Ngày 17/9, Phó giám đốc toàn cầu của Amazon, Giám đốc điều hành Mở cửa hàng toàn cầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Amazon nói với báo giới rằng gần đây, Amazon đã đóng tổng cộng 600 cửa hàng của thương hiệu Trung Quốc và khoảng 3.000 tài khoản người bán (seller). Những tài khoản này có hành vi lạm dụng bình luận nhiều lần và Amazon đã đưa ra nhiều cảnh báo từ trước đó.
Kể từ tháng 5 năm nay, Amazon đã bắt đầu chấn chỉnh nền tảng bán hàng của mình và cam kết chống lại nạn vi phạm bản quyền và hàng giả xuất hiện trên nền tảng này. (Ảnh minh họa: Jonathan Weiss / Shutterstock).
Tại buổi “Lễ nâng cấp khu thương mại điện tử xuyên biên giới Hàng Châu” được tổ chức ở Hàng Châu vào ngày 17/9, lần đầu tiên Amazon đã đưa ra phản hồi chính thức về việc khóa các tài khoản seller trong vài tháng qua.
The Paper tại Trung Quốc Đại Lục đưa tin, trả lời câu hỏi của truyền thông, bà Cindy Tai, Phó giám đốc toàn cầu của Amazon và Giám đốc điều hành Mở cửa hàng hàng toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Amazon cho biết, khoảng 600 thương hiệu Trung Quốc và 3.000 tài khoản đã bị khóa, trong đó có một số seller có quy mô lớn. Những người này đã nhiều lần lạm dụng chức năng bình luận, và Amazon đã nhiều lần đưa ra cảnh báo, vậy nên lần này công ty đã quyết định chấm dứt mối quan hệ hợp tác với họ.
Bà Cindy Tai nói, “Tỷ lệ bán hàng của seller Trung Quốc trên nền tảng Amazon không thay đổi, tôi hy vọng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng và cũng là đảm bảo rằng các seller có môi trường kinh doanh tốt trên Amazon”.
Về câu hỏi seller bị khóa tài khoản có cơ hội kháng cáo không? Bà Cindy Tai trả lời rằng theo quy trình của Amazon, seller có nhiều cơ hội khiếu nại. “Cần phải đạt đến mức độ mà chúng tôi hoàn toàn không thể tin tưởng seller nào đó thì chúng tôi mới đưa ra quyết định như vậy.”
Đồng thời, bà cũng nhắc đến, 600 thương hiệu Trung Quốc bị khóa có liên quan đến hành vi vi phạm quy định lạm dụng bình luận nhiều lần, ví dụ như làm giả danh tính, hối lộ (hợp tác với những doanh nghiệp vùng xám), bán sản phẩm vi phạm pháp luật.
Để đối phó với vấn đề vi phạm bản quyền và hàng giả, hàng nhái trong năm nay, Amazon đã chấn chỉnh nền tảng bán hàng toàn cầu và các cửa hàng Trung Quốc là mục tiêu bị nhắm đến. Kể từ đầu tháng 5 năm nay, một số lượng lớn shop trên Amazon đã bị đóng cửa.
Hồi tháng trước, bà Vương Hinh (Wang Xin), Chủ tịch điều hành Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc cho biết, đây là đợt khóa lớn nhất của Amazon trong 5 năm qua và phần lớn seller Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Theo trang tin Caixin, ngày 21/7, một người thân cận với Amazon cho biết hầu hết các cửa hàng bị khóa lần này đều là những seller liên tục vi phạm và “biết rõ nhưng cố ý vi phạm”.
Các shop hàng hiệu do seller Trung Quốc điều hành đã bị khóa liên quan đến nhiều seller xuyên biên giới nổi tiếng như Patuoxun, Aoji và Zebao. Theo các báo cáo, lý do chính của việc Amazon mạnh tay đối với với hành vi không tuân thủ quy định liên quan đến các bình luận giả, tức là hành vi mà các nền tảng thương mại điện tử Đại Lục gọi là “tạo đơn ảo và bình luận ảo”.
Đặt đơn ảo là quy tắc ngầm trong giới thương mại điện tử ở Trung Quốc. Đặt đơn ảo chính là chỉ seller trả tiền để thuê người khác làm khách hàng đặt đơn hàng, và dùng đó để nâng cao mức xếp hạng và lượng bán của cửa hàng cũng như gian lận đánh giá tốt về sản phẩm.
Báo đô thị Phương Nam tại Trung Quốc đưa tin, Hiệp hội thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến thống kê, đã có khoảng gần 50.000 seller Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó nhiều “seller lớn” đứng đầu các ngành hàng, các seller lớn như Tungtuo, Patuoxun, Youkeshu, v.v, đều bị ảnh hưởng. Tổn thất của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã vượt quá 100 tỷ nhân dân tệ.
Theo Sina đưa tin, ngày 13/8, Cục Thương mại thành phố Thâm Quyến đã tổ chức một hội nghị tọa đàm thương mại điện tử xuyên biên giới tại quận Phúc Điền, để lắng nghe báo cáo của các doanh nghiệp liên quan đến sự việc này. Đồng thời cũng để hiểu chi tiết tình hình về ảnh hưởng của việc Amazon khóa cửa hàng, cũng như nghiên cứu và đưa ra các biện pháp giải quyết.
Một bản thông báo mà kênh truyền thông này có được cho thấy, cuộc tọa đàm nghiên cứu lần này là căn cứ vào yêu cầu của tầng lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Đông. Tổ nghiên cứu của Phòng thương mại tỉnh Quảng Đông đã đến Thâm Quyến tìm hiểu ảnh hưởng của ngành thương mại điện tử xuyên biên giới bởi sự kiện Amazon “khóa cửa hàng”, để nghiên cứu và đưa ra biện pháp giải quyết.
Theo Phương Hiểu, Epoch Times