Tin thế giới sáng thứ Sáu

Dự thảo tuyên bố chung của QUAD: “Cứng rắn hơn” với Trung Quốc tại Biển Đông

Thủ tướng Úc Scott Morrison họp trực tuyến với các đối tác Mỹ, Nhật và Ấn Độ hôm 13/03/2021. Nhưng lần này Bộ Tứ QUAD sẽ họp trực tiếp tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ. AP – Dean Lewins

Theo nhiều nguồn tin gần gũi với hồ sơ này, được truyền thông Nhật Bản loan tải hôm 23/09, dự thảo tuyên bố chung của Bộ Tứ sẽ sử dụng « ngôn từ cứng rắn hơn trước đây » liên quan đến tình hình ở các vùng biển mà Trung Quốc đang đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền. Các thành viên Bộ Tứ « phản đối những thách thức đối với trật tự dựa trên luật pháp quốc tế về hàng hải », đặc biệt là ở vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo Kyodo News, tại hội nghị của nhóm QUAD trước đó vào tháng 3, được tổ chức trực tuyến, trong tuyên bố chung, lãnh đạo bốn nước đã khẳng định « tạo điều kiện hợp tác, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, để đáp ứng những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật pháp » ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã trở nên quyết đoán trong các yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, một nhóm đảo nhỏ do Nhật Bản quản lý ở Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Trung Quốc cũng tiếp tục đẩy mạnh việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của một tòa án quốc tế năm 2016 bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên gần trọn vùng biển này.

Về hợp tác công nghệ, theo dự thảo tuyên bố chung, bốn quốc gia QUAD sẽ hợp tác phát triển mạng 5G an toàn và minh bạch, một lĩnh vực mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Dưới thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, Bộ Tứ đã tổ chức nhiều cuộc họp ở cấp bộ trưởng. Lần đầu tiên QUAD đã tổ chức thượng đỉnh vào tháng 3 năm nay, ngay sau khi tổng thống Joe Biden lên cầm quyền.

 Liên Hiệp Quốc tổ chức thượng đỉnh toàn cầu về thực phẩm

Trọng Thành

Ảnh tư liệu ngày 12/05/2021. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, người chủ trì hội nghị trực về thực phẩm toàn cầu. AP – Maxim Shemetov

Lần đầu tiên từ gần 20 năm nay, Liên Hiệp Quốc tổ chức một thượng đỉnh toàn cầu về thực phẩm hôm 24/09/2021, tại New York. Các thách thức hàng đầu là cải tổ hệ thống sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm toàn cầu để đẩy lùi nạn đói và tạo điều kiện để đông đảo người dân trên hành tinh có thực phẩm chất lượng tốt.

Theo AFP, hơn 85 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ có kế hoạch tham gia thượng đỉnh trực tuyến của Liên Hiệp Quốc khai mạc hôm nay. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, trong một tuyên bố đưa ra nhân dịp này, nhấn mạnh : « Cộng đồng quốc tế có một cơ hội duy nhất để tham gia vào việc thực hiện các Mục Tiêu phát triển bền vững năm 2030 », do Liên Hiệp Quốc xác định, với việc « thay đổi các phương thức sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm ».

Theo ban tổ chức, đây là lần đầu tiên có một hội nghị toàn cầu ở cấp thượng đỉnh dành cho chủ đề cải cách « các hệ thống thực phẩm », từ khâu sản xuất đến phân phối, bao gồm các ngành công nghiệp thực phẩm, các nhà sản xuất phân bón… Hội nghị đã được chuẩn bị từ 18 tháng nay, sau thông báo của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hồi tháng 10/2019. Hàng loạt « đối thoại » đã được tổ chức tại 148 quốc gia để tìm cách xác định các phương thức giúp cho « các hệ thống thực phẩm » hiện nay trở nên công bằng hơn, hiệu quả hơn và tôn trọng môi trường hơn.

Các kỳ vọng đặt vào Thượng đỉnh hôm nay của Liên Hiệp Quốc là rất lớn, trong bối cảnh 811 triệu người trên thế giới đang bị đói, và 2,7 tỉ người không có điều kiện sử dụng thực phẩm có chất lượng, theo một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc.

Ban tổ chức cho biết đã có hơn 80 nước đệ nạp « lộ trình hành động quốc gia » để đạt được các mục tiêu này. Thượng đỉnh cũng là dịp để khởi động « một số liên minh » bao gồm nhiều quốc gia và các tác nhân khác nhau, tập hợp xung quanh một số mục tiêu chung, như phát triển nông nghiệp sinh thái, hay thực phẩm học đường… Giới doanh nghiệp cũng có kế hoạch ra một tuyên bố chung nhân dịp này.

Thượng đỉnh do Davos đồng tổ chức
Bà Agnes Kalibata, đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, phụ trách thượng đỉnh này, cho biết đây là dịp để giới công nghiệp thực phẩm đưa ra các cải cách căn bản để giảm nạn béo phì trên toàn cầu. Theo nhiều nghiên cứu, hiện tại trên thế giới có đến hai tỉ người béo phì hoặc quá cân do sử dụng các loại thực phẩm kém chất lượng, « mất cân bằng ».

Nhiều tổ chức phi chính phủ và khoa học gia đã lên án thượng đỉnh này, vì sự hiện diện áp đảo của các tập đoàn đa quốc gia, ngược hẳn với vị thế yếu của xã hội dân sự, của giới sản xuất nhỏ. Trả lời RFI, đại diện của tổ chức Action contre la Faim (Hành động chống nạn đói), Pauline Verrière, nhấn mạnh đến « sự hiện diện rất đông đảo của các tập đoàn công nghiệp thực phẩm » trong quá trình chuẩn bị thượng đỉnh. Đây là lần đầu tiên một thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về thực phẩm được tổ chức không phải theo sáng kiến của các quốc gia, mà là của Diễn đàn Kinh tế Davos, định chế vốn được coi là của giới doanh nhân, tài phiệt thế giới.

Lãnh đạo ngoại giao châu Âu kêu gọi Bruxelles và Washington củng cố lòng tin

Thùy Dương

Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borell (trái) họp với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Đại Hội Đồng LHQ ở New York, Hoa Kỳ, ngày 22/09/2021. AFP – JASON DECROW

Cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden, vốn dĩ rất được trông chờ trong những ngày qua, cuối cùng đã diễn ra ngày 22/09/2021. Một thông cáo chung mang tính hòa giải rất cao đã đưa ra, hướng tới sự tăng cường hợp tác. Sự hợp tác Pháp – Mỹ cũng phải liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu. Điều này đã được đề cập nhiều lần trong thông cáo chung của hai nguyên thủ quốc gia.

Cũng trong ngày hôm qua, đến lượt lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell gặp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Đôi bên nhấn mạnh đến việc Âu – Mỹ phải củng cố sự tin cậy lẫn nhau.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet giải thích:

« Sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp và Mỹ, ông Josep Borrell đã có cuộc gặp với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Đây là cơ hội để lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu nhấn mạnh và gửi đi một thông điệp giống hệt thông điệp của nước Pháp. Josep Borrell tuyên bố « Chúng ta phải củng cố niềm tin xuyên Đại Tây Dương », tương tự như khẳng định trong thông cáo của hai vị tổng thống.

Theo hai vị nguyên thủ quốc gia, hành động của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược. Vì thế, đối với Liên Âu, cần tích cực tranh thủ tuyên bố này. Thứ nhất, bởi vì các nước châu Âu đã quyết định thành lập một mặt trận chung với Pháp : sau một vài ngày lần chần tránh né, giờ đây họ tin rằng mối liên kết xuyên Đại Tây Dương nhìn chung đã suy yếu. Thứ hai, bởi vì mối quan tâm của Liên Âu là đầu tư vào khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, nơi đang trở thành trọng tâm mới của thế giới.

Vả lại, liên minh Anh, Úc và Mỹ đã được công bố ngay trước hôm Bruxelles công bố chiến lược ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các nước Liên Âu hiện giờ hy vọng có thể được kết nối với các sáng kiến của Mỹ trong khu vực này ».

Khủng hoảng tàu ngầm: Lãnh đạo Mỹ – Pháp cam kết khôi phục lòng tin

Trọng Thành

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron tại thượng đỉnh G7- Anh hôm 13/06/2021. REUTERS – DOUG MILLS

Sáu ngày kể từ khởi đầu « khủng hoảng tàu ngầm », tổng thống Hoa Kỳ và tổng thống Pháp đã có cuộc điện đàm hôm qua 22/09/2021. Thông cáo chung khẳng định « các tham vấn công khai giữa các đồng minh » có thể đã giúp tránh được cuộc khủng hoảng ngoại giao, được coi là nghiêm trọng nhất trong quan hệ song phương kể từ năm 2003, khi Pháp không tham gia vào cuộc chiến Irak do Mỹ khởi xướng.

Trong cuộc điện đàm nói trên, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng thừa nhận « vai trò chiến lược » của Pháp và Liên Âu, và tầm quan trọng của một « nền quốc phòng Liên Âu », điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nỗ lực thúc đẩy trong thời gian qua. « Nền quốc phòng Liên Âu » vốn là vấn đề mà chính quyền Mỹ lâu nay vốn có thái độ không rõ ràng.

Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

« Cuộc đối thoại kéo dài khoảng nửa giờ được Nhà Trắng đánh giá là hữu nghị, và kết thúc cuộc điện đàm là một loạt đồng thuận. Sau một tuần lễ căng thẳng, đây đã là một thành quả. Hai vị nguyên thủ quốc gia đồng ý là việc tiến hành tham vấn công khai giữa các đồng minh có thể đã giúp tránh được các diễn biến vừa qua, nói một cách khác là tránh được khủng hoảng ngoại giao song phương. Rõ ràng là lãnh đạo hai nước đã quyết định chấm dứt cuộc khủng hoảng này.

Hai bên cũng nói đến việc khởi sự « các tham vấn sâu nhằm thiết lập các điều kiện cho sự tin tưởng lẫn nhau », nhưng không cho biết chi tiết. Điểm đồng thuận cụ thể hơn là hai tổng thống sẽ gặp nhau vào cuối tháng 10 và đại sứ Pháp sẽ trở lại Washingston vào tuần tới.

Nhìn chung, Hoa Kỳ thừa nhận vai trò chiến lược của nước Pháp và của Liên Hiệp Châu Âu tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và một nền quốc phòng châu Âu mạnh hơn và hiệu quả hơn sẽ đóng vai trò tích cực hơn vào an ninh xuyên Đại Tây Dương. Đây chính là điều mà nước Pháp đã bày tỏ từ nhiều tháng nay, trong khi tìm cách thuyết phục các đối tác châu Âu. Kể từ giờ, chính tổng thống Mỹ đã khẳng định điều này, nhưng với một điểm hơi khác biệt : Một nền quốc phòng như vậy của Liên Âu sẽ đóng vai trò bổ sung cho khối NATO ».

Tiếp theo cuộc điện đàm của nguyên thủ quốc gia hai nước, ngoại trưởng Pháp, Mỹ có kế hoạch gặp nhau hôm nay tại New York bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Nhận định về cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp, Mỹ, ông Benjamin Haddad, giám đốc phụ trách châu Âu của viện tư vấn Atlantic Council, chuyên về quan hệ Hoa Kỳ – Châu Âu, trụ sở tại Washington, nhận xét : Phía Mỹ đã hiểu rằng cuộc khủng hoảng tàu ngầm gây sốc với Paris « chủ yếu không phải về mặt thương mại mà vấn đề chính là sự tan vỡ niềm tin ». Đồng thời ông cảnh báo quan hệ song phương Pháp-Mỹ khó mà được khôi phục ngay sau một cuộc đối thoại như vậy.

Úc « kiên nhẫn » chờ đợi tái lập quan hệ với Pháp
Trong lúc Pháp, Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ với cuộc điện thoại Biden – Macron, không khí vẫn căng thẳng giữa Paris và Canberra. Tối hôm qua, tại Washington, bên lề diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo Caberra sẽ « kiên nhẫn » chờ đợi để tái lập quan hệ với Pháp.

Thủ tướng Úc cho biết cụ thể là đã cố gắng yêu cầu Pháp tổ chức một cuộc đối thoại với tổng thống Macron, nhưng cho đến chưa có sự chấp thuận từ Paris. Nếu như đại sứ Pháp sẽ trở lại Washington vào tuần tới, thì hiện tại chưa có thời điểm cụ thể cho quyết định tương tự với Úc.

Thương mại: Đến lượt Đài Loan xin gia nhập hiệp định CPTPP

Thùy Dương

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. AP – Chiang Ying-ying

Không lâu sau Trung Quốc, Đài Bắc hôm nay 23/09/2021 thông báo Đài Loan nộp đơn gia nhập hiệp định thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương, Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trả lời báo chí, phát ngôn viên chính phủ Đài Loan, La Bình Thành (Lo Ping Cheng) cho biết đa phần các nước thành viên CPTPP là các đối tác thương mại chính của Đài Loan, chiếm hơn 24% thương mại quốc tế của hòn đảo và « Đài Loan không thể đứng tách biệt với thế giới và phải gia nhập nền kinh tế khu vực ».

AFP nhắc lại, với 11 nước thành viên, tổng cộng 500 triệu dân, CPTPP là hiệp định tự do mậu dịch lớn nhất Châu Á – Thái Bình Dương, chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu.

Đài Bắc đã nỗ lực từ nhiều năm nay để gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cũng như đối với Trung Quốc, để chính thức được thâu nhận vào CPTPP, Đài Loan phải có sự chấp thuận của tất cả nước thành viên. Trước mắt, Đài Loan đã được Nhật Bản ủng hộ. Phát biểu trước báo giới tại New York nhân Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi hoan nghênh và ủng hộ đề xuất của Đài Bắc gia nhập CPTPP.

Lợi thế của Đài Loan là không có tranh chấp thương mại với một số quốc gia thành viên CPTPP như Trung Quốc, nhất là với Úc. Hôm nay, Canberra tuyên bố Bắc Kinh phải chấm dứt việc phong tỏa mối liên hệ với các quan chức chính trị cấp cao của Úc nếu muốn hy vọng được gia nhập CPTPP.

Đề nghị của Đài Bắc cũng có thể sẽ bị Trung Quốc phản đối do Bắc Kinh luôn coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Ngoài ra, khác với Bắc Kinh, Đài Bắc cũng không có quan hệ ngoại giao chính thức với tất cả các các nước thành viên CPTPP. Hồi tháng 8, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã lo ngại là sẽ vấp phải nhiều rào cản chính trị khi nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Bầu cử Đức : Châu Âu hồi hộp chờ người kế nhiệm Merkel

Thu Hằng

Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel chuẩn bị chia tay chính trường sau 16 năm điều hành đất nước. Hauke-Christian Dittrich AFP

Châu Âu sẽ phải làm quen lại từ đầu với một nhà lãnh đạo mới của Đức. Thủ tướng Angela Merkel, 67 tuổi, quyết định rút khỏi chính trường, để lại « một khoảng trống » vô định cho các đối tác châu Âu, vì cho tới nay Đức vẫn đóng vai trò chủ đạo trong khối 27 nước.

Trong suốt « thời đại » 16 năm, các nhà lãnh đạo châu Âu đã quen với một thủ tướng Đức « giản dị », nhưng thể hiện « quyền lực rất lớn » và đại diện được cho các nhóm khác nhau trong Liên Hiệp Châu Âu. Đối với các nước Trung và Đông Âu, bà Merkel là cầu nối giữa tây và đông châu lục, vì bà sinh ra và lớn lên ở Đông Đức. Bốn nước theo « chủ trương khắc khổ » về ngân sách (Áo, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch) cần đến sự ủng hộ của Berlin sau khi Anh rời khỏi Liên Âu. Còn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý lo một nước Đức « ích kỷ » và vô địch về « thắt lưng buộc bụng » tái xuất hiện sau thời Merkel. Riêng Paris sẽ mất đi một đối tác tạo nên cặp Đức-Pháp năng động trong nhiều hồ sơ lớn của châu Âu, như kế hoạch tái thiết 750 tỉ euro dựa trên cơ chế nợ chung của 27 nước.

Khó khăn đầu tiên mà Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải đối mặt là thời gian Đức thành lập được chính phủ. Ông Sébastien Maillard, giám đốc Viện Jacques Delors, nhắc lại với nhật báo Le Monde (22/09) : « Năm 2017, phải mất đến 5 tháng, Đức mới thành lập được chính phủ liên minh (SPD và CDU-CSU). Trong suốt thời gian này, Đức là một đối tác « im hơi lặng tiếng » đối với các nước châu Âu ».

Tình hình dường như cũng không khả quan hơn trong kỳ bầu cử này. Theo thẩm định, chính phủ mới của Đức sẽ cần đến hai, thậm chí là ba đảng liên minh, trong khi các đảng này cũng bất đồng về nhiều chủ đề lớn như khí hậu, thuế khóa và đối ngoại. Mỗi đảng sẽ lại đặt điều kiện để tham gia liên minh và tìm cách chặn những dự án đối nghịch nhất, theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos.

Ngoài ra, hai trong số ba ứng viên « sáng giá », Armin Laschet của đảng CDU cầm quyền hiện nay và Annalena Baerbock thuộc đảng Xanh đều thiếu kinh nghiệm đối ngoại. Ông Armin Laschet là người ủng hộ nhiệt tình nhất chiến lược quốc phòng chung châu Âu ngoài khuôn khổ NATO, điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang dốc hết tâm sức bảo vệ. Ông cũng là người duy nhất yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng lên mức tương đương với 2% GDP. Có thể nói ông sẽ là người « tiếp nối » chính sách của bà Merkel, nhưng vấn đề ở chỗ ông chỉ nhận được khoảng 12% ý định bỏ phiếu, bị đối thủ Olaf Scholz bỏ xa.

Ứng cử viên của đảng Xã Hội-Dân Chủ SPD là người duy nhất có kinh nghiệm trong bộ Tài Chính và nắm được bí quyết về đàm phán châu Âu. Pháp và các nước Nam Âu có thể trông cậy vào ông Olaf Scholz về việc triển hạn cơ chế “nợ chung” châu Âu.

Lo lắng tiếp theo của Bruxelles là không biết gì về chính sách đối ngoại, đặc biệt là với Liên Hiệp Châu Âu, của ba ứng cử viên chính. Chủ đề châu Âu không hề được nhắc đến một lần trong ba cuộc tranh luận trên truyền hình của ba ứng cử viên và gần như « vô hình » trong các cuộc vận động, mit-tinh. Đây là « một sai lầm », theo Thomas Gutschker trên nhật báo bảo thủ Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, vì « rất nhiều hồ sơ phụ thuộc vào Đức ». Trong « bất kỳ hồ sơ chính trị nào, mọi ánh mắt đều hướng về Đức, quốc gia lớn nhất và mạnh nhất về kinh tế trong khối ».

Thực vậy, báo Le Point nhấn mạnh cử tri Đức không chỉ bầu ra một chính phủ, một thủ tướng, mà còn bầu ra một người đứng đầu Liên Hiệp Châu Âu trong tư cách chủ tịch luân phiên. Do đó, không thể bỏ qua những chủ đề của toàn khối như tái thiết kinh tế sau đại dịch, chống biến đổi khí hậu, phòng thủ chung châu Âu, chính sách nhập cư hay lập trường trước các cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Ông Piotr Buras, thuộc Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế Châu Âu (ECFR), nhận định với AFP « bà Angela Merkel đã khéo léo duy trì hiện trạng tại châu Âu trong những năm gần đây », tuy nhiên, trước những thách thức mà châu Âu phải đối mặt, « điều mà Liên Hiệp Châu Âu cần hiện nay là một nước Đức có tầm nhìn xa ». Thế nhưng, nếu nhìn vào chiến lược « ít chú ý đến châu Âu » của ba ứng cử viên chính, 26 nước sẽ mất một thời gian để làm quen với đối tác Đức mới.

Sau AUKUS, Pháp và Ấn Độ tăng cường quan hệ chiến lược


Trong bối cảnh quan hệ của Paris với Canberra và Washington đột ngột căng thẳng do cuộc khủng hoảng tàu ngầm, Le Monde và Les Echos đã rất chú ý đến quan hệ giữa Pháp và Ấn Độ, một nước rất thân cận với cả Mỹ lẫn Úc.

Ấn muốn được Pháp giúp về tàu ngầm hạt nhân

Trong bài viết mang tựa đề: “Sau cuộc khủng hoảng tàu ngầm, Ấn Độ tìm cách lấy lòng Pháp”, Les Echos nêu bật sự kiện là sau khi liên minh quân sự AUKUS, kết hợp ba nước Anh-Mỹ-Úc, được loan báo, Ấn Độ và Pháp đã tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

Đối với các nhà phân tích Ấn Độ được tờ báo trích dẫn, cuộc khủng hoảng tàu ngầm Pháp-Mỹ-Úc là cơ hội để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong lãnh vực tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Pháp cũng nắm vững và Ấn Độ rất ao ước.

Theo ghi nhận của Les Echos, tập đoàn đóng tàu chiến Naval Group của Pháp đã hỗ trợ Ấn Độ từ năm 2005 trong việc chế tạo 6 tàu ngầm quy ước lớp Scorpene, một loại tàu ngầm 1.800 tấn. Từng bước, Naval Group đã giúp ngành công nghiệp Ấn Độ nâng cấp. Sau chiếc tàu ngầm Kalvari đầu tiên hoàn thành vào năm 2017, từ đó đến nay, bốn chiếc đã được chuyển giao.

Theo ông Uday Bhaskar, một cựu sĩ quan Hải Quân Ấn Độ, hiện là giám đốc một think tank ở New Delhi, vào năm 2015, Ấn Độ đã thông qua dự án đóng 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Vấn đề theo chuyên gia này là “Hoa Kỳ luôn từ chối chuyển giao công nghệ này cho Ấn Độ với danh nghĩa không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng giờ đây với Úc, họ đã mở rộng cánh cửa cho Pháp và Ấn Độ”.

Kể từ khi Pháp bán 36 máy bay Rafale vào năm 2016 cho Ấn Độ, Paris và New Delhi đã tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, với việc gia tăng các cuộc tập trận quân sự chung. Thực tế tuy nhiên là Ấn Độ vẫn phân vân giữa những lựa chọn trái ngược nhau, giữa việc mua từ nước ngoài những thiết bị quân sự mới nhất hiện có, hoặc sản xuất trong nước.

Pháp muốn siết chặt thêm quan hệ đối tác chiến lược với Ấn

Cũng về quan hệ Pháp-Ấn, báo Le Monde lại nhận thấy rằng: “Sau AUKUS, Pháp tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ”. Theo tờ báo, Paris có điều kiện thuận lợi trong bối cảnh thủ tướng Ấn Narendra Modi đang cần đến một đối tác để trang bị cho mình 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân và có thể viện đến công nghệ Pháp.

Về phía Paris, theo tờ Le Monde, vì bị suy yếu với hiệp ước an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc, Pháp đang tìm cách củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tờ báo Pháp nhắc lại rằng tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi qua điện thoại vào ngày 21/09 với thủ tướng Ấn  Narendra Modi, và theo điện Elysée, hai bên đã “tái khẳng định mong muốn chung là cùng hành động trong một không gian Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở và hòa nhập, kể cả trong khuôn khổ quan hệ Châu Âu – Ấn Độ và các chương trình của Châu Âu tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương ”.

Thông cáo nhấn mạnh rằng “cách tiếp cận này nhằm phát huy ổn định khu vực và việc tôn trọng pháp quyền, đồng thời loại trừ mọi hình thức bá quyền”.

Hoa Kỳ không được đề cập đến, nhưng người ta có thể dễ dàng đọc được phản ứng về “sự phản bội” của người Mỹ. Nguyên thủ Pháp nhắc lại “cam kết của Pháp trong việc góp phần củng cố quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ, bao gồm cơ sở công nghiệp và công nghệ của nước này, trong khuôn khổ mối quan hệ chặt chẽ dựa trên sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa hai đối tác chiến lược”.

Đoạn này rất quan trọng vì Ấn Độ, vừa là đồng minh của Washington trong Bộ Tứ Quad (cơ chế đối thoại an ninh giữa Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ), vừa là đồng minh của Pháp thông qua quan hệ đối tác chiến lược.

TT  Trump kiện New York Times và cháu gái về câu chuyện hồ sơ thuế

Cựu Tổng thống Trump và cháu gái Mary Trump (AP)

Cựu Tổng thống Donald Trump đã khởi kiện tờ báo New York Times và 3 trong số các phóng viên của tờ báo này cùng cháu gái của mình là Mary Trump do liên quan đến một câu chuyện năm 2018 mà tờ báo đã xuất bản về hồ sơ thuế của ông.

Theo The Daily Beast, ông Trump lập luận rằng New York Times đã ấp ủ một “âm mưu thâm hiểm” để có được thông tin nhạy cảm từ cháu gái của mình, Mary Trump.

Đơn kiện cáo buộc rằng tờ báo và ba phóng viên đã tìm cách thuyết phục bà Mary Trump tuồn hồ sơ tài chính của ông Trump cho họ, mặc dù điều này vi phạm thỏa thuận bảo mật mà bà đã ký năm 2001.

Các câu chuyện mà New York Times khi đó đăng tải tiết lộ ông Trump kiếm được khoảng 413 triệu USD từ bất động sản của cha mình và né tránh nghĩa vụ đóng thuế.

Ông Trump cho rằng New York Times đã biết về thỏa thuận pháp lý mà cháu gái của ông đang ký, nhưng vẫn khuyến khích bà lén đưa tài liệu ra khỏi văn phòng luật sư của mình.

Bà Mary còn bị ông Trump cáo buộc tìm cách lợi dụng tài liệu bí mật mà bà từng cam kết giữ kín để thu lợi khi xuất bản cuốn tự truyện “Too Much and Never Enough: How My Family Created the World’s Most Dangerous Man” (tạm dịch: Quá nhiều và Chưa bao giờ Đủ: Gia đình tôi đã Tạo ra Người đàn ông Nguy hiểm nhất Thế giới Như thế nào).

Trong đơn kiện, ông Trump đang đòi các bị đơn bồi thường “không dưới một trăm triệu đô la”.

Đơn kiện được ông Trump gửi tới tòa án hạt Dutchess, bang New York hôm 21/9.

Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ: Đừng để Taliban đánh lừa bạn

image.png

Rapper kiêm nhà hoạt động người Afghanistan, cô Sonita Alizadeh 

Reuters đưa tin, Rapper kiêm nhà hoạt động người Afghanistan, cô Sonita Alizadeh, đã cùng gia đình chạy trốn khỏi quê hương khi mảnh đất này bị Taliban cai trị lần cuối cách đây hơn hai thập kỷ. Thời điểm đó phụ nữ không thể đi làm, phải che mặt và các bé gái bị cấm đến trường.

Ngày 21/9, cô thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới đứng lên bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái khi Taliban đã trở lại nắm quyền.

“Người dân chúng ta còn lại điều gì? Và thành tựu đạt được trong 20 năm qua sẽ còn lại điều gì? Đừng để bị đánh lừa bởi những chiếc mặt nạ mà Taliban đang cố thể hiện trên thông tin đại chúng,” cô Alizadeh phát biểu trong một sự kiện trực tuyến bên lề cuộc họp thường niên cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi không còn thời gian nữa,” cô cầu khẩn.

Cô kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận Taliban, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em, đảm bảo truy cập Internet cho người dân Afghanistan, bao gồm cả việc để cho các trẻ em gái có thể đi học.

“Có vẻ như tất cả chúng ta đều biết phải làm gì. Nhưng câu hỏi đặt ra là, ai sẽ hành động hôm nay?” nhà hoạt động vì quyền phụ nữ nêu vấn đề.

“Phụ nữ Afghanistan đang cảm nhận một nỗi sợ hãi thực sự và rõ ràng, rằng sự đàn áp tàn bạo có hệ thống của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái trong những năm 90 đang quay trở lại,” Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet cho biết trong một sự kiện trực tuyến tương tự của Liên Hợp Quốc hôm 21/9.

Taliban tuyên bố hiện tại họ đã thay đổi so với thời kỳ cầm quyền 1996-2001, thời điểm mà họ cấm phụ nữ rời khỏi nhà nếu không có người thân là nam giới đi cùng. Về điều này, cộng đồng quốc tế khẳng định sẽ theo sát theo cam kết của Taliban, mặc dù không rõ nhóm khủng bố này sẽ thực hiện như thế nào.

Đáng lưu ý, Taliban đã khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi cam kết của họ về quyền của phụ nữ và trẻ em gái, khi tuần trước nhóm khủng bố này thông báo mở lại trường cho nam sinh trung học nhưng không dành cho nữ sinh. Các sinh viên nữ đại học cũng được thông báo rằng các nghiên cứu giờ đây sẽ diễn ra trong tình trạng phân biệt giới tính và họ phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về trang phục của người Hồi giáo. 

Mới đây, ngày 19/9, Thị trưởng lâm thời của thủ đô Afghanistan cho hay, Taliban đã ra lệnh cho phần lớn phụ nữ làm việc trong chính quyền thành phố Kabul phải rời nhiệm sở và ở nhà, bất kể tình trạng việc làm của họ ra sao.

Trước đó, ngày 17/9, Taliban đã thay thế Bộ Các vấn đề phụ nữ của thành phố bằng một bộ mới nhằm “tuyên truyền đức hạnh tốt đẹp và ngăn chặn sai trái”, buộc thôi việc các nhân viên cũ.

Related posts