Hôm thứ Tư (ngày 22/9), Đài Loan đã chính thức nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhật Bản bày tỏ hoan nghênh, trong khi đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều 24 máy bay quân sự đến quấy rối Đài Loan.
Bức ảnh chụp máy bay chiến đấu Trung Quốc bay qua Biển Hoa Đông ngày 20/7/2017. (Nguồn: Bộ Quốc phòng/Thông tấn xã Trung ương Đài Loan cung cấp)
ĐCSTQ khăng khăng với nguyên tắc “Một Trung Quốc”, cho rằng Đài Loan chỉ là một phần của Trung Quốc, chứ không phải là một quốc gia riêng biệt có quyền có quan hệ giao bang. Do đó, Đài Loan đã bị loại khỏi nhiều thể chế quốc tế. Chưa đầy một tuần trước khi Đài Loan chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP, ĐCSTQ cũng đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức này.
Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc báo cáo rằng 19 máy bay quân sự Trung Quốc đã vào Vùng Nhận dạng Phòng không Tây Nam của Đài Loan vào sáng thứ Năm (ngày 23/9), bao gồm 2 máy bay ném bom H-6 có khả năng mang hạt nhân và 12 máy bay chiến đấu J-16; sau đó còn có thêm 5 máy bay quân sự khác vào buổi chiều, tổng cộng là 24 chiếc. Cuộc xâm nhập này đã làm nổi bật áp lực mới của ĐCSTQ đối với Đài Loan. Quân đội Đài Loan đã cử lính tuần tra trên không đến chặn và cảnh báo quân Trung Quốc rời đi.
Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Đài Loan John Deng nói với Reuters rằng ĐCSTQ luôn cố gắng ngăn cản Đài Loan tham gia vào các vấn đề quốc tế.
“Do đó, nếu Trung Quốc (ĐCSTQ) tham gia trước, trường hợp thành viên của Đài Loan sẽ khá rủi ro, điều này rất rõ ràng,” ông nói.
Khi được hỏi về việc Đài Loan xin gia nhập CPTPP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên một lần nữa “kiên quyết phản đối việc Đài Loan gia nhập bất kỳ hiệp ước hoặc tổ chức chính thức nào”.
Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vào ngày 23/1/2017, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp rút khỏi TPP. Vào ngày 11/11/2017, hiệp định được đổi thành CPTPP, hiện do Nhật Bản dẫn đầu.
Ông John Deng chỉ ra rằng không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa đơn xin gia nhập của Đài Loan và Trung Quốc.
Ông tuyên bố rằng Đài Loan có một “chế độ” khác với ĐCSTQ – Đài Loan có dân chủ, pháp quyền, pháp luật minh bạch và tôn trọng tài sản cá nhân.
“Trung Quốc Đại Lục bình luận như thế nào về vấn đề này là việc của họ,” ông nói.
Ông John Deng cho biết với tư cách là một nhà sản xuất chất bán dẫn lớn, Đài Loan đã sử dụng cùng tên khi nộp đơn gia nhập CPTPP vì đã sử dụng cùng tên khi nộp đơn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đài Loan là thành viên của WTO và nhóm Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Vào tháng 1/2002, nước này chính thức gia nhập WTO với tên gọi là “Lãnh thổ hải quan riêng biệt của Đài Loan, Penghu, Kinmen và Matsu”.
“Tôi nhấn mạnh rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, có tên riêng. Nhưng đối với các giao dịch thương mại, cái tên mà chúng tôi sử dụng trong những năm qua là ít gây tranh cãi nhất”, ông John Deng nói.
Để trở thành thành viên của CPTPP, cần nộp đơn xin gia nhập cho Chính phủ New Zealand, cơ quan có trách nhiệm xử lý các thủ tục giấy tờ liên quan. CPTPP hiện có 11 quốc gia thành viên, Vương quốc Anh cũng đã nộp đơn xin gia nhập. Ông John Deng nhận định, đơn xin gia nhập của Vương quốc Anh hiện đang đạt được tiến độ nhanh nhất.
Khi Chính phủ Đài Loan chính thức công bố đơn gia nhập CPTPP, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi, người đang thăm Hoa Kỳ, nói rằng việc Đài Loan xin gia nhập là được hoan nghênh và “sẽ phản hồi dựa trên quan điểm chiến lược và sự hiểu biết của công chúng”.
Ông Motegi mô tả Đài Loan là một “đối tác cực kỳ quan trọng”, có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nhật Bản và có cùng các giá trị cơ bản như nhà nước pháp quyền… Đồng thời, ông cho rằng CPTPP có yêu cầu rất cao về quy tắc và tiếp cận thị trường, cần xem xét kỹ lưỡng xem Đài Loan có đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này hay không.
Đối với việc ĐCSTQ nộp đơn xin gia nhập vào ngày 16/9, ông Motegi và các đồng nghiệp Nhật Bản khác đã hết sức cẩn trọng. Khi nói về việc này trong cuộc họp báo sáng ngày 17/9, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu chỉ ra rằng ông sẽ hợp tác với các nước thành viên hiệp định và phản ứng một cách thận trọng.
Đài Loan gần đây đã có tiến bộ trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ và Châu Âu. Cả Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đều thất vọng vì Bắc Kinh thiếu tiến bộ trong việc mở cửa nền kinh tế và nhiệt tình ủng hộ các chính sách thị trường dân chủ và tự do của Đài Loan.
Theo Lý Ngôn, Epoch Times