Tin thế giới sáng thứ Năm

Hoa Kỳ gia tăng viện trợ về biến đổi khí hậu

Minh họa hình ảnh về các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu. Ảnh: insideclimatenews.org

NEW YORK/ UNITED NATION – Tổng Thống Joe Biden nói với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng: Ông sẽ làm việc với Quốc Hội để gia tăng gấp đôi ngân quỹ lên đến $11,4 tỷ Mỹ Kim vào năm 2024, để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu, đồng thời giúp đạt được mục tiêu toàn cầu đã đặt ra hơn một thập niên trước, nhằm huy động 100 tỷ Mỹ Kim mỗi năm để hỗ trợ hành động khí hậu tại các quốc gia dễ bị tổn thương. N

hà lãnh đạo Hoa Kỳ đưa ra nhận định nói trên trong khi chỉ còn chưa đầy sáu tuần nữa, sẽ bắt đầu hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Glasgow, Scotland.

Chủ tọa của hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần này là Thủ Tướng Boris Johnson cho biết: Mục tiêu tài chánh của khí hậu là chìa khóa để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển trước các cuộc đàm phán mới.

Vì các quốc gia phát triển đã không thực hiện được lời cam kết là xây dựng ngân quỹ $100 tỷ Mỹ Kim mỗi năm, như mục tiêu ban đầu đề ra vào năm 2020.

Tuần trước bản tường trình của Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế ghi nhận như sau: Các quốc gia giàu có đã bỏ lỡ mục tiêu đóng góp $100 tỷ Mỹ Kim vào năm ngoái, để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu sau khi tăng tài trợ ít hơn 2% vào năm 2019.

Chuyên gia Vũ Hán từng muốn thả virus Corona vào hang dơi 18 tháng trước khi bùng dịch

Thụy Miên

Tiến sĩ Thạch Chính Lệ của Viện Virus học Vũ Hán

Các nhà khoa học Vũ Hán lên kế hoạch tung virus Corona lai mới vào những hang dơi ở Vân Nam (Trung Quốc), nhằm chủng ngừa dơi trước những căn bệnh có thể lây sang người, theo tài liệu vào năm 2018.

Báo The Telegraph hôm 21.9 dẫn tài liệu mới cho thấy 18 tháng trước thời điểm phát hiện những ca Covid-19 đầu tiên, các nhà khoa học tại Vũ Hán đã đề xuất kế hoạch phun các hạt nano vào những hang dơi ở Vân Nam. Các hạt nano này thẩm thấu qua da, và chứa nhiều “protein gai lai mới” của virus Corona mà dơi là vật chủ. Đây có thể được xem như một cách chủng ngừa qua không khí.

Bên cạnh đó, họ có kế hoạch tạo ra các virus lai, được can thiệp gien để lây nhiễm người dễ dàng hơn. Nhóm này đề nghị Cơ quan Các dự án Quốc phòng Hiện đại của Mỹ (DARPA) tài trợ 14 triệu USD cho dự án trên.

Được một cựu quan chức chính quyền tổng thống Mỹ thời ông Donald Trump xác nhận là có thật, các tài liệu trên cho thấy các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiến hành chỉnh sửa gien trên virus Corona ở dơi, theo đó cho phép chúng dễ dàng xâm nhập tế bào người hơn.

Vào thời điểm virus gây bệnh Covid-19 (SARS-CoV-2) lần đầu tiên được giải mã trình tự gien, giới khoa học rất thắc mắc làm cách nào virus này có thể tiến hóa ở vị trí phân cắt trên protein gai để có khả năng thích nghi với người mà nhờ vậy SARS-CoV-2 có thể lây lan nhanh chóng.

Đề xuất của nhóm cũng bao gồm các kế hoạch trộn lẫn những biến thể virus Corona nguy cơ cao trong tự nhiên, với những chủng lây lan mạnh hơn nhưng ít nguy hiểm hơn.

Khủng hoảng tầu ngầm: Liên Âu ủng hộ Pháp, nhưng muốn giữ quan hệ với Mỹ

Thu Hằng

Phó chủ tịch ủy Ban Châu Âu Maros Sefcovic, trong một cuộc họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 08/12/2020. REUTERS – POOL

Liên Hiệp Châu Âu nhất trí đoàn kết với Paris trong vụ Úc hủy hợp đồng tầu ngầm với Pháp, cũng như « phải tập trung vào tự chủ chiến lược », theo phát biểu của phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Maros Sefcovi, đặc biệt sau những sự kiện Afghanistan và liên minh AUKUS. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên muốn duy trì mối quan hệ với Hoa Kỳ, đặc biệt trước sức mạnh Nga và Trung Quốc.

Đây là lập trường của hai ngoại trưởng Thụy Điển và Ireland khi phát biểu bên lề một cuộc họp tại Bruxelles ngày 21/09/2021. Ông Thomas Byrne, quốc vụ khanh Ireland về châu Âu, cho rằng cuộc khủng hoảng Pháp-Mỹ không nên « xé nát » những quan hệ đồng minh vốn có. Còn ngoại trưởng Thụy Điển Hans Dahlgren nhấn mạnh « cần phải bảo vệ các lợi ích chiến lược » của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng « không thể làm việc đó bằng cách tự co cụm ».

Còn đối với phó thủ tướng Litva Arnoldas Pranckevicius, chỉ có « đoàn kết xuyên Đại Tây Dương » mới là « sức mạnh lớn nhất trước các nước như Nga và Trung Quốc ». Ông hy vọng Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu « vượt qua được sự ngờ vực xuyên Đại Tây Dương, vì điều này nằm trong lợi ích của cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ ».

Trong bối cảnh căng thẳng còn kéo dài, hai ngoại trưởng Pháp và Mỹ cùng tham gia một cuộc họp trong ngày 22/09 để « trao đổi quan điểm » với nhiều cường quốc khác. Tuy nhiên, hai ông Jean-Yves Le Drian và Antony Blinken không dự trù đối thoại trực tiếp.

Khủng hoảng « niềm tin » cũng đe dọa đến kế hoạch tổ chức cuộc họp của Hội đồng Thương mại và Công nghệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, dự kiến diễn ra ngày 29/09 tại Pittsbourgh, bang Pennsylvania (Mỹ).

Theo AFP, Ủy Ban Châu Âu đang đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng này đến cuộc họp. Phía Mỹ vẫn đề nghị duy trì cuộc họp, theo phát biểu với báo giới của một quan chức Hoa Kỳ bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Afghanistan: Taliban bị lên án “trấn áp và gây không khí sợ hãi”

Phụ nữ Afghanistan biểu tình phản đối việc Taliban bắt họ không được rời khỏi nhà một mình, Kandahar, Afghanistan, ngày 14/09/2021. via REUTERS – ASVAKA NEWS AGENCY

Trong một báo cáo công bố ngày 21/09/2021, ba tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên án Taliban phá hủy « một cách hệ thống » mọi tiến bộ đạt được từ 20 năm qua tại Afghanistan về nhân quyền và tự do ngôn luận. Ngoài ra, Taliban liên tục quấy nhiễu, lạm dụng quyền lực kể từ khi lên nắm quyền vào giữa tháng 08/2021.

Ba tổ chức Ân Xá Quốc (Amnesty International), Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức thế giới chống tra tấn (OMCT) tố cáo « Taliban từng cố trấn an thế giới rằng họ sẽ tôn trọng nhân quyền, nhưng những thông tin trên thực địa lại chứng minh ngược lại ».

Trả lời đài RFI ngày 21/09, bà Nathalie Godard, giám đốc chương trình hành động của tổ chức Ân Xá Quốc Tế tại Pháp, cho biết :

« Chúng tôi không có chút ảo tưởng nào về chương trình thật sự của Taliban. Hiện tại, chúng tôi có bằng chứng cho thấy ý định của họ trước hết là phá hủy mọi tiến bộ đạt được về nhân quyền trong 20 năm vừa qua và áp đặt trấn áp trên mọi phương diện đối với xã hội dân sự, phụ nữ, nhà báo, các nhà hoạt động nhân quyền và tất cả những người phản đối Taliban.

Các nhà bảo vệ nhân quyền hiện đang sợ hãi và bị đe dọa thường trực. Ví dụ một nhà bảo vệ nhân quyền người Afghanistan, trốn được khỏi nước này, đã bị hăm dọa thẳng thừng khi Taliban lên cầm quyền, những đồng nghiệp của ông bị đánh đập, bị quất roi.

Người này đã chứng kiến những đe dọa thật sự và trực tiếp mà giới bảo vệ nhân quyền ở Kabul hiện phải đối mặt. Trong khi đó những nhà đấu tranh còn ở lại thì bị kẹt ở Kabul, vì hiện giờ rất khó rời khỏi nước. Có thể thấy là họ vừa bị đe dọa trực tiếp, bị truy hại, như những trường hợp mà chúng tôi đã tham khảo được và vừa phải sống trong không khí sợ hãi thường trực ».

Hiện mới chỉ được một vài nước công nhận, chính quyền Taliban đã gửi thư yêu cầu được phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhân danh nhà nước Afghanistan. Theo ông Stéphane Dujarric, một người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Amir Khan Muttqi được Taliban cử làm đại diện, trong khi đó đại sứ của chính quyền cũ cũng yêu cầu được phát biểu. Theo AFP, đến ngày 21/09, Liên Hiệp Quốc vẫn chưa quyết định ai sẽ đại diện cho Afghanistan phát biểu tại Đại Hội Đồng.

Tổng thư ký LHQ gián tiếp chỉ trích Mỹ, Trung khiến thế giới tách thành hai khối

Trọng Thành

Tổng thứ ký LHQ Antonio Guterres ( T ) tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden nhân khóa họp thứ 76 Đại Hội Đồng LHQ, New York, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2021. REUTERS – KEVIN LAMARQUE

Ngày 21/09/2021, trong buổi khai mạc khóa họp thứ 76 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres đã bày tỏ nỗi lo ngại trước nguy cơ thế giới bị tách thành hai khối, và tình trạng này, nếu xảy ra, có thể để lại những hậu quả còn « tồi tệ hơn » thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Không chỉ đích danh, nhưng rõ ràng là ông Antonio Guterres nhắm vào Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong các bài diễn văn tiếp theo hôm qua, hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đã cố trấn an cộng đồng quốc tế. Trong bài diễn văn của ông, tổng thống Mỹ không hề trực tiếp nhắc đến tên Trung Quốc, nhưng nhiều diễn đạt cho thấy Washington đối lập với Bắc Kinh trên hàng loạt lĩnh vực, từ các vấn đề an ninh tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho đến thương mại, nhân quyền.

Thông tín viên Carrie Nooten tường trình từ New York:

« Chúng tôi không muốn một cuộc Chiến tranh lạnh mới », tổng thống Hoa Kỳ ngay lập tức đáp lại những lo ngại của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, cũng như phần còn lại của thế giới, đang lo lắng trước căng thẳng dâng cao những tháng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ thừa nhận, về nhiều vấn đề lớn của nhân loại như khí hậu, đại dịch, hay phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không thể có được các giải pháp, nếu không có sự phối hợp giữa hai cường quốc Mỹ – Trung.

Tuy nhiên, ông Joe Biden cũng cảnh báo : Hoa Kỳ sẽ không bao giờ để cho một đất nước nhỏ bé bị xâm lược. Tuyên bố này khiến người ta ngay lập tức nghĩ đến các bất đồng xung quanh vấn đề Đài Loan.

Vài giờ sau đó, đến lượt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng. Tương tự như bài diễn văn hồi năm ngoái, chủ tịch Trung Quốc tự khẳng định như một người cổ vũ nhiệt thành cho chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh đến đòi hỏi phải đối thoại và hợp tác.

Do đương kim tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không chọn cách hành xử đơn phương như người tiền nhiệm Donald Trump, những lời lẽ của chủ tịch Trung Quốc cứ như thể là một sự lặp lại kỳ lạ bài diễn văn của người đồng cấp Mỹ.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng đòi hỏi vị thế một siêu cường của nước này phải được khẳng định đầy đủ. Hai lãnh đạo Mỹ, Trung đã cố gắng trấn an, nhưng thế nguyên trạng hiện nay dường như rất khó được duy trì ».

Khí hậu : Mỹ có thể tài trợ 11,4 tỉ đô la/năm cho các nước nghèo
Trong bài diễn văn hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đặc biệt cổ vũ việc dùng các nỗ lực « ngoại giao » để giải quyết các khủng hoảng. « Sức mạnh quân sự » chỉ là biện pháp sau cùng, theo ông Joe Biden. Tổng thống Mỹ cũng đưa ra nhiều cam kết mới về khí hậu.

Ông Biden hứa sẽ làm việc với Quốc Hội Mỹ để tăng gấp đôi, từ đây đến 2024, khoản trợ giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đối khí hậu, cụ thể là 11,4 tỉ đô la hàng năm cho lĩnh vực này, trong tổng số 100 tỉ/năm mà Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phát triển đã hứa hẹn hỗ trợ các nước nghèo trong lĩnh vực khí hậu.

TT Mỹ Biden tổ chức thượng đỉnh trực tuyến về Covid-19

Thùy Dương

Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ sau khi phát biểu trước Đại Hội Đồng LHQ, New York, Hoa Kỳ ngày 21/09/2021. REUTERS – POOL

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay 22/09/2021 tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về Covid-19, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, nhằm mục đích mở rộng, củng cố các nỗ lực chung và thúc đẩy các nước liên kết để đối phó với đại dịch Covid-19.

AFP nhắc lại thông báo tổ chức thượng đỉnh Covid-19 của tổng thống Mỹ Biden đã được Nhà Trắng đưa ra hôm thứ Sáu 17/09. Xuất phát từ một ý tưởng của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Biden dự kiến đề nghị 193 nước cam kết về các mục tiêu tiêm phòng Covid-19 cho người dân.  

Tổng thống Mỹ muốn từ nay đến tháng 09/2022, 70% dân số thế giới được tiêm ngừa và ông đã hứa là Washington tăng cường nỗ lực trên trường quốc tế để chống đại dịch, cũng như chống biến đổi khí hậu. Theo dự kiến, tại thượng đỉnh, Washington sẽ thông báo những cam kết mới hỗ trợ vac-xin cho các nước mà chiến dịch tiêm ngừa tiến triển chậm nhất.  

Cụ thể, Reuters cho biết tổng thống Biden sẽ thông báo mua thêm 500 triệu liều vac-xin để tặng các nước thu nhập thấp, nâng số lượng vac-xin Mỹ hỗ trợ cho thế giới lên thành hơn 1,1 tỉ liều. Số vac-xin Pfizer/BioNTech mà chính quyền Biden đặt mua bổ sung sẽ được sản xuất ngay tại các cơ sở ở Mỹ và sẽ được chuyển cho các nước nghèo kể từ đầu tháng 01/2022.  

Ân Xá Quốc Tế chỉ trích các hãng bào chế vac-xin
Trong khi đó, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hôm nay, 22/09, tố cáo các tập đoàn dược phẩm bào chế vac-xin ngừa Covid-19 đã thúc đẩy « một cuộc khủng hoảng nhân quyền chưa từng có ». Trong một báo cáo, Amnesty International khẳng định hầu hết các hãng này không ưu tiên cấp vac-xin cho các nước nghèo nhất.  

Tổng thư ký Agnès Callamard nhấn mạnh phải hoan nghênh các công ty bào chế vac-xin ngừa Covid-19 như những « người hùng », bởi vì tiêm vac-xin cho cả thế giới là cách duy nhất để chúng ta thoát khỏi khủng hoảng. Thế nhưng, trong thông cáo, bà cũng chỉ trích việc các đại tập đoàn bào chế, Big Pharma, cố ý ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ và ưu ái các quốc gia giàu có. Điều này đã dẫn đến sự khan hiếm vac-xin và gây tác hại tàn phá đối với rất nhiều nước.

Xem xét các chính sách của các hãng bào chế AstraZeneca, Pfizer, BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và Novavax, Ân Xá Quốc Tế kết luận : « Ở các mức độ khác nhau, 6 nhà phát triển vac-xin đã không thực hiện đúng trách nhiệm của họ về nhân quyền ». Trong số 5,76 tỷ liều vac-xin đã được sử dụng, chỉ có 0,3% là ở các nước có thu nhập « thấp », 79% được sử dụng ở các nước có thu nhập « trung bình cao »« cao ». Ân Xá Quốc Tế đề nghị các hãng và chính phủ các nước cấp cho các nước thu nhập vừa và thấp 2 tỉ liều vac-xin.  

Covid-19 : Ấn Độ xuất khẩu vac-xin trở lại

Thu Hằng

Đóng gói thành phẩm vac-xin ngừa Covid-19 tại Viện Huyết thanh Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 21/01/2021. AP – Rafiq Maqbool

Sau 5 tháng giữ vac-xin ngừa Covid-19 để chống dịch trong nước, Ấn Độ sẽ xuất khẩu trở lại kể từ tháng 10/2021 « để tôn trọng những cam kết với chương trình COVAX ». Ngày 20/09/2021, bộ trưởng bộ Y Tế Mansukh Mandaviya cho biết Ấn Độ sẽ sản xuất được hơn 300 triệu liều vac-xin trong tháng 10 và khoảng 1 tỉ liều trong ba tháng cuối năm, đặc biệt là nhờ Viện Huyết thanh Ấn Độ (Serum Institute of India, SII), nhà sản xuất vac-xin lớn nhất thế giới.

Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi giải thích:

« Cách đây một năm, trong kỳ họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Ấn Độ đã hứa sẽ cứu thế giới thông qua việc gửi vac-xin Ấn Độ đi khắp nơi.

Chiến lược ngoại giao vac-xin này phần nào bị thất bại vì New Delhi đột ngột ngừng xuất khẩu vac-xin ngừa Covid-19 từ cuối tháng 04/2021 để chích ngừa cho người dân trong nước, phải chống chọi với đợt lây nhiễm mới gây chết người. Kết quả là chỉ có 66 triệu liều vac-xin Ấn Độ được xuất ra ngước ngoài, thấp hơn 9 lần so với đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.

Tình hình hiện được cải thiện ở Ấn Độ, tỉ lệ lây nhiễm đã giảm, sản lượng đã tăng và gần 1/4 số người trưởng thành Ấn Độ đã được chích ngừa hoàn toàn, với 800 triệu liều được tiêm.

Vì thế New Delhi hứa sẽ xuất khẩu vac-xin trở lại ngay từ tháng 10/2021 nhưng không nêu chi tiết tỉ lệ phân bổ. Cho đến giờ, 2/3 số liều được gửi đi đều là quà tặng hoặc là hợp đồng bán song phương, chủ yếu cho các nước châu Á láng giềng và 1/3 dành cho chương trình COVAX viện trợ vac-xin các nước nghèo. Trong số này, phần lớn được phân bổ cho Cộng Hòa Congo, Ethiopia và Nigeria ».

26 thống đốc yêu cầu Biden họp về khủng hoảng biên giới

Fox News đưa tin, hơn 20 thống đốc Cộng hòa đang yêu cầu họp với Tổng thống Biden để giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh biên giới của Mỹ. Các thống đốc cho rằng, làn sóng nhập cư bất hợp pháp dưới thời ông Biden đã tạo ra một “cuộc khủng hoảng nhân đạo quốc tế”.

26 thống đốc Cộng hòa bao gồm các thống đốc của tiểu bang Arizona, Florida, Texas… đã ký vào một lá thư công bố hôm thứ Hai (20/9). Các thống đốc yêu cầu tổng thống Biden lên họp với họ tại Tòa Bạch Ốc trong vòng 15 ngày tới.

Những nhà lãnh đạo tiểu bang này mong muốn thay mặt người dân Hoa Kỳ và những người hy vọng trở thành công dân Hoa Kỳ, để đối thoại cởi mở và xây dựng với chính quyền Biden về các biện pháp thực thi tại biên giới. 

Các thống đốc cho biết, các vụ bắt giữ ở biên giới đã tăng gần 500% so với năm ngoái, dưới thời cựu tổng thống Trump. Trong đó, có khoảng 9.700 trường hợp vượt biên bất hợp pháp bị bắt giữ là người có tiền án hình sự. Các thống đốc Cộng Hòa cho hay, lượng ma túy fentanyl bị thu giữ trong năm tài chính này cao hơn so với tổng lượng Fentanyl của 3 năm trước gộp lại. 

Bức thư viết “Trong khi các thống đốc đang làm những gì chúng tôi có thể, Hiến pháp yêu cầu tổng thống phải thực hiện chính xác các điều luật nhập cư đã được Quốc hội thông qua. Chính phủ liên bang không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng [biên giới] mà còn khiến các tiểu bang của chúng tôi phải đối mặt với những thách thức mà chỉ chính phủ liên bang mới có quyền hạn giải quyết”. 

Các thống đốc tiếp tục. “Là tổng thống, ông có khả năng hành động để bảo vệ nước Mỹ, khôi phục an ninh và chấm dứt cuộc khủng hoảng ngay bây giờ.”

Bức thư được công bố một ngày sau khi chính phủ Mỹ đóng cửa một phần biên giới phía nam và bắt đầu trục xuất hàng trăm người di cư Haiti đang cắm trại quanh một cây cầu ở Del Rio, Texas. 

Tòa Bạch Ốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Fox News

Taliban đề cử đại sứ, muốn phát biểu tại Liên Hiệp Quốc

Taliban đã yêu cầu được phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc ở New York trong tuần này và đề cử phát ngôn viên Suhail Shaheen có trụ sở tại Doha của họ làm đại sứ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, theo tin từ Reuters.

Bộ trưởng Ngoại giao Taliban Amir Khan Muttaqi đã đưa ra yêu cầu này trong một bức thư gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vào hôm 20/9. Ông Muttaqi đã yêu cầu được phát biểu trong cuộc họp cấp cao hàng năm của Đại hội đồng.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres, Farhan Haq, xác nhận bức thư của Muttaqi. Động thái này gây ra một cuộc đối đầu với Ghulam Isaczai, đại sứ Liên Hợp Quốc tại New York đại diện cho chính phủ Afghanistan bị Taliban lật đổ vào tháng trước.

Ông Haq cho biết yêu cầu của Taliban về việc đại diện cho Afghanistan tại Liên Hiệp Quốc đã được gửi tới một ủy ban gồm 9 thành viên, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Ủy ban này ít có khả năng sẽ họp về vấn đề này trước ngày 20/9, vì vậy việc Bộ trưởng Ngoại giao Taliban sẽ phát biểu trước cơ quan thế giới là khó xảy ra.

Việc được Liên Hợp Quốc chấp nhận đại sứ tại tổ chức này sẽ là một bước quan trọng trong nỗ lực của Taliban nhằm được quốc tế công nhận, điều này có thể giúp mở ra các khoản tiền viện trợ quốc tế cần thiết cho nền kinh tế Afghanistan.

Ông Guterres nói rằng mong muốn của Taliban được quốc tế công nhận là đòn bẩy duy nhất mà các quốc gia khác phải thúc đẩy để có một chính tôn trọng các quyền, đặc biệt là đối với phụ nữ, ở Afghanistan.

Lá thư của Taliban cho biết nhiệm vụ của đại sứ chính quyền cũ Afghanistan, Isaczai “coi như đã kết thúc và ông ta không còn đại diện cho Afghanistan nữa”, ông Haq nói.

Theo quy định của Đại hội đồng LHQ, cho đến khi có quyết định của ủy ban thông tin, ông Isaczai sẽ tiếp tục giữ ghế. Ông hiện dự kiến phát biểu vào ngày cuối cùng của cuộc họp vào ngày 27 tháng 9, nhưng không rõ liệu có quốc gia nào phản đối sau bức thư của Taliban hay không.

Theo truyền thống, ủy ban này sẽ họp vào tháng 10 hoặc tháng 11 để đánh giá yêu cầu của tất cả các thành viên Liên hợp quốc trước khi đệ trình báo cáo để Đại hội đồng thông qua trước cuối năm.

Các thành viên khác của ủy ban là Bahamas, Bhutan, Chile, Namibia, Sierra Leone và Thụy Điển.

Khi Taliban cầm quyền lần trước từ năm 1996 đến 2001, đại sứ của chính phủ Afghanistan bị lật đổ khi đó vẫn tiếp tục đại diện cho chính quyền này tại Liên Hợp Quốc sau khi ủy ban thông tin trì hoãn quyết định yêu cầu được tiếp quản ghế đại diện từ Taliban.

Theo báo cáo của ủy ban, quyết định này đã bị hoãn lại “dựa trên sự hiểu biết rằng các đại diện của Afghanistan được công nhận tại Liên hợp quốc sẽ tiếp tục tham gia vào công việc của Đại hội đồng”.

Theo đuổi ‘zero COVID’ là kỳ vọng phi thực tế về sự an toàn

Kể từ khi có vắc-xin COVID-19, một câu hỏi mới đã xuất hiện: Con số tử vong và ca bệnh nặng vì COVID-19 sẽ là bao nhiêu, khi gần như tất cả người dân đã được tiêm chủng? Đây là câu hỏi phổ biến nhưng không dễ có câu trả lời. 

Theo báo South China Morning Post, thế giới đang tiến gần đến lời giải khi ngày càng nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ gần đạt tỉ lệ tiêm chủng tối đa.

Dù mỗi nơi mỗi khác biệt, bức tranh chung hiện nay cho thấy có thể sẽ đến lúc thế giới phải chấp nhận số ca tử vong vì COVID-19 sẽ cao hơn so với bệnh cúm để bước tiếp, xóa bỏ các biện pháp giãn cách và đóng cửa biên giới.

Trong khi các quốc gia châu Âu có tỷ lệ tiêm chủng cao phần lớn đã trở lại cuộc sống bình thường, việc sống chung với COVID-19 có thể khó được chấp nhận hơn đối với các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, vốn trước đó đã tránh được tỷ lệ tử vong lớn bằng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt.

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Roberto Bruzzone – đồng giám đốc Viện nghiên cứu Pasteur (Đại học Hong Kong) – giới chính trị gia sắp tới sẽ gặp khó khăn để truyền đạt lại viễn cảnh trên cho người dân, vì công chúng đã tin rằng vắc-xin có thể giúp mọi thứ trở lại bình thường.

“Có vẻ mọi người mong rằng chúng ta có thể chết vì mọi loại bệnh, trừ COVID-19. Chúng ta không cần các con số để ru ngủ hay xoa dịu nỗi đau, cái chết là một phần của sự sống và chúng ta cần nhìn nhận toàn cảnh của đại dịch này”, ông Bruzzone nói.

Ông Julian Savulescu – nhà triết học và đạo đức sinh học tại ĐH Oxford (Anh) và ĐH Melbourne (Úc) – cho rằng các quốc gia theo đuổi phương pháp loại bỏ COVID-19 hoàn toàn (Zero COVID) đang có “những kỳ vọng phi thực tế về sự an toàn, gần với sự bất tử”.

Related posts