Lưu Bình
Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/9 đề ra chiến lược chính thức nhằm tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chống lại sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Chiến lược của EU nhằm vào Trung Quốc
Trong chiến lược mới về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU đã đề ra trọng tâm trong hàng loạt lĩnh vực quan trọng.
Về thương mại, EU sẽ nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại với Australia và New Zealand, tìm kiếm một thỏa thuận với Ấn Độ và tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia đã có thỏa thuận thương mại, chẳng hạn như Hàn Quốc.
EU cũng sẽ theo đuổi một thỏa thuận thương mại và đầu tư với đảo Đài Loan – động thái chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc, đặc biệt sau khi Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 đã quyết định đóng băng thỏa thuận đầu tư quan trọng mà EU-Trung Quốc đạt được sau 7 năm trời đàm phán.
Trong vấn đề biến đổi khí hậu, EU đặt mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ưu tiên sử dụng hydro tái tạo.
Ở trọng tâm về vấn đề hàng hải, EU hứa hẹn một sự hiện diện ngoại giao lớn hơn, hướng tới mục đích giúp duy trì Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) nhằm ngăn chặn đánh bắt quá mức trong khu vực, cung cấp chuyên môn trong việc bảo vệ các khu vực biển, dự báo thời tiết và hạn chế ô nhiễm biển.
Trong lĩnh vực số hóa, EU muốn bắt đầu đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore về hợp tác sâu hơn về luồng dữ liệu, đổi mới dựa trên dữ liệu và thúc đẩy hơn nữa thương mại kỹ thuật số. EU cũng muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Ấn Độ về các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng di động thế hệ thứ năm.
EU cũng hướng tới muốn hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng với Nhật Bản, Ấn Độ và Áo về liên kết giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không và hàng hải, cũng như đảm bảo rằng các ngân hàng phát triển và các cơ quan xuất khẩu liên kết chặt chẽ hơn khối này với châu Á.
EU ngày 15/9 đã đưa ra một kế hoạch mới để cạnh tranh với sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc, mà họ gọi là “Cửa ngõ toàn cầu”.
Về an ninh và quốc phòng, EU – khối thương mại lớn nhất thế giới – sẽ tìm kiếm mối quan hệ hàng hải chặt chẽ hơn với Australia, New Zealand, Indonesia và Nhật Bản, hứa hẹn nhiều chuyến triển khai hải quân hơn để tuần tra các tuyến đường thương mại khu vực mà Trung Quốc đang bành trướng tham vọng kiểm soát.
Khối này cũng đang cử cố vấn quân sự phục vụ các phái đoàn EU trong khu vực.
Bên cạnh đó, EU cho biết muốn giúp các nước nghèo hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp cận với vaccine Covid-19. EU cũng muốn phát triển hợp tác để đảm bảo đường cung cấp thuốc và thiết bị y tế, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của EU được cho là sẽ châm ngòi cho làn sóng căng thẳng mới giữa châu Âu với Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Bắc Kinh hứng đòn giáng kép
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chính thức được EU công bố hôm 16/9 được coi là đòn giáng mạnh thứ hai chỉ trong vòng 1 ngày nhằm vào Trung Quốc, sau khi liên minh AUKUS thành lập ngày 15 (giờ Mỹ).
Trọng tâm của AUKUS là quyết định của Mỹ trong việc đưa Australia lọt vào nhóm số ít nước sở hữu công nghệ tàu ngầm hạt nhân – như một phần của mối quan hệ đối tác tam giác chiến lược. Động thái này cũng được xem là một phần nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm củng cố các liên minh chống lại Trung Quốc.
AUKUS, có sự góp mặt của Anh, cũng sẽ liên quan đến sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh mạng và AI.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản ứng bằng tuyên bố rằng “việc hình thành ‘bè phái’ khép kín và riêng biệt nhằm vào nước khác” sẽ không được ủng hộ và “chắc chắn thất bại”.