính có được các nước áp dụng, thì lượng CO2 thải ra khí quyển vẫn sẽ “tăng đáng kể”.

Từ nay đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,7 độ C, trong khi mục tiêu đề ra tại COP21 Paris là nhiệt độ Trái đất chỉ giới hạn ở mức tăng tối đa 1,5-2 độ C. Báo cáo mới nhất Liên Hiệp Quốc công bố hôm qua 17/09 nhấn mạnh là trong bối cảnh lũ lụt, nắng nóng và hỏa hoạn gia tăng khắp nơi trên thế giới, nỗ lực của chính quyền các nước vẫn chưa đủ, rất nhiều quốc gia vẫn chưa nỗ lực để đối phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Ngay cả khi các nước thực hiện các cam kết đã có thì lượng CO2 thải ra môi trường đến năm 2030 vẫn tăng 16% so với năm 2010.

Bà Patricia Espinosa, thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC) lưu ý đó là một mức tăng nghiêm trọng, đi ngược lại những lời kêu gọi của giới khoa học về việc phải giảm nhanh chóng và trên quy mô rộng lượng phát thải ra môi trường để tránh những hậu quả nặng nề về khí hậu.

Đối với Liên Hiệp Quốc, đó là 1 thất bại của thế giới bởi nếu muốn bảo đảm nhiệt độ chỉ tăng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21, lượng phát thải CO2 phải giảm 45% trong giai đoạn 2010-2030. Vì thế, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước “khẩn cấp gia tăng nỗ lực”. Jennifer Morgan, giám đốc điều hành của tổ chức Greenpeace lưu ý là chúng ta đang sống trong tình trạng “nguy cấp về khí hậu” và phải ngừng đẩy gánh nặng cho các thế hệ tương lai.

Trong số 191 bên phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris (190 nước và Liên Âu), hiện vẫn còn 78 nước chưa đệ trình các cam kết mới về khí hậu được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, được gọi là các đóng góp do quốc gia xác định (NDC). Trên nguyên tắc, các quốc gia phải điều chỉnh NDC 5 năm một lần theo hướng giảm mạnh hơn mức phát thải khí, nhằm đạt mục tiêu trung lập lượng khí thải carbon vào giữa thế kỷ. Trong số các nước gây ô nhiễm nhiều nhất mà chưa đệ trình cam kết NDC mới, phải kể đến Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út. Trong khối G20, cũng chỉ có 1 số nước đề ra những mục tiêu tham vọng hơn về cắt giảm khí thải : Mỹ, Liên Âu, Anh, Canada và Achentina.


Bầu cử Quốc Hội Nga: Áp lực gia tăng với cử tri

Thanh Hà

Một phòng phiếu tại Moscow. Ảnh ngày 17/09/2021. AP – Pavel Golovkin

Trong ba ngày, kể từ hôm 17/09/2021, khoảng 180 triệu cử tri Nga được kêu gọi bầu lại 450 dân biểu của viện Douma. Mặc dù lãnh đạo phong trào đối lập, Alexei Navalny đã bị cầm tù nhưng chính quyền vẫn gia tăng sức ép, để bằng mọi giá bảo đảm thắng lợi cho đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Putin.

Chính quyền Nga tìm mọi cách để ngăn chận chiến thuật  ủa phong trào đối lập, dùng ứng dụng « Bỏ Phiếu Thông Minh » gây khó khăn cho đảng cầm quyền. Thông tín viên Anissa El Jabri từ Matxcơva giải thích :  

« Chúng tôi bỏ phiếu chống đảng Nước Nga Thống Nhất. Chống đảng này chứ ». Một người nói như vậy rồi rảo bước đi trong không khí giá lạnh. Cách đó vài thước, ba nhân viên cảnh sát với cái nhìn nghi kỵ khi thấy phóng viên có mặt ở phòng phiếu. Đây là một khu vực ở phía tây bắc Matxcơva, nơi dân cư là thành phần trung lưu. Người ta trông thấy chính quyền áp dụng lại những đòn như ở vào thập niên 1990. Bên cạnh lá phiếu của ứng viên đại diện cho phong trào của ông Navalny, có hai lá phiếu khác của hai ứng viên với cái tên gần giống hệt như nhau. Một cử tri đã lớn tuổi, bà giải thích, « Ouliantchenko và Oulianov, hai lá phiếu này được đặt sát cạnh nhau với lý do một người là ứng viên của đảng Cộng Sản Nga, còn người kia đại diện cho đảng Những người Cộng Sản của nước Nga. Tôi nghĩ là người ta cố tình làm như vậy » và với một nụ cười, bà nói thêm « Trong hoàn cảnh này, chúng tôi biết phải làm gì bây giờ ? »  

Một người đàn ông cùng độ tuổi với bà than thở « tôi đã phải hỏi thăm bạn bè để biết phải làm như thế nào. Có ứng viên Oulianov và Ouliantchenko, họ giống nhau như đúc và phiếu bầu cho họ lại được đặt sát cạnh nhau.

Tại sao lại sử dụng phương pháp đó ? Cử tri này không chút do dự, ông trả lời : « Nỗi sợ hãi. Chính quyền sợ dân chúng bắt đầu ý thức được về những gì đang xảy ra, và đương nhiên là các màn luồn lách, những kiểu làm ăn bẩn thỉu. Đương nhiên là phe cộng sản ít có khả năng đắc cử, nhưng đây sẽ là một cái gai trong cổ họng đối với đảng cầm quyền » .


Lo ngại về việc Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP

Thùy Dương

Bắc Kinh muốn tham gia CPTPP, hiệp định được 11 quốc gia trong vùng Châu Á -Thái Bình Dương ký kết hồi 2018. © GREG BAKER / AFP

Nhiều quan chức cấp cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc nộp đơn gia nhập hiệp định thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương, còn được gọi là hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hôm 16/09/2021, Bắc Kinh thông báo đã chính thức nộp đơn xin gia nhập hiệp định thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương. Để được toại nguyện Trung Quốc phải có sự chấp thuận của tất cả 11 nước thành viên, trong đó có nhiều nước đồng minh của Washington, nhất là Úc, nước mới bị Bắc Kinh chỉ trích gay gắt vì ký thỏa thuận lập liên minh quốc phòng mới với Mỹ – Anh và mua tầu ngầm nguyên tử của Hoa Kỳ. Úc cũng là quốc gia mà Trung Quốc đang có nhiều tranh chấp thương mại từ nhiều tháng nay.

Theo đài truyền hình Nhật NHK, bộ trưởng Thương Mại Úc, Dan Tehan, cho biết các nước thành viên cần được bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của thỏa thuận và tuân thủ các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Tokyo hiện đang là chủ tịch luân phiên của nhóm 11 nước thành viên, cũng đã bày tỏ sự dè dặt về khả năng Bắc Kinh có thể « đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao » của thỏa thuận này. Bộ trưởng Tài Chính Nhật Aso Taro nêu lên việc Trung Quốc ưu đãi cho các doanh nghiệp Nhà nước. Ông Taro nhấn mạnh là Bắc Kinh còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề nếu muốn tham gia hiệp định CPTPP.

Related posts