Theo truyền thông trong nước đưa tin, nhân chuyến thăm Việt Nam của nhóm tàu chiến Úc, hải quân Việt Nam và hải quân Hoàng gia Úc sẽ có hoạt động luyện tập chung trên vịnh Cam Ranh. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ trao đổi về các chủ đề hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa; hợp tác về an ninh biển; kết nối giữa sĩ quan hải quân trẻ của Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) và các học viên sĩ quan từ Học viện Hải quân Việt Nam.
Nhóm Tác chiến Nỗ lực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2021 (IPE21) của Úc gồm 3 tàu Hải quân Hoàng gia: Tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra, Tàu hộ vệ tên lửa HMAS Anzac và Tàu tiếp dầu HMAS Sirius cùng 700 sĩ quan, thủy thủ thuộc Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) do Đề đốc Mal Wise, Chỉ huy trưởng Chương trình IPE21 làm trưởng đoàn đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa hôm 20/9.
Việt Nam và Úc sẽ bắt đầu các hoạt động hợp tác song phương giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Hoàng gia Úc từ ngày 20 đến 23/9.
Đề đốc Mal Wise cho biết: “Việc Việt Nam có thể tiếp đón Nhóm Tác chiến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là minh chứng cho quan hệ quốc phòng sâu rộng giữa Việt Nam và Úc.”
Các hoạt động hợp tác song phương trong khuôn khổ IPE21 bao gồm: Trao đổi về các chủ đề hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; giới, hòa bình và an ninh; hợp tác về an ninh biển; kết nối giữa sĩ quan hải quân trẻ của ADF và các học viên sĩ quan từ Học viện Hải quân Việt Nam và hoạt động luyện tập chung trên vịnh Cam Ranh giữa hải quân 2 nước, tập trung vào Quy tắc xử lý đối với các cuộc gặp bất ngờ trên biển (CUES).
“Nỗ lực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là hoạt động hợp tác quan trọng hàng đầu của Úc trong khu vực với sự tham gia của Nhóm Tác chiến gồm đại diện đến từ các quân binh chủng ADF, các cơ quan chính phủ Úc, cũng như đại diện hải quân từ các quốc gia đối tác.
Chuyến thăm Việt Nam của nhóm tàu Úc diễn ra trong bối cảnh Mỹ – Anh – Úc vừa thành lập liên minh chiến lược AUKUS nhằm thực thi “sứ mệnh đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong dài hạn.” Các nhà quan sát nói rằng nó là để nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Với hợp tác mới này, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên. Ngoài ra, các bên còn đẩy mạnh hợp tác về không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam với vị trí trọng yếu trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương đã trở thành điểm đến được quan tâm của các cường quốc.
Việt Nam đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi cuối tháng 7, sau đó là chuyến thăm của Phó TT Kamala Harris vào cuối tháng 8. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một phó TT đương nhiệm tới Việt Nam, trong đó bà nhấn mạnh về vấn đề an ninh và tự do hàng hải, về duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Ngày 10/9 vừa qua, Việt Nam đón tiếp cả Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nuobo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Úc và Việt Nam vào tháng 3 năm 2018 đã đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; ủng hộ việc sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý.