Du Miên
Một tòa án Canada đã hủy bỏ thủ tục dẫn độ của Hoa Kỳ đối với giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu của Huawei, dỡ bỏ các điều kiện tại ngoại và cho phép bà ấy được tự do.
Quyết định được đưa ra vài giờ sau khi bà Mạnh đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tại một tòa án liên bang Hoa Kỳ ở Brooklyn.
Tham gia phiên tòa tại Hoa Kỳ trực tuyến từ Vancouver, bà Mạnh không nhận tội đối với các cáo buộc liên quan đến gian lận ngân hàng và chuyển khoản, nhưng thừa nhận một loạt các cáo buộc chống lại mình theo một thỏa thuận với các công tố viên Hoa Kỳ.
Theo thỏa thuận, phía Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ các cáo buộc chống lại bà Mạnh sau ngày 1/12/2022. Trong một tuyên bố, công tố viên Hoa Kỳ Nicole Boeckmann cho biết: “Khi tham gia vào thỏa thuận hoãn truy tố, bà Mạnh đã nhận trách nhiệm về vai trò chính của mình trong việc thực hiện một kế hoạch lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu”.
Công tố viên nêu rõ: “Việc bà ấy thừa nhận trong tuyên bố về sự thật xác nhận rằng, trong khi giữ vai trò là Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh đã có nhiều tuyên bố sai sự thật đối với một giám đốc điều hành cấp cao của một tổ chức tài chính về hoạt động kinh doanh của Huawei ở Iran, trong nỗ lực duy trì mối quan hệ ngân hàng của Huawei với tổ chức tài chính”.
Bà Mạnh bị bắt tại Vancouver vào ngày 1/12/2018, theo yêu cầu dẫn độ từ các quan chức Hoa Kỳ. Phía Mỹ sau đó đã buộc tội bà gian lận ngân hàng vì bị cáo buộc nói dối với một tổ chức khác về các giao dịch kinh doanh của Huawei với Iran, khiến tổ chức này vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Ông Louis Huang thuộc tổ chức Tự do và Dân chủ Vancouver cho Trung Quốc cầm ảnh của 2 công dân Canada là ông Michael Spavor và ông Michael Kovrig, những người đang bị Trung Quốc giam giữ, bên ngoài Tòa án Tối cao British Columbia, ở Vancouver, vào ngày 6/3/2019, khi Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu xuất hiện tại tòa án. (JASON REDMOND / AFP qua Getty Images)
Sau khi bà Mạnh bị bắt, Bắc Kinh đã đe dọa chính quyền Ottawa sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng nếu bà ấy không được trả tự do. Vài ngày sau, vào ngày 10/12/2018, 2 công dân Canada Kovrig và Spavor bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt giữ. Vào đầu năm 2019, một tòa án Trung Quốc đã thay đổi mức án 15 năm tù thành án tử hình dành cho ông Robert Schellenberg, một công dân Canada khác bị kết án vì tội danh liên quan đến ma túy. Chế độ này cũng đã chặn nhập khẩu nông sản của Canada sang Trung Quốc, gây thất thu hàng tỷ USD cho các nhà sản xuất Canada.
Vào ngày 10/8, khi vụ án dẫn độ của bà Mạnh đang xôn xao ở Canada, một tòa án Trung Quốc đã bác đơn kháng cáo của ông Schellenberg về bản án tử hình mà ông phải nhận. Ngày hôm sau, một tòa án Trung Quốc khác đã kết án ông Spavor 11 năm tù về tội gián điệp. Phiên tòa xét xử ông Kovrig, người Canada còn lại cũng bị buộc tội gián điệp, đã được tổ chức vào tháng Ba nhưng ông ấy vẫn chưa bị kết án.
Kể từ khi bị bắt, bà Mạnh đã được tại ngoại tự do, được phép sống tại một trong những dinh thự của bà ở Vancouver, và được đi lại xung quanh trong khu vực rộng 62 km vuông của Vancouver. Bà cũng nhận được những chuyến thăm từ thân nhân và gia đình từ Trung Quốc.
Cuộc chiến chống dẫn độ của bà Mạnh đã đến giai đoạn cuối cùng trong năm nay. Một Thẩm phán tại Tòa án tối cao của tỉnh bang British Columbia giám sát vụ án cho biết vào ngày 18/8 rằng, bà đang bảo lưu quyết định của mình về việc liệu bà Mạnh có nên bị dẫn độ hay không, ấn định ngày cập nhật tiếp theo vào cuối tháng 10.
Luật dẫn độ của Canada cho phép Bộ trưởng Tư pháp nước này can thiệp để ngăn chặn việc dẫn độ – yêu cầu từ phía Hoa Kỳ mà cho đến nay chính phủ Canada vẫn từ chối thực hiện.