Tin thế giới sáng thứ Ba

Liên minh AUKUS: Trung Quốc đổi kế hoạch dự Đại hội đồng LHQ

Thanh Hà

Một thành viên đội bảo vệ danh dự đi ngang qua tấm áp phích in hình chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gần lối vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, ngày 18/09/2021. AP – Mark Schiefelbein

Theo thông báo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 20/09/2021, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phát biểu qua video trong ngày khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc 21/09/2021, thay vì cử một giới chức cao cấp đến New York theo dự trù ban đầu. Theo giới phân tích, có lẽ liên minh quân sự Anh – Mỹ – Úc (AUKUS) đã khiến Trung Quốc thay đổi kế hoạch.

Thông tín viên đài RFI tại New York Carrie Nooten giải thích về tầm mức quan trọng của sự thay đổi vào giờ chót từ phía Bắc Kinh:

Lẽ ra Trung Quốc chỉ phát biểu vào Thứ Bảy tới đây trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, thế nhưng khi chọn giải pháp để chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu qua video, Bắc Kinh đốt cháy giai đoạn đến 4 ngày trong lịch làm việc của Liên Hiệp Quốc. Như vậy, lãnh đạo Trung Quốc sẽ phát biểu ngay trong ngày đầu tiên, tức là ngày mai.

Cần biết rằng, tại Liên Hiệp Quốc, thứ tự đại diện của 193 thành viên phát biểu được quy định tùy theo cấp bậc. Một vị nguyên thủ quốc gia được ưu tiên phát biểu trước một vị thủ tướng và thủ tướng thì được quyền phát biểu trước một vị bộ trưởng. Cho nên chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lên tiếng cùng ngày với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và như vậy có thể trực tiếp đáp lời lãnh đạo Nhà Trắng.

Có rất nhiều khả năng Bắc Kinh đã quyết định thay đổi chương trình để phản đối liên minh Anh – Mỹ – Úc (AUKUS). Chính hiệp ước an ninh này đang khiến Paris phẫn nộ. Đương nhiên, Trung Quốc không phản đối vì những lý do tương tự như Pháp. Rất có thể Bắc Kinh phản đối chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và lên án một khối gồm 3 nước phương Tây chống lại Trung Quốc. Qua hành động này, Bắc Kinh đưa công luận trở lại với vấn đề cơ bản, vào lúc mà từ nhiều ngày qua mọi người chỉ chú ý đến khủng hoảng giữa Pháp với Hoa Kỳ chung quanh hợp đồng bán tàu ngầm cho Úc”.


Afghanistan: IS-K nhận là tác giả loạt khủng bố nhắm vào Taliban

Thanh Hà

Người dân và quân Taliban đứng quanh nơi vừa xảy ra vụ nổ bom nhắm vào một xe chở lính Taliban, Jalamabad, ngày 19/09/2021. AFP – –

Trong hai thông cáo ngày 19/09/2021, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Afghanistan (IS-K) nhận là tác giả 7 vụ tấn công trong 2 ngày cuối tuần tại Jalalabad. Tất cả nhắm vào « các đoàn xe của Taliban » tại thành phố lớn này ở miền đông Afghanistan.

Jelalabad là thủ phủ vùng Nangarhar, căn cứ quan trọng nhất của tổ chức tự nhận là Nhà Nước Hồi Giáo tại Afghanistan, đối thủ của Taliban.

Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Sonia Ghezali, cho biết thêm về sự kình địch giữa IS-K và Taliban :  

« Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Khorasan, tên gọi của chi nhánh Daech ở Afghanistan, xác nhận đã tấn công các đoàn xe của Taliban tại miền đông Afghanistan. Các vụ khủng bố bằng bom đã xảy ra tại Jalalabad, thủ phủ tỉnh Nangarhar, sát biên giới với Pakistan. Đây là nơi nhóm khủng bố này ra đời hồi đầu năm 2015.

Loạt tấn công trong 2 ngày cuối tuần vừa qua cho thấy an ninh tại Afghanistan rất bấp bênh kể từ khi Taliban giành được chính quyền hôm 15/08/2021.

Nhóm IS-K thường xuyên tấn công vào cộng đồng thiểu số người Shia ở Afghanistan, tiếp tục hoành hành tại quốc gia này. Cũng nhóm này nhận là tác giả vụ khủng bố hôm 26/08/2021 gần phi trường Kabul vào lúc hàng ngàn người đang tập hợp với hy vọng được di tản. Hơn 100 người đã thiệt mạng trong đợt khủng bố đó.

Phía Taliban tới nay luôn giảm thiểu mức độ nguy hiểm của nhóm khủng bố này, như một nhà báo người Afghanistan ghi nhận trên Twitter. Có lẽ đã đến lúc Taliban cần xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc hơn ». 

Trung Quốc dừng nhập trái cây, Đài Loan sẽ kiện lên WTO

Thụy My

Chợ đêm Sĩ Lâm (Shilin) ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 24/11/2018. Yuri Smityuk/TASS – Yuri Smityuk

Thêm một hành động gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc : Hôm 19/09/2021, Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu 2 loại trái cây của Đài Loan, với lý do chính thức là về vệ sinh. Chính phủ Đài Loan tố cáo một đòn chính trị, và muốn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong cuộc họp báo hôm 19/9, bộ trưởng Nông Nghiệp Đài Loan Trần Cát Trọng (Chen Chi Chung) cho biết đã yêu cầu Bắc Kinh cung cấp bằng chứng khoa học, vì « không thể chấp nhận được việc này ».

Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre cho biết thêm chi tiết :

« Mãng cầu và mận của Đài Loan không còn xuất hiện trên các kệ hàng ở thị trường Trung Quốc kể từ ngày mai. Bắc Kinh khẳng định tìm thấy ký sinh trùng ở một số chuyến hàng chở 2 loại trái cây đặc sản nhập từ Đài Loan.

Nhưng đối với Đài Bắc, quyết định của Trung Quốc mang tính chính trị, nhằm gây bất ổn cho chính phủ Đài Loan. Ngoại trưởng Đài Loan viết trên Twitter : « Ngoài các đe dọa về quân sự, Trung Quốc còn dùng thương mại làm vũ khí ». Ông nói thêm đó là một quyết định « thù địch, đi ngược lại với các tiêu chí quốc tế ».

Chính quyền Đài Loan cũng lập tức loan báo sẽ đưa hồ sơ này ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới, nếu Trung Quốc không rút lại quyết định.

Những hành động như thế đã từng diễn ra. Hồi tháng Hai, Bắc Kinh đã ngừng nhập khẩu thơm từ Đài Loan vì những lý do tương tự. Rốt cuộc, gậy ông đã đập lưng ông : Cả một phong trào tương trợ đã được hình thành xung quanh mặt hàng thơm của Đài Loan. »

Trung Quốc là nước nhập nông sản của Đài Loan nhiều nhất, khoảng trên 1 tỉ đô la trong năm 2020. Sau khi thơm của Đài Loan bị Trung Quốc chèn ép, khối lượng mặt hàng này xuất sang Nhật Bản đã tăng lên gấp 8 lần.

Bầu cử Nga: Đảng của Putin giành đa số, đối lập tố cáo gian lận

Thụy My

Các thành viên ủy ban bầu cử địa phương kiểm phiếu tại một phòng phiếu trong nhà ga Kazansky, Matxcơva, Nga, ngày 19/09/2021. REUTERS – EVGENIA NOVOZHENINA

Phe đối lập Nga hôm 20/09/2021 tố cáo nạn gian lận hàng loạt, trước kết quả đảng của tổng thống Putin chiếm hơn 2/3 số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Hầu hết những người ủng hộ ông Navalny bị cấm ra tranh cử lần này do tổ chức của nhà đối lập bị xếp loại « cực đoan ».

Theo kết quả kiểm phiếu tại 85% đơn vị bầu cử, đảng Nước Nga Thống Nhất giành được 49,76% số phiếu, chiếm ít nhất 315/450 ghế tại Quốc Hội. Tuy có giảm so với năm 2016 (54,2%), đa số này đủ để cho đảng cầm quyền sửa đổi Hiến Pháp mà không cần liên minh với các đảng khác

Từ Moscow, thông tín viên Anissa El Jabri tường trình:

“Dùng cây gậy để đánh vào đối lập với các vụ bắt bớ, chạy trốn sang nước ngoài liên tục diễn ra kể từ mùa xuân này, dụ dỗ cử tri đảng Nước Nga Thống Nhất bằng củ cà rốt tiền thưởng…Chính quyền không từ bất cứ điều gì cho đến tận phút chót.

Đêm qua, theo tờ Novaya Gazeta, tại Saint Petersbourg, các thành viên ủy ban bầu cử đã bị bắt. Còn tại Matxcơva, việc kiểm các phiếu bầu qua hệ thống điện tử bị ngưng lại. Kết quả được thông báo vào sáng nay. Dù sao đi nữa, với khoảng 45% số phiếu theo kết quả sơ khởi, điện Kremlin đã đạt được mục tiêu.

Đảng cầm quyền bị sụt mất 9 điểm so với năm 2016, cho thấy sự bất bình của công luận đã được biểu lộ qua lá phiếu. Người ta cũng ghi nhận số phiếu bầu cho đảng cộng sản tăng vọt từ 13% lên 20%. Đây được cho là thành công của phe Navalny : ê-kíp của nhà đối lập trong đa số trường hợp đã kêu gọi bầu cho đảng này để trừng phạt Kremlin. Chính quyền giữ được 2/3 số ghế ở Quốc Hội, theo kết quả kiểm phiếu ban đầu”.

AFP cho biết tổ chức phi chính phủ Golos ước lượng có khoảng 4.950 vụ gian lận, như bỏ thêm phiếu vào thùng, chậm loan báo kết quả một cách đáng ngờ, quan sát viên bị đuổi khỏi phòng phiếu…

Trước cuộc bầu cử, tỉ lệ tín nhiệm của đảng Nước Nga Thống Nhất bị giảm xuống dưới 30%, theo thăm dò của Viện Vtsiom, một cơ quan nhà nước. Đảng của tổng thống Vladimir Putin bị nhiều tai tiếng tham nhũng, thường do phong trào của Navalny tiết lộ. Bên cạnh đó, mức sống của người dân Nga bị giảm sút trong những năm gần đây.

Khủng hoảng tàu ngầm: Pháp hủy một cuộc họp với bộ trưởng Quốc Phòng Anh

Trọng Nghĩa

Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly trả lời phỏng vấn trong phòng thu đài RFI, ngày 16/09/2021, sau khi Mỹ – Anh – Úc thông báo thành lập liên minh AUKUS và Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. © RFI

Sau vụ Anh, Mỹ và Úc thành lập liên minh AUKUS và Canberra quyết định hủy bỏ thương vụ mua tầu ngầm của Pháp, Paris đã có một loạt phản ứng mạnh đặc biệt nhắm vào Mỹ và Úc, mà nổi cộm là quyết định triệu hồi đại sứ Pháp ở Canberra và Washington. Một cuộc gặp giữa lãnh đạo Quốc Phòng hai nước cũng đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của Paris.

Theo hãng tin Pháp AFP, nguồn tin từ bộ Quân Lực Pháp hôm 19/08/2021, xác nhận rằng cuộc tiếp xúc dự kiến trong tuần này tại Luân Đôn giữa bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly và bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của Paris.

Tại Luân Đôn, một nguồn tin từ bộ Quốc phòng Anh cho biết không thể phủ nhận hay xác nhận việc hủy bỏ này, nhưng khẳng định : “Vương Quốc Anh vẫn trao đổi với Pháp về các cuộc gặp. Chúng tôi vẫn có quan hệ quốc phòng chặt chẽ và hiệu quả với Pháp, nước vẫn là một đồng minh đáng tin cậy”.

Quyết định hủy bỏ cuộc tiếp xúc được đưa ra trong bối cảnh Paris chưa hết giận dữ về việc hợp đồng cung cấp tàu ngầm Pháp cho Úc bị Canberra đơn phương hủy bỏ để quay sang mua tàu ngầm của Mỹ, sau khi cùng với Washington và Luân Đôn thành lập liên minh chiến lược AUKUS để chống lại Trung Quốc, mặc nhiên gạt Pháp ra bên lề.

Trong những ngày qua, một cuộc khủng hoảng ngoại giao đã bùng lên giữa Pháp với Anh, Úc và Mỹ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 18/09 tố cáo các đồng minh là đã có hành vi “dối trá” “khinh thường” nước Pháp.

Đối với nước Anh, dù không dùng đến biện pháp mạnh là triệu hồi đại sứ, nhưng ngoại trưởng Pháp không ngần ngại đả kích đích danh Luân Đôn về thái độ “cơ hội chủ nghĩa thường trực” và “theo đuôi” Mỹ-Úc trong liên minh AUSKUS.

Trước những phản ứng mạnh từ phía Pháp, tương tự như Hoa Kỳ, Anh Quốc cũng chủ trương đấu dịu.

Vài tiếng đồng hồ sau khi thông tin về vụ Pháp hủy bỏ cuộc họp giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng được tiết lộ, thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn tuyên bố rằng hai nước luôn có một “quan hệ rất thân thiện” với một “tầm quan trọng vô cùng lớn”.

Theo hãng tin Anh Press Association, thủ tướng Anh còn nói thêm: “Tình yêu mà chúng tôi dành cho nước Pháp là điều bất diệt”.

Cuộc khủng hoảng tàu ngầm nhìn từ Bruxelles
Liên Hiệp Châu Âu và NATO đang lo ngại theo dõi đà gia tăng căng thẳng giữa Pháp và ba đồng minh trong AUKUS. Vốn chưa hết chấn động sau cuộc di tản khẩn cấp khỏi Afghanistan, các nước NATO một lần nữa rơi vào tình trạng khó xử sau khi các đại sứ Pháp từ Canberra và đặc biệt là từ Washington bị triệu hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương: Căng thẳng Pháp-Mỹ có lợi cho Trung Quốc?

Trọng Nghĩa

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham quan một tàu ngầm với thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Sydney, Úc, tháng 5/2018. BRENDAN ESPOSITO POOL/AFP/File

Với quan hệ Pháp – Mỹ đột nhiên căng thẳng trong vụ “khủng hoảng tàu ngầm”, các nhà phân tích cho rằng tình hình này, nếu kéo dài, có khả năng tác hại đến liên minh giữa Mỹ với Pháp nói riêng và với châu Âu nói chung.

Trước mắt, đây là một sự cố làm dấy lên mối hoài nghi về mặt trận thống nhất mà Washington đang cố thành lập nhằm chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, một mặt trận trong đó Châu Âu có thể đóng một vai trò không nhỏ.

Trả lời hãng tin Anh Reuters ngày 18/09/2021, ông Benjamin Haddad, giám đốc Trung Tâm Châu Âu, thuộc Hội Đồng Đại Tây Dương, đã không ngần ngại tự hỏi: “Vào thời điểm mà chính quyền Biden muốn tập hợp Châu Âu trong một mặt trận chung xuyên Đại Tây Dương để đẩy lùi sự quyết đoán của Trung Quốc, tại sao không kết nạp thành viên chủ chốt của Liên Âu?”.

Thành viên chủ chốt ở đây chính là nước Pháp, luôn được đánh giá là một trong hai đầu tầu chính thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu tiến lên, và là một trong số ít quốc gia Châu Âu có đủ thực lực để can dự vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, góp sức cho chính quyền Biden trong đối sách Trung Quốc của Mỹ.

Đối với nhiều chuyên gia, Trung Quốc đã vươn lên thành trọng tâm đối ngoại chính của chính quyền Biden, nhưng quan hệ lạnh nhạt với Paris có thể gây tác hại nghiêm trọng đến chiến lược rộng lớn này.

Trước mắt, thỏa thuận tàu ngầm ba bên Úc – Anh – Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ khi phải đối mặt với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng thiệt hại xuất phát từ sự tách rời của Pháp có thể lớn hơn mối lợi trước mắt đó.

Theo chuyên gia Pháp François Heisbourg, cố vấn cấp cao về châu Âu tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, “Trung Quốc chắc hẳn đang phải cười nôn ruột”. Lý do là vì Bắc Kinh thấy “có hy vọng loại bỏ nguy cơ Châu Âu sát cánh bên cạnh Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”

Theo giới quan sát, mặc dù quan hệ Mỹ – Úc mạnh mẽ hơn sẽ khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại, nhưng Pháp, cường quốc quân sự hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu, vẫn có lập trường mạnh mẽ trong việc thúc đẩy một đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc, trong khi các nước Liên Âu khác như Đức có vẻ chú ý hơn đến việc không làm xáo trộn quan hệ thương mại với Bắc Kinh .

Đối với chuyên gia Heisbourg, mối lợi lớn đối với Trung Quốc là khả năng “Châu Âu về cơ bản sẽ ở bên lề và không đóng vai trò tích cực ở Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung”. Theo chuyên gia này, trong tương lai, Pháp có thể thu hẹp trọng tâm chú ý để chỉ tập trung vào các lợi ích cụ thể của mình ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, thay vì nỗ lực đẩy lùi Trung Quốc trên bình diện rộng hơn.

Điều trớ trêu đối với những ai quan tâm đến việc đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc là một ngày sau khi thỏa thuận tàu ngầm Úc – Anh – Mỹ được loan báo, Liên Hiệp Châu Âu đã công bố chiến lược chính thức nhằm tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và chống lại Trung Quốc. Nhưng theo ông Heisbourg, với việc Pháp bớt hăng hái, nỗ lực của châu Âu có nguy cơ chết yểu, hoặc nếu tồn tại thì cũng sẽ trở nên rời rạc hơn nữa.

Bên cạnh các suy đoán kể trên, một số nhà phân tích khác tin rằng nhu cầu bắt buộc để chống lại Bắc Kinh sẽ giúp các nước phương Tây thu hẹp bất đồng của mình.

Ông Greg Poling, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, đã ví von : “Mức độ lo lắng ngày càng tăng trên toàn cầu về Trung Quốc là thủy triều đang nâng tất cả các tàu thuyền trong vụ này. Tôi khá tin tưởng rằng sẽ có một vài tháng khó khăn ở phía trước, nhưng Paris sẽ vượt qua được, bởi vì các lợi ích chiến lược của Pháp buộc họ phải vượt qua”.

Related posts