Thượng đỉnh QUAD vì một khu vực « Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở »
Thanh Hà
Trong thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh QUAD tại Nhà Trắng hôm 24/09/2021, lãnh đạo bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc nhấn mạnh các bên « bảo vệ Nhà Nước pháp quyền, quyền tự do trên biển, trên không (…), bảo vệ những giá trị tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ ».
Sau hai giờ họp, tổng thống Joe Biden cùng ba vị thủ tướng Narendra Modi, Yoshihide Suga và Scott Morrison tránh nêu đích danh Trung Quốc. Tuy nhiên, những lời lẽ trong thông cáo chung được cho là trực tiếp nhắm vào Bắc Kinh. Cũng trong văn bản này, lãnh đạo Bộ Tứ lưu ý các bên « cùng nhau, một lần nữa cam kết thúc đẩy một trật tự căn cứ trên nền tảng pháp luật, tự do, rộng mở và không nao núng trước những hành vi cưỡng ép, để củng cố an ninh, sự thịnh vượng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương và xa hơn khu vực này ».
Liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, mối quan tâm của Mỹ và Nhật Bản, nhóm QUAD kêu gọi Bình Nhưỡng thiên về giải pháp ngoại giao.
Tuy nhiên, như đã dự báo, phần lớn nội dung thượng đỉnh lần này tập trung vào các vế hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, y tế, đối phó với đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh Ấn Độ vẫn có thêm trên dưới 30 ngàn ca dương tính với virus corona mỗi ngày.
Thông tín viên Carrie Nooten tại New York ghi nhận thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ lần này đã cố ý đẩy lùi vế an ninh xuống hàng thứ yếu để tập trung vào những hồ sơ y tế, hay chống biến đổi khí hậu :
« Vào lúc mà khủng hoảng ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Pháp về vụ tàu ngầm vừa tạm lắng xuống và Trung Quốc dự báo liên minh bộ tứ QUAD sẽ « thất bại », Washington đã làm tất cả để giảm thiểu khía cạnh an ninh nhân thượng đỉnh hôm qua. Thí dụ như các bên đã xoáy vào những điểm như 1 tỷ liều vac-xin chống Covid-19 được trao cho Ấn Độ hay thỏa thuận cho phép tăng cường mức độ an toàn về các khâu sản xuất linh kiện bán dẫn trong tương lai.
Dù vậy, cả bốn quốc gia dân chủ đều quan ngại trước đà vươn lên của Trung Quốc và những đợt thâm nhập Biển Đông của Hải Quân Trung Quốc. Các thành viên nhóm QUAD lần lượt kêu gọi duy trì một khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố : « Chúng tôi có mặt tại đây cùng nhau vì Ấn Độ – Thái Bình Dương, một khu vực mà chúng tôi mong muốn không bị những hành vi o ép, nơi mà chủ quyền của tất cả các quốc gia đều phải được tôn trọng, nơi mà mọi tranh chấp đều phải được giải quyết một cách bình tĩnh và trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế ».
Sau thông báo thành lập liên minh quân sự AUKUS, nhóm QUAD là liên minh thứ nhì được Hoa Kỳ khởi động lại trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đây là một thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Châu Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương vẫn là những đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng cả Liên Âu và NATO không còn là những đồng minh quan trọng duy nhất đối với Mỹ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã trao đổi với các đồng nhiệm Ấn Độ và Nhật Bản. Chắc chắn đó là để thăm dò tác động của QUAD trong quan hệ giữa Paris với hai đối tác này ».
Khí hậu: Tòa án Pháp buộc xử lại vụ “dỡ ảnh tổng thống” tại tòa thị chính
Trọng Thành
Trong lĩnh vực nhân quyền, chính trị và khí hậu tại Pháp, có một sự kiện đặc biệt. Ngày 22/09/2021, Tòa phá án đã bác bỏ phán quyết của Tòa phúc thẩm Bordeaux đối với các vụ người « tháo dỡ » chân dung tổng thống Macron tại nhiều tòa thị chính vùng Bordeaux, Lyon… năm 2019. Tòa phá án là cấp xét xử cao nhất trong hệ thống tư pháp nước Pháp, tương đương với cấp « giám đốc thẩm » theo hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Theo Tòa phá án Pháp, việc các bị cáo tháo dỡ chân dung của tổng thống Cộng Hòa Pháp không thể coi là một hành động đánh cắp (như phán quyết của Tòa phúc thẩm), mà thuộc về lĩnh vực tự do ngôn luận. Tòa phá án ra phán quyết nói trên sau khiếu nại của nhiều nhóm « tháo dỡ chân dung tổng thống » (tổng cộng 16 người). Bên khiếu nại phản đối việc tòa án phạt tiền họ vì tội « ăn cắp có tổ chức ». Trên thực tế, các vụ tháo dỡ chân dung tổng thống diễn ra công khai, không bạo lực, những người tham gia đều để hở mặt và công bố danh tính.
Theo AFP, bên khiếu nại cũng phản đối án phạt của Tòa phúc thẩm với một lý do khác. Tòa không thừa nhận hành động « tháo dỡ chân dung tổng thống » của họ, tuy là phạm luật nhưng phạm luật ở « mức độ tương xứng » với tính chất khẩn cấp mà những người tháo dỡ muốn báo động với xã hội về các hậu quả cực kỳ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, do thái độ vô trách nhiệm từ phía chính quyền.
Sau khi Tòa phán án ra phán quyết bác bỏ bản án phúc thẩm, ông Rémi Donaint, phát ngôn viên của mạng ANV-COP21 cho biết ANV-COP21 « rất hài lòng trước việc đã có một sự thừa nhận nhất định về tính hợp pháp của các hành động phi bạo lực – bất tuân dân sự, phát triển nhiều trong những năm gần đây ». ANV-COP21 là mạng lưới hành động phản kháng phi bạo lực thành lập trong dịp thượng đỉnh Khí hậu COP 21 Paris 2015.
Tòa phá án ra lệnh xử lại vụ án này tại Toulouse. Một mặt bác bỏ phán quyết của Tòa phúc thẩm, nhưng mặt khác, Tòa phá án cũng chấp nhận lập luận của Tòa phúc thẩm, về việc cho dù « tính chất khẩn cấp của vấn đề khí hậu là không thể phủ nhận được, tự thân hành động tháo dỡ chân dung tổng thống không phải là để tránh được các hậu quả, ngay cả khi chính quyền không làm đủ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ».
Ngược lại, ông Paul Mathonnet, luật sư của « những người tháo dỡ chân dung tổng thống », bảo vệ quyền được bày tỏ quan điểm của các đương sự, khi khẳng định rằng : « hành động vi phạm luật có thể chính là một thông điệp », việc vi phạm luật mang tính biểu tượng nói trên chính là một hành động thể hiện quan điểm, bày tỏ thái độ bất tuân dân sự bằng con đường bất bạo động.
Hiện tại, còn có khoảng hàng chục vụ « tháo dỡ chân dung tổng thống » đang chờ được xét xử.
Đầu 2021, một tòa án hành chính ở Paris ra phán quyết kết tội Nhà nước Pháp đã « không thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải », 2 năm sau khi Nhà nước Pháp bị 4 hiệp hội khởi kiện (vụ kiện được hơn 2,3 triệu người ủng hộ).
Đài Loan đã trở thành ‘đồng đội thân thiết’ của Mỹ
Các nhà phân tích cho rằng hòa bình và an ninh ở eo biển Đài Loan đã trở thành ưu tiên lớn hơn trong chương trình nghị sự của Washington, nâng Đài Loan từ một “đồng đội vô hình” thành một “đồng đội thân thiết”, do mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh, trang Taiwan News cho hay.
Trong một chương trình gần đây do VOA thực hiện, các chuyên gia chính trị cho biết sự mở rộng ổn định của mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan được thể hiện qua việc gia tăng hợp tác quốc phòng và quan hệ kinh tế, cho thấy hai điều: Thứ nhất, có sự thay đổi trong cách giải thích hiện trạng ở eo biển Đài Loan; thứ hai, rõ ràng là Đài Loan đã trở thành đồng đội thân thiết của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đường Tĩnh Viễn, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là nhà bình luận cấp cao của NTDTV, cho biết Washington đã đóng vai trò chủ động hơn trong việc giúp Đài Loan tăng cường khả năng răn đe, để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông nói thêm, điều này không có nghĩa là Washington sẽ từ bỏ “chính sách một Trung Quốc” hoặc đã thay đổi lập trường về hiện trạng trên eo biển Đài Loan.
“Khái niệm về hiện trạng qua eo biển đã chuyển từ tương đối tĩnh sang tương đối năng động, có nghĩa là Washington ngày nay đang phản ứng nhanh hơn, dứt khoát hơn và đôi khi mạnh mẽ hơn trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh, thay vì ít đối đầu hơn như trước đây được”, ông Đường nói.
Đồng thời, Đài Loan đang có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, Dương Hiến Hoành, người đứng đầu Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan cho biết. Điều này có thể được quan sát thấy từ các sự kiện như tuyên bố của Tổng thống Thái Anh Văn vào ngày 14/9 rằng Đài Loan sẽ tăng cường khả năng răn đe của mình thay vì phụ thuộc vào các đồng minh, cộng với sự tham gia của các quan chức ngoại giao và an ninh hàng đầu của Đài Loan trong các cuộc họp quốc phòng và an ninh với các quan chức hàng đầu của Mỹ.
“Điều đáng nói là các cuộc gặp cấp cao gần đây giữa Đài Loan và Mỹ đã được Washington công bố rộng rãi hơn là giấu kín”, ông Dương cho biết.
“Với tầm quan trọng địa chính trị của Đài Loan ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Washington biết rằng việc mất Đài Loan với tư cách là đồng minh có thể ảnh hưởng xấu đến lợi ích chiến lược của nước này trong khu vực chạy giữa Biển Hoa Đông và Biển Đông, vốn chiếm 35% đến 40% GDP toàn cầu”.
Ông Dương mô tả sự thay đổi này là một dấu hiệu cho thấy Đài Loan đã được nâng tầm từ một người đồng đội vô hình mà nó đã có trong nhiều thập kỷ, thành một người đồng đội thân thiết của Mỹ ngày nay. Điều này có nghĩa là Đài Loan cần được bảo vệ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và tầm nhìn về Liên Hiệp Châu Âu
Thùy Dương
Chủ Nhật 26/09/2021, nước Đức tổ chức bầu cử Nghị Viện. Theo dự kiến, những kết quả bỏ phiếu đầu tiên sẽ được công bố vào khoảng 18 giờ ngày mai. Kết quả bầu cử sau đó sẽ cho phép lựa chọn người kế nhiệm thủ tướng Angela Merkel. Nước Đức sẽ có thủ tướng mới, sang trang gần 16 năm liên tục dưới sự lãnh đạo của bà Angela Merkel.
Không chỉ là một bước ngoặt chính trị đối với nước Đức, mà nhìn rộng ra châu Âu, kết quả bầu cử Đức cũng đang được Bruxelles ngóng đợi, bởi cho đến nay, với nền kinh tế đứng đầu khối 27 nước, có thể nói Berlin vẫn đóng vai trò đầu tầu tại Liên Hiệp Châu Âu.
Khác với hai người tiền nhiệm Konrad Adenauer và Helmut Kohl, thủ tướng Đức Angela Merkel không « thấm nhuần » công cuộc xây dựng Liên Hiệp Châu Âu. Khi mới bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2005, bà Merkel thậm chí còn không mặn mà với ý tưởng về Liên Âu, cũng không hiểu tầm quan trọng của nước Pháp.
Thế nhưng, trong suốt gần 16 năm lãnh đạo, thủ tướng Đức đã cùng giới lãnh đạo châu Âu đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng, từ ngân sách Liên Âu giai đoạn 2007-2013, cuộc khủng hoảng đồng euro và nợ công Hy Lạp nổ ra vào năm 2010, khủng hoảng di dân quốc tế hồi năm 2015 và gần đây nhất là kế hoạch tái thiết kinh tế Liên Âu hậu Covid-19, đại dịch từng biến châu Âu thành khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng trên thế giới.
Mặc dù kế hoạch phục hồi kinh tế châu Âu vừa qua là một bước tiến đặc biệt quan trọng của thủ tướng Merkel đối với Bruxelles, thế nhưng xét về tổng thể các hành động của lãnh đạo Đức tại châu Âu, bà Merkel vẫn chịu nhiều chỉ trích. RFI tiếng Pháp dẫn lời Daniela Schwarzer, giám đốc điều hành của tổ chức Open Society Foundation, nhận định bà Merkel « luôn tìm cách thỏa hiệp để tiến lên », nhưng mọi sự chuyển đổi là « quá chậm, gây lãng phí thời gian » của cả khối Liên Âu.
Còn Franziska Brantner, chuyên gia về các vấn đề châu Âu của đảng Xanh, dù hoan nghênh việc bà Angela Merkel xử lý các cuộc khủng hoảng, nhưng lấy làm tiếc rằng nữ thủ tướng Đức « không có tầm nhìn », « không có tham vọng về châu Âu », « phản ứng với các cuộc khủng hoảng chỉ để tìm giải pháp, chứ không phải tìm cách tiến về phía trước », trái ngược với cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl và cựu ngoại trưởng Joschka Fischer. Bà Merkel cũng bị xem là gắn bó với tầm nhìn « liên chính phủ », chứ « không tìm cách củng cố, tăng cường các thể chế » của Liên Âu.
Bất chấp những đánh giá theo chiều hướng nói trên, theo một cuộc thăm dò mới đây, nếu chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu được bầu theo thể thức bầu cử trực tiếp, thủ tướng Đức sẽ được 41% phiếu bầu, so với tỉ lệ 14% của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Liên Âu muốn can thiệp vào cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Ba Lan-Belarus
Trọng Nghĩa
Việc chế độ Minsk sử dụng những người di cư từ Trung Đông, đẩy họ về phía biên giới châu Âu đang tạo ra thảm cảnh về nhân đạo. Hôm qua, 24/09/2021, tại vùng biên giới Ba Lan – Belarus, có thêm một di dân thiệt mạng, nâng số di dân chết lên thành 6 người.
Tình hình vùng biên giới nói trên cũng là một nguồn căng thẳng trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu vì Ủy Ban Châu Âu đã yêu cầu Ba Lan cho phép chuyên gia cơ quan biên phòng Liên Âu Frontex đến tận nơi quan sát. Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet giải thích:
“Bản thân Ba Lan có một lực lượng biên phòng rất đông và nước này muốn giải quyết vấn đề mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Ba Lan chỉ yêu cầu hỗ trợ chính trị từ các đối tác châu Âu.
Thế nhưng, những cáo buộc về việc chính quyền xua đuổi và cấm báo chí đến gần vùng biên giới đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ. Cho dù thận trọng không cáo buộc Ba Lan trục xuất người di cư, nhưng Ủy Ban Châu Âu vẫn yêu cầu Vacxava chấp nhận sự hiện diện của các chuyên gia Frontex, cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu.
Adalbert Jahnz, người phát ngôn của Ủy Ban Châu Âu giải thích: “Điều cần thiết là Ba Lan phải thực hiện hiệu quả các nghĩa vụ quản lý biên giới của mình.Tuy nhiên, điều này không nên phải trả giá bằng mạng sống của con người. Chúng tôi kêu gọi chính quyền các quốc gia thành viên Liên Âu đảm bảo rằng những người ở vùng biên giới nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ cần thiết”.
Ủy Viên Nội Vụ Châu Âu Ylva Johansson cũng muốn đến thị sát vùng giáp giới Belarus, nhưng vẫn chưa thể sắp xếp một cuộc gặp trước với bộ trưởng Nội Vụ Ba Lan.
Cả Liên Hiệp Châu Âu đều đánh giá rằng chế độ Belarus phải chịu trách nhiệm về thảm cảnh nhân đạo ở vùng biên giới Ba Lan, nhưng một số người ở Bruxelles đang báo động là không nên để Belarus gây bất đồng giữa các thành viên Liên Âu thông qua việc sử dụng người di cư một cách hèn hạ.”
Báo chí quốc tế đồng loạt nói lời tạm biệt Angela Markel
Không hẹn mà nên, « Auf Wiedersehen » (Tạm biệt) là tít lớn trang nhất mà tờ L’Express cùng với các tờ báo Le Figaro, Libération của Pháp ra ngày cuối tuần đều dành cho thủ tướng sắp mãn nhiệm của nước Đức trên trang bìa, với ảnh bà Angela Merkel trong bộ trang phục giản dị quen thuộc. Courrier International chạy tựa tiếng Pháp « Au revoir Angela », The Economist nói về « Sự hỗn độn mà Merkel để lại phía sau », và ra hẳn một số chuyên đề riêng về bà. Các tuần báo khác do đã dành số kỳ trước cho người phụ nữ đã lãnh đạo nước Đức 16 năm qua, chuyên đề tuần này của Le Point xếp hạng các bệnh viện, còn L’Obs nói về địa ốc.
Angela Merkel là phụ nữ đầu tiên và cũng là người trẻ nhất giữ chức thủ tướng vào lúc đó (51 tuổi), nay chuẩn bị ra đi. Hồ sơ của các báo điểm lại sự nghiệp của bà, người đã vững vàng đi qua nhiều giông bão : khủng hoảng tài chính năm 2008, nợ công Hy Lạp 2011, khủng hoảng di dân 2015, đại dịch Covid 2020.
Bốn may mắn của Angela Merkel
L’Express cho rằng Angela Merkel là người có nhiều may mắn. Không có một lãnh đạo quốc gia dân chủ nào tại vị lâu như bà, và tự ý rời quyền lực khi uy tín còn đang trên đỉnh cao. Báo chí quốc tế nói về sự nghiệp của Merkel, nhưng quên mất đi một yếu tố quan trọng là sự may mắn. Bà xuất hiện đúng nơi, đúng lúc và biết tận dụng cơ hội.
Bắt đầu bằng sự khác biệt. Nữ thủ tướng đầu tiên của Đức xuất thân từ một quốc gia không còn hiện hữu là Cộng hòa Dân chủ Đức, có hai cuộc sống trước và sau sự sụp đổ của bức tường Berlin, 35 năm dưới một chế độ toàn trị và 30 năm trong chính thể dân chủ.
Cơ hội thứ hai : bà tượng trưng cho tất cả những gì mà một nước Đức thống nhất cần đến vào lúc đó, năm 1990 : đảng bảo thủ Tây Đức gồm toàn nam giới Thiên Chúa giáo muốn có một khuôn mặt từ Đông Đức và là phụ nữ. May mắn thứ ba : Merkel đang là dân biểu, bộ trưởng và tổng thư ký đảng CDU vào lúc hai khuôn mặt hàng đầu là Helmut Kohl và Wolfgang Schauble bị tai tiếng quỹ đen. Thứ tư, tính cách mạnh mẽ, điềm tĩnh của Angela Merkel là những gì đất nước cần đến, trước những cuộc khủng hoảng liên tục từ năm 2005 đến năm 2021.
Nhà khoa học trở thành chính khách chưa bao giờ hứa hão
Bà trở thành thủ tướng vào đầu thế kỷ 21, khi các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín làm đảo lộn địa chính trị thế giới. Từ năm 2015 đến nay, các nền dân chủ tự do bị rung chuyển vì Brexit, Donald Trump, làn sóng dân túy, các thảm họa khí hậu và đại dịch Covid. Vì Nga xâm chiếm Crimée và xúi giục Donbass ly khai, Trung Quốc trở thành đại cường kinh tế và quân sự hiếu chiến. Vì thất bại của can thiệp phương Tây vào Trung Đông, Afghanistan ; bất đồng nội bộ trong Liên Hiệp Châu Âu ; sự thụ động của NATO ; Mỹ xa rời châu Âu…
Merkel đã xử lý các khủng hoảng với quan tâm thường trực về một châu Âu đoàn kết, tuy nhiên không có sáng tạo, không có những động thái táo bạo mà EU cần đến, gây bất bình cho các tổng thống Pháp vì khư khư nguyên tắc kỷ luật ngân sách. Tuy nhiên, bà không có được quyền tự chủ rộng rãi như tổng thống Pháp, không thể ra quyết định mà trước đó không thuyết phục được Quốc Hội. Rốt cuộc, người chấp nhận cứu vãn Hy Lạp, kế hoạch tái thúc đẩy quy mô cho EU là Angela Merkel, tuy mất nhiều thời gian nhưng bà đã có quyết định.
Trong 16 năm cầm quyền, nhà khoa học chuyển sang làm chính trị luôn là một nhà lãnh đạo đặt đạo đức lên hàng đầu. Không chỉ có câu nói nổi tiếng « Wir schaffen das » (Chúng ta có thể làm được điều đó) khi đón tiếp 1 triệu người tị nạn Syria. Angela Merkel thường thay đổi ý kiến, nhưng bà chưa bao giờ hứa hão. Vắng bà, châu Âu mất đi một la bàn đạo đức trong một thế giới đang chao đảo. Còn đối với giới trẻ Đức, khuôn mặt nhà lãnh đạo nữ quen thuộc đến nỗi có câu chuyện là một cậu bé hỏi mẹ, liệu nam giới có thể lên làm thủ tướng được không.