Hoa Kỳ cho nhập cảnh du khách nước ngoài đã chích ngừa Covid
Minh Anh
Tòa Bạch Ốc hôm 20/09/2021, thông báo kể từ ngày 01/11/2021, sẽ cho dỡ bỏ các quy định cấm nhập cảnh đối với các du khách quốc tế đã tiêm đủ hai liều vac-xin ngừa Covid-19.
Jeffrey Zients, điều phối viên chống dịch Covid ở Nhà Trắng, nêu rõ là du khách quốc tế muốn nhập cảnh vào Mỹ phải trình giấy chứng nhận tiêm ngừa Covid-19, tiến hành xét nghiệm PCR ba ngày trước khi đến Mỹ và phải đeo khẩu trang.
Như vậy, việc dỡ bỏ những hạn chế chỉ liên quan đến những ai đã tiêm ngừa bằng các loại vac-xin đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Mỹ (FDA) công nhận như Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson&Johnson (Janssen).
Nếu như Nhà Trắng vẫn tỏ ra mập mờ về danh sách các loại vac-xin , cho rằng quyết định sẽ do các cơ quan y tế đưa ra, thì Ủy viên Châu Âu Thierry Breton, phụ trách điều phối cung cấp vac-xin cho Liên Hiệp Châu Âu, lên tiếng trấn an rằng đã có tiếp xúc với đồng nhiệm Mỹ, và biện pháp này cũng có hiệu lực đối với hàng triệu công dân khối Liên Hiệp cũng như Anh Quốc được tiêm bằng vac-xin AstraZeneca.
Thông báo của Mỹ ngay lập tức đã được phía Liên Hiệp Châu Âu và các doanh nghiệp của khối này hoan nghênh, xem đây là « một biện pháp đã được các gia đình bị chia cắt trông đợi từ lâu », « một tin tốt lành cho các doanh nghiệp ».
Thông tin này được đưa ra đúng vào lúc xảy ra căng thẳng lớn giữa Pháp và Mỹ trong vụ Úc hủy hợp đồng mua tầm ngầm của Pháp. Ông Jeffrey Zients tuy nhiên không đả động gì đến cuộc khủng hoảng ngoại giao, nhấn mạnh rằng quyết định được đưa ra « dựa trên các khuyến nghị từ các nhà khoa học ».
AFP nhắc lại, năm 2020, vào lúc dịch bệnh bùng phát dữ dội, Hoa Kỳ ban hành quy định « Travel Ban » khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh ngộ chia lìa đau thương và việc chính quyền Biden vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm này khiến nhiều đối tác khó chịu, nhất là Liên Hiệp Châu Âu, vốn dĩ đã mở cửa cho du khách Mỹ từ nhiều tháng qua.
Khủng hoảng tàu ngầm : Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ Pháp
Anh Vũ
Trước khi khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc, các ngoại trưởng của Liên Hiệp Châu Âu ( EU ) đang có mặt tại New York đã họp vào đêm 20/09/2021 để tỏ tình đoàn kết với Paris trong cuộc khủng hoảng do hợp đồng cung cấp tàu ngầm của Pháp cho Úc bị Hoa kỳ phá ngang. Lập trường của các nước EU là vụ việc này giờ đây liên quan đến tất cả các nước thành viên Liên Âu.
Tuy không còn cảm thấy đơn độc trong vụ khủng hoảng tàu ngầm với Mỹ và Úc, Paris vẫn không nguôi giận. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trong cuộc họp báo tiếp tục cao giọng chỉ trích Hoa Kỳ trong vụ này. Ông Le Drian gọi đó là « sự rạn vỡ lòng tin » với Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi các nước Châu Âu phải có « phản hồi mạnh mẽ ».
Theo chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, nhiều nước thành viên Liên Âu đã kêu gọi hoãn cuộc họp khai mạc Hội đồng Thương mại và công nghệ giữa EU-Mỹ dự trù vào cuối tháng 9 tại Pittsbourgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, EU cũng cho biết cuộc khủng hoảng liên Đại Tây Dương này sẽ có thể ảnh hưởng đến lịch trình đàm phán thương mại với Úc. Nói cách khác là thỏa thuận tự do mậu dịch mà EU đang đàm phán với Úc có thể sẽ rơi vào tầm ngắm.
Thông tín viên Pierre Benazet tại Bruxelles phân tích về lập trường của Liên Âu :
Phải vài ngày sau, các nước Liên Hiệp Châu Âu mới quyết định tỏ lập trường rõ ràng ủng hộ Pháp đối với Úc và nhất là đối với Hoa Kỳ. Khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc này là dịp để thể hiện sự đoàn kết.
Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell đã tóm tắt cuộc họp 27 nước tại New York bằng từ đoàn kết. Có vẻ như Pháp đã tạo được niềm tin cần thiết với các đối tác. Việc triệu hồi các đại sứ tại Canberra và Washington đã góp phần thuyết phục các nước châu Âu rằng Pháp không bỏ qua sự việc.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã đánh giá cách đối xử của Hoa Kỳ là « không thể chấp nhận được ». Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cũng gọi đó là hành động « thiếu chân thành ».
Các nước Liên Hiệp Châu Âu nhìn chung giờ đây nhận thấy trong thông báo của liên minh Mỹ-Úc-Anh một dấu hiệu không bền vững trong tuần trăng mật liên Đại Tây Dương, được khơi dậy khi ông Joe Biden lên lãnh đạo nước Mỹ.
Ông Charles Michel khẳng định đó cũng là yếu tố phải thúc đẩy các nước Châu Âu tăng cường « năng lực hành động » của mình.
Vấn đề là xem liệu đây có phải là bước thứ hai tiến tới sự tự chủ chiến lược của Châu Âu sau cú sốc thất bại ở Afghanistan hay không.
Mặc dù căng thẳng vẫn tiếp tục xung quanh vụ tàu ngầm, thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay cho biết ông sẽ không hội đàm với tổng thống Pháp. Trong khi đó, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian xác nhận « trong những ngày tới » hai tổng thống Joe Biden và Emmanuel Macron sẽ nói chuyện điện thoại với nhau.
Khủng hoảng tầu ngầm: Washington cố chăm chút quan hệ với Paris
Minh Anh
Khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Mỹ chưa kết thúc vào lúc khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc hôm nay 21/09/2021. Hai nguyên thủ quốc gia Pháp và Mỹ vẫn chưa nói chuyện trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết tổng thống Biden có ý định trao đổi với đồng nhiệm Pháp trong những giờ sắp tới.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường thuật :
« Hạnh phúc giản dị như một cuộc gọi điện thoại. Một quảng cáo cũ xưa của Pháp từng nói như thế và tổng thống Mỹ dường như cũng tin vào điều đó. Nhà Trắng xác nhận là Joe Biden đã đề nghị tiếp xúc trực tiếp với Emmanuel Macron nhằm xóa tan cuộc khủng hoảng tầu ngầm.
Tổng thống Mỹ cho biết rất muốn thảo luận với đồng nhiệm Pháp. Phát ngôn viên của Nhà Trắng nhắc khéo là nếu như phản ứng mạnh của Pháp có thể là do những vấn đề đối nội, thì mối quan hệ song phương sẽ được đề cập đến.
Bà Jen Psaki phát biểu : « Có vài trăm việc làm bị đe dọa tại Pháp và đương nhiên điều này quan trọng đối với với họ về mặt đối nội. Chúng tôi hiểu điều đó, nhưng tôi nghĩ rằng quý vị có thể tin rằng cuộc gọi của tổng thống Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn về việc tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với mối liên minh của chúng ta, mối quan hệ đối tác và về việc cùng nhau hợp tác trong nhiều vấn đề, kể cả an ninh vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đây sẽ là nội dung cốt lõi của cuộc gọi ».
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có thể sẽ nói chuyện với đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng Pháp tiếp tục lên án việc phá vỡ niềm tin giữa các đồng minh. »
Liên Hiệp Quốc: Tuần lễ ngoại giao bận rộn của thủ tướng Úc
Thụy My
Chưa đầy một tuần sau khi liên minh quân sự với Anh và Hoa Kỳ (AUKUS) được loan báo thành lập, gây thiệt hại lớn cho Pháp, thủ tướng Úc Scott Morrison bắt đầu một loạt hoạt động ngoại giao. Hôm nay, 21/09/2021, ông có mặt tại New York để tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, và có các cuộc gặp bên lề với lãnh Mỹ, Nhật, Ấn, cũng như nhiều nhà lãnh đạo châu Âu.
Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse cho biết thêm chi tiết :
« Đây sẽ là tuần lễ ngoại giao bận rộn nhất trong sự nghiệp của ông Scott Morrison, theo nhận xét của nhật báo The Australian, khi thủ tướng Úc vừa mới đến New York.
Trong chương trình sẽ có cuộc gặp ngày mai với tổng thống Mỹ Joe Biden, và cuộc họp trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ Tứ, trong đó Nhật Bản và Ấn Độ hẳn muốn biết hai đối tác an ninh này sẽ phối hợp với liên minh mới Mỹ-Anh-Úc như thế nào.
Nhưng cuộc gặp tế nhị nhất đối với ông Morrison chắc chắn là giữa thủ tướng Úc với đồng nhiệm Thụy Điển và chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, Bà Ursula van Der Leyen hôm qua đã tố cáo cách xử sự “không thể chấp nhận được” của Úc đối với Pháp.
Cuộc họp này càng nhạy cảm hơn vì chỉ còn một tháng nữa là đến vòng đàm phán thứ 12 giữa Bruxelles và Canberra về việc ký kết một hiệp ước tự do mậu dịch. Theo nhiều nguồn tin chính phủ Úc, Pháp đang cố gắng ngăn chận hiệp ước này ».
Philippines ủng hộ Úc mua tàu ngầm nguyên tử để chống Trung Quốc
Theo Reuters, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm nay, 21/09/2021, tuyên bố ủng hộ quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Anh-Úc, và hy vọng có được sự cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông Locsin cho rằng khả năng đáp trả trong thời gian ngắn nhất của một nước bạn gần gũi với ASEAN sẽ giúp đối phó với một mối đe dọa trong khu vực hoặc một sự thay đổi nguyên trạng.
Ngoại trưởng Philippines không nói rõ đó là mối đe dọa nào, tuy nhiên từ nhiều tháng qua Manila rất tức giận trước sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu ở Trường Sa, nơi mà Philippines coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Joe Biden và Tập Cận Bình đối đầu tại Liên Hiệp Quốc
Thụy My| Minh Anh
Hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình hôm 21/09/2021 sẽ đối đầu tại Liên Hiệp Quốc : Tổng thống Mỹ đến phát biểu trong ngày khai mạc cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và sau đó chủ tịch Trung Quốc lên tiếng qua video thu sẵn được gởi đến.
Theo phát ngôn viên Jen Psaki, ông Biden trong lần đầu tiên dự họp Liên Hiệp Quốc, sẽ tuyên bố « không tìm cách tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh với bất kỳ nước nào », và quan hệ với Trung Quốc không phải là xung đột, mà là cạnh tranh. Bắc Kinh cũng phản đối ý tưởng « chiến tranh lạnh mới », nhưng đây là điểm giống nhau duy nhất giữa hai đại cường, mà quan hệ đang rất căng thẳng.
Đối với tổng thống Dân Chủ, diễn đàn đa phương này là cơ hội để nhấn mạnh đến « sự trở lại » của nước Mỹ sau bốn năm dưới thời Donald Trump. Tuy nhiên, việc rút quân trong hỗn loạn khỏi Afghanistan mà không phối hợp với các đồng minh, và khủng hoảng với Pháp trong thương vụ tàu ngầm Úc, đang làm mờ đi thông điệp của Biden, trong bối cảnh phương Tây tìm phương cách đối phó với Bắc Kinh.
Tổng thống Biden coi việc so găng với Trung Quốc là ưu tiên lớn nhất của nhiệm kỳ, nhấn mạnh sự đối đầu giữa các nền dân chủ và chế độ độc tài. Sự thành lập liên minh AUKUS nằm trong chiến lược này. Về phía Paris và một số nước châu Âu muốn có thái độ mềm dẻo hơn.
Ngày khai mạc không như dự kiến của Biden
Bài diễn văn của Joe Biden hôm nay là một trong những phát biểu được chờ đợi nhất tại cuộc họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, thế giới muốn hiểu thêm về việc rút quân khỏi Afghanistan và dự định tiếp theo của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ cũng muốn đặt vấn đề khí hậu làm tâm điểm. Tuy nhiên, từ bốn ngày qua mọi sự đã thay đổi, và không khí ngày khai mạc sẽ không như dự kiến, theo giải thích của thông tín viên Carrie Nooten tại New York :
« Trước hết, chương trình đọc diễn văn vốn được xếp theo một số quy tắc lẫn thứ tự tình cờ, chừng như dành ưu tiên cho tổng thống Mỹ, không có diễn giả nào được qua mặt.
Tuy nhiên có sự thay đổi : Tập Cận Bình gởi đến một thông điệp sẽ được phổ biến trong buổi sáng, nên bỗng dưng hai cường quốc chia sẻ diễn đàn. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres sẽ đề cập đến sự đối đầu giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung, mà theo ông « nguy hiểm hơn cả Chiến tranh lạnh ».
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo châu Âu mà ông Joe Biden sẽ gặp gỡ bên lề hội nghị rất tức giận với Washington. Ngoại trưởng 27 nước châu Âu tại New York hôm qua đã phản đối cách xử sự với Pháp, nạn nhân của liên minh AUKUS. Tóm lại, đó là một công chúng rõ ràng ít ủng hộ tổng thống Mỹ hơn dự kiến. Cuối cùng, Iran từ chối một cuộc họp ở New York nhằm tái thúc đẩy đàm phán về hồ sơ hạt nhân.
Thế nên, dù có tin là tổng thống Mỹ sẽ loan báo đóng góp khoản tiền rất lớn cho vấn đề khí hậu, lời hứa của ông có nguy cơ bị thời sự địa chính trị nhấn chìm ».
Phiên họp Đại Hội Đồng : Bước tiền trạm cho COP26
Biến đổi khí hậu cũng là một chủ đề trong chương trình nghị sự của khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần này, khi chỉ còn sáu tuần nữa là diễn ra Hội nghị Khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland ( 31/10-12/11/2021 ).
Mọi sự chú ý dồn vào bài phát biểu hôm nay, 21/09/2021, của tổng thống Joe Biden, dự trù sẽ thông báo những « tin tốt lành » về tài trợ cho những nước nghèo chống biến đổi khí hậu.
AFP cho biết, hôm qua, một cuộc họp kín đã được tổ chức giữa tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, thủ tướng Anh Boris Johnson và đặc phái viên về khí hậu của tổng thống Mỹ John Kerry.
Năm 2009, tại hội nghị Copenhague, các nước phát triển đã cam kết đóng góp 100 tỷ đô la cho giai đoạn 2020 – 2025, hỗ trợ các nước phía nam thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, ông Guterres lấy làm tiếc rằng kế hoạch tài trợ, dự trù sẽ được thông báo trong hội nghị COP26, đã bị chậm trễ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : « Năm 2019-2020, chúng ta đã thất bại, những tính toán từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) cho thấy vẫn còn thiếu đến 20 tỷ đô la. » Lãnh đạo định chế cao nhất của thế giới cảnh báo nguy cơ « xói mòn niềm tin giữa các nước phát triển và đang phát triển ».
Liên Hiệp Quốc cho rằng để thuyết phục giới chính khách, cần phải đánh động công luận. Năm nay, Liên Hiệp Quốc đã triển khai nhiều phương tiện lớn và cho mời BTS, nhóm nhạc pop nổi tiếng của Hàn Quốc. Năm rồi, màn trình diễn của ban nhạc này đã làm quá tải trang mạng Internet của Liên Hiệp Quốc.