Ăn Chặn Của Người Dân Lầm Than Vì Covid

San Hà (tổng hợp)

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn video tại khu vực đường Bùi Dương Lịch, tổ dân phố 5, khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân ghi lại cảnh một cán bộ dân phố phát 15kg gạo cho mỗi gia đình người dân nhưng lại yêu cầu ký xác nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ. Việc này khiến ai nấy bực bội và quay lại video để làm bằng chứng.

15 ký gạo = 1,5 triệu đồng?

Chị Trần Thị Còn (37 tuổi) cho biết, chiều 6/9, đoàn hỗ trợ gồm 5 người do tổ trưởng Võ Văn Sơn dẫn đầu đi phát gạo cho các gia đình khó khăn. Sau khi nhận 15kg gạo, chị và nhiều người phát giác ra trên danh sách phải ký vào cột ghi số 1,5 triệu đồng trong khi họ không hề nhận đồng nào.

Bên cạnh đó, anh Hoàng Bá Nhân (26 tuổi) cũng bày tỏ thắc mắc về sự việc vừa qua: “Chỉ lãnh gạo thôi mà phải ký nhận tiền. Điều này khiến người dân bức xúc nên đã trả gạo lại cho ông tổ trưởng. Bình thường chúng tôi cũng có thể đi làm được nên nếu không quá khó khăn thì không ai đòi số tiền đó đâu. Thế nhưng đã nghỉ làm mấy tháng nay rồi, chúng tôi quá khó khăn nên mới cần tiền», anh Nhân bức xúc.

Theo anh Nhân, người dân ở đây đa số chỉ nhận được 5kg gạo, 1 chai nước mắm, 1kg đường và 1 bịch sữa và mới đây là đợt phát 15kg gạo. Tuy nhiên, một số người từ chối nhận 15kg gạo khi phát hiện ra tờ giấy ghi nội dung nhận tiền.

Chị Huỳnh Thị Mộng Nhi – người thuê nhà ở khu vực này cũng cho biết gia đình chị đang vô cùng khó khăn khi rơi vào cảnh thất nghiệp và chờ nhận tiền hỗ trợ. 

“Tôi rất mong nhà nước hỗ trợ tôi gói cho người lao động tự do để tôi xoay xở được phần nào. Gia đình chúng tôi chưa nhận được gói hỗ trợ tiền nào, chỉ mới nhận được 5kg gạo đợt trước và 15kg mới đây. Trong tờ giấy ghi nhận 1,5 triệu nhưng thực tế chúng tôi mới nhận được 15kg gạo thôi, chưa nhận được tiền”- chị Nhi nói. 

Chị Lê Thị Nhung – người dân tổ 5 cho biết điều khiến chị bất bình là khi phát gạo, tổ trưởng đã không nói rõ ràng cho người dân về việc nhận gạo hay nhận tiền trước khi ký. «Lỡ người ta không biết chữ rồi ký thì đưa lên nói người ta nhận rồi, sẽ thiệt thòi cho người dân»-  chị Nhung nói.

“Do tổ trưởng không chịu gạch bỏ phần 1,5 triệu đồng này nên đã xảy ra hiểu lầm”

Ông Võ Văn Sơn cho biết, vừa rồi tổ có phát 2 tấn gạo cho 142 gia đình, mỗi gia đình 15 kg. Thiếu sót của ông là chưa kiểm tra kỹ giấy trước khi đi phát cho bà con, dẫn đến xảy ra sự việc trên.

“Sau khi phát gần hết thì bà con nói trong giấy có mục ký nhận 1,5 triệu đồng trong khi chỉ phát 15kg gạo nên nhiều người đã phản ứng. Tôi nhầm lẫn. Tôi chỉ phụ trách việc trao các phần quà, phát gạo hoặc nhu yếu phẩm cho bà con thôi”, ông Sơn giải thích.

Ông Trần Văn Minh – Trưởng ban Công tác MTTQ khu phố 1 cho biết khi gửi biểu mẫu xuống cho các tổ trưởng dân phố, đã yêu cầu gạch bỏ phần 1,5 triệu đồng và thay bằng 15kg gạo, nhưng do không hiểu nên ông Sơn không gạch bỏ phần này đi.

Bà Đinh Thị Lụa – Phó Chủ tịch phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân cho biết, sự việc xảy ra do phía tổ trưởng tổ dân phố đã sơ suất và phường đã giải quyết.

Làm sai lệch hồ sơ vụ án tại Công an Đồ Sơn

Rạng sáng 13-11-2020, Đội điều tra tổng hợp và Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Đồ Sơn kiểm tra đột xuất quán karaoke Hải Sơn 86, ở phường Hợp Đức (quận Đồ Sơn). Tại đây, kết quả test nhanh cho thấy 25 người dương tính với ma túy.

Buổi sáng, Phó trưởng công an Đồ Sơn Phạm Quang Tuấn ra lệnh không xử hình sự những người vi phạm mà chỉ xử hành chính. Đội điều tra tổng hợp được yêu cầu làm lại hồ sơ, ghi nhóm bay lắc bị bắt không sử dụng ma túy. Tuy nhiên, các cán bộ của Đội không đồng ý. 

Ngay sau đó, khi Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Nguyễn Hữu Cường báo cáo việc cán bộ của Đội không sửa lại lời khai thì ông Tuấn nói sẽ tự điều người. Sau đó vụ này được giao cho những người khác thực hiện…

Nguyễn Hữu Cường và Pham Quang Tuấn tiêu hủy toàn bộ hồ sơ cùng tang vật đã thu giữ; làm lại hồ sơ, viết lại biên bản kiểm tra và lời khai… 

Mấy ngày sau, Tuấn và Cường hướng dẫn các cán bộ tự viết bản kiểm điểm theo hướng không thu giữ ma túy, khách của quan karaoke không dùng ma túy, âm tính với ma túy và ký vào biên bản ghi lời khai, biên bản kiểm tra ma túy không chứa nội dung gì.

Cũng dưới sự chỉ đạo của Tuấn, Đỗ Hữu Dũng, nguyên Phó đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Q.Đồ Sơn, đã hướng dẫn cán bộ trong đội viết lại biên bản ghi lời khai, biên bản xét nghiệm ma túy để trống nội dung nhưng lại có chữ ký của những người vi phạm.

Đinh Đình Việt, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự – kinh tế – ma túy Công an Q.Đồ Sơn, dưới sự hướng dẫn của Tuấn, đã phối hợp với Cường ra lệnh cán bộ trong đội viết lại biên bản giống như trên để hợp thức hóa hồ sơ.

Nguyễn Viết Công và Vũ Duy Thanh là cán bộ Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Đồ Sơn, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Hữu Cường và Đỗ Hữu Dũng, đã viết lại biên bản kiểm tra hành chính theo hướng không phát hiện người, đồ vật, tài liệu có liên quan đến việc dùng ma túy rồi cùng nhau ký xác nhận vào biên bản.

Tuấn chỉ đạo Cường làm báo cáo, soạn thảo 3 quyết định xử phạt hành chính 3 người trong vụ ở quán karaoke Hải Sơn 86 và tự mình ký vào các quyết định đó để hợp thức hồ sơ.

Trước việc làm sai trái này, Thiếu tá Trịnh Văn Khoa, cán bộ Đội điều tra tổng hợp (Công an quận Đồ Sơn) đã làm đơn tố cáo và các chứng cứ liên quan gửi Cơ quan điều tra Việm kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Bộ Công an, đồng thời, làm đơn xin ra khỏi ngành. 

Nguyễn Hữu Cường được Trần Tiến Quang và Phạm Quang Tuấn chỉ thị trong việc nhận tiền từ người thân của người vi phạm. 

Nguyễn Hữu Cường trực tiếp nhận 680 triệu đồng. Trong đó, Cường nhận của Huy “Thơ” 500 triệu đồng, nhận của một người đàn ông không biết tên 150 triệu đồng, Hoàng Đình Tuấn 30 triệu đồng.

Những người trực tiếp nhận tiền từ người nhà của người vi phạm sau đó đưa lại cho Nguyễn Hữu Cường (tổng 390 triệu đồng) gồm: ông Trần Tiến Quang 30 triệu đồng; cán bộ đội Điều tra Tổng hợp Nguyễn Văn Tuấn 60 triệu đồng; cán bộ đội Hình sự Nguyễn Quang Anh 100 triệu đồng; Đội phó Đội Quản lý hành chính Đỗ Hữu Dũng 200 triệu đồng..

Về sau, Nguyễn Hữu Cường khai chỉ nhận trực tiếp từ Nguyễn Quang Anh và Đỗ Hữu Dũng mỗi người 100 triệu đồng. Lời khai trước không đúng vì Cường được ông Trần Tiến Quang và ông Phạm Quang Tuấn bảo phải nhận hết thì sẽ được hai ông lo liệu cho sau này.

Số tiền 200 triệu đồng nhận được, Cường chuyển lại cho ông Tần Tiến Quang và được ông Quang chia cho các cá nhân và đơn vị.

Trong vụ việc, Nguyễn Hữu Cường được chia 50 triệu đồng. Số tiền được chia, Cường chi tiêu vào việc cá nhân và công việc của Đội điều tra tổng hợp.

Năm cán bộ Đội điều tra tổng hợp khai được Nguyễn Hữu Cường chia cho mỗi người 1 triệu đồng nhưng không ai nhận. Sau đó, ông Cường đưa vào quỹ của đội số tiền 20 triệu.

Một Phó trưởng Công an phường Hợp Đức khai Nguyễn Hữu Cường đưa 15 triệu đồng nhưng không nhận.

Đến nay, cơ quan điều tra thu giữ 74 triệu đồng. Trong đó, Nguyễn Hữu Cường đưa vào quỹ của Đội Điều tra tổng hợp 20 triệu đồng; chi phí cho các công việc của Đội 28,455 triệu đồng; vợ Cường giao nộp 21,545 triệu đồng; Nguyễn Viết Công giao nộp 4 triệu đồng.

Các bị can bị truy tố gồm: Phạm Quang Tuấn – Phó Trưởng Công an quận, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận Đồ Sơn; Nguyễn Hữu Cường – Đội phó Đội Điều tra tổng hợp; Đỗ Hữu Dũng – Đội phó Đội Quản lý hành chính; Đinh Đình Việt – Đội trưởng Đội điều tra Hình sự; Nguyễn Viết Công và Vũ Duy Thanh – cán bộ Đội Quản lý hành chính.

Xã «buộc» dân nộp tiền để trả nợ quán xá

Thời điểm này, ông Hồ Xuân Hoàng đang giữ chức Chủ tịch xã Hải Phúc và ông Hoàng Đình là công chức địa chính xã. Sau khi xã Hải Phúc sáp nhập vào xã Ba Lòng vào cuối năm 2019, ông Hồ Xuân Hoàng giữ chức Chủ tịch xã Ba Lòng và ông Hoàng Đình là công chức địa chính xã Ba Lòng.

Cụ thể, ông Hoàng có cho hàng chục gia đình thuê đất sản xuất. nhưng yêu cầu phải nộp riêng cho xã “phí” thuê đất từ 2 – 30 triệu đồng mới được xác nhận cấp đất sản xuất bằng một phiếu thu có chữ ký của ông Đình, là cán bộ địa chính xã. 

Tổng số tiền mà xã thu của dân thuê đất theo hình thức trên lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Số tiền này sau đó ông Hoàng dùng để xây nhà văn hóa thôn và trả nợ tiếp khách cho xã tại một số nhà hàng, quán xá trên địa bàn.

Sau khi Báo đưa tin và Thanh tra huyện Đakrông vào cuộc thì vào tháng 8-2020, ông Hồ Xuân Hoàng cùng một số cán bộ xã này bất ngờ tổ chức gặp một số gia đình để xin lỗi và trả lại số tiền đã thu của họ. 

Cán bộ chia chác đất rừng?

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị – Chi nhánh huyện Đakrông đã bàn giao 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 63 gia đình xã Ba Lòng. Đáng nói, nhiều người trong số đó là cán bộ xã và người thân.

Cụ thể, bà Hoàng T.H (vợ ông Hồ Xuân Hoàng) được xác nhận, cấp 2 thửa đất rộng hơn 5 ha; ông Hoàng Đình, cán bộ Địa chính xã Ba Lòng và người thân được cấp 9 thửa đất liền kề với diện tích hơn 5 ha; ông Nguyễn Trí Ba, cán bộ Địa chính xã Ba Lòng được cấp 3 thửa đất hơn 3 ha.

Các thửa đất trên thuộc Dự án 327 trước đây do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị quản lý với mục đích trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc trên địa bàn xã Hải Phúc. Khoảng năm 2009-2010, được bàn giao lại để xã Hải Phúc quản lý và giao cho những gia đình thiếu đất sản xuất canh tác

Yêu cầu 3 cán bộ, công chức xã trả lại tiền người dân “tự nguyện hỗ trợ”

Vào giữa tháng 7-2021, xã Hướng Việt phát tiền hỗ trợ người dân phục hóa, cải tạo ruộng lúa bị vùi lấp do thiên tai năm 2020.

Cụ thể, 240 gia đình ở xã Hướng Việt có hơn 30 ha ruộng lúa bị vùi lấp được giúp gần 550 triệu đồng gồm tiền mặt, phân bón. 

Xã lập tổ cấp phát tiền gồm một công chức Địa chính – Xây dựng, một công chức Địa chính – Nông nghiệp và một Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã.

Tuy nhiên, một số người dân cho biết, sau khi nhận tiền, họ được cán bộ phát tiền “gợi ý” hỗ trợ tiền nước uống và tiền làm giấy tờ. Nhiều người sau đó đã phải “tự nguyện hỗ trợ” từ 20.000 – 100.000 đồng cho các cán bộ.

Chủ tịch xã Hướng Việt Hồ Văn Sinh khẳng định xã không chỉ đạo, không định hướng cán bộ “gợi ý” người dân hỗ trợ lại tiền mà khi phát tiền, một số hộ dân đã “tự nguyện hỗ trợ” từ 20.000 – 50.000 đồng. Xã đã yêu cầu cán bộ trả lại tiền cho người dân

Trước câu hỏi có bao nhiêu người “tình nguyện hỗ trợ” và số tiền mà các cán bộ nhận được là bao nhiêu, ông Sinh cho hay chưa nắm được. “Xã sẽ yêu cầu những cán bộ, công chức này kiểm điểm, tường trình sự việc”.

Xã Hướng Việt phần lớn là người Vân Kiều sinh sống. Vào cuối tháng 10-2020, mưa lớn kéo dài khiến hàng triệu khối bùn đất, đá nguồn từ dãy núi Ka Lóc phía sau trung tâm xã bị sạt lở ùng ục tràn xuống xã khiến 4 người tử vong, nhiều người bị thương. Sau trận lũ bùn, hàng chục ngôi nhà ở xã  bị hư hỏng, sập đổ; trên 100 ha đất trồng lúa, hoa màu bị vùi lấp sâu đến 1-3 m.

San Hà (tổng hợp)

Related posts